Nga tiến công mạnh, thành trì Donbass bên bờ sụp đổ
Thành trì chiến lược Donbass bên bờ vực sụp đổ
Nghiên cứu do hãng tin AFP thực hiện, sử dụng dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ cho thấy, quân đội Nga đã kiểm soát hơn 725 km² lãnh thổ Ukraine trong tháng 11. Khu vực này lớn hơn Singapore với diện tích khoảng 719 km², đánh dấu tốc độ kiểm soát lãnh thổ Ukraine nhanh nhất kể từ khi xung đột nổ ra. Trước đó, hồi tháng 10, Nga giành được kỷ lục 610 km².
Tốc độ tiến công của Nga tăng dần kể từ cuối mùa xuân năm nay và đặc biệt sau khi Ukraine mở chiến dịch tấn công tỉnh biên giới Kursk. Từ đầu năm đến nay, Nga giành được hơn 3.500 km² lãnh thổ Ukraine, gấp 6 lần so với cả năm 2023. Kể từ khi xung đột nổ ra, tổng diện tích đất ở Ukraine mà Nga kiểm soát là 68.050 km².
Đáng chú ý, quân đội Ukraine ngày 11/12 thừa nhận, quân đội Nga đã phá hủy hoặc chiếm được một số vị trí của Ukraine gần thành phố Pokrovsk ở phía Đông. Động thái này diễn ra khi Moscow tiến vào trung tâm hậu cần chiến lược Pokrovsk, nơi có một mỏ than cốc của Ukraine.
Theo DeepState, đơn vị lập bản đồ tiền tuyến bằng các nguồn mở của Ukraine, sau nhiều tháng tiến quân nhanh về phía Pokrovsk, lực lượng Nga hiện chỉ cách vùng ngoại ô phía Nam thành phố khoảng 3 km.
Do hậu quả của các cuộc giao tranh kéo dài, hai vị trí của chúng tôi đã bị phá hủy, một vị trí thất thủ. Hiện tại, nhiều biện pháp đang được thực hiện để khôi phục lại các vị trí.
Ông Nazar Voloshyn, Người phát ngôn quân đội Ukraine tại mặt trận phía Đông.
Pokrovsk, nằm cách ranh giới của các vùng Donetsk và Dnipropetrovsk của Ukraine khoảng 18 km, trong nhiều tháng là khu vực diễn ra các trận chiến ác liệt nhất trong chiến dịch quân sự đã kéo dài 33 tháng của Nga ở Ukraine. Các nhà phân tích cho biết, vào tháng 10 và tháng 11, quân đội Nga đã tiến về thành phố này với tốc độ kỷ lục, nhanh nhất kể từ đầu cuộc chiến.
Mặc dù không phải là một thành phố lớn nhưng Pokrovsk nằm trên một tuyến đường tiếp tế quan trọng kết nối thành phố với các trung tâm quân sự. Thành phố này tạo thành xương sống của hệ thống phòng thủ của Ukraine tại một phần của vùng Donetsk vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Kiev. Ngoài ra, ở Pokrovsk cũng có một mỏ than cốc, là nơi cung cấp than cốc trong nước duy nhất cho ngành công nghiệp thép khổng lồ trước đây của Ukraine.
Nga coi việc kiểm soát Pokrovsk là bước đệm quan trọng để sáp nhập toàn bộ khu vực Donetsk. Việc kiểm soát thành phố được coi là “cửa ngõ vào Donetsk” sẽ cho phép Moscow phá vỡ các tuyến tiếp tế của Ukraine dọc theo mặt trận phía Đông.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến thăm thành phố đang bị bao vây này vào tháng 11 và gặp gỡ những người lính đang bảo vệ thành phố. Phát biểu tại đây, ông thừa nhận giao tranh tại Pokrovsk đang diễn ra hết sức căng thẳng.
