Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết trên toàn cầu

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, sốt xuất huyết đã lưu hành ở hơn 100 quốc gia vào năm 2024, gây ra mối đe dọa sức khỏe toàn cầu, ảnh hưởng đến khoảng 4 tỷ người, tương đương khoảng một nửa dân số thế giới. Trong một số trường hợp, sốt xuất huyết nặng có thể dẫn đến tử vong. So với mọi năm, năm nay, nhiều quốc gia châu Á và châu Mỹ đang phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh bùng phát sớm hơn và nguy hiểm hơn.

Số ca sốt xuất huyết tăng mạnh tại Indonesia và Singapore 

Bộ Y tế Indonesia đã ghi nhận ít nhất 43.000 ca sốt xuất huyết và 404 ca tử vong tính đến ngày 23/3 vừa qua, gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia cho rằng hiện tượng El Nino làm thời tiết nóng lên và kéo dài mùa mưa khiến dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh, dẫn đến số ca sốt xuất huyết và số ca tử vong tăng vọt tại nước này trong năm nay.

Theo Bộ Y tế Indonesia dự báo số ca sốt xuất huyết sẽ tiếp tục tăng trong tháng 4 này khi dịch sốt xuất huyết lên tới đỉnh điểm. Năm địa phương có số ca nhiễm cao nhất là thành phố Tangerang ở tỉnh Banten, thành phố Tây Bandung - tỉnh Tây Java, thành phố Kendari - Đông Nam tỉnh Sulawesi, thành phố Subang - tỉnh Tây Java và Lebak tại tỉnh Banten. Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết bộ này đang trong quá trình mua thuốc diệt ấu trùng muỗi và thuốc trừ sâu để diệt muỗi trưởng thành nhằm kiểm soát sự lây truyền bệnh, đồng thời, thúc giục người dân tiếp tục khơi thông cống rãnh, dọn sạch những nơi muỗi đẻ trứng. Cơ quan y tế địa phương đang vận động, khuyến khích người dân giữ gìn môi trường sạch sẽ, ngăn chặn tình trạng ứ đọng nước. Indonesia đang hướng tới mục tiêu lâu dài do Tổ chức Y tế Thế giới đặt ra là đến năm 2030 sẽ không có ca tử vong nào do sốt xuất huyết với việc áp dụng bốn chiến lược: thúc đẩy và phòng ngừa; giám sát; can thiệp y tế và trị liệu.

Indonesia đang hướng tới mục tiêu lâu dài do Tổ chức Y tế Thế giới đặt ra là đến năm 2030 sẽ không có ca tử vong nào do sốt xuất huyết.

Trong khi đó, kênh truyền hình CNA của Singapore thông tin hơn 5.000 ca sốt xuất huyết được báo cáo trong quý đầu tiên của năm 2024, cao hơn gấp đôi so với 2.360 ca được báo cáo trong cùng kỳ năm 2023.

3 tháng đầu năm 2024, Singapore đã ghi nhận bảy trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, trong khi cả năm 2023 mới có 6 ca tử vong vì dịch bệnh này. Theo thống kê, đa số các trường hợp tử vong là người cao tuổi. Thư ký cấp cao của Quốc hội về Phát triển bền vững và Môi trường Singapore, ông Baey Yam Keng, đã kêu gọi trách nhiệm và hành động tập thể để chống lại bệnh sốt xuất huyết trong bối cảnh dịch bệnh này đang diễn ra nghiêm trọng. Ông nhấn mạnh, điều đáng lo ngại là trong năm nay, Singapore đã có tới hơn 300 ca sốt xuất huyết mỗi tuần ngay trong quý đầu tiên của năm, thời điểm vốn chưa phải là cao điểm của dịch sốt xuất huyết.

Một trong những nguyên nhân gây ra bùng phát dịch bệnh là do số lượng quần thể muỗi Aedes Aegypti gây sốt xuất huyết vẫn ở mức cao.

