Nguy cơ chiến tranh tổng lực giữa Israel và Hezbollah
Nguyên nhân xung đột Israel - Hezbollah bùng phát
Trong tuần qua, Hezbollah đã liên tục phóng hàng trăm quả tên lửa từ miền Nam Liban vào khu vực xung quanh thị trấn biên giới giữa Liban và Israel. Hành động này nhằm đáp trả việc một chỉ huy cấp cao của lực lượng này bị sát hại trong một cuộc tấn công của Israel ở phía Đông Nam Liban vào hôm 12/6.
Căng thẳng giữa Hezbollah và Israel đã leo thang nghiêm trọng nhất kể từ năm 2006. Trong tuần qua, lực lượng Hezbollah xác nhận đã bắn hơn 200 quả rocket nhằm vào các căn cứ quân sự và phóng tên lửa về phía một nhà máy của quân đội Israel, khiến một quân nhân dự bị của Israel thiệt mạng. Hezbollah tuyên bố hành động này để đáp trả vụ quân đội Israel tấn công vào miền nam Liban hôm 11/6 khiến Taleb Abdallah - một chỉ huy cấp cao của Hezbollah và 3 tay súng thiệt mạng.
Trên thực tế, căng thẳng giữa Israel và Hezbollah đã diễn ra trong nhiều thập kỷ qua. Cuộc chiến lớn gần nhất giữa Hezbollah và Israel đã diễn ra vào tháng 7-8/2006, trong đó Hezbollah mất khoảng 250 người trong khi 121 quân nhân Israel thiệt mạng và hơn 1.200 người khác bị thương.
Kể từ khi xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas ở dải Gaza bùng phát hồi tháng 10/2023, Hezbollah với tư cách là đồng minh của Hamas, đã giao tranh với Israel hầu như mỗi ngày. Hezbollah tuyên bố rằng những cuộc giao tranh hiện nay với Israel là để hỗ trợ người Palestine. Hezbollah sẽ chỉ dừng lại nếu có lệnh ngừng bắn ở Gaza.
Các nhà quan sát nhận định, xung đột giữa Israel và Hezbollah là một "sự leo thang chậm rãi" và có tăng dần về cấp độ. Nhưng gần đây, cả hai bên đều tiến gần hơn đến chiến tranh khi các cuộc đụng độ xuyên biên giới gia tăng về cả số lượng và quy mô.
Gần đây, Israel và Hezbollah đã tấn công sâu hơn vào lãnh thổ của nhau so với thời điểm bắt đầu, khi màgiao tranh chỉ giới hạn trong phạm vi bán kính khoảng 4 km tính từ biên giới ở cả hai bên. Hezbollah đã bắn sâu 35 km vào lãnh thổ Israel, trong khi Israel nhắm mục tiêu vào các khu vực của Liban cách đó hơn 120 km về phía Bắc.
Bà Amal Saad, chuyên gia về Hezbollah tại Đại học Cardiff cho rằng, sự leo thang của nhóm này là sự thay đổi đáng kể so với các đợt bùng phát trước đó đã xảy ra kể từ ngày 8 tháng 10 năm ngoái. Giai đoạn này vượt ra ngoài việc Hezbollah chỉ đáp trả các cuộc tấn công của Israel và khôi phục khả năng răn đe, nó liên quan đến việc truyền tải những thông điệp và chiến lược mới, Bà Amal Saad đánh giá.
Hezbollah cho biết họ đã bắn một loạt tên lửa Falaq 2 vào một địa điểm quân sự ở miền bắc Israel hôm 8/6. Đây là lần đầu tiên nhóm này triển khai phiên bản cải tiến của tên lửa Falaq 1 mà Hezbollah đã sử dụng trong suốt cuộc xung đột. Tên lửa do Iran sản xuất, Falaq 2 có tầm bắn xa hơn và mang đầu đạn lớn hơn so với tên lửa tiền nhiệm.
Trong khi đó, binh lính Israel ở biên giới với Liban đã sử dụng máy bắn đá mà lực lượng quân sự hiếm khi sử dụng kể từ thế kỷ 16. Máy bắn đá được sử dụng để phóng cầu lửa từ Israel về phía lãnh thổ Liban, có khả năng đốt cháy bụi rậm, để lực lượng Israel dễ dàng xác định đối phương hơn.
