Người dân Nam Á chống chọi với thời tiết khắc nghiệt

Nam Á là nơi sinh sống của khoảng 1/5 dân số thế giới. Khu vực này đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của thời tiết khắc nghiệt .

Ấn Độ: khủng hoảng nước sinh hoạt do nắng nóng

Ấn Độ ghi nhận gần 25.000 trường hợp bị đột quỵ do nắng nóng và 85 người thiệt mạng trong đợt sóng nhiệt dữ dội kéo dài từ tháng 3 đến nay.

Người lớn, trẻ em chen lấn để đưa thùng chứa của họ tới gần chiếc xe cấp nước.

Các khu vực của thủ đô Delhi của Ấn Độ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nước cấp tính do nắng nóng khắc nghiệt của mùa hè.

Ở trung tâm thủ đô New Delhi, người dân tại trại Vivekananda, tay cầm những chiếc thùng nhựa xếp hàng thành hàng dài, dọc theo một con đường dưới nắng chói chang.

Sau nhiều giờ chờ đợi, náo loạn đã xảy ra ngay khi một chiếc xe chở nước đi tới. Người lớn, trẻ em chen lấn, xô đẩy để đưa chiếc thùng chứa của họ tới gần chiếc xe. Nhiều ngày qua, nắng nóng gay gắt khiến nhu cầu về nước tăng vọt mà các đường ống nước thì luôn rỗng không.

Không có nước trong hệ thống đường ống. Tất cả chúng tôi đều dựa vào xe chở nước này. Thiếu nước nên mọi người chen lấn để tới được xe bồn.

Nhưng ngay cả chiếc xe cũng không chở đủ nước, đôi khi bồn nước chỉ có một nửa. Chỉ có 25% người dân có thể lấy nước, còn lại 75% về tay không.

Chị Munni Devi - người dân New Delhi.

Người dân ở nhiều khu vực Thủ đô Ấn Độ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng mà các nhà chức trách cho là do mưa ít và nắng nóng khiến mực nước sông Yamuna - nguồn nước chính của Delhi xuống thấp.

Chính quyền vùng đô thị Delhi đã tổ chức họp khẩn để thảo luận các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu nước sinh hoạt do tình trạng nắng nóng cực đoan kéo dài. Bà Atishi Marlena, người đứng đầu cơ quan công trình công cộng New Delhi kêu gọi người dân nêu cao tinh thần "trách nhiệm tập thể", tránh lãng phí nước, nếu không chính phủ sẽ buộc phải can thiệp hoạt động cấp nước ở thủ đô.

Người dân được khuyến cáo sử dụng nước tiết kiệm, khuyến khích tắm cách ngày, sử dụng dao kéo, đĩa dùng một lần và hạn chế giặt đồ dùng, quần áo. Chính quyền New Delhi đã công bố mức phạt 24 USD đối với những hành vi lãng phí nước.

Cuộc khủng hoảng được những người dân thành phố Bengaluru, thủ phủ của bang Karnataka miền Nam Ấn Độ, mô tả là  vô cùng nghiêm trọng. Các chuyên gia cảnh báo nó sẽ trở nên gay gắt hơn khi ngay từ những ngày đầu hè mức nhiệt đã tăng cao hơn mức trung bình khoảng 8-10 độ C so với thời điểm này hàng năm.

Thủ đô Delhi đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay là 52,9 độ C.

Tháng 5 là một tháng đặc biệt tồi tệ đối với nhiều khu vực trên đất nước Ấn Độ. Trong vài ngày qua, nhiệt độ tăng vọt lên tới gần 53 độ C, đặc biệt ở các bang Rajasthan và Bihar. Thủ đô Delhi ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay là 52,9 độ C.

Chỉ tính riêng trong ngày 31/5, đã có 33 người, trong đó có các nhân viên làm nhiệm vụ trong cuộc tổng tuyển cử, tử vong vì nghi bị sốc nhiệt, ở các bang Uttar Pradesh, Bihar, Odisha.

Các trường hợp say nắng ngày càng gia tăng. Vì vậy mọi người nên có những biện pháp phòng ngừa cần thiết. Nhiệt độ hàng ngày có thể lên tới 40 đến 45 độ C. Mọi người nên mang theo ô và chai nước khi đi ra ngoài. Hãy uống nhiều nước, giữ đủ nước và tránh mất nước bằng mọi giá.

Bác sĩ Manish - Bệnh viện NMCH.

Nhiều bệnh nhân nhập viện do sốc nhiệt.

Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia và Cục Khí tượng Ấn Độ đang hợp tác với 23 bang để phát triển các kế hoạch hành động về nắng nóng nhằm giải tác động của sóng nhiệt.

Kế hoạch này tuân theo một mô hình chung bao gồm cung cấp thông tin về các điểm nhiệt như số lượng các đợt nắng nóng trong quá khứ, xu hướng hàng năm về nhiệt độ tối đa vào mùa hè, nhiệt độ bề mặt đất. Sau đó, các nhà khoa học sẽ đánh giá tính dễ bị tổn thương nhằm vạch ra các khu vực cần được chú ý ngay lập tức và đưa ra một chiến lược ứng phó.

