Người kết nối những 'mảnh vụn' cuộc đời

Anh Lê Việt Cường dù mắc bệnh bại liệt từ nhỏ nhưng vẫn quyết tâm đi học và tốt nghiệp trường Cao đẳng Bách khoa. Trải qua nhiều công việc, thấu hiểu sự khó khăn của những người cùng hoàn cảnh, anh Cường đã quyết tâm thành lập HTX “Vụn Art” - nơi người khuyết tật có thể tạo ra những bức tranh ghép từ vải vụn bằng chính đôi bàn tay và khối óc của mình.

Được chuyển giao ý tưởng từ họa sĩ Nguyễn Văn Trường về việc tái chế, tận dụng những nguyên liệu vải vụn bỏ đi để tạo ra một công việc phù hợp với sức khỏe của người khuyết tật, anh Lê Việt Cường đã quyết tâm thành lập HTX “Vụn Art” - nơi người khuyết tật có thể tạo ra những bức tranh ghép từ vải vụn bằng chính đôi bàn tay và khối óc của mình.

Một công việc tưởng chừng như đơn giản với người bình thường nhưng lại đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ, khéo tay và một quyết tâm lớn ở người khuyết tật.

Sau một năm loay hoay tìm kiếm nguyên liệu phù hợp với sản phẩm tranh ghép vải, anh quyết định đặt cơ sở sản xuất Vụn Art tại làng nghề Vạn Phúc và lựa chọn lụa Vạn Phúc làm nguyên liệu để sản xuất.

Anh Lê Việt Cường đã quyết tâm thành lập HTX “Vụn Art” - nơi người khuyết tật có thể tạo ra những bức tranh ghép từ vải vụn bằng chính đôi bàn tay và khối óc của mình.

Khó khăn nhất để tạo ra những bức tranh ghép vải là dạy nghề cho người khuyết tật. Mỗi người đến với Vụn Art thuộc nhiều dạng tật khác nhau. Có người câm điếc, có người thiểu năng trí tuệ, có người khuyết vận động, tự kỷ...

Để hướng dẫn họ học được, làm được phải kiên trì chỉ dẫn từng công đoạn cho từng người một, từ tạo mẫu tranh, làm bìa, vẽ mẫu, tạo hình, ép vải, cắt, dán, tráng keo… tùy theo năng lực và nhận thức riêng của mỗi người. Vì thế mà dù đã đi khắp nơi để tìm kiếm người khuyết tật đến học nghề nhưng thời gian đầu anh Cường chỉ tìm được 15 người đồng ý đến học. Trong 15 người ấy cũng không còn mấy người kiên trì theo được.

Phải mất nhiều năm, Vụn Art mới có được nhân lực ổn định. Trong quá trình đào tạo, những người khuyết tật sẽ được anh Lê Việt Cường sàng lọc, tùy vào khả năng của từng người để bố trí công việc phù hợp, tận dụng tối đa khả năng của họ. Những người làm việc lâu năm ở Vụn Art sẽ trở thành người hỗ trợ cầm tay chỉ việc cho những người mới đến.

Phải mất nhiều năm, Vụn Art mới có được nhân lực ổn định.

Ban đầu, Vụn Art chỉ làm tranh ghép vải, kit ghép tranh, nhưng nhu cầu thị trường không nhiều. Hoạt động của xưởng gặp nhiều khó khăn, gần như đình trệ. Rất may mắn trong quá trình thành lập và duy trì hoạt động của Vụn Art, anh Cường đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều họa sỹ. Họ đã trở thành những cố vấn về văn hóa, nghệ thuật, trực tiếp đào tạo các học viên và đến làm việc tại Vụn Art. Các hoạ sỹ cũng đưa ra định hướng mới về in tranh lên các sản phẩm khác như áo phông họa tiết ghép lụa, túi tote, ví và kít ghép tranh cho trẻ nhỏ.

Để có nguồn nguyên liệu ổn định, anh Cường đã tìm đến các xưởng dệt hay các nhà may trong làng Vạn Phúc - nơi nổi tiếng với các loại mặt hàng từ lụa truyền thống để xin vải vụn. Những miếng lụa vụn không thể sử dụng vào các sản phẩm như may áo, khăn… trước đây sẽ là rác thải, phải bỏ đi. Nhưng những người thợ ở Vụn Art đã khéo léo cắt, dán trên sản phẩm của mình, giúp lượng rác thải từ lụa giảm đi đáng kể, góp phần hạn chế rác thải vào môi trường.

Để Vụn Art có việc làm và đầu ra ổn định, thời gian đầu anh Lê Việt Cường đã đưa sản phẩm tham dự các triển lãm, hội chợ trong và ngoài nước để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Trải qua nhiều khó khăn, đến nay Vụn Art đã được nhiều người biết và tìm đến đặt hàng. Các sản phẩm được tạo ra từ đôi bàn tay của người khuyết tật đã có chỗ đứng trên thị trường.

Các sản phẩm của Vụn Art đã dần có chỗ đứng trên thị trường.