Căng thẳng leo thang giữa Israel - Hezbollah đã trở nên rất rõ ràng. Trong bối cảnh đó, các bộ trưởng cực hữu trong chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu gây áp lực buộc Israel phải đưa ra phản ứng. Trong chuyến thăm thành phố Kiryat Shmona ở phía bắc gần biên giới Liban vào đầu tháng 6, thủ tướng Netanyahu cho biết Israel đã chuẩn bị cho "hành động rất mạnh mẽ" ở phía bắc. Nhiều nhà quan sát nhận định, cả Israel và Hezbollah đều không muốn xảy ra chiến tranh tổng lực, nhưng các hành động leo thang của hai bên vẫn có thể vô tình gây ra một cuộc chiến tranh.Tuy nhiên, xác suất xảy ra một cuộc chiến toàn diện là rất thấp
Liệu có khả năng xảy ra chiến tranh toàn diện?
Thủ tướng Netanyahu đang chịu áp lực lớn từ phe đối lập và các thành viên trong liên minh của ông để hành động ở phía Bắc, đặc biệt là khi có rất nhiều người Israel phải di dời khỏi khu vực này.
Quân đội Israel cho biết hơn 53.000 người Israel đã buộc phải rời bỏ nhà cửa ở phía bắc, nhiều ngôi nhà đã được sơ tán trong tuần này tại khu vực Galilee ở miền bắc Israel sau khi xảy ra hỏa hoạn do các cuộc tấn công bằng tên lửa từ Liban. Ít nhất 14 binh sĩ và 11 dân thường đã thiệt mạng kể từ tháng 10/2023 đến nay.
Trong khi đó tại Liban, Bộ Y tế Công cộng nước nàycho biết hơn 94.000 người đã phải di dời khỏi các khu vực và thị trấn gần biên giới với Israel kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu. Các cuộc giao tranh đã khiến ít nhất 455 người ở Liban thiệt mạng, chủ yếu là các thành viên Hezbollah, nhưng trong đó có 88 dân thường.
Mới đây, sau khi các vụ không kích của Hezbollah gây ra các đám cháy lớn, thiêu rụi nhiều vùng đất trên khắp miền bắc Israel, thủ tướng Netanyahu cho biết Israel đã chuẩn bị cho hành động mạnh mẽ ở phía Bắc.
Mặc dù cả Israel và Hezbollah đều có động thái làm leo thang căng thẳng, tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng thực ra không bên nào muốn xảy ra xung đột toàn diện.
Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich cho biết Israel không muốn phát động một cuộc chiến để tiêu diệt Hezbollah.
Trong khi đó, chia sẻ với tạp chí Responsible Statecraft, một quan chức Hezbollah giấu tên tiết lộ các tuyên bố gần đây của Israel mang tính đe dọa nhiều hơn, thay vì thật sự thay đổi chiến lược theo hướng mở rộng quy mô và cường độ của các hoạt động quân sự nhằm vào Hezbollah. Vị quan chức trên cho biết, “trên thực tế, khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh tổng lực không hề tăng lên”.
Trả lời phỏng vấn tờ Al Jazeera, Naim Qassem, Phó chỉ huy của Hezbollah cũng cho biết nhóm này đã đánh giá rằng các mối đe dọa gần đây từ Israel là không nghiêm trọng.
“Dù thế nào đi nữa, chúng tôi đã quyết định không mở rộng cuộc chiến và chúng tôi không muốn một cuộc chiến toàn diện. Nhưng nếu điều đó xảy ra, chúng tôi đã sẵn sàng và sẽ không rút lui”, Naim Qassem, Phó chỉ huy của Hezbollah tuyên bố.
Cho đến nay, Hezbollah không có lựa chọn nào khác ngoài việc tham gia vào giao tranh cường độ thấp ở biên giới Liban - Israel. Giới quan sát quốc tế nhận định những tính toán của Hezbollah về việc mở mặt trận với Israel đều liên quan mật thiết tới tình hình chiến sự ở Dải Gaza.
Những lo ngại về xung đột Israel - Hezbollah
Các chuyên gia cho rằng mặc dù cả Israel và Hezbollah có thể không chọn bắt đầu một cuộc chiến tranh toàn diện, nhưng các hành động leo thang của họ vẫn có thể vô tình gây ra một cuộc chiến tranh. Xung đột càng trở nên căng thẳng, khi mỗi bên càng tấn công sâu vào lãnh thổ của bên kia và vũ khí được sử dụng càng nặng thì khả năng xảy ra chiến tranh càng cao.