Giải pháp đối phó với nắng nóng tại Ấn Độ không thiếu, nhưng vấn đề nguồn lực để triển khai vẫn sẽ là cản trở lớn để nước này có thể hạn chế bớt ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt.

Người Pakistan chật vật với nắng nóng

Tại Pakistan, nước láng giềng của Ấn Độ, người dân cũng quay cuồng vì nắng nóng. Nhiệt độ ở tỉnh Sindh, miền Nam Pakistan lên tới 52 độ C, mức cao nhất trong mùa hè và gần với mức cao kỷ lục của đất nước. Còn tại thành phố Lahore, thủ phủ tỉnh Punjab nhiệt kế cũng chỉ 45 độ C. Nắng nóng kèm theo độ ẩm cao khiến bầu không khí càng trở nên ngột ngạt.

Hành khách đi xe buýt ở Pakistan chịu đựng cái nóng khắc nghiệt mà không có điều hòa trên xe. Anh công nhân Bismillah Jan và cậu sinh viên đại học Umair Saqib cho biết giá vé cao hơn khoảng 800 rupee (tương đương khoảng 3 USD) đối với xe buýt có máy lạnh, vượt quá khả năng chi trả của họ. Vì thế dù phải đi đến Shakargarh, một thị trấn cách Lahore khoảng 160 km, thì xe buýt không điều hòa vẫn là sự lựa ưu tiên của họ.

Hành khách đi xe buýt ở Pakistan chịu đựng cái nóng khắc nghiệt mà không có điều hòa trên xe.

Nắng nóng khiến nhiều người bị sốc nhiệt. Trang tin Dawn cho biết 72 người đã phải nhập viện chỉ trong vòng một ngày.

Số lượng bệnh nhân đã tăng lên đáng kể. Lúc đầu, chỉ có một hoặc hai bệnh nhân đến khám nhưng hiện nay con số này đã tăng từ 15 lên 20, rồi từ 30 lên 40 bệnh nhân mỗi ngày. Một số người có các triệu chứng chính như sốt và đau đầu. Ngoài ra, các bệnh nhân say nắng cũng được báo cáo tại các bệnh viện.

Tiến sĩ Khalid Mahmud Khan - Giám đốc Bệnh viện Jinnah, Lahore.

Bệnh viện ở thành phố Jacobabad, miền Nam nước này đã phải tăng cường thêm bác sĩ để cấp cứu trong bối cảnh ngày càng nhiều người nhập viện vì sốc nhiệt. Trung bình mỗi ngày, một bệnh viện có thể tiếp nhận từ 10-12 trường hợp nhập viện vì say nắng.

Cũng do nền nhiệt độ lên cao kéo dài nhiều ngày liên tục tại vùng Punjab của Pakistan, hàng loạt trường học đã phải đóng cửa. Một số trường điều chỉnh giờ học để tránh cái nóng oi bức giữa trưa, chẳng hạn như vào học từ sáng sớm khi mặt trời chưa lên và tan học trước 9 giờ sáng.

Trung tâm Khí tượng Pakistan đã dự đoán các cơn bão bụi, giông bão và mưa rải rác ở một số vùng của nước này sẽ giúp tình trạng nắng nóng khắc nghiệt giảm bớt, nhưng một đợt nắng nóng khác dự kiến sẽ tấn công các khu vực ở Sindh, bao gồm cả thủ đô Karachi - thành phố lớn nhất của Pakistan trong những ngày tới.

Bệnh viện ở thành phố Jacobabad, miền Nam nước này đã phải tăng cường thêm bác sĩ để cấp cứu trong bối cảnh ngày càng nhiều người nhập viện vì sốc nhiệt.

Một nghiên cứu gần đây phân tích các đợt nắng nóng ở Nam và Đông Nam Á cho thấy các đợt nắng nóng ngày càng thường xuyên ở Nam Á, đặc biệt là Ấn Độ và Pakistan.

Sóng nhiệt kết hợp với khô hạn do El Nino gây ra tác động đến nguồn tài nguyên nước của Ấn Độ và Pakistan. Nguồn cung cấp nước có thể bị gián đoạn nếu xảy ra những đợt khô hạn kéo dài sẽ gây ra hậu quả tức thời đối với sức khỏe người dân.

Mưa lũ khiến 17 người thiệt mạng tại Sri Lanka 

Hơn 10 người thiệt mạng và khoảng 100.000 người bị ảnh hưởng bởi những trận mưa xối xả lên tới 150 mm gây lũ lụt và lở đất, tàn phá nghiêm trọng phần lớn các vùng lãnh thổ của đất nước Sri Lanka.

Nhà chức trách nước này đã ra lệnh cho quân đội ứng cứu người gặp nạn, đóng cửa các trường học cũng như yêu cầu người dân sống ở vùng trũng thấp chuyển đến các vùng đất cao hơn để đảm bảo an toàn.

