Nga phản công tổng lực ở Kursk, Ukraine gặp nguy
Nga phản công lớn ở Kursk
Ngày 6/8, hàng nghìn binh sĩ tinh nhuệ của Ukraine được yểm trợ bởi dàn máy bay không người lái và vũ khí hạng nặng, bao gồm cả vũ khí do phương Tây sản xuất, đã tiến hành cuộc tấn công bất ngờ vào tỉnh Kursk của Nga.
Kể từ đó, quân đội Ukraine được cho là đang kiểm soát khoảng 1.300 km2 lãnh thổ Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tuần trước từng phát biểu với hãng tin Sky News rằng, Ukraine sẽ giữ vùng lãnh thổ này như một phần quan trọng trong kế hoạch chiến thắng của ông nhằm chấm dứt chiến tranh.
Tuy nhiên, mục tiêu này khó có thể trở thành hiện thực khi Nga đang phản công mạnh ở Kusk. Theo hãng tin RBC Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu quân đội nước này đẩy lùi các lực lượng Ukraine khỏi tỉnh biên giới Kursk trước ngày 1/10.
Sau hơn một tháng kể từ khi Ukraine mở cuộc tấn công vùng Kursk, Nga đã chính thức bắt đầu cuộc phản công quy mô lớn ở tỉnh biên giới này. Một kênh Telegram thân Nga ngày 11/9 đã công bố các đoạn clip cho thấy những thành tựu của Trung đoàn Cận vệ số 51 thuộc lực lượng nhảy dù Nga gần khu định cư Snagost.
Video dài nhất được quay từ máy bay không người lái và cho thấy một trận chiến ở vùng nông thôn có sự tham gia của nhiều xe bọc thép. Một video khác cho thấy cảnh một nhóm tù binh chiến tranh Ukraine đang đi bộ trên đường.
Cùng ngày, Yuri Podolyaka, một blogger quân sự thân Nga và hai blogger có ảnh hưởng khác là Rybar và Two Majors cho biết, các lực lượng Nga đã bắt đầu một cuộc phản công lớn ở Kursk.
Blogger Two Majors viết: “Tại khu vực Kursk, quân đội Nga đã phát động các hành động phản công ở sườn phía Tây của đối phương, thu hẹp vùng kiểm soát của Ukraine gần biên giới đất nước”.
Blogger Podolyaka cho biết: “Quân đội Nga đã giành lại quyền kiểm soát một số ngôi làng ở phía Tây của vùng lãnh thổ mà Ukraine đang kiểm soát, đẩy lực lượng Kiev về phía Đông sông Malaya Loknya, phía Nam Snagost”.
Kênh Telegram Military Correspondents of the Russian Spring cũng đưa tin: “Lính thủy đánh bộ và lính dù Nga đang tấn công, đẩy lùi đối phương khỏi Korenevo, Snagost và Vishnevka cũng như khu vực Apanasovka. Ngoài ra, lính thủy đánh bộ đã đột nhập vào Gordeyevka tại địa điểm Glushkovsky”.
Mặc dù cả Bộ Quốc phòng Nga và Ukraine đều chưa chính thức bình luận về những thông tin này, nhưng hãng thông tấn TASS của nhà nước Nga ngày 11/9 theo giờ địa phương đưa tin, một chỉ huy lực lượng Nga đang chiến đấu ở Kursk tuyên bố các lực lượng của nước này đã giành lại quyền kiểm soát tại khoảng 10 khu định cư trong khu vực.
Tình hình đang thuận lợi với chúng tôi. Tổng cộng khoảng 10 khu định cư tại khu vực Kursk đã được giải phóng.
Thiếu tướng Apti Alaudinov - Chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Akhmat của Chechnya.
Trong bối cảnh đang thiếu nhân lực và vũ khí trầm trọng, việc Ukraine mở chiến dịch đột kích vào tỉnh biên giới Kursk của Nga kể từ ngày 6/8, được cho là một động thái khá mạo hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 10/9 cho biết, sau hơn một tháng tấn công Kursk, quân đội Ukraine đã mất hơn 11.800 binh sĩ, 93 xe tăng và hàng chục xe bọc thép khác, cùng nhiều vũ khí, trang thiết bị quân sự. Giới phân tích dự đoán, Ukraine có thể chỉ duy trì kiểm soát một phần lãnh thổ Kursk thêm một thời gian trước khi bị đẩy lùi hoặc phải rút lui khỏi mặt trận này để tập trung cho phòng tuyến miền Đông và giảm tổn thất nhân lực.