Leo thang căng thẳng đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về cuộc một cuộc chiến biên giới Israel - Liban, cũng như sẽ khiến xung đột lan rộng tại khu vực Trung Đông. Trong tuần qua, các quan chức quốc phòng Mỹ, Pháp đã có các cuộc thảo luận với quan chức quốc phòng Israel, cũng như Liban, nhằm hạ nhiệt căng thẳng.
Các quan chức Mỹ đã cảnh báo về sự leo thang căng thẳng tại biên giới Israel với Liban. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết Mỹ "vô cùng lo ngại" về nguy cơ leo thang, đồng thời nói thêm rằng chính quyền Tổng thống Biden đang tham gia vào các cuộc đối thoại ngoại giao "để cố gắng tránh xung đột leo thang ngoài tầm kiểm soát".
Nhà Trắng đã cảnh báo về khả năng Israel có thể bắt đầu hoặc bị kéo vào một cuộc chiến với Hezbollah "mà không có chiến lược rõ ràng hoặc xem xét đầy đủ các tác động của một cuộc xung đột rộng lớn hơn". Bộ quốc phòng Mỹ hôm 13/6 cũng đã kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng đang gia tăng giữa Israel và Liban.
"Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng hoạt động ở phía bắc. Chúng tôi không muốn mọi thứ leo thang thành một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn và chúng tôi muốn thấy sự hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực”, bà Sabrina Singh người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.
Đài CBS nhận định, một cuộc xung đột rộng lớn hơn có thể kéo Iran và Mỹ vào cuộc chiến. Trong những tuần gần đây, Washington đã cảnh báo Tel Aviv về khái niệm một "cuộc chiến hạn chế" ở Liban, đồng thời nhận định rằng Iran có thể can thiệp.
Ông Shaked, học giả của Viện Truman, cho rằng Hezbollah là đối tác phi nhà nước hiệu quả nhất của Iran. Mặc dù Hezbollah khẳng định rằng các cuộc tấn công của họ vào Israel là để ủng hộ Gaza, nhưng chiến lược của nhóm này có thể sẽ được phối hợp chặt chẽ với đồng minh thân cận nhất là Iran.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ cũng lo ngại rằng Israel sẽ bắt đầu một cuộc chiến chống lại Hezbollah ở Liban và cuộc chiến này không thể kết thúc nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ.
Ngoài ra, các vụ phóng tên lửa vào lãnh thổ của nhau trong tuần này giữa Israel - Hezbollah không chỉ làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn, mà còn dẫn đến các cuộc tấn công của lực lượng Hezbollah nhằm vào lực lượng quân sự Mỹ ở Syria, Jordan và Iraq.
Washington coi căng thẳng Israel - Hezbollah và những nỗ lực thiết lập lệnh ngừng bắn trong cuộc chiến với Hamas là "có liên hệ với nhau". Chính quyền của ông Biden đang cố gắng giải quyết cuộc giao tranh giữa Israel và Hezbollah song song với nỗ lực đảm bảo thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza, điều mà Mỹ coi là biện pháp duy nhất để giảm căng thẳng ở biên giới Israel và Liban. Mỹ cho rằng bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào cũng sẽ yêu cầu "các thỏa thuận cụ thể" về căng thẳng Israel - Hezbollah.
Một thỏa thuận như vậy sẽ cho phép những người dân được sơ tán khỏi miền bắc Israel sau cuộc chiến với Hamas bắt đầu trở về nhà của họ dưới sự đảm bảo về an ninh. Căng thẳng với Hezbollah đã trở thành một "vấn đề chính trị tiềm tàng" ở Israel vì người dân gần biên giới Liban đã phải sơ tán trong hơn 8 tháng.
Trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn căng thẳng Israel - Hamas leo thang, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng Pháp, Mỹ và Israel nên thành lập một nhóm liên lạc để xoa dịu căng thẳng dọc biên giới Israel - Liban.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết: "Tất cả chúng ta đều chia sẻ mối quan tâm của mình về tình hình tại ở biên giới Israel với Liban và đặc biệt là với Mỹ, chúng tôi đã ban hành nguyên tắc ba bên - Israel, Mỹ, Pháp để thúc đẩy lộ trình mà chúng tôi đề xuất. Chúng tôi sẽ làm điều đó ngay cả với chính quyền Liban".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết, Israel sẽ không tham gia khuôn khổ ba bên do Pháp đề xuất, doPháp đã áp dụng các chính sách thù địch với Israel. Tháng trước, Pháp đã chặn các công ty quốc phòng của Israel tham gia một cuộc triển lãm vũ khí lớn ở Paris. Pháp cũng lên án các cuộc tấn công của Israel vào Rafah ở Gaza. Việc ông Gallant bác bỏ đề xuất của Pháp đã khiến mâu thuẫn giữa Israel và Pháp ngày càng sâu sắc.