Theo các nhà chức trách Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore (NEA), một trong những nguyên nhân gây ra bùng phát dịch bệnh là do số lượng quần thể muỗi Aedes Aegypti gây sốt xuất huyết vẫn ở mức cao, môi trường sinh sản của chúng tại các khu dân cư vào tháng 1 năm 2024 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Một nguyên nhân khác rất đáng chú ý là người dân nước này có miễn dịch cộng đồng thấp đối với cả 4 chủng virus sốt xuất huyết DENV-1, DENV-2, DENV-3 và DENV-4. Sự hiện diện liên tục của tất cả các yếu tố có nguy cơ gây bệnh sốt xuất huyết có thể dẫn đến sự gia tăng số ca bệnh trong những tháng tới nếu các hành động không được thực hiện đầy đủ.

Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (NEA) đã phát động chiến dịch phòng chống sốt xuất huyết quốc gia năm 2024 trước mùa sốt xuất huyết cao điểm truyền thống, từ tháng 5 đến tháng 10. Trọng tâm của chiến dịch là dự án Wolbachia - một dự án thả muỗi biến đổi gen, khiến muỗi đẻ trứng nhưng không nở.

Dự án Wolbachia - một dự án thả muỗi biến đổi gen, khiến muỗi đẻ trứng nhưng không nở.

Dự án có thể giúp giảm thiểu dịch sốt xuất huyết, đóng góp cho các nỗ lực của cộng đồng địa phương nhằm ngăn chặn muỗi sinh sản. Ở những nơi đã từng triển khai dự án, số lượng muỗi đã giảm tới 90%.

Bên cạnh đó, nước này tiếp tục kiểm tra và xử phạt các cơ sở, hộ gia đình và doanh nghiệp lơ là để cho muỗi sinh sản; tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nâng cao ý thức phòng chống sốt xuất huyết cho người dân.

Argentina: nguy cơ dịch sốt xuất huyết do muỗi nở sớm 

Tổ chức Y tế liên Mỹ - cơ quan thuộc Liên hợp quốc cho rằng nhiều khả năng dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát thành dịch bệnh tồi tệ nhất tại châu Mỹ trong năm nay. Tổ chức này đã xác nhận hơn 3,5 triệu trường hợp mắc bệnh và hơn 1.000 ca tử vong trong ba tháng đầu năm 2024, tăng gấp ba lần số ca nhiễm được báo cáo trong cùng kỳ năm ngoái. Argentina là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh do virus lây truyền qua muỗi.  Nguyên nhân được cho là do khí hậu bất thường khiến muỗi nở sớm hơn thường lệ.

Hầu hết các trường hợp sốt xuất huyết thường xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 5, những tháng cuối hè ở Nam bán cầu, khi thời tiết thích hợp với sự phát triển của muỗi.

Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) cho biết toàn bộ khu vực châu Mỹ năm 2023 có khoảng 4,5 triệu trường hợp mắc bệnh, trong khi đó, chỉ riêng trong quý 1 năm 2024 đã có tới 3,5 triệu người mắc bệnh. Hầu hết các trường hợp sốt xuất huyết thường xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 5, những tháng cuối hè ở Nam bán cầu, khi thời tiết thích hợp với sự phát triển của muỗi.

Trong mùa dịch năm nay, Argentina ghi nhận 79 ca tử vong, số ca mắc bệnh là 1.200 người, tăng gấp 200% so với cùng thời điểm năm ngoái. Nguy cơ dịch bệnh tồi tệ đang hiện hữu khi các nhà khoa học quan sát thấy muỗi nở sớm hơn thường lệ.

Sự phát triển của muỗi vào cuối mùa xuân diễn ra sớm hơn theo thời gian. 25 năm trước nó bắt đầu vào cuối tháng Giêng. Còn bây giờ, nó bắt đầu vào cuối tháng 12.

Nhà sinh vật học Sylvia Fischer.

Nhà sinh vật học Sylvia Fischer cho biết thêm, điều khiến bà lo lắng là muỗi đã xuất hiện ở phía Nam Argentina, những nơi vốn có khí hậu mát mẻ hơn.