Tính toán của Ukraine phản tác dụng?
Sau khi phát động cuộc tấn công ở tỉnh Kursk, giới chức Ukraine tuyên bố Kiev không có ý định chiếm giữ lãnh thổ Nga. Nhưng ở thời điểm hiện tại, việc kiểm soát một phần lãnh thổ Kursk cho phép tạo vùng đệm an toàn cho các vùng biên giới Ukraine và giúp phân tán nguồn lực của Nga ở chiến trường Ukraine, đặc biệt là thành phố Pokrovsk, một trung tâm của nhiều tuyến đường bộ và đường sắt quan trọng ở tỉnh Donetsk.
Tuy nhiên, cho đến nay, Ukraine đã không đạt được mục tiêu chiến lược như mong đợi. Dù gây ra một số tổn thất cho Nga, nhưng những nỗ lực của Kiev không đủ để thay đổi cục diện chiến trường tại miền Đông Ukraine, nơi mà Moscow vẫn đang tiến gần hơn đến mục tiêu của mình.
Thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergei Shoigu ngày 10/9 tuyên bố, quân đội nước này đã giành thêm 1.000 km2 ở Donbass trong tháng 8 và tháng 9. Dữ liệu nguồn mở và báo cáo chiến trường cho thấy, tốc độ tiến quân trong tháng 8 của lực lượng Nga ở Donbass nhanh nhất trong hai năm qua. Theo đó, kể từ đầu tháng 8, Nga đã kiểm soát được khoảng 11 km2 mỗi ngày so với 5,8 km2 vào tháng 7 và 3,8 km2 vào tháng 6, với hầu hết các cuộc tấn công đều diễn ra trên trục Pokrovsk.
Tổng cộng, trong tám ngày của tháng 9 và toàn bộ tháng 8, quân đội Nga đã kiểm soát gần 1.000 km2 tại Ukraine. Diện tích lãnh thổ kiểm soát và tốc độ tiến quân của Nga đang không ngừng tăng lên.
Ông Sergei Shoigu - Thư ký Hội đồng An ninh Nga.
Các chuyên gia quân sự nhận định rằng, mặc dù cuộc tấn công Kursk đã buộc Nga phải điều động một số quân từ Donbass, nhưng điều này không có nhiều ảnh hưởng đến cuộc chiến tại Pokrovsk và điều đó đang buộc Ukraine phải đối mặt với một tình huống khó khăn.
Cuộc tấn công Kursk đã thu hút các lực lượng dự bị cơ động nhất của Ukraine khỏi Donbass. Ukraine thậm chí còn rút một số đơn vị từ các khu vực Pokrovsk, Toretsk và Chasov Yar khỏi tỉnh Donetsk.
Các lực lượng Ukraine tại tỉnh Donetsk cũng cho biết cuộc tấn công Kursk đã chuyển hướng một số nguồn cung cấp đạn dược của họ. Kiev đã cố gắng củng cố phòng tuyến của mình bằng cách triển khai các đơn vị mới thành lập và chuyển lực lượng vệ binh quốc gia từ phía Nam hoặc Đông Bắc, nhưng những lực lượng này vẫn không thể ngăn được đà tiến công như vũ bão của Nga. Trong bối cảnh ấy, các chuyên gia nhận định tấn công Kursk là một sai lầm về mặt chiến lược của Kiev.
Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây cũng khẳng định “canh bạc” ở Kursk của Kiev đã thất bại, không đạt được mục tiêu đề ra.
Đối phương đã không thành công trong bất cứ điều gì. Trước hết, lực lượng vũ trang của chúng tôi đã ổn định tình hình và bắt đầu dần dần đẩy họ ra khỏi các vùng lãnh thổ biên giới. Thứ hai và quan trọng nhất, các bước tiến của chúng tôi không hề bị chậm lại. Ngược lại, với việc di chuyển lực lượng khá lớn và không được chuẩn bị tốt đến khu vực biên giới, Ukraine đã tự làm suy yếu mình ở các trục chính và lực lượng của chúng tôi đã đẩy nhanh các hoạt động tấn công.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Việc Pokrovsk thất thủ sẽ cắt đứt tuyến tiếp tế chính của Ukraine cho các đơn vị ở những thành trì còn lại trên khắp khu vực, từ đó làm suy yếu khả năng phòng thủ của Ukraine ở các khu vực khác của tỉnh Donetsk. Kiểm soát Pokrovsk có thể mở đường để quân đội Nga tiếp tục tiến theo nhiều hướng khác nhau. Họ có thể tấn công về phía Nam vào sườn trái của quân đội Ukraine giữa Pokrovsk và Vuhledar ở phía Nam Donetsk, nơi Nga gần đây cũng bắt đầu giành được lợi thế. Ngoài ra, Nga cũng có thể tiến về phía Đông Bắc đến Kramatorsk, một trung tâm hậu cần lớn khác ở Donetsk hoặc tấn công về phía Tây vào Dnipropetrovsk.
