Người di cư, vấn đề thách thức cho an ninh châu Âu

Vấn đề di cư luôn là ưu tiên hàng đầu của tất cả các chính sách an ninh châu Âu trong hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, đến nay EU vẫn chưa thể kiểm soát được dòng người di cư bất hợp pháp mỗi ngày, trong bối cảnh xung đột gia tăng ở nhiều nơi, khiến cho việc bảo đảm an ninh ở châu Âu trở thành một thách thức không nhỏ, khó có thể được giải quyết trong một sớm một chiều.

Cảnh giác cao độ về an ninh tại châu Âu

Cuộc xung đột kéo dài hơn hai tháng qua ở Trung Đông đang làm gia tăng mối lo ngại bạo lực có thể lan rộng ở khu vực châu Âu, nhất là sau các vụ tấn công xảy ra tại một số nước EU thời gian gần đây.

Bà Ylva Johansson, Ủy viên Nội vụ của Liên minh châu Âu cho rằng: “Trong khi xung đột giữa Israel và Hamas đang diễn ra căng thẳng, kéo theo đó là sự phân cực, chia rẽ về quan điểm, cùng với kỳ nghỉ lễ sắp tới, có nguy cơ rất lớn xảy ra các cuộc tấn công khủng bố ở Liên minh châu Âu”.

Lời cảnh báo này đã thổi vào bầu không khí Giáng sinh đang cận kề những âu lo về nhiều sự bất ổn.

Thực ra, không phải tới thời điểm này, mà cách đây vài tháng, những cảnh báo về nguy cơ khủng bố quay trở lại châu Âu đã liên tiếp được đưa ra khi chỉ trong vòng hai tuần của tháng 10/2023, liên tiếp những vụ tấn công, những lời đe doạ khủng bố xuất hiện hàng loạt tại nhiều quốc gia châu Âu như: Pháp, Đức, Bỉ, Thuỵ Điển…

Đầu tháng 12, cảnh sát Pháp đã bắt giữ nghi phạm gây ra vụ tấn công bằng dao tại một địa điểm gần tháp Eiffel ở thủ đô Paris khiến một du khách Đức thiệt mạng và hai người khác bị thương. Nghi phạm nói rằng "cảm thấy buồn" vì quá nhiều người thiệt mạng ở Afghanistan ở Dải Gaza.

Mới đây nhất, hôm 21/12, một vụ xả súng đã xảy ra tại trường Đại học Charles ở Prague, Cộng hòa Séc, khiến 14 người thiệt mạng và 25 người khác bị thương. Nghi phạm là sinh viên sinh năm 1999. Đây là vụ xả súng nghiêm trọng nhất ở Séc trong nhiều thập niên qua. Chính phủ Cộng hòa Séc đã tuyên bố quốc tang vào ngày 23/12 để tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng. Mặc dù Bộ trưởng Nội vụ Séc cho biết, không có mối liên hệ nào giữa vụ xả súng và "khủng bố quốc tế", tuy nhiên, vụ việc đã làm dấy lên mối lo ngại về an ninh tại Séc.

Trước những sự việc liên tiếp xảy ra, trong bối cảnh Giáng sinh và kỳ nghỉ lễ năm mới sắp cận kề, Ủy viên Nội vụ EU Ylva Johansson cho biết, Ủy ban châu Âu sẽ chi thêm 30 triệu euro (32,5 triệu USD) để tăng cường an ninh ở những khu vực dễ bị tổn thương, đặc biệt là tại các địa điểm tôn giáo. Lực lượng cảnh sát ở một số nước EU cũng đang tăng cường an ninh tại các địa điểm tập trung đông người, các khu vực công cộng.

Ủy viên phụ trách Nội vụ của EU cũng kêu gọi tất cả các nước thực hiện các biện pháp nhằm trấn áp các đối tượng có lời lẽ cực đoan trên mạng, đồng thời cần có biện pháp triệt tiêu các nguồn tài chính được các nhóm cực đoan sử dụng. Hơn lúc nào hết, sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên EU là rất quan trọng để giải quyết mối đe dọa mất an ninh và nguy cơ chia rẽ sâu sắc.

Du lịch sôi động tại EU bất chấp cảnh báo an ninh

Bất chấp cảnh báo đe dọa khủng bố từ các cơ quan chức năng trên khắp châu Âu, du lịch trong khu vực dịp nghỉ lễ cuối năm vẫn rất nhộn nhịp và sôi động. Theo công ty dữ liệu du lịch ForwardKeys, các chợ Giáng sinh và các địa điểm du lịch ở các thành phố lớn như Munich (Đức) và Paris (Pháp) vẫn kín chỗ, mặc dù có sự kiểm soát an ninh chặt chẽ. Du lịch trong kỳ nghỉ lễ trong Liên minh châu Âu (EU) và bao gồm cả Anh dự kiến sẽ tăng 22% so với mức của năm 2022.

Các chuyên gia cho biết, sự gia tăng đột biến này được thúc đẩy bởi nhu cầu đi lại sau đại dịch Covid-19. Với nhiều người, đây là kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới đầu tiên họ được đoàn tụ với gia đình kể từ cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu.