Các ca bệnh thường tăng đột biến vào cuối mùa hè, khoảng tháng 3 đến tháng 4, nhưng do nhiệt độ tăng cao bất thường khiến dịch sốt xuất huyết bùng phát tồi tệ ở nước này bắt đầu sớm hơn nhiều. Trong mùa dịch 2024, quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận gần 233.000 trường hợp mắc bệnh. Dữ liệu chính thức mới nhất cho thấy, con số này cao hơn nhiều so với mức cao nhất mọi thời đại trước đó là 130.000, con số được ghi nhận trong mùa dịch năm 2023 và gấp 5 lần con số vào cùng thời điểm năm 2022.

Trong mùa dịch 2024, Argentina đã ghi nhận gần 233.000 trường hợp mắc bệnh.

Đợt dịch bùng phát ở Argentina năm nay đã khiến các bệnh viện căng thẳng và các kệ hàng thuốc chống côn trùng trống rỗng, người bán tăng giá thuốc khi nhu cầu mua cao

Ngoài các biện pháp ngăn chặn sự phát triển của muỗi, một số tỉnh của Argentina như Salta và Misiones, đã đưa vắc xin vào lịch tiêm chủng của họ. Các chuyên gia cho rằng như vậy là chưa đủ, mà cần xem xét khả năng đưa tiêm chủng sốt xuất huyết vào lịch tiêm phòng quốc gia. Như vậy có thể giảm các trường hợp nghiêm trọng, giảm tỷ lệ tử vong và áp lực cho hệ thống y tế

Brazil triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn dịch sốt xuất huyết 

Nằm trong số các quốc gia có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, Brazil cũng đang có số ca sốt xuất huyết tăng với tốc độ nhanh chóng. Chính quyền thành phố Rio de Janeiro của nước này đã triển khai một loạt biện pháp đa dạng và sinh thái để ngăn chặn sự lây lan của dịch sốt xuất huyết. Brazil đang phải chống chọi với đợt sốt xuất huyết bùng phát kỷ lục, cướp đi sinh mạng của hơn 1.100 người vào năm 2024 và chứng kiến số ca nhiễm bệnh tăng đột biến.

Nằm trong số các quốc gia có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, Brazil cũng đang có số ca sốt xuất huyết tăng với tốc độ nhanh chóng.

Chính quyền thành phố Rio de Janeiro đi đầu trong việc triển khai một loạt các biện pháp đa dạng để ngăn chặn sự lây lan của bệnh sốt xuất huyết. Giống như Singapore, địa phương này đã thực hiện biện pháp thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia vào tự nhiên.

Cuộc chiến chống muỗi phải được kết hợp với các giải pháp khác nên chúng tôi sử dụng các phương pháp khác nhau để thực hiện. Chiến lược Wolbachia sẽ bảo vệ 1,5 triệu người ở thành phố Rio de Janeiro, miền Trung và Grande Leopoldina. Chiến lược này sẽ cần thời gian là hai năm.

Ông Daniel Soranz, Quan chức y tế của Rio de Janeiro.

Theo chương trình "Muỗi thế giới", nơi khởi xướng nghiên cứu dự án này, Wolbachia là một loại vi khuẩn phổ biến tồn tại tự nhiên trong tế bào của khoảng 60% các loài côn trùng như: chuồn chuồn, ruồi giấm, bươm bướm và muỗi; nhưng không có ở muỗi sốt xuất huyết Aedes aegypti. Khi muỗi mang vi khuẩn Wolbachia sinh sản với muỗi Aedes, vi khuẩn này sẽ khiến các loại virus như sốt xuất huyết, sốt vàng da khó sinh sản trong vật chủ và có tác dụng ngăn chặn virus lây truyền sang người.

Đối với môi trường nước, cơ quan y tế của Rio de Janeiro đã tăng cường chiến dịch chống muỗi bằng kỹ thuật kiểm soát sinh học. Họ sử dụng cá bảy màu ăn ấu trùng muỗi để ngăn chặn sự phát triển của chúng trong các vũng nước tù đọng.

