Ngành công nghiệp giải trí mang lại tỷ USD cho Hàn Quốc

Tạo ra khoảng 10 tỷ USD cho Hàn Quốc mỗi năm, K-pop không những mang lại những lợi ích to lớn về kinh tế, mà trên hết còn hỗ trợ đắc lực cho nước này xây dựng sức mạnh mềm trên trường quốc tế.

K-pop – sức mạnh mềm của Hàn Quốc 

Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á và lớn thứ 12 trên thế giới, đã phát triển thành một nền kinh tế công nghệ cao. Nước này không chỉ là nhà sản xuất màn hình và chất bán dẫn hàng đầu, mà còn là nhà đóng tàu lớn thứ hai thế giới. Bên cạnh thế mạnh về công nghệ, trong những năm gần đây, Hàn Quốc còn được biết đến là một cường quốc văn hóa với cú hích độc đáo và cuốn hút từ ngành công nghiệp âm nhạc mang tên K-pop.

Từ đầu thế kỷ XXI, văn hóa đại chúng Hàn Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc, mang lại cho Seoul những lợi ích to lớn, cả về kinh tế lẫn chính trị. Những năm 2000, văn hóa K-pop và ngành công nghiệp âm nhạc của Hàn Quốc bắt đầu tấn công thị trường quốc tế, ngày càng trở nên phổ biến, cho phép truyền bá thể loại âm nhạc này đến nhiều nước thông qua làn sóng Hallyu.

Theo một cuộc khảo sát của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, số lượng người hâm mộ Hallyu trên toàn thế giới đã lên tới 225 triệu người vào năm 2023, tăng từ 9,26 triệu trong cuộc khảo sát đầu tiên vào năm 2012. Ước tính, có 1.748 câu lạc bộ người hâm mộ Hallyu ở 119 quốc gia, trong đó khoảng 68% câu lạc bộ dành sự yêu mến đặc biệt cho K-pop.

Làn sóng hâm mộ toàn cầu đối với văn hóa Hàn Quốc, từ chương trình truyền hình và phim ảnh đến ẩm thực, đã giúp K-pop thu hút được lượng lớn người theo dõi ở phương Tây. Hiện nay, nhiều nghệ sĩ trẻ đang kết hợp với các yếu tố nhạc pop phương Tây, bao gồm cả việc mời các nhạc sĩ phương Tây tham gia dự án, để mở rộng lượng người nghe của họ.

Ông Seyon Park, chuyên gia của Morgan Stanley Research.

Nhật Bản hiện là quốc gia đi đầu trong việc tiêu thụ các sản phẩm K-pop, với 48,6 triệu USD, cùng các thị trường lớn như Đức, Đài Loan và Hong Kong (Trung Quốc), Hà Lan, Canada, Anh và Pháp. Sức hút của K-pop cũng lan rộng tới bên kia bán cầu. Tại Cuba - quê hương của điệu nhảy salsa nổi tiếng thế giới, giới trẻ nước này cũng đang mê mẩn các điệu nhảy K-pop.

Một báo cáo của Công ty Allied Market Research cho thấy riêng thị trường sự kiện K-pop đã được định giá 8,1 tỷ USD vào năm 2021 và ước tính sẽ đạt 20 tỷ USD vào năm 2031, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm vào khoảng 7,3% từ năm 2022 đến năm 2031.

Theo Viện nghiên cứu kinh tế Hyundai, từ khi ra mắt năm 2013 đến nay, BTS - nhóm nhạc hàng đầu Hàn Quốc - đóng góp trung bình 3,6 tỷ USD mỗi năm, tương đương doanh thu 26 công ty quy mô vừa của Hàn Quốc. Ngoài BTS, một nhóm nhạc nổi tiếng khác của Hàn Quốc là Blackpink, cũng thu về 163,8 triệu USD với 40 concert trong tour Born Pink, đưa họ trở thành nhóm nhạc nữ có doanh thu lưu diễn cao nhất lịch sử châu Á.

