Ngày làm việc thứ nhất, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc và bước vào ngày làm việc đầu tiên tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, công tác lập pháp sẽ là nội dung trọng tâm, chiếm phần lớn thời gian của Kỳ họp. Quốc hội sẽ xem xét 31 dự án luật, dự thảo nghị quyết, trong đó, phấn đấu thông qua 18 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác.

Các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết và nhiều doanh nghiệp và cử tri, Nhân dân rất quan tâm.

Trên cơ sở cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, xuất phát từ thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, trí tuệ, chuyên nghiệp, khoa học, tập trung góp ý toàn diện cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp của các dự án luật. Luật cần ngắn gọn, chỉ quy định những vấn đề theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, đảm bảo khi các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đạt chất lượng cao và tuổi thọ lâu, tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật và tổ chức thực thi luật đạt hiệu quả cao nhất.

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, đây là kỳ họp có khối lượng công việc lớn nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay và cũng là kỳ họp đầu tiên có trách nhiệm thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, khẩn trương đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước, tạo tiền đề, chuẩn bị ngay về mọi mặt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, tại kỳ họp này, khối lượng các công việc về giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước cũng rất lớn, thực tiễn đang đặt ra, cử tri đang mong chờ, đề nghị Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng này.

Cũng tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 sáng nay, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển năm 2025.

Báo cáo cho thấy, mặc dù bối cảnh trong nước và quốc tế năm 2024 có nhiều khó khăn, thách thức; nhưng nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực, KTXH của đất nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng nổi bật, khá toàn diện, cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra; tạo đà cho việc thực hiện các mục tiêu chủ yếu năm 2025.

Nổi bật là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt. Bức tranh kinh tế năm 2024 ghi nhận điểm sáng, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Từ thẳng thắn nhận diện rõ những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức, Chính phủ đã đề ra 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và các chỉ tiêu chủ yếu trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025.

Chiều nay, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026 bằng hình thức biểu quyết điện tử.

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, với 440/440 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 100% đại biểu có mặt và chiếm 91,67% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với tân Chủ tịch nước Lương Cường.

Sau đó, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường đã tiến hành tuyên thệ và phát biểu nhậm chức. Trên cương vị mới, Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định sẽ cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân  kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ đã tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mông Cổ (17/11/1954 - 17/11/2024) vào tối 21/11, tại Hà Nội.

Trung tâm Thông tin - Truyền thông Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã tổ chức Chương trình Giao lưu gương điển hình tiên tiến với chủ đề “Mỗi tấm gương một khát vọng cống hiến”.

Ngày 22/11, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, thủ đoạn cài đặt phần mềm dịch vụ công “giả mạo" tuy không mới, nhưng vẫn còn nhiều người dân ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí, mất cảnh giác nên đã "sập bẫy" thủ đoạn này.

Sáng nay, 22/11, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả” tại địa chỉ số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Sáng 22/11, Công an thành phố Hà Nội thông tin, khoảng 22 giờ 15 phút ngày 21/11, Tổng đài 114 - Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an thành phố nhận được tin báo xảy ra cháy nhà dân tại tổ 12 phường Thạch Bàn (quận Long Biên).

Chiều 21/11, tại Trụ sở Nghị viện Malaysia, Tổng Bí thư Tô Lâm đã hội kiến Chủ tịch Thượng viện Malaysia Dato’ Awang Bemee Awang Ali Basah.