Cơ quan y tế của Rio de Janeiro đã tăng cường chiến dịch chống muỗi bằng kỹ thuật kiểm soát sinh học.

Trước đó vào tháng 1 vừa qua, Brazil đã triển khai phun thuốc trừ muỗi tại những ổ dịch. Vào tháng 3 năm 2023, nước này đã phê duyệt vaccine chống sốt xuất huyết và trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cung cấp vaccine chống sốt xuất huyết thông qua hệ thống y tế công cộng. Khoảng hơn 3,2 triệu người dự kiến sẽ được tiêm loại vaccine này trong năm 2024.

Khoảng hơn 3,2 triệu người dự kiến sẽ được tiêm loại vaccine này trong năm 2024.

Từ tháng 1 đến tháng 3, gần 2,9 triệu trường hợp nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết đã được ghi nhận ở Brazil, gấp 5 lần so với năm 2023.

Trong 20 năm qua, tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết đã tăng lên đáng kể trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết, số ca bệnh đã tăng từ hơn 500.000 người năm 2000 lên 5,2 triệu vào năm 2019, tăng hơn 10 lần trong vòng gần 20 năm. Sốt xuất huyết chủ yếu xuất hiện ở các khu vực như châu Phi, châu Mỹ, Đông Địa Trung Hải, châu Á và Tây Thái Bình Dương, trong đó, châu Á chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Hiện nay, dịch bệnh này đang lan sang các khu vực mới, bao gồm cả các nước châu Âu vốn có khí hậu mát mẻ hơn như Pháp và Croatia. Vì vậy, phòng chống sốt xuất huyết không chỉ đòi hỏi nỗ lực của từng quốc gia mà của cả cộng đồng thế giới.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Năm vừa qua, thế giới đã chi khoảng 2.440 tỷ USD cho mục đích quân sự, số tiền cao nhất từng có. Con số này tăng 6,8% so với năm 2022, tỷ lệ tăng cao nhất kể từ năm 2009. Theo đó, chi tiêu quân sự năm 2023 chiếm 2,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, tăng so với mức 2,2% của năm 2022. Có thể thấy, chừng nào những bất ổn về địa chính trị hiện nay chưa được giải quyết thì xu hướng tăng chi tiêu quốc phòng trên thế giới vẫn tiếp tục duy trì.

Châu Á sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong thương mại toàn cầu, đóng góp khoảng 45% vào tổng xuất khẩu của thế giới và hơn 80% vào nhập khẩu. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị và các chính sách không chắc chắn có thể cản trở sự phục hồi thương mại chung của thế giới trong hai năm tới.

Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua khoản viện trợ trị giá gần 61 tỷ USD cho Ukraine, với cuộc bỏ phiếu mang tính bước ngoặt tại Hạ viện hôm 20/3 và tại Thượng viện ngày 23/4, theo giờ địa phương. Liệu gói viện trợ của Mỹ có thể giúp Kiev xoay chuyển cục diện trên chiến trường hay chỉ làm xung đột kéo dài thêm?

Ông Trump bị cáo buộc làm giả hồ sơ để che đậy khoản thanh toán nhằm mua chuộc sự im lặng của một diễn viên phim người lớn về mối quan hệ với ông. Đây là phiên tòa đầu tiên mang tính lịch sử đối với một cựu tổng thống Mỹ và có thể là bước ngoặt đối với ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Chủ đề Ngày Trái đất năm 2024 là “Trái đất và nhựa” nhằm kêu gọi các quốc gia giảm 60% sản lượng tất cả các loại nhựa vào năm 2040, hướng đến chấm dứt việc sử dụng nhựa vì sức khỏe của con người và Trái đất.

Sau 20 năm lãnh đạo đất nước, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ từ nhiệm vào ngày 15/5/2024. Người kế nhiệm ông sẽ là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong. Đây là tiến trình chuyển giao lãnh đạo đã được lên kế hoạch từ lâu của Singapore, và được Thủ tướng Lý Hiển Long gọi là thời khắc quan trọng.