Blackpink - nhóm nữ Kpop nổi tiếng nhất hiện tại. Ảnh: Soompi

Không chỉ tự tạo ra lợi nhuận, K-pop còn tác động tích cực đến nhiều ngành khác. Theo các số liệu thống kê, xuất khẩu các sản phẩm thời trang và mỹ phẩm Hàn Quốc đã tăng đáng kể khi những người hâm mộ cuồng nhiệt K-pop học theo vẻ ngoài của nghệ sĩ họ yêu thích. Chỉ riêng ngành mỹ phẩm Hàn Quốc đã đạt giá trị gần 16 tỷ USD và dự kiến đạt 21,5 tỷ USD vào năm 2027.  Đặc biệt, K-pop cũng giúp kích cầu du lịch. Theo khảo sát của Tổ chức Du lịch Hàn Quốc, khoảng 7,4% lượng khách nước ngoài đến Hàn Quốc liên quan đến K-pop, tương đương hơn một triệu khách mỗi năm. Những du khách hâm mộ K-pop ấy chi tiêu khoảng hơn 1,1 triệu USD ở nước này, trong đó chưa tính đến chi phí mua các sản phẩm liên quan đến nghệ sĩ. Để tận dụng sức hút này, Hàn Quốc mới đây ra mắt chương trình thị thực K-pop, nhằm khuyến khích du khách tìm hiểu về vũ đạo K-pop hoặc tham gia đào tạo tại các công ty giải trí nước này.

Ngoài lĩnh vực kinh tế, Chính phủ Hàn Quốc cũng tận dụng mức độ nổi tiếng của các ngôi sao giải trí để thúc đẩy chương trình nghị sự. Trong nhiệm kỳ của mình, cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In từng đưa các ca sĩ đến cuộc gặp với Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump và tổ chức một buổi hòa nhạc hữu nghị bên cạnh Hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Tất cả nhằm thu hút nhiều chú ý hơn tới những sự kiện ngoại giao.

Jung Kook (BTS) biểu diễn ca khúc chính thức của World Cup Dreamers tại lễ khai mạc World Cup Qatar 2022, tổ chức tại sân vận động Al Bayt tối 20/11. Ảnh: News1.

Sự nổi tiếng của nghệ sĩ K-pop cũng giúp Hàn Quốc tăng hiện diện tại những sự kiện quốc tế. Thành viên Jungkook của nhóm BTS là người thể hiện ca khúc chủ đề Dreamers cho World Cup 2022. Nhóm BTS nhiều lần xuất hiện tại các sự kiện của Liên hợp quốc để gửi thông điệp đến giới trẻ. Một minh chứng mạnh mẽ cho sức lan tỏa của K-pop gần đây là nhóm nhạc Seventeen hồi tháng 6 vừa qua đã chính thức được bổ nhiệm làm Đại sứ thiện chí cho giới trẻ của Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO).

Với tư cách là đại sứ cho giới trẻ, chúng tôi sẽ lan tỏa sức mạnh của tình bạn và góp phần xây dựng cộng đồng thanh niên vì tương lai tốt đẹp hơn. Trong nội dung tiếp theo của chiến dịch “Đi cùng nhau”, nhóm nhạc Seventeen sẽ quyên góp 1 triệu USD cho chương trình tài trợ cho thanh niên toàn cầu hợp tác với UNESCO. Chúng tôi tin rằng tuổi trẻ luôn giàu những ý tưởng sáng tạo nhất và quyết tâm mạnh mẽ nhất để biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn.

Ca sĩ Joshua, thành viên nhóm nhạc Seventeen.

Theo đánh giá của trang Adage, K-pop sẽ tiếp tục là một trong những động lực chính của nền kinh tế Hàn Quốc, dự kiến mang về khoảng 40 tỷ USD cho GDP nước này trong thập niên tới. Theo Cơ quan Sáng tạo Nội dung Hàn Quốc, Hàn Quốc hiện đứng thứ 7 trên thế giới về thị phần trong ngành công nghiệp giải trí văn hóa, sau Mỹ, Trung, Nhật, Đức, Anh, Pháp. Hàn Quốc đặt mục tiêu đưa ngành công nghiệp văn hóa của nước này lên top 4 toàn cầu trong những năm tới.

K-pop định hình thời trang toàn cầu

Với sự bùng nổ và sức nóng toàn cầu của ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc, rất nhiều thần tượng K-pop, từ những nghệ sĩ lâu năm như SNSD, EXO cho đến những tên tuổi mới nổi như NewJeans, ENHYPEN đã được “chọn mặt gửi vàng” làm đại sứ của các thương hiệu thời trang cao cấp.

Năm 2023, khoảng 30 ngôi sao K-pop đã được lựa chọn trở thành gương mặt đại diện mới cho các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng, trong đó có Versace và Dior. Và trong năm nay, con số này được dự báo sẽ còn cao hơn. Sự hợp tác giữa các ngôi sao K-pop và các nhãn hàng toàn cầu không chỉ mang lại lợi ích lớn cho cả hai bên, mà còn là minh chứng cho mức độ ảnh hưởng ngày càng tăng của K-pop, qua đó góp phần quảng bá văn hóa Hàn Quốc ra thế giới, đồng thời tạo ra những xu hướng thời trang mới mẻ và độc đáo.

