Nguy cơ chiến tranh từ cuộc xung đột Israel - Hezbollah
Giao tranh xuyên biên giới leo thang
Kể từ khi xung đột giữa phong trào Hamas và Israel nổ ra hồi tháng 10 năm ngoái, Hezbollah đã liên tục không kích vào biên giới Israel bằng rocket để phản đối quân đội Israel tiến hành chiến dịch quân sự tại Dải Gaza. Phía quân đội Israel cũng liên tục có các hành động trả đũa bằng pháo, máy bay chiến đấu và máy bay không người lái vào các mục tiêu của Hezbollah. Các cuộc giao tranh xuyên biên giới diễn ra hàng ngày đã làm ít nhất 284 người bên phía Liban thiệt mạng, phần lớn là thành viên Hezbollah, ngoài ra có 44 dân thường. Về phía Israel, 10 binh sĩ và 6 dân thường thiệt mạng. Hàng chục nghìn người dân Liban và Israel phải rời bỏ nhà cửa.
Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi vào hôm 26/2, quân đội Israel tấn công một số mục tiêu của phong trào Hezbollah nằm sâu trong lãnh thổ Liban và tấn công vào gần thành phố Baalbek ở miền đông Liban, khiến ít nhất hai thành viên Hezbollah thiệt mạng. Đây là lần đầu tiên Israel tấn công vào miền Đông Liban kể từ khi xung đột giữa lực lượng nước này và phong trào Hồi giáo Hamas nổ ra hồi tháng 10 năm ngoái. Đáp lại, phong trào Hezbollah ở Liban tuyên bố đã phóng một loạt tên lửa vào trạm kiểm soát không lưu của Israel nhằm đáp trả cuộc tấn công của Israel vào miền Đông Liban.
Ông Sayyed Hassan Nasrallah - Thủ lĩnh phong trào Hezbollah tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phản kháng. Đợt tấn công này sẽ tăng cường sự hiện diện, hỏa lực cũng như đẩy mạnh sự mở rộng của chúng tôi.”
Tờ Bưu điện Ả Rập cho rằng nhân tố đứng đằng sau thúc đẩy giao tranh leo thang giữa Israel và phong trào Hezbollah là do Iran đã bật đèn xanh để Hezbollah tiến hành một làn sóng tấn công quy mô lớn vào Israel, sau khi nước này biết Israel có kế hoạch tấn công trên bộ vào thành phố Rafah ở miền Nam Gaza, nơi đang có hơn 1,4 triệu người Palestine đang trú ẩn. Trước đó, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian đã tuyên bố rằng bất kỳ động thái nào của Israel nhằm tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào Rafah ở miền Nam Gaza sẽ gây ra "hậu quả thảm khốc" cho Tel Aviv.
Về phía Israel, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cảnh báo rằng Iran, Hezbollah và Hamas có thể lợi dụng tháng lễ Ramadan sắp tới của người hồi giáo để kích động người Palestine ở Bờ Tây cũng như người hồi giáo trên khắp khu vực leo thang căng thẳng và tấn công Israel. Vì vậy, mặc dù đồng ý ngừng bắn tạm