Đây là một hướng giao tranh căng thẳng và đầy thách thức. Chính nhờ sức mạnh của những chiến binh của chúng ta mà miền Đông mới không bị Nga chiếm giữ hoàn toàn.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Nếu Pokrovsk thất thủ thì đây sẽ là thất bại quân sự lớn nhất đối với Kiev trong nhiều tháng. Theo dự đoán của Cơ quan Tình báo Bộ Quốc phòng Estonia, quân đội Ukraine có thể sẽ phải rút khỏi Pokrovsk vào cuối năm nay.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố họ đã kiểm soát thị trấn Voznesenka, vài ngày sau khi chiếm được khu vực Kreminna Balka gần đó. Cả hai ngôi làng đều nằm ngay phía Bắc Kurakhove. Tuy nhiên, theo DeepState, Voznesenka vẫn nằm trong vùng xám, nơi không bên nào kiểm soát được thị trấn, dù thừa nhận rằng Nga đang áp sát khu vực này.
Tại thành phố Kupiansk ở Kharkov thuộc Đông Bắc Ukraine, lực lượng Nga - mặc dù không giành được tiến triển nào trong tháng này - vẫn tiếp tục cuộc tấn công dọc theo tuyến Kupyansk - Svatove - Kreminna. Theo hướng Lyman, bộ binh Nga cũng đang tiến hành các cuộc tấn công trong khu vực.
Ukraine trình làng UAV tên lửa mới có tầm bắn gấp đôi ATACMS
Hầu hết các bước tiến của Nga ở Ukraine đều diễn ra ở khu vực Donetsk. Quân đội Ukraine hiện chỉ kiểm soát chưa đến 1/3 khu vực này, so với 40% hồi đầu năm. Xung đột không ngừng leo thang đang khiến hai bên tích cực đẩy mạnh việc nghiên cứu, chế tạo và sử dụng công nghệ quân sự trong chiến đấu. Trong khi Ukraine mới đây đã trình làng loại tên lửa - máy bay không người lái mới do nước này sản xuất, thì Nga cũng tuyên bố sẽ sản xuất hàng loạt tên lửa đạn đạo tầm trung siêu thanh Oreshnik, loại vũ khí đã tạo ra “cơn địa chấn” tại châu Âu ngay sau khi Nga tuyên bố lần đầu tiên thử nghiệm trên chiến trường Ukraine.
Ukraine vừa công bố một loại UAV tên lửa mới mà Kiev cho biết đã được sử dụng trong chiến đấu và dự kiến sẽ đưa vào sản xuất hàng loạt. Loại vũ khí này do chính Ukraine phát triển, được gọi là Peklo hay “Địa ngục” trong tiếng Ukraine, có tầm bắn xa hơn đáng kể so với các tên lửa đạn đạo chiến thuật và hành trình mà phương Tây cung cấp cho Kiev.
Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, lô Peklo đầu tiên đã được chuyển giao cho quân đội, song ông không tiết lộ số lượng cụ thể.
Ukraine cho biết Peklo là tên lửa lai máy bay không người lái có tầm bắn tới 700 km, tức gấp đôi Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân ATACMS mà Mỹ viện trợ và bay ở vận tốc tối đa khoảng 700 km/h.
Hình ảnh do Ukraine công bố cho thấy, UAV tên lửa Peklo dường như chỉ dài hơn một mét, có cánh điều hướng và một động cơ phản lực. Các chuyên gia nhận định, Peklo có cách thức phóng giống máy bay không người lái và không được trang bị động cơ đẩy sơ cấp giống như tên lửa thông thường.
Peklo là sự bổ sung mới nhất vào kho vũ khí mà Ukraine tự sản xuất, trong đó có nhiều loại máy bay không người lái tầm xa và tên lửa hành trình. Nước này đã đạt được những bước tiến lớn trong việc mở rộng quy mô cơ sở công nghiệp quốc phòng kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022.
Ukraine thường sử dụng nhiều vào máy bay không người lái và tên lửa tự chế để tấn công các mục tiêu quân sự quan trọng như sân bay và kho đạn nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Oreshnik - tên lửa Nga có thể thay vũ khí hạt nhân
Trong khi đó, tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) Oreshnik được Nga sử dụng lần đầu tiên trong cuộc xung đột tại Ukraine hồi cuối tháng 11 được xem là một bước tiến mới trong năng lực tên lửa của Nga, với khả năng tác động sâu rộng đến xung đột Nga - Ukraine cũng như cán cân quân sự khu vực và thế giới.
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Phát triển Xã hội Dân sự và Nhân quyền Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố việc triển khai hệ thống tên lửa Oreshnik sẽ giảm thiểu nhu cầu sử dụng vũ khí hạt nhân xuống mức thấp nhất.