Bất chấp các cảnh báo về nguy cơ gia tăng các cuộc tấn công liên quan đến các cuộc xung đột địa chính trị, nhiều khách du lịch vẫn tỏ ra hào hứng tận hưởng chuyến đi của mình.

Các khu chợ Giáng sinh vẫn thu hút rất đông người. Điều này cho thấy phần nào sự tin tưởng của người dân vào bộ máy an ninh được triển khai trên khắp các trung tâm châu Âu.

Cô Gwen Fitzgerald, một du khách Mỹ chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất an toàn dù ý thức được về tình hình an ninh hiện nay. Tôi theo dõi tình hình hàng ngày về an ninh ở châu Âu và cuộc xung đột ở Trung Đông. Nhưng đồng thời tôi cũng thực sự khao khát niềm vui của mùa lễ hội. Vì vậy tôi đã đến đây để có được niềm vui đó”.

Lượng khách du lịch đến Italy, Áo và Thụy Điển dịp Giáng sinh cũng chứng kiến mức tăng ít nhất 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khách du lịch cho biết, với các biện pháp an ninh được tăng cường trên khắp châu Âu, họ có cảm giác bình tĩnh hơn và cảm thấy thoải mái khi không phải hủy bỏ kế hoạch du lịch của mình mà có thể tận hưởng trọn vẹn không khí của mùa lễ hội.

Kể từ khi nổ ra cuộc xung đột tại Gaza ngày 7/10, an ninh ở thủ đô Paris của Pháp đã được thắt chặt, đặc biệt là xung quanh các giáo đường Do Thái, trường học của người Do Thái và các khu vực có mật độ giao thông cao. Binh lính tuần tra các địa điểm du lịch nổi tiếng, trong khi cảnh sát tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên.

Còn tại Đức, lực lượng chức năng đã thắt chặt tối đa an ninh tại các khu chợ Giáng sinh truyền thống trên khắp cả nước. Các biện pháp an ninh bổ sung đã được áp dụng xung quanh nhiều khu chợ sau vụ tấn công khủng bố bằng xe tải vào chợ Giáng sinh ở Berlin năm 2016 khiến 11 người thiệt mạng và nhiều người bị thương.

Số người di cư tới EU tăng mạnh

Cũng trong dịp cuối năm này, một trong những vấn đề khiến lãnh đạo các quốc gia châu Âu cũng như EU đau đầu nhất là vấn nạn di cư đang ngày càng nóng trở lại với châu lục này. Nhìn chung, trong 11 tháng đầu năm nay, 355.300 người di cư trái phép đã đến Liên minh châu Âu (EU), tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022 và là con số cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2016. Theo Cơ quan Tị nạn EU, số người xin tị nạn trong năm nay có thể lên tới 1 triệu người.

Ngày 11/12, Cơ quan Biên giới châu Âu (Frontex) cho biết, tuyến đường xuyên tâm Địa Trung Hải từ Bắc Phi đến Italy vẫn là tuyến di cư bất hợp pháp "bận rộn" nhất trong năm 2023, với 152.211 trường hợp được quốc gia này báo cáo trong 11 tháng đầu năm nay, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2022 và là mức cao nhất kể từ năm 2016.

Tuyến đường xuyên tâm Địa Trung Hải nối từ các nước Libya, Tunisia, Guinea và Bờ Biển Ngà đến Italy. Trong tháng 11 vừa qua, số người di cư bất hợp pháp đến Italy qua Địa Trung Hải đã giảm 24% so với tháng trước, xuống còn gần 7.900 người, tương ứng với mức giảm trên tất cả các tuyến đường di cư bất hợp pháp khác. 

Gia tăng cao nhất ghi nhận ở tuyến đường Tây Phi đến quần đảo Canary của Tây Ban Nha, nơi số người di cư đến đã tăng hơn gấp đôi, lên 32.422. Trong khi đó, tuyến di cư Tây Balkan ghi nhận sự sụt giảm 28% và mức giảm của tuyến Tây Địa Trung Hải từ Maroc đến Tây Ban Nha là 2%. Số người di cư đến châu Âu qua biên giới đất liền phía Đông đã giảm 10%.

Cơ quan Biên giới châu Âu Frontex cảnh báo rằng, số liệu của họ không đầy đủ vì chỉ bao gồm những người di cư được các cơ quan chức năng xử lý, không bao gồm những người đã vào EU mà không bị phát hiện. Phần lớn người di cư đến từ các nước Syria, Guinea và Afghanistan.

Trong nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư nóng trở lại, ngày 20/12, các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Nghị viện châu Âu (EP) đã đạt được thỏa thuận lớn nhằm cải cách chính sách về người di cư và xin tị nạn của khối. Việc đạt được thỏa thuận sơ bộ, vẫn cần được Hội đồng châu Âu và EP phê chuẩn chính thức.

Nội dung cải cách dựa trên đề xuất do Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra cách đây 3 năm, theo đó giữ nguyên nguyên tắc hiện hành là quốc gia EU đầu tiên mà người xin tị nạn nhập cảnh phải chịu trách nhiệm về trường hợp của họ.

