Nga tiến công nhanh chưa từng có trên chiến trường Ukraine

Gần đây, Nga đã liên tục đạt được những bước tiến đáng kể ở mặt trận phía Đông Ukraine. Các nhà phân tích cho biết, chỉ trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua, diện tích lãnh thổ mà quân đội Nga kiểm soát được nhiều hơn tới 5,5 lần so với cả năm 2023.

Những bước tiến của Nga ở Donetsk

Sau khi kiểm soát thành trì Ugledar, mà Ukraine gọi là Vuhledar vào đầu tháng 10, Nga đang tiếp tục tiến về Pokrovsk - một trong những trung tâm hậu cần quan trọng của Ukraine, đồng thời chọc sâu vào pháo đài chiến lược Dzerzhinsk (Ukraine gọi là Toretsk). Các nhà phân tích cho rằng Nga đang đẩy nhanh tốc độ tiến công vào Donetsk nhằm giành trọn khu vực này, tận dụng thời điểm mùa thu và mùa đông chưa đến, thời tiết và địa hình vẫn còn thuận lợi để tác chiến.

Lãnh đạo Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng cho biết, lực lượng vũ trang Nga đang tiến vào thành phố Dzerzhinsk thuộc DPR và đã kiểm soát được 2/3 thành phố này.

Quân nhân của chúng tôi đang tiến từng bước qua và đã kiểm soát hơn 2/3 thành phố. Lực lượng Nga đang anh dũng đẩy lùi đối phương ra khỏi các tòa nhà cao tầng, họ đang tiến lên.

Ông Denis Pushilin - Lãnh đạo Cộng hòa nhân dân Donetsk.

Dzerzhinsk nằm cách thành phố thủ phủ Donetsk 35 km về phía Bắc. Thị trấn này đã trở thành một trong những điểm nóng nhất ở tỉnh Donetsk trong những tháng gần đây khi quân đội Nga tiếp tục tiến vào miền Đông Ukraine.

Trước đó, cuối tuần qua, truyền thông Nga đưa tin lực lượng Ukraine đã bắt đầu rút quân khỏi thành phố chiến lược này sau các cuộc giao tranh khốc liệt gần đây. Người phát ngôn quân đội Ukraine Anastasia Bobovnikova và các nhà phân tích quân sự cho biết, lực lượng Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt binh sĩ, vũ khí và đạn dược tại đây.

Quân Nga đạt bước tiến quân sự lớn ở Donetsk, đồng thời chọc sâu vào pháo đài chiến lược Dzerzhinsk. Ảnh: Reuters.

Dzerzhinsk là thành phố mỏ than nằm trên đỉnh đồi với dân số trước chiến tranh khoảng 31.000 người. Hiện chỉ còn khoảng hơn 1.100 người còn ở lại và quá trình sơ tán vẫn đang tiếp diễn.

Việc Nga kiểm soát được thành phố này có vai trò quan trọng bởi đây là một vị trí chiến lược có thể bao quát toàn bộ DPR. Thành phố này cũng là một trung tâm hỗ trợ hậu cần và chiến thuật cho các lực lượng của Ukraine. Việc Nga kiểm soát Dzerzhinsk có thể làm tê liệt cơ hội bổ sung lực lượng dự bị và cắt đứt nguồn cung đạn dược, nhiên liệu và lương thực của quân đội Ukraine.

 Nếu nguồn tiếp tế bị gián đoạn thì tiền tuyến sẽ cạn kiệt đạn dược, nhiên liệu cho các phương tiện cơ giới, xe tăng, xe chở quân nhân bọc thép. Quân đội sẽ bị bỏ lại và bắt đầu chịu hết thất bại này đến thất bại khác. Cuối cùng đối phương sẽ bị bao vây và có thể bị xóa sổ hoàn toàn.

Ông Viktor Litovkin - Nhà phân tích quân sự Nga.

Việc quân đội Ukraine rút hoàn toàn khỏi thành phố, nếu được xác nhận sẽ đánh dấu thành công lớn thứ hai của quân đội Nga trong vòng một tháng sau khi họ giành được Ugledar (mà Ukraine gọi là Vuhledar), một trung tâm hậu cần quan trọng khác và là thành trì chiến thuật trong khu vực vào đầu tháng này.