4 thành viên Blackpink là đại sứ các thương hiệu thời trang xa xỉ. Ảnh: Allkpop.

Đầu tháng 5 vừa qua, Stray Kids đã tạo nên cơn sốt khi trở thành nhóm nhạc K-pop đầu tiên có tất cả thành viên cùng xuất hiện trên thảm đỏ Met Gala - bữa tiệc thời trang xa hoa nhất hành tinh, trong bộ trang phục từ nhà mốt Tommy Hilfiger. Stray Kids chỉ là một trong số ngày càng nhiều những ngôi sao K-pop được các thương hiệu hàng xa xỉ hàng đầu thế giới tin tưởng.

Trước đó, giới hâm mộ thời trang toàn cầu không ít lần xôn xao trước những thương vụ hợp tác đình đám như nữ ca sĩ Rose của nhóm Blackpink trở thành đại sứ thương hiệu của YSL, Jungkook của nhóm BTS làm gương mặt đại diện cho Calvin Klein. Gần đây, thành viên Lisa của BlackPink, Jin của BTS và Karina của Aespa lần lượt được công bố là đại sứ cho các thương hiệu Louis Vuitton, Gucci và Prada.

Stray Kids gây chú ý khi xuất hiện tại Met Gala 2024. Ảnh: Reuters.

Trong báo cáo về Tuần lễ Thời trang Xuân/Hè 2025 dành cho nam tại Paris vào tháng Sáu vừa qua, Công ty dữ liệu công nghệ Launchmetrics cho biết Hàn Quốc đứng ở thứ ba về mức độ tạo dựng sự chú ý, chủ yếu nhờ vào sự ảnh hưởng của các ngôi sao nổi tiếng của nước này. Các ngôi sao K-pop hiện đang nằm trong số những người nổi tiếng được mong đợi nhất tại các buổi trình diễn thời trang, thu hút tiếng reo hò lớn nhất từ những người hâm mộ đứng chờ bên ngoài.

Việc lựa chọn đại diện thương hiệu sẽ cho phép nhãn hàng kết nối với những gì chúng tôi gọi là danh tiếng từ thời trang, nghệ thuật, âm nhạc, giải trí cho đến thể thao. Tôi cho rằng đó chính là văn hóa đại chúng, giúp thúc đẩy quảng bá thương hiệu thông qua mối liên hệ và sự gắn kết với nhạc pop nói riêng và văn hóa đại chúng nói chung.

Ông Tommy Hilfiger, nhà thiết kế thời trang Mỹ.

Theo các chuyên gia, khi ranh giới giữa âm nhạc và thời trang ngày càng mong manh, có thể dự đoán rằng mối quan hệ giữa K-pop và thời trang xa xỉ sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai, mở ra nhiều cơ hội hợp tác sáng tạo và đột phá trong cả hai lĩnh vực. Bằng chứng là Hàn Quốc hiện đang là một thị trường đầy tiềm năng trong việc tiêu thụ những sản phẩm xa xỉ, đắt đỏ. Không những thế, Hàn Quốc còn được đánh giá là thị trường quan trọng để thử mức độ thành công của một thương hiệu cao cấp. Thủ đô Seoul chính là thiên đường đồ hiệu với 221 cửa hàng thời trang cao cấp, đứng thứ hai trên toàn thế giới chỉ sau Tokyo (Nhật Bản).

Thần tượng ảo – Tương lai của K-pop

Thần tượng ảo là những ngôi sao được tạo ra từ công nghệ trí tuệ nhân tạo (Al) với ngoại hình, tính cách và hoạt động mô phỏng gần giống con người. Cùng với sự bùng nổ của công nghệ, việc tạo ra các thần tượng ảo được xem là ngành công nghiệp đắt giá, với những con số thống kê khổng lồ về doanh thu. Hàn Quốc cũng không nằm ngoài xu hướng này khi các tập đoàn truyền thông lớn đang đẩy mạnh tạo ra một thế hệ thần tượng kiểu mới cho K-pop, đáp ứng nhu cầu giải trí đa dạng hơn. Nổi bật nhất hiện nay là hai nhóm nhạc ảo Plave và Mave với nhiều thành tích đáng tự hào.

