Nga tấn công như vũ bão, Ukraine lâm nguy
Ukraine đang lâm nguy
Sau khi kiểm soát Avdiivka vào tháng 2, Nga đã tung nguồn lực khổng lồ nhằm xuyên thủng hệ thống phòng thủ yếu kém của Ukraine trên khắp chiến tuyến phía Đông, hướng tới ba cứ điểm then chốt gồm trung tâm quân sự quan trọng Pokrovsk, phía Tây Avdiivka; thành trì chiến lược Chasov Yar ở gần Bakhmut; và thành phố Kurakhove ở phía Đông Nam.
Trong 10 tuần sau đó, bản đồ của CNN và phân tích của nhóm giám sát Ukraine DeepStateMap cho thấy, Nga liên tiếp kiểm soát hàng loạt ngôi làng ở phía Tây Avdiivka.
Ngày 29/4, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi thừa nhận quân đội nước này đã rút lui về phía Tây khỏi 3 ngôi làng Berdychi, Semenivka và Novomykhailivka ở tỉnh Donetsk. Đây là những ngôi làng nằm trong cộng đồng Pokrovsk ở phía Tây tỉnh Donetsk miền Đông Ukraine, nơi vẫn đang là một trong những khu vực ác liệt nhất ở tiền tuyến. Những thắng lợi liên tiếp của Nga tại mặt trận này đang đặt các tuyến đường tiếp tế và trung tâm của Kiev ở phía Đông vào tình thế nguy hiểm khi nằm trong tầm bắn của hoả lực pháo binh vượt trội của Nga.
Bộ chỉ huy Ukraine phải lựa chọn giữa tình huống xấu và tình huống xấu hơn và họ đã quyết định để mất lãnh thổ thay vì mất lính.
Ông Serhii Kuzan - Chủ tịch Trung tâm an ninh và hợp tác Ukraine.
Tình hình càng phức tạp hơn cho phía Ukraine khi quân Nga đã đột phá được qua khu vực phía Bắc của phòng tuyến Ukraine bằng cách khai thác một lỗ hổng của đối phương và nhanh chóng tiến vào ngôi làng Ocheretyne. Ngôi làng này nằm trên con đường dẫn tới thành phố Pokrovsk, cách khoảng 30km về phía Tây.
Trong khi đó, tình hình ở miền Nam cũng diễn ra ác liệt khi Nga cố gắng tiến gần làng Krynky ở tỉnh Kherson, các làng Robotyne và Verbove ở tỉnh Zaporizhzhia và Staromayorske ở tỉnh Donetsk.
Tất cả những diễn biến này phản ánh tình hình nguy cấp đối với lực lượng Ukraine vừa thiếu quân vừa thiếu vũ khí. Trước đó, trong thông báo vào hôm 28/4/2024, tướng Oleksandr Syrsky, nói rằng tình hình tại mặt trận đã xấu đi. Giới chuyên gia quân sự nhận định rằng những bước tiến gần đây của Nga cho thấy họ muốn khai thác cơ hội trước khi lô đầu tiên của gói viện trợ quân sự Mỹ tới được Ukraine.
Trong khi đó, nhằm cản trở hoạt động vận chuyển vũ khí của phương Tây cho Kiev cũng như việc đưa vũ khí đó ra tiền tuyến, Nga đã chuyển trọng tâm sang nhắm mục tiêu vào mạng lưới đường sắt của Ukraine.
Công ty đường sắt quốc gia Ukraine cho hay, cơ sở hạ tầng đường sắt ở Donetsk, Kharkiv và khu vực miền Trung như Cherkasy và Dnipro đã trở thành mục tiêu tấn công của Nga trong những ngày gần đây.
Các cuộc tấn công vào mạng lưới đường sắt Ukraine xảy ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 23/4 tuyên bố Moscow sẽ nhắm mục tiêu vào vũ khí của phương Tây khi chúng đến Ukraine.
Đường sắt Ukraine đã đóng một vai trò quan trọng trong việc sơ tán dân thường khỏi các khu vực tiền tuyến, vận chuyển mọi thứ từ ngũ cốc đến hỗ trợ nhân đạo trên khắp đất nước cũng như vận chuyển vũ khí của các nước phương Tây cho Kiev.
Trong một báo cáo, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ cho rằng trong những tuần tới các lực lượng Nga sẽ tập trung nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng giao thông của Ukraine, đặc biệt là đường sắt, nhằm cản trở hoạt động vận chuyển vũ khí của phương Tây cho Kiev.
Nga chuẩn bị tấn công quy mô lớn
ISW nhận định rằng những thành quả mà Nga giành được thời gian gần đây tại chiến trường miền Đông Ukraine đang mang lại cho Bộ Chỉ huy Nga hai lựa chọn. Hoặc tiếp tục đánh về phía Tây tới Pokrovsk, hoặc tiến lên phía Bắc tới Chasov Yar - một thị trấn đã bị Nga tấn công không ngừng trong các tuần gần đây. Nguồn tin an ninh Ukraine cho biết, Nga đang tìm cách tận dụng lợi thế để đạt được những bước tiến trên chiến trường trước lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5.
Theo các quan chức Ukraine, Nga đã tung hơn 20 nghìn binh sỹ nhằm quyết chiếm Chasov Yar – một thị trấn nằm trên điểm cao chiến lược cách thành phố Bakhmut hoảng 11km về phía Tây.
Chasov Yar nằm trong khu vực công nghiệp Donbas, bao gồm các tỉnh Donetsk và Luhansk, được thành lập từ năm 1876, vào thời Sa hoàng. Khu định cư này có ngành công nghiệp đất sét nung và vật liệu gia cố khác rất phát triển.
Do nằm trên các ngọn đồi cao, đóng vai trò là công trình phòng thủ tự nhiên, Chasov Yar là thành phố có tầm quan trọng về chiến lược. Việc giành được Chasov Yar sẽ giúp Nga kiểm soát hỏa lực đối với các tuyến đường tiếp tế quan trọng của Ukraine trong khu vực. Điều này có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng cho những thành trì cuối cùng của Ukraine ở tỉnh Donetsk.
Nếu đối phương chiếm được những điểm cao chiến lược, đó sẽ là một vấn đề lớn đối với chúng tôi, bởi vì khi đó các thành phố Kostiantynivka, Kramatorsk, Sloviansk và Druzhkivka sẽ ngay lập tức bị tấn công.
Ông Nazar Voloshyn - Người phát ngôn Nhóm tác chiến khu vực Khortytsia, Ukraine.
Hiện, các lực lượng Nga đã tiến đến vùng ngoại ô phía Đông của Chasov Yar. Theo các quan chức Ukraine, các lực lượng Nga dự kiến sẽ tăng gấp đôi các cuộc tấn công để kiểm soát thị trấn này trước Ngày Chiến thắng 9/5.
Trong khi đó, binh sỹ Ukraine đang bảo vệ Chasov Yar cho biết họ vẫn đang chờ nhận được đạn dược từ Mỹ. Các quân nhân Ukraine thuộc lữ đoàn pháo binh số 148 đang đóng quân cách thành phố Donetsk do Nga kiểm soát không xa cho biết họ đang phải chiến đấu trong hoàn cảnh thiếu đạn pháo và không có đủ người thay thế để có thể nghỉ ngơi sau các trận chiến ở tiền tuyến.
Anh Oleksandr Kozachenko, lữ đoàn pháo binh số 148 của Ukraine chia sẻ: “Chúng tôi không có đủ đạn pháo. Nếu như thời kỳ đầu xung đột, chúng tôi bắn tới 100 quả đạn pháo mỗi ngày, thì bây giờ, chúng tôi chỉ có 30 quả, nhưng đó cũng là một điều xa xỉ. Trên thực tế chúng tôi chỉ được cấp năm hoặc sáu quả đạn pháo mỗi ngày, nhưng cũng không được phép bắn”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 29/4 cho biết các loại vũ khí quan trọng của Mỹ đang bắt đầu được chuyển đến nước này với số lượng nhỏ, nhưng việc giao hàng cần được tiến hành nhanh hơn khi Nga đang cố gắng tận dụng lợi thế.
Liệu Mỹ có thể tịch thu tài sản Nga bị đóng băng?
Nhằm có thêm nguồn tài trợ cho Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24/4 đã ký thông qua đạo luật hỗ trợ nước ngoài quy mô lớn, trong đó, không chỉ dành cho Ukraine gói viện trợ quân sự trị giá 61 tỷ USD mà còn trao quyền cho các quan chức Mỹ xác định và tịch thu tài sản của Nga ở Mỹ, sử dụng chúng vì lợi ích của Ukraine. Washington từ lâu đã nhất quyết tịch thu các tài sản bị đóng băng của Nga và lấy khoản tiền này để hỗ trợ Ukraine, trong khi Liên minh châu Âu (EU) cũng đang cân nhắc chuyển cho Kiev khoản lợi nhuận khoảng 3 tỷ USD có được từ các tài sản đang bị đóng băng của Nga ở châu Âu để mua vũ khí và phục vụ công tác tái thiết. Tuy nhiên, liệu những kế hoạch này của phương Tây có khả thi?
Mỹ và các đồng minh đã đóng băng 300 tỷ USD tài sản ở nước ngoài của Nga sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát. Với việc tài sản bị phong toả, Nga dù không thể tiếp cận các tài sản đã bị Mỹ và phương Tây phong tỏa, nhưng chúng vẫn thuộc về Nga.
Tuy nhiên, các điều khoản của Đạo luật Tái thiết thịnh vượng kinh tế và cơ hội cho người Ukraine (Đạo luật REPO) được ban hành mới đây về mặt lý thuyết có thể giúp Washington có thêm 5 tỷ USD để hỗ trợ cho Ukraine, đến từ tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga vốn đã bị đóng băng ở Mỹ.
Tuy nhiên, do phần lớn số tài sản của Nga bị đóng băng đang nằm ở nước châu Âu chứ không phải ở Mỹ nên dù Tổng thống Biden có quyền quyết định số tiền thu được của Nga sẽ được sử dụng như thế nào vì lợi ích của Ukraine, thì ông vẫn sẽ phải tham khảo ý kiến của các thành viên khác trong G7 và Liên minh châu Âu trước khi hành động.
Trong hơn một năm qua, các nước phương Tây vẫn bất đồng về tính hợp pháp của việc tịch thu tài sản Nga để gửi cho Ukraine, bởi trong khi phong toả tài sản Nga là việc dễ dàng thì việc tịch thu tài sản đó và sử dụng chúng vì lợi ích của Ukraine sẽ đòi hỏi nhiều thủ tục pháp lý phức tạp.
Tại một sự kiện của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại hồi đầu tháng này, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde cho rằng việc tịch thu tài sản của Nga cần phải được xem xét rất cẩn thận vì nó có thể phá vỡ trật tự pháp lý quốc tế.
Dự kiến vấn đề tịch thu tài sản của Nga sẽ là một chủ đề quan trọng được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở Italy vào tháng 6 tới.
Rủi ro khi tịch thu tài sản Nga bị đóng băng
Việc tịch thu những khoản dự trữ bị đóng băng của Nga có thể có lợi cho chính phủ Mỹ về chính trị bởi kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm 2022, Mỹ và các đồng minh đã đổ hơn 250 tỷ USD vào cuộc chiến mà không mang lại hiệu quả cuối cùng nào. Ukraine gần đây đã phải chịu chuỗi thất bại trên chiến trường và tài trợ cho cuộc xung đột kéo dài này bằng tiền đóng thuế là điều mà người dân Mỹ thuộc mọi khuynh hướng chính trị đều không muốn. Tuy nhiên, Đạo luật Tái thiết thịnh vượng kinh tế và cơ hội cho người Ukraine cũng có thể dẫn tới những rủi ro. Giới quan sát nhận định, việc vũ khí hóa tài chính toàn cầu chống lại Nga có thể đi kèm với những tác động về kinh tế, tài chính và địa chính trị.
Theo các chuyên gia, nếu các tài sản bị tịch thu của Nga được chuyển vào quỹ tái thiết Ukraine, điều này sẽ đặt ra tiền lệ và có thể ảnh hưởng tới vị thế của Mỹ với tư cách là nơi an toàn nhất thế giới để cất giữ tài sản. Đây sẽ là một đòn đánh mạnh vào vị thế của đồng USD trong bối cảnh phong trào từ bỏ đồng USD trong giao thương quốc tế đang nở rộ gần đây.
Đây là một tiền lệ rất nguy hiểm, là sự phá hủy mọi nền tảng của hệ thống kinh tế, là hành vi xâm phạm tài sản nhà nước và tài sản tư nhân. Điều này là bất hợp pháp. Và những hành động này, bằng cách này hay cách khác, sẽ phải đối mặt của một số loại hành động trả đũa, và là đối tượng của thủ tục tố tụng.
Ông Dmitry Peskov – Người phát ngôn Điện Kremlin.
Điện Kremlin từng nhiều lần tuyên bố bất kỳ hành động tịch thu tài sản nào đều đi ngược lại nguyên tắc của thị trường tự do mà phương Tây đặt ra và sẽ làm sụt giảm niềm tin vào đồng USD cũng như đồng Euro, đồng thời cản trở đầu tư toàn cầu và làm suy yếu niềm tin vào các ngân hàng trung ương phương Tây.
Thực tế cho thấy sau khi Mỹ và các đồng minh phong tỏa tài sản Nga ở nước ngoài, nhiều doanh nghiệp Mỹ và EU tại Nga đã bị tịch thu không ít tài sản. Dù hiện nay nhiều doanh nghiệp đã rời khỏi Nga nhưng lượng tài sản còn lại vẫn rất lớn và thực tế nhiều doanh nghiệp phương Tây vẫn đang chờ cơ hội để được quay lại thị trường Nga. Nếu Mỹ và các quốc gia phương Tây thúc đẩy việc tịch thu tài sản Nga thì chính các tập đoàn này sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên, đây là một rủi ro rất lớn mà các chính phủ phương Tây phải cân nhắc.
Ngày 24/4, một tòa án của Nga đã ra phán quyết tịch thu số tiền 439,5 triệu USD từ Ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase. Đây là phán quyết đứng về phía Ngân hàng quốc doanh VTB của Nga, sau khi VTB bị JPMorgan đóng băng tài khoản tại Mỹ để thực thi biện pháp trừng phạt của chính phủ Mỹ đối với Nga sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra năm 2022. Tuần trước, VTB đã nộp đơn kiện lên tòa án trọng tài tại St. Petersburg nhằm lấy lại toàn bộ số tiền đã bị đóng băng trong tài khoản tại Mỹ. Động thái này diễn ra sau khi JPMorgan thông báo có kế hoạch rút khỏi thị trường Nga.
Diễn biến từ khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra đến nay cho thấy chính phủ Nga rất quyết đoán với hành động của mình. Một lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga sẽ luôn kèm theo một đòn đáp trả tương xứng, và về khía cạnh kinh tế thì chưa chắc các nước phương Tây đã chống chịu được sức ép lớn bằng Nga, một nền kinh tế đã được xoay sang mô hình thời chiến.
Khi cuộc chiến Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ 4, nhóm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa ra ba kịch bản để giải quyết cuộc xung đột khi ông chuẩn bị trở lại Nhà Trắng.
TikTok có thể xem là một trong những ứng dụng "xấu số" nhất thế giới. Dù có lượng người dùng đông đảo, ứng dụng này cũng đang bị cấm tại rất nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều lý do khác nhau.
Sáng 17/12, một thiết bị nổ được cài trong một chiếc xe scooter điện đã phát nổ gần lối vào của một tòa dân cư trên Đại lộ Ryazansky ở Moscow, vào đúng thời điểm người đứng đầu Lực lượng Phòng chống Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của quân đội Nga Igor Kirillov cùng trợ lý của ông đi ngang qua, khiến hai người thiệt mạng.
Theo các nguồn tin Ukraine, tính đến tháng 11 năm nay, ít nhất 18 tướng, một đô đốc Nga đã thiệt mạng. Tuy nhiên, phía Nga mới xác nhận 8 trường hợp, và thêm trường hợp mới nhất là Trung tướng Igor Kirillov.
Ở tuổi 73, ông Francois Bayrou trở thành thủ tướng thứ 4 của nước Pháp chỉ trong vòng một năm. Ông sẽ đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua và vực dậy nền kinh tế.
Israel đã tận dụng khoảng trống quyền lực ở Syria để ném bom các mục tiêu trên khắp đất nước nước này. Israel tuyên bố chiến dịch quân sự của họ ở Syria chỉ là “biện pháp tạm thời” để đảm bảo an ninh quốc gia, ngăn vũ khí của Syria rơi vào tay những kẻ cực đoan.
0