Giành được Toretsk sẽ đưa mục tiêu kiểm soát toàn bộ vùng Donbass của Nga đến gần hơn. Cho tới nay, Nga đã gần như kiểm soát hoàn toàn tỉnh Lugansk, một phần của Donbass và đang đẩy nhanh tiến độ theo hướng Donetsk. Donbass là trung tâm công nghiệp quan trọng của Ukraine nên mất đi khu vực này sẽ trở thành tổn thất rất lớn đối với Ukraine.

Về phía Tây Nam của Toretsk, các lực lượng Nga đang tiến về phía thành phố chiến lược Pokrovsk, một ngã ba đường sắt và đường bộ. Thay vì tấn công trực tiếp vào Pokrovsk, nơi được bảo vệ bởi nhiều tuyến chiến hào và hào chống tăng, quân đội Nga đang cố gắng đánh vào sườn bằng cách chiếm giữ các vùng lãnh thổ ít được củng cố hơn ở phía Nam.

Những căn hộ của một tòa chung cư ở Donetsk bị phá hủy vì chiến sự giữa Nga và Ukraine. Ảnh: Getty.

Ông Serhiy Dobryak, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Quân sự Pokrovsk, hôm 4/10 cho biết quân đội Nga chỉ còn cách thành phố chưa đầy 7 km. Trung tâm tình báo lực lượng phòng vệ Estonia dự đoán rằng quân đội Ukraine có thể buộc phải rút khỏi Pokrovsk vào cuối năm nay.

Trên các hướng tấn công khác, Bộ Quốc phòng Nga ngày 16/10 cho biết, quân đội nước này đã kiểm soát hai ngôi làng Krasnyi Yar thuộc vùng Donetsk và Nevske ở vùng Luhansk, miền Đông Ukraine.

Trong khi đó, các quan chức Ukraine ngày 15/10 đã ra lệnh sơ tán bắt buộc tại thành phố Kupiansk và 3 địa phương lân cận thuộc tỉnh Kharkov ở Đông Bắc Ukraine khi quân đội Nga ngày càng áp sát trong khi mùa đông đến gần.

Ukraine trước nguy cơ mất lá bài mặc cả ở Kursk

Giới quan sát nhận định, việc Nga đẩy nhanh các mũi tấn công vào khắp các điểm nóng trên Donetsk nhằm tận dụng việc Ukraine đang dồn lực lượng ở tỉnh Kursk của Nga. Tấn công cùng lúc vào nhiều khu vực chiến lược, Nga buộc Ukraine phải dàn mỏng và kéo căng lực lượng để chống đỡ. Trong khi đó, tại Kursk, Nga đang tiến hành tổng phản công ác liệt. Thiếu tướng Apti Alaudinov, Phó cục trưởng Cục Chính trị Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng Nga ngày 15/10 tuyên bố, Nga đã giành lại một nửa vùng lãnh thổ mà Ukraine kiểm soát ở tỉnh Kursk sau hơn hai tháng tấn công. Đà thắng lợi của Nga có khả năng ngăn chặn ý đồ của Ukraine định sử dụng vùng đất chiếm được ở Kursk làm lá bài mặc cả trên bàn thương lượng.

Trong những ngày gần đây, quân đội Nga đã gia tăng các nỗ lực nhằm đánh bật lực lượng Ukraine ra khỏi khúc lồi mà họ tạo ra bên trong tỉnh Kursk của Nga. Theo Thiếu tướng Apty Alaudinov, khoảng 50.000 binh sĩ Nga đang đẩy lùi lực lượng Ukraine.

Xe tăng Nga ở Kursk. Ảnh: Getty.

Từ cuối tuần trước, các blogger quân sự có mối quan hệ tốt của Nga và Ukraine đã đưa tin rằng quân đội Nga đã đột phá qua các khu vực tiền tuyến của Ukraine ở Kursk.

Mặc dù Tổng thống Ukraine Zelensky khẳng định rằng tình hình tại Kursk vẫn ổn định nhưng Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ, một tổ chức vốn có quan điểm ủng hộ Ukraine, cho biết có “bằng chứng trực quan” cho thấy Nga đã giành lại 46% lãnh thổ ở Kursk.

Một số chuyên gia nhận định mùa mưa khiến mặt đất ở Kursk trở nên bùn lầy và là một lợi thế cho quân đội Nga, khi lực lượng này sử dụng nhiều phương tiện bánh xích hơn quân đội Ukraine.

Khu vực này chủ yếu là các cánh đồng rộng lớn với lớp che chắn tự nhiên hạn chế. Đặc biệt là khi không có công sự thích hợp, việc bảo vệ có thể rất khó khăn.