Plave là nhóm nhạc nam gồm 5 thành viên ảo, ra mắt làng giải trí Hàn Quốc từ tháng 3/2023. Dù chỉ mới hoạt động hơn một năm, Plave đã lập nên vô số kỷ lục mà các nghệ sĩ đều ao ước. Với album mùa hè "Pump Up The Volume", Plave đã trở thành nhóm nhạc nam và cũng là thần tượng ảo đầu tiên giành được vị trí số 1 trên top 100 trên bảng xếp hạng Melon, nền tảng nhạc trực tuyến hàng đầu của Hàn Quốc trong năm 2024.

Nhóm nhạc nam ảo Plave đã lập nhiều thành tích khủng. Ảnh: Allkpop.

Cùng với Plave, nhóm nhạc nữ ảo Mave cũng “bỏ túi” hàng loạt bài hát “hot hit” chục triệu view kể từ khi ra mắt vào năm 2023. Album đầu tay Pandora’s Box của nhóm đã thu về 45 triệu lượt phát trực tuyến trên Spotify và 30 triệu view cho MV chủ đề Pandora. Mave không chỉ gây sốt bởi âm nhạc mà còn được yêu thích vì cách xây dựng tính cách các thành viên trong nhóm không khác gì các idol “hàng thật, giá thật”. Ngoài ra, Mave còn được đánh giá cao vì khả năng giao tiếp đa ngôn ngữ, ngoài tiếng Hàn, các nữ thần tượng ảo còn có thể giao lưu với người hâm mộ bằng tiếng Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Brazil…

Lý giải về điều này, các chuyên gia cho rằng, các thần tượng ảo đáp ứng được những tiêu chí về hình mẫu hoàn hảo trong lòng người hâm mộ. Thần tượng ảo còn được yêu thích vì đời tư trong sạch, không vướng phải các bê bối có thể hủy hoại sự nghiệp. Ngoài ra, việc giữ mãi nét thanh xuân cũng là lợi thế lớn của các thần tượng ảo trong ngành công nghiệp vốn có sự đào thải khốc liệt.

Tờ World Financial Review nhận xét K-pop là biểu tượng cho tốc độ phát triển nhanh chóng của Hàn Quốc để vươn tới thịnh vượng, trở thành nền kinh tế có tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, ngành công nghiệp “hái ra tiền” này cũng có những vấn đề của riêng mình. Những năm gần đây, hàng loạt vụ tự tử, những rối loạn tâm lý mà nghệ sĩ gặp phải do áp lực quá lớn, đã làm xấu đi phần nào hình ảnh lấp lánh của ngành công nghiệp tỷ đô. Điều này đòi hỏi chính phủ Hàn Quốc cần có giải pháp quản lý hữu hiệu để duy trì sự thành công của K-pop nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sau khi xảy ra hai vụ lao xe vào đám đông tại Mỹ và Đức khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương, Bộ Nội vụ Pháp đã yêu cầu thắt chặt an ninh tại các sự kiện lớn được tổ chức trên toàn quốc nhằm đảm bảo an ninh cho người dân trong những ngày đầu Năm mới 2025.

Sau khi Quốc hội Mỹ đã có phiên họp chung để kiểm đếm số phiếu đại cử tri và chính thức xác nhận kết quả cuộc bầu cử Tổng thống, ông Trump sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ vào ngày 20/1 tới. Đây đã là nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của Donald Trump, hứa hẹn một phiên bản hoàn toàn khác so với thời điểm cách đây 8 năm.

Tòa án quận Tây Seoul, Hàn Quốc ngày 7/1 đã ra quyết định gia hạn lệnh bắt giữ Tổng thống bị luận tội Yoon Suk Yeol sau khi lệnh ban đầu hết hạn vào ngày 6/1.

Khu vực bờ Đông nước Mỹ đang phải đương đầu với trận bão mùa đông đầu tiên, với lượng tuyết kỷ lục. Ước tính hơn 50 triệu người bị ảnh hưởng bởi đợt bão tuyết này.

Máy bay Boeing 737 của hãng hàng không UTair của Nga, chở 173 người đã hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Vnukovo, Moscow vào chiều ngày 7/1 do trục trặc ở bộ ổn định.

Cho tới nay, cơ quan chức năng Trung Quốc xác nhận ít nhất 95 người đã tử vong và 130 người bị thương do trận động đất mạnh 6,8 độ xảy ra sáng 7/1 tại khu tự trị Tây Tạng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu triển khai toàn diện công tác tìm kiếm cứu nạn, giảm thiểu thấp nhất thương vong.