Nằm giữa làng Vạn Phúc, Vụn Art mà anh Cường sáng lập nên giờ đây đã trở thành ngôi nhà thứ hai của 36 người khuyết tật. Qua bàn tay cần mẫn của họ, các mảnh lụa vụn Vạn Phúc được cắt, ghép, dán để tạo ra các họa tiết trên các sản phẩm thủ công như: tranh lụa ghép vải, tranh chân dung ghép lụa, ví vải, sổ tay ghép lụa, vỏ gối... hay các kit tranh ghép vải.

Các họa tiết trên sản phẩm ở Vụn Art được thiết kế theo hai hướng là: những sản phẩm mang đậm màu sắc văn hóa dân gian và dòng sản phẩm được thiết kế các họa tiết đương đại.

Những sản phẩm mang đậm màu sắc văn hóa dân gian như họa tiết tranh Đông Hồ, một loại hình tranh dân gian truyền thống nổi tiếng của Việt Nam. Mỗi bức tranh Đông Hồ mang theo mình một ý nghĩa sâu sắc, tinh tế và thể hiện thông điệp đa dạng về đời sống, tín ngưỡng và tâm hồn người dân nông thôn Việt Nam.

Một dòng sản phẩm khác được thiết kế các họa tiết đương đại, mang đậm hơi thở Việt Nam đang được ưa chuộng. Hoặc các sản phẩm tranh chân dung, tranh phong cảnh được đặt theo yêu cầu của khách hàng.

Mỗi mảnh vải vụn như là một con người, một số phận nơi đây. Và anh Lê Việt Cường chính là chất keo kết dính, gắn kết họ trở thành một bức tranh hoàn chỉnh.

Ngoài việc sáng tạo sản phẩm thủ công, anh Cường đã phối hợp với nhiều đối tác, tổ chức các workshop, cung cấp dịch vụ du lịch trải nghiệm để du khách trong nước và quốc tế làm sản phẩm tranh ghép dưới sự hướng dẫn của người khuyết tật.

Các học sinh đến từ mọi miền tổ quốc tham gia trại hè Erahouse đã rất thích thú khi được trải nghiệm ghép tranh bẳng vải với các anh chị khuyết tật Vụn Art và lắng nghe những chia sẻ của anh Lê Việt Cường. Một buổi sáng thú vị trôi qua thật nhanh đã giúp các em học được rất nhiều điều.

Anh Lê Việt Cường đã dẫn dắt Vụn Art giành được nhiều thành công và giải thưởng.

Với giá trị cốt lõi "Sáng tạo - Nhân văn - Tôn trọng - Truyền cảm hứng", sau 7 năm nỗ lực không ngừng, anh Lê Việt Cường đã dẫn dắt Vụn Art giành được nhiều thành công và giải thưởng như: top 4 hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2018, chứng nhận OCOP 4 sao năm 2019, sản phẩm sáng tạo năm 2020; giải Nhì cuộc thi Khởi nghiệp về giải pháp cho người khuyết tật tại Việt Nam, top 3 hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2020; 2021; giải 3 hội thi sản phẩm làng nghề thành phố Hà Nội năm 2023; và nhiều chứng nhận, giải thưởng danh giá cho mô hình doanh nghiệp xã hội bền vững…

Không một mảnh vải nào thừa, không một "mảnh vụn" nào của cuộc đời lại vô ích, HTX Vụn art mà anh Lê Việt Cường dày công phát triển đã thực sự trở thành nơi gieo mầm ước mơ và kết nối những người không may mắn lại với nhau. Đó cũng là cách mà anh đã ghép những mảnh ghép của mỗi người khuyết tật ở Vụn Art trở thành bức tranh rực rỡ sắc màu.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sinh ra trong làng nghề điêu khắc gỗ Ngọc Than (Quốc Oai, Hà Nội), lại có năng khiếu mỹ thuật, nghệ nhân tranh điêu khắc gỗ Bùi Trọng Lăng đã tạo nên những tác phẩm độc đáo mang hồn cốt Việt.

Các thành viên đến từ mọi lứa tuổi, ngành nghề, giới tính hay nhóm cộng đồng trong xã hội đều được kết nối với nhau bằng tình yêu âm nhạc, thông qua dự án âm nhạc cộng đồng Hợp xướng đa dạng.

Miệt mài trong suốt 3 năm mới có được tác phẩm ưng ý đầu tiên, nghệ nhân Đỗ Văn Cường đã tạo tác nên những sản phẩm mộc mỹ nghệ đặc sắc mang dấu ấn cá nhân.

Niềm đam mê với các ý tưởng sáng tạo là nguồn cảm hứng để chị Minh Phương cho ra đời các sản phẩm túi xách độc đáo, thân thiện với môi trường, tôn vinh nghề thủ công của Hà Nội mang thương hiệu riêng của mình.

Nghệ nhân Đào Anh Tuấn kế thừa tài năng của cha mình, nghệ nhân ưu tú Đào Văn Soạn, người làm đàn nổi tiếng ở làng nghề làm nhạc cụ dân tộc truyền thống Đào Xá.

Theo đuổi kỹ thuật đắp vẽ thủ công, sử dụng các nguyên vật liệu truyền thống để khảm phù điêu trên các công trình tâm linh, nghệ nhân Nguyễn Đức Thủy đã có hơn 30 năm gìn giữ nghề “nề ngõa” - một nghề truyền thống với cái tên có lẽ không mấy người từng nghe.