Ông Emil Kastehelmi - Nhà phân tích tại Black Bird (Phần Lan).

Vào đầu tháng 8, Ukraine đã phát động cuộc tấn công táo bạo vào lãnh thổ Nga với hai mục tiêu chính: thứ nhất là ép Nga phải điều bớt quân khỏi những nơi khác để chống trả quân Ukraine ở Kursk, từ đó làm giảm áp lực lên lực lượng Ukraine ở miền Đông. Thứ hai là chiếm lãnh thổ của Nga để dùng làm lá bài mặc cả với Moscow trên bàn đàm phán.

Mục tiêu thứ nhất cho đến nay được coi là thất bại. Điện Kremlin vẫn chủ yếu triển khai lực lượng dự bị trong nước ra mặt trận Kursk, còn tại miền Đông, quân Nga vẫn gia tăng áp lực tấn công.

Giới chức Kiev đang mong mỏi nhiều ở mục tiêu thứ hai, coi đó là một phần trong “Kế hoạch chiến thắng” của họ. Tổng thống Ukraine Zelensky xem chiến dịch Kursk là một trong những giai đoạn nhằm “chấm dứt chiến tranh”. Nhưng mỗi thắng lợi mới của Nga tại Kursk lại càng làm suy yếu giá trị của lá bài mặc cả này.

Nga tung đòn "đánh rát" khiến Ukraine tổn thất nặng nề ở Kursk. Ảnh: Guardian.

Có gì trong “Kế hoạch chiến thắng” của Ukraine?

Ngày 16/10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã trình bày bản “Kế hoạch chiến thắng” trước Quốc hội Ukraine. Bản kế hoạch bao gồm 5 điểm chính thức và 3 điểm “bí mật” chỉ được chia sẻ với một số đối tác nhất định. Ông Zelensky nói rằng đây sẽ là cầu nối hướng tới các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai, khi ông đặt mục tiêu củng cố vị thế của Ukraine đủ để chấm dứt chiến tranh. Vậy nội dung của bản kế hoạch này là gì và liệu nó có thể giúp mang lại một nền “hoà bình công bằng” ở Ukraine?

1. Lời mời gia nhập NATO

Cốt lõi trong kế hoạch của Tổng thống Volodymyr Zelensky là mong muốn của Ukraine có được lời mời gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đây sẽ là tiền đề cho tư cách thành viên đầy đủ của NATO.

Chúng tôi hiểu rằng tư cách thành viên NATO là vấn đề của tương lai, không phải hiện tại. Nhưng với lời mời này, Nga có thể thấy rằng các tính toán địa - chính trị của họ đang thất bại.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

2. Tăng cường năng lực phòng thủ của Ukraine

Theo ông Zelensky, khả năng tự vệ của Ukraine phải được “tăng cường theo cách không thể đảo ngược”. Ông gợi ý một số cách để thực hiện mục tiêu này, bao gồm việc tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine, thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng, tăng cường năng lực phòng không, xóa bỏ các hạn chế về sử dụng vũ khí tầm xa tấn công các mục tiêu sâu bên trong Nga và tiếp tục các hoạt động quân sự của Ukraine trên lãnh thổ Nga.

3. Khả năng răn đe

Tổng thống Zelensky nói rằng, các đồng minh phương Tây của Ukraine nên ngăn chặn Nga trước bất kỳ hành động gây hấn nào trong tương lai, bằng cách cho Moscow thấy rằng điều này sẽ gây ra hậu quả. Theo đó, Tổng thống Ukraine đề xuất đặt trên lãnh thổ của mình một hệ thống răn đe chiến lược phi hạt nhân toàn diện, đủ sức bảo vệ Ukraine mọi mối đe dọa quân sự từ Nga. Ông nói rằng, có một phụ lục bí mật cho phần này của kế hoạch, nhưng không tiết lộ chi tiết.

4. Tiềm năng kinh tế chiến lược

Tổng thống Zelensky đề xuất Ukraine ký kết một thỏa thuận với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh khác, cho phép đầu tư chung và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Ukraine, mà ông Zelensky cho biết có giá trị hàng nghìn tỷ USD. Những nguồn tài nguyên này bao gồm uranium, titan, lithium, than chì và các tài nguyên có giá trị chiến lược khác.