Hơn 10 người thiệt mạng và khoảng 100.000 người bị ảnh hưởng bởi những trận mưa xối xả lên tới 150 mm gây lũ lụt và lở đất.

Theo cơ quan quản lý thảm họa Sri Lanka, quốc đảo nằm ở Ấn Độ Dương này có 25 quận thì có tới 20 quận bị mưa lũ tấn công. 5 quận còn lại được đặt trong tình trạng cảnh báo lũ lớn do mực nước ở một số con sông vượt ngưỡng cho phép.

Các huyện Colombo, Gampaha, Kalutara, Ratnapura, Kegalle, Galle và Matara thuộc các tỉnh phía Tây, và tỉnh Sabaragamuwa ở phía Nam nước này bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Nhà chức trách Sri Lanka thông báo có ít nhất 17 người thiệt mạng ở các quận Matara, Ratnapura và quận Colombo. Ngoài ra, còn có 5 người khác mất tích. Mới đầu mùa mưa nhưng lượng mưa lớn bất thường khiến nhiều người dân lo lắng.

Cơ quan khí tượng Sri Lanka cảnh báo mưa vẫn tiếp diễn với lượng mưa lên tới 150 mm trong những ngày tiếp theo. Trung tâm Quản lý thảm họa Sri Lanka (DMC) đưa ra cảnh báo cho người dân sống ven các con sông chính, yêu cầu họ di chuyển đến vùng đất cao hơn.

Các chuyến bay đến sân bay quốc tế chính của Colombo đã được chuyển hướng đến một sân bay nhỏ hơn, một số đường cao tốc chính cũng bị ngừng hoạt động.

Các trường học trên cả nước đóng cửa vào ngày 3/6 trong khi các trường ở miền Nam sẽ đóng cửa cho đến ngày 5/6. Cơ quan quản lý thiên tai nước này đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ lở đất sau nhiều ngày mưa lớn. Lực lượng quân đội và Hải quân Sri Lanka đã được huy động ứng cứu người dân và đưa người gặp nạn đến bệnh viện.

Hải quân, quân đội và các lực lượng cứu hộ đang thực hiện các bước để cung cấp khẩu phần ăn cho những người bị ảnh hưởng và bảo vệ mạng sống của họ.

Ông Lakshman Yapa Abeywardena - Thống đốc tỉnh Nam Sri Lanka.

Tháng 5 thường là thời điểm ẩm ướt nhất trong năm ở phía Nam và phía Tây Sri Lanka, khi những đợt gió mùa tràn vào khắp hòn đảo.

Các chuyên gia cảnh báo Sri Lanka đang phải đối mặt với lũ lụt thường xuyên hơn khi thế giới nóng lên do biến đổi khí hậu.

Năm ngoái, mưa lớn vào tháng 5, tháng 6 khiến 100 người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người khác phải tìm nơi ở tạm bợ. Sri Lanka phụ thuộc vào lượng mưa theo mùa để tưới tiêu nông nghiệp cũng như sản xuất thủy điện, tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo nước này đang phải đối mặt với lũ lụt thường xuyên hơn khi thế giới nóng lên do biến đổi khí hậu.

Các chuyên gia khí tượng cho rằng những đợt thiên tai mà chúng ta đang chứng kiến một phần bị ảnh hưởng bởi tình trạng nóng lên toàn cầu và phần còn lại do sự biến đổi tự nhiên, đặc biệt là hình thái thời tiết El Nino, diễn ra mạnh mẽ trong năm nay.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Từ trước khi Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình Ukraine diễn ra tại Thuỵ Sĩ, các nhà phân tích đã dự đoán rằng hội nghị này dường như không đạt được các mục tiêu đã nêu, cả về mặt đại diện tham dự và việc phát triển chương trình nghị sự thống nhất mà Kiev muốn thúc đẩy, khi không có sự tham gia của Nga.

Sau gần 25 năm cầm quyền, Tổng thống Vladimir Putin đã cho thấy tài năng của một trong những nhà lãnh đạo thành công nhất lịch sử nước Nga. Ông đã mở ra một kỷ nguyên phát triển mới ở Nga, đưa đất nước từ chỗ đang lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện sau khi Liên Xô tan rã, trở lại thành cường quốc hàng đầu thế giới.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo nhiều khả năng năm 2024 sẽ là một năm nắng nóng kỷ lục tiếp theo, phá vỡ kỷ lục về nắng nóng của năm 2023.

Tình trạng đầu cơ bất động sản đã và đang diễn ra ở nhiều thành phố lớn trên thế giới, không chỉ gây ảnh hưởng đến giá bất động sản trên thị trường mà còn khiến người thu nhập thấp không thể mua nổi nhà.

Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình Ukraine tổ chức tại Thụy Sỹ đang có nguy cơ thất bại khi không có sự tham gia của nguyên thủ một số nước quan trọng như Mỹ, Trung Quốc và đặc biệt là Nga.

Sau khi thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố giải tán Quốc hội để tổ chức tổng tuyển cử sớm, gây choáng váng cho cả chính trường Pháp và châu Âu.