Ngoài Mỹ và Pháp, tại cuộc gặp với Quyền Ngoại trưởng Iran Ali Bagheri hôm 13/6 ở thủ đô Baghdad, Ngoại trưởng Iraq Fuad Hussein cũng cảnh báo về nguy cơ xung đột lan rộng ở miền Nam Liban cũng như toàn khu vực Trung Đông sau những diễn biến gần đây; đồng thời hai bên kêu gọi nhanh chóng chấm dứt xung đột ở dải Gaza.
Ông Stephane Dujarric, phát ngôn viên chính của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng kêu gọi các bên liên quan thực hiện các biện pháp cần thiết để hạ nhiệt xung đột dọc biên giới giữa Israel và Liban.
"Chúng tôi rất lo ngại về tình hình căng thẳng liên tục và gia tăng dọc theo Đường ranh giới xanh. Tôi nghĩ rằng tất cả các bên liên quan đều có trách nhiệm tận dụng các cơ chế khác nhau để có thể hạ nhiệt tình hình, đặc biệt là các cuộc họp ba bên mà phái bộ gìn giữ hòa bình của chúng tôi có thể tổ chức", ông Stephane Đujarric, phát ngôn viên chính của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi.
Cả Hezbollah và Israel đều biết rằng bất kỳ cuộc chiến tranh toàn diện nào giữa 2 quốc gia cũng đều có sức tàn phá khủng khiếp. Vì vậy, nhiều khả năng hai nước này sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát leo thang căng thẳng, dưới mức chiến tranh toàn diện. Điều này đồng nghĩa rằng mức độ leo thang căng thẳng trong giai đoạn tới có thể tăng hoặc giảm, với phạm vi và quy mô có thể rộng hơn, tuy nhiên sẽ không vượt ra ngoài các mục tiêu quân sự. Bởi bất cứ điều gì vượt khỏi các mục tiêu trên đều có thể gây ra một cuộc chiến với hậu quả lan rộng ngoài biên giới Liban và Israel.
- Nguy cơ chiến tranh tổng lực giữa Israel và Hezbollah | Nhìn ra thế giới | 18/06/2024
- Israel tiếp tục không kích hàng loạt mục tiêu của Hezbollah
- Israel cảnh báo nguy cơ Hezbollah gây hậu quả lớn cho Lebanon
- Iraq lo ngại căng thẳng biên giới Liban-Israel
- Hezbollah tấn công các mục tiêu quân sự Israel
Theo nhận định của giới chuyên gia, nguyên nhân khiến giá đồng Bitcoin tăng chóng mặt là do các nhà đầu tư mong đợi về một môi trường tài chính cởi mở hơn với tiền kỹ thuật số dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Chiến thắng áp đảo của Tổng thống đắc cử Donald Trump đánh dấu một chiến thắng lớn cho tỷ phú Elon Musk, người đã chi ít nhất 119 triệu đô la cho một nhóm ủng hộ ứng viên của Đảng Cộng hòa.
Liên minh cầm quyền tại Đức đã sụp đổ, kinh tế trì trệ, cùng với căng thẳng địa chính trị và áp lực bên ngoài có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào giai đoạn bất ổn. Nước Đức đang ở thời điểm bước ngoặt cho những cải cách và đổi mới để mạnh mẽ vươn lên.
Trong gần ba năm diễn ra xung đột Nga - Ukraine, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã cung cấp hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine và luôn khẳng định rằng sẽ sát cánh cùng Kiev cho đến chừng nào có thể. Tuy nhiên, sự trở lại của cựu Tổng thống Donald Trump khiến nhiều người đặt câu hỏi ông sẽ giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine như thế nào?
Trung Quốc là điểm dừng chân đầu tiên ở nước ngoài của Tổng thống Indonesia kể từ khi nhậm chức cách đây ba tuần. Trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào thứ Bảy, ông cam kết duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc.
Du lịch được xác định là ngành mũi nhọn, đóng góp lớn cho nhiều nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, làm thế nào để phát triển du lịch mà không làm ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên và cuộc sống của người dân địa phương là điều cần được chú trọng. Nhiều quốc gia đã nhận thấy rằng, gắn phát triển du lịch với bảo tồn và hài hòa lợi ích của người dân là yêu cầu cấp thiết hiện nay để có thể phát triển một nền du lịch bền vững.
0