Tên lửa tầm xa có thể thay đổi cục diện xung đột?
Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022, các nước NATO đã nhiều lần xoá bỏ những hạn chế do chính họ áp đặt trong lĩnh vực quân sự, từ việc chuyển giao xe tăng Leopard của Đức cho đến máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ.
Trong bối cảnh ấy, từ nhiều tháng qua, đặc biệt sau khi tiến hành chiến dịch đột kích vùng biên giới Kursk của Nga, Ukraine đã không ngừng hối thúc các đồng minh phương Tây vượt “lằn ranh đỏ” cuối cùng, cho phép Kiev tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Trước lời kêu gọi của Kiev, Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây nói rằng Mỹ đang xem xét vấn đề dỡ bỏ lệnh cấm Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công Nga. Tuyên bố đánh dấu khả năng thay đổi quan điểm của Mỹ, khi trước đây Washington vẫn ngăn cản Kiev làm điều đó do lo ngại leo thang xung đột với Nga. Tuy nhiên, liệu tên lửa tầm xa có thể giúp Ukraine thay đổi cục diện xung đột?
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Anh David Lammy vừa cùng đến thăm Kiev, đánh dấu chuyến thăm chung lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang gây sức ép với các đồng minh phương Tây để cho phép họ sử dụng tên lửa tầm xa chống lại Moscow.
Tại Kiev, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã đưa ra gợi ý mạnh mẽ nhất từ trước đến nay về việc Nhà Trắng sắp dỡ bỏ lệnh hạn chế Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự quan trọng bên trong nước Nga.
Trước đó, nhà ngoại giao Mỹ biện minh cho khả năng thay đổi lập trường của Washington là vì Nga đã tiếp nhận hàng trăm tên lửa đạn đạo tầm ngắn Fath-360 từ Iran và có khả năng sẽ sử dụng chúng ở Ukraine trong vòng vài tuần tới. Ông Blinken gọi động thái này là “sự leo thang đáng kể” của cuộc chiến. Mỹ sau đó đã áp đặt lệnh trừng phạt mới nhằm vào ngành hàng không Iran, trong khi Ukraine cảnh báo sẽ cắt đứt quan hệ với Tehran.
Về phần mình, cả Nga và Iran đều bác bỏ lời cáo buộc.
Ông Dmitry Peskov - Người phát ngôn Điện Kremlin cho hay: “Chúng tôi được nghe rất nhiều suy đoán về một số loại vũ khí nhất định được giao cho Nga. Không có bất kỳ căn cứ nào cho những suy đoán đó.”
Ông Abbas Araqchi - Ngoại trưởng Iran cũng cho biết: “Iran không chuyển giao tên lửa đạn đạo cho Nga. Chấm hết. Những người nghiện trừng phạt nên tự hỏi: làm thế nào Iran có thể sản xuất và được cho là bán vũ khí tinh vi? Trừng phạt không phải là giải pháp, mà là một phần của vấn đề”.
Bất chấp những tuyên bố từ giới chức Nga và Iran, việc ngoại trưởng hai nước Mỹ và Anh cùng đến thăm Kiev, tiếp theo sau là chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Anh Keir Starmer vào ngày 13/9 đang mở ra khả năng Ukraine sẽ sớm được phép bắn tên lửa Storm Shadow của Anh và Pháp cùng tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất có tầm bắn hơn 300 km vào Nga.
Ukraine tin rằng việc họ có thể sử dụng những vũ khí này để chống lại các cuộc tấn công tầm xa do Nga thực hiện mà không có bất kỳ hạn chế nào, sẽ đưa nước này đến gần hơn tới việc chấm dứt chiến tranh.