Điều chúng ta cần bây giờ không phải là cải thiện học thuyết hạt nhân mà là nâng cấp Oreshnik. Bởi vì, nếu nhìn vào thực tế, với một số lượng đủ lớn các hệ thống hiện đại này, chúng ta sẽ gần như không cần sử dụng vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Oreshnik được cho là có tầm bắn 3.000 - 5.000 km. BBC dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng, với tầm bắn như vậy, Oreshnik có thể vươn đến hầu hết châu Âu.
Tổng thống Putin ngay sau đó cho biết, đây là tên lửa siêu vượt âm tầm trung thế hệ mới được thử nghiệm trong điều kiện tác chiến. Tên lửa này có tốc độ gấp 10 lần âm thanh, khiến nó gần như không thể đánh chặn. Ông nói thêm, Oreshnik có khả năng mang nhiều đầu đạn, bao gồm cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân.
Tên lửa có thể nhắm mục tiêu vào những công trình được bảo vệ tốt, nằm sâu trong lòng đất, giúp nó trở nên hiệu quả trước các mục tiêu kiên cố như boong-ke. Mặc dù không phải là vũ khí hủy diệt hàng loạt nhưng Oreshnik vẫn có khả năng gây ra sự hủy diệt lớn mà không cần sử dụng năng lượng hạt nhân.
Việc Nga sử dụng hệ thống tên lửa thử nghiệm này chống lại Ukraine gần như chắc chắn nhằm đưa ra thông điệp chiến lược sau khi Ukraine sử dụng tên lửa của phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga. Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matviyenko nhấn mạnh, phương Tây chắc chắn đã nhận được thông điệp từ vụ phóng Oreshnik cùng các tuyên bố của Tổng thống Putin.
Ngoài triển khai trong cuộc xung đột tại Ukraine, Nga cũng dự định cung cấp tên lửa Oreshnik cho nước láng giềng Belarus, sau khi Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko bày tỏ mong muốn mua loại vũ khí này.
Kế hoạch triển khai ra nước ngoài ngay sau khi ra mắt một loại tên lửa mới có thể là dấu hiệu quan trọng cho thấy quy mô sản xuất lớn. Theo Cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine, ước tính, Nga có thể sản xuất tới 25 tên lửa Oreshnik mỗi tháng, tương đương với sản lượng 300 tên lửa mỗi năm.
Gian nan đường tới hoà bình
Giữa bối cảnh ảm đạm trên chiến trường, giới chức Ukraine gần đây đã phát tín hiệu sẵn sàng đàm phán với Nga nhằm chấm dứt xung đột. Trong cuộc phỏng vấn mới đây, Tổng thống Ukraine Zelensky đã lần đầu tiên ám chỉ khả năng chấp nhận một thoả thuận ngừng bắn, trong đó NATO sẽ bảo trợ các vùng lãnh thổ hiện nay do Ukraine kiểm soát để chấm dứt giai đoạn nóng của cuộc chiến và mở đường cho việc giải quyết các vấn đề lãnh thổ còn lại thông qua biện pháp ngoại giao trong tương lai.
Đồng thời tại Mỹ, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng ông sẽ kết thúc cuộc xung đột này trong vòng 24h sau khi nhậm chức. Những tín hiệu đó khiến nhiều người hy vọng vào một giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột lớn nhất trong lịch sử hiện đại của châu Âu. Nhưng liệu hy vọng đó có thành hiện thực?
Theo giới quan sát, để giúp Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận hòa bình sẽ không phải là việc dễ dàng. Một phương án được nhắc tới nhiều tại các nước phương Tây hiện nay là việc đóng băng ranh giới xung đột để mở đầu các cuộc đàm phán. Nhưng hiện không bên nào tỏ ra thực sự hứng thú.
Ukraine lo ngại rằng nếu không có được sự đảm bảo an ninh thực sự từ phương Tây, việc đóng băng ranh giới sẽ chỉ giúp Nga có thời gian tập hợp lại lực lượng trước khi phát động một cuộc tấn công mới.