5. Tăng cường sức mạnh NATO

Tổng thống Zelensky đề xuất rằng sau xung đột, lực lượng vũ trang của Ukraine có thể được sử dụng để tăng cường an ninh cho NATO và thay thế một số lực lượng Mỹ hiện đang đồn trú tại châu Âu.

Tổng thống Ukraine lần đầu tiên trình bày “Kế hoạch chiến thắng” với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm Nhà Trắng vào tháng 9. Chính phủ Mỹ sau đó đã công bố gói viện trợ 375 triệu USD, nhưng không đáp ứng yêu cầu của Kiev về việc cho phép tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.

Trong “Kế hoạch chiến thắng”, Tổng thống Zelensky cũng kêu gọi “các hoạt động phòng thủ chung với các nước láng giềng ở châu Âu để bắn hạ tên lửa và thiết bị bay không người lái của Nga trong phạm vi lá chắn không quân của các đối tác của chúng ta”. Tuy nhiên, hồi tháng 7, Tổng thư ký NATO khi đó là Jens Stoltenberg đã từng dội gáo nước lạnh vào ý tưởng đó, nói rằng khối này sẽ không trở thành một phần của cuộc xung đột.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) trong cuộc gặp tại Nhà Trắng, Washington DC. Ảnh: AFP.

Còn Tổng thư ký NATO đương nhiệm Mark Rutte ngày 16/10 cho biết ông đã biết về các chi tiết của “Kế hoạch chiến thắng” của Ukraine và đã liên lạc với các quốc gia thành viên của liên minh về các bước đi tiếp theo. Tuy nhiên, trong khi nhắc lại lập trường rằng quá trình đưa Ukraine trở thành thành viên NATO trong tương lai là “không thể đảo ngược”, ông Rutte đã từ chối trả lời trực tiếp yêu cầu của Kiev về một lời mời chính thức.

Trong khi đó, bình luận về bản kế hoạch của Ukraine, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Với kế hoạch này, chính quyền Kiev cần nhận ra sự vô ích trong chính sách mà họ đang theo đuổi, cần phải tỉnh táo và thừa nhận những lý do dẫn đến cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine”.

Trong bài phát biểu công bố “Kế hoạch hoà bình”, Tổng thống Ukraine Zelensky đã nhắc lại rằng Kiev sẽ không chấp nhận “đóng băng” hoặc nhượng bộ “trao đổi lãnh thổ hoặc chủ quyền của Ukraine”. Trong khi đó, Nga lâu nay vẫn khẳng định để ngỏ khả năng đàm phán với Ukraine với điều kiện Kiev phải “chấp nhận tình hình thực tế” về các vùng lãnh thổ ở miền Đông, phương Tây dỡ bỏ trừng phạt Nga và thiết lập tình trạng không liên kết, không có hạt nhân cho Ukraine. Trong bối cảnh Nga đang giành ưu thế trên chiến trường, việc Ukraine công bố “Kế hoạch chiến thắng” với quan điểm khác biệt khiến khả năng đàm phán giữa hai bên càng trở nên xa vời và cánh cửa hoà bình cho cuộc xung đột đã kéo dài gần ba năm qua dường như vẫn khép.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Dữ liệu mới nhất từ Văn phòng Thống kê Quốc gia của Anh cho thấy tỷ lệ lạm phát tại nước này trong tháng 10 tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng qua, củng cố kỳ vọng của thị trường rằng sẽ không có đợt cắt giảm lãi suất nào khác trong năm nay.

Giá dầu thế giới tăng khoảng 1% vào ngày 21/11, sau khi Nga và Ukraine gia tăng các cuộc tấn công bằng tên lửa, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ căng thẳng nguồn cung dầu thô nếu xung đột lan rộng.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 22/11 cho biết nước này đã thực hiện chính sách miễn thị thực cho 29 nước, trong đó có Đức và Pháp, nhằm thúc đẩy du lịch quốc tế.

Tại Pakistan, nhiều tay súng đã tấn công đoàn xe chở người Hồi giáo dòng Shiite, khiến ít nhất 42 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) tại Baku, Azerbaijan đang dần tiến tới những giờ đàm phán cuối cùng, tuy nhiên các đại biểu vẫn chưa thể tìm ra tiếng nói chung đối với vấn đề lớn là tài chính khí hậu.

Tại cuộc họp báo ngày 21/11, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre xác nhận, Mỹ đã thông báo trước cho Ukraine và các đồng minh về kế hoạch phóng tên lửa tầm trung của Nga.