Theo các chuyên gia, nếu kịch bản này xảy ra, mục tiêu chính của Kiev sẽ là các căn cứ không quân cùng máy bay chiến đấu Nga. Ngoài ra với những cuộc tấn công như vậy, lực lượng vũ trang Ukraine sẽ cố gắng tước đi cơ hội tấn công bằng bom lượn của Nga, một trong những vũ khí quan trọng nhất dẫn đến thành công của Moscow trên chiến trường.
Dựa trên kịch bản như vậy, Nga sẽ buộc phải di dời máy bay chiến đấu đến các sân bay xa hơn, điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả tác chiến. Ngoài ra, Moscow cũng cần tập trung thêm nhiều hệ thống phòng không để bảo vệ các sân bay, khiến các cơ sở quan trọng khác không được phòng bị.
Tuy nhiên, một quyết định như vậy của Mỹ và phương Tây sẽ kéo theo nhiều rủi ro. Bởi chỉ một tính toán sai lầm của Kiev cũng sẽ có thể sẽ khiến nhiều dân thường thiệt mạng và gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, theo các nhà phân tích, cả hai loại tên lửa tầm xa do Anh/Pháp và Mỹ cung cấp cho Ukraine đều không thể giúp thay đổi cục diện xung đột do Ukraine không có khả năng sở hữu đủ số lượng vũ khí cần thiết để tạo ra sự khác biệt.
Hiện có những nghi ngờ về số lượng tên lửa Storm Shadow mà Ukraine còn lại trong kho vũ khí của mình, vốn đã được Kiev sử dụng trong Ukraine kể từ mùa xuân năm ngoái. Trong khi đó, Anh đã không còn sản xuất loại tên lửa này với số lượng lớn nữa, còn việc sản xuất tại Pháp cũng đang trong tình trạng “sống dở chết dở”.
Một vấn đề nữa là phạm vi mà các tên lửa Storm Shadow và ATACMS có thể hoạt động. Mặc dù cả hai đều có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách 300 km, nhưng các quan chức tình báo Mỹ tin rằng Nga đã di chuyển tới 90% máy bay chiến đấu ra khỏi tầm bắn của những loại tên lửa này.
Trong khi đó, Điện Kremlin ngày 11/9 tuyên bố Moscow sẽ đáp trả bằng “một phản ứng thích hợp” nếu Mỹ cho phép Ukraine tấn công sâu vào bên trong nước Nga bằng tên lửa tầm xa.
Diễn biến xung đột Nga - Ukraine trong hơn hai năm qua cho thấy không có loại vũ khí nào có thể trở thành “viên đạn bạc” giúp thay đổi cục diện xung đột. Việc tiếp tục đổ vũ khí vào chiến trường sẽ chỉ khiến xung đột tiếp tục kéo dài, gây thêm tổn thất cho cả hai bên tham chiến, đồng thời tác động tới hòa bình và an ninh khu vực, ảnh hưởng an ninh lương thực, năng lượng trên phạm vi toàn cầu và để lại những hệ lụy khôn lường. Trong bối cảnh ấy, các quốc gia liên quan cần tránh “đổ thêm dầu vào lửa”, thay vì đó nên nỗ lực tìm giải pháp chấm dứt xung đột nhằm đem lại một nền hòa bình toàn diện, bền vững.
Tối 19/1, tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân đã tham dự Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Xuân Quê hương 2025: Việt Nam - vươn lên trong kỷ nguyên mới” cùng gần 1000 kiều bào Việt Nam trên toàn thế giới về quê hương đón Tết.
Phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine đã công bố tên của 3 nữ con tin người Israel được trả tự do và chuyển các con tin cho bên trung gian vào ngày đầu tiên thực hiện lệnh ngừng bắn.
Ba nguồn tin thân cận nói với đài CNN rằng ông Donald Trump có ý định đến thăm Trung Quốc sau khi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ, tạo điều kiện cho một cuộc đối thoại cởi mở với Bắc Kinh nhưng vẫn theo đuổi lập trường cứng rắn đối với quốc gia này.
Trong khuôn khổ chương trình Xuân Quê hương 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự Chương trình do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết không quân tác chiến-chiến thuật, máy bay không người lái, cũng như lực lượng pháo binh và tên lửa của Nga đã gây thiệt hại cho quân đội và trang thiết bị quân sự của Ukraine tại 143 khu vực trong 24 giờ qua.
Thị trường xe điện toàn cầu đã ghi nhận bước tiến tích cực trong năm 2024 và dự báo xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong những năm tới.
0