Tuy nhiên, để hỗ trợ các quốc gia nằm ở tuyến đầu phải đối mặt với lượng người di cư đến đông như các quốc gia Địa Trung Hải là Italy, Hy Lạp và Malta, một cơ chế đoàn kết bắt buộc được thiết lập để chia sẻ gánh nặng với những nước này.

Điều này đồng nghĩa với việc các nước EU khác sẽ tiếp nhận một số lượng nhất định người di cư hoặc đóng góp khoản hỗ trợ tài chính nếu từ chối tiếp nhận.

Bên cạnh đó, quá trình sàng lọc và kiểm tra những người xin tị nạn cũng sẽ được đẩy nhanh để những người di cư không đáp ứng tiêu chuẩn có thể nhanh chóng được hồi hương hoặc quay lại điểm trung chuyển.

Pháp thắt chặt quy định với người nhập cư

Quốc hội Pháp mới đây đã thông qua Dự luật Nhập cư sau nhiều lần sửa đổi, qua đó thắt chặt hơn các biện pháp kiểm soát nhập cư kể từ khi dự luật đầu tiên được đệ trình. Dự luật mới đưa ra các quy định chặt chẽ hơn nhằm giảm các khoản thanh toán phúc lợi cho người nhập cư. Chính phủ Pháp ban đầu cho biết, dự luật này sẽ tạo điều kiện cho những người di cư làm việc trong các lĩnh vực thiếu lao động dễ dàng xin được giấy phép cư trú, nhưng cũng sẽ giúp trục xuất những người di cư bất hợp pháp dễ dàng hơn.

Để nhận được sự ủng hộ từ cánh hữu, Chính phủ Pháp đã đồng ý giảm bớt các biện pháp cấp giấy phép cư trú cho người di cư bất hợp pháp, đồng thời thắt chặt khả năng tiếp cận phúc lợi, bao gồm trợ cấp cho trẻ em và trợ cấp nhà ở.

Nước Pháp từ lâu đã nổi tiếng với hệ thống phúc lợi tạo điều kiện cho người nhập cư, thậm chí cấp các khoản thanh toán cho cư dân nước ngoài, giúp họ trả tiền thuê nhà hoặc chăm sóc con cái với khoản đóng góp hằng tháng lên tới vài trăm euro. Tuy nhiên, với dự luật mới này, việc tiếp cận trợ cấp nhà ở cho những người di cư ngoài Liên minh châu Âu (EU) thất nghiệp sẽ bị trì hoãn trong 5 năm.

Thỏa thuận cũng đưa ra hạn ngạch di cư, gây khó khăn hơn cho người nhập cư, và những người có hai quốc tịch bị kết án vì tội nghiêm trọng có thể bị mất quốc tịch Pháp.

Chỉ 6 tháng trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, việc thông qua thành công dự luật tại quốc hội sẽ là động lực đáng hoan nghênh cho Tổng thống Macron - người coi nhập cư là vấn đề trọng tâm trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.

Số người nhập cư ở Pháp ước tính khoảng 5,1 triệu người, tương đương 7,6% dân số. Các nhà chức trách cho rằng, hiện đang có khoảng 600.000-700.000 người nhập cư không có giấy tờ ở quốc gia Tây Âu này.

Các quốc gia trên khắp châu Âu đang lựa chọn các chính sách di cư cứng rắn hơn.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak mới đây cho biết, ông sẽ thúc đẩy cải cách toàn cầu đối với hệ thống tị nạn, cảnh báo mối đe dọa về số lượng ngày càng tăng người tị nạn tại lục địa già. Ngày 5/12, Anh đã công bố kế hoạch cắt giảm số lượng người di cư đến bằng các con đường hợp pháp, trong bối cảnh vấn đề này đang gia tăng áp lực lên Thủ tướng Rishi Sunak. Mức độ di cư hợp pháp cao đã tồn tại ở xứ sở Sương mù trong hơn một thập kỷ và là nhân tố chính trong cuộc bỏ phiếu khiến Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) năm 2016. Số lượng di cư ròng hằng năm đến nước Anh đã đạt kỷ lục 745.000 vào năm ngoái và hiện vẫn ở mức cao.

Trong khi đó, Chính phủ Đức và chính quyền các vùng liên bang đã thoả thuận đưa ra một loạt biện pháp thắt chặt chính sách di cư và tị nạn để ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp vào Đức trong bối cảnh kinh tế suy thoái và sự mở rộng ảnh hưởng của chủ nghĩa cực hữu. Đây có thể xem là sự đảo chiều trong chính sách nhập cư và tị nạn của Đức, nền kinh tế số 1 châu Âu dưới thời Thủ tướng Angela Merkel vốn nổi tiếng là “cởi mở” với người nhập cư để đáp ứng nhu cầu lớn về nhân lực./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.

Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.

Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.

Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.

Tuần lễ cấp cao APEC 2024 quy tụ khoảng 20.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trên khắp châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các Hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng lớn hơn trong khu vực.