Điều đó có nghĩa là thua cuộc. Nga sẽ chiếm được lãnh thổ của chúng tôi và sau đó họ sẽ thống trị tại bàn đàm phán, với những yêu cầu mới.
Ông Mykhailo Podolyak - Trợ lý của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Tổng thống Ukraine Zelensky từng gợi ý rằng, Kiev có thể cân nhắc việc đóng băng tiền tuyến như hiện tại, như bước đầu tiên hướng tới một số loại thỏa thuận, miễn là “Ukraine đã được các đối tác của mình củng cố và có đủ vũ khí tầm xa và lời mời gia nhập NATO”. Tuy nhiên, cho đến nay, lời mời đó vẫn chưa được đưa ra.
Trong khi đó, hiện tại, Moscow cũng không quan tâm đến việc đóng băng các đường biên giới, vì họ đang giành ưu thế trên chiến trường. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ám chỉ rằng ông chỉ sẵn sàng dừng xung đột nếu Nga giữ quyền kiểm soát bán Crimea cùng với bốn khu vực của Ukraine mà Nga đã tuyên bố chủ quyền vào năm 2022. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nga cũng muốn đảm bảo Ukraine sẽ không gia nhập NATO, cũng như một số mức độ phi quân sự hóa. Đến nay, quan điểm này của Nga luôn được thể hiện một cách rõ ràng.
Một ý tưởng nữa được đưa ra là thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình trên các tiền tuyến đóng băng, do các nước châu Âu dẫn đầu. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Putin sẽ khó có thể đồng ý đưa hàng nghìn quân châu Âu vào Ukraine, bởi viễn cảnh như vậy chính là một trong những động lực thúc đẩy ông phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào năm 2022.
Cuộc xung đột tại Ukraine đã bước qua mốc 1.000 ngày, gây ra những hậu quả to lớn cả về chính trị và nhân đạo. Xung đột kéo dài không chỉ gây mất mát cho hai bên mà còn tác động nghiêm trọng đến kinh tế và an ninh châu Âu cũng như cục diện địa chính trị toàn cầu. Năm 2025 có thể là thời điểm có tính chất quyết định khi các bên sẽ phải đối mặt với các lựa chọn khó khăn. Cộng đồng quốc tế hy vọng các trung gian hòa giải, đặc biệt là Liên hợp quốc sẽ tiếp tục tăng cường các nỗ lực ngoại giao, thúc đẩy đối thoại để tìm kiếm một giải pháp hoà bình, bền vững cho cuộc xung đột này.
Những ngày gần đây, các lực lượng Ukraine đóng tại miền Đông nước này đang phải chịu áp lực rất lớn, có thể nói là “căng thẳng lên đến đỉnh điểm” khi Nga liên tiếp giành thêm nhiều thành quả quân sự. Theo giới quan sát, chỉ trong vài tháng qua, lực lượng Nga đã kiểm soát lãnh thổ của Ukraine với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 3/2022.
Cảnh sát Hàn Quốc hôm nay lại tiếp tục khám xét văn phòng Tổng thống Yoon Suk Yeol tại thủ đô Seoul. Đây là lần thứ hai cảnh sát khám xét văn phòng của nhà lãnh đạo Hàn Quốc trong tuần này, nhằm thu thập thêm tài liệu phục vụ công tác điều tra liên quan tới sự kiện thiết quân luật hôm 3/12.
Máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ bị bắn rơi trên không phận Syria, nghi do nhầm lẫn, giữa lúc tình hình quốc gia Trung Đông này đang căng thẳng.
Quốc hội Hàn Quốc do phe đối lập kiểm soát ngày 12/12 thông qua thêm một dự luật do cố vấn đặc biệt đề xuất nhằm điều tra Tổng thống Yoon Suk Yeol, liên quan vụ áp đặt thiết quân luật bất thành và một dự luật đề xuất điều tra đặc biệt về đệ nhất phu nhân.
Cảnh sát Hàn Quốc tiếp tục khám xét và thu thập tài liệu tại trụ sở Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, nằm cạnh Văn phòng Tổng thống.
Các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và Quân đội Quốc gia Syria (SNA) đã đạt được lệnh ngừng bắn ở thành phố Manbij, sau nhiều ngày giao tranh ác liệt. Thỏa thuận đạt được thông qua vai trò trung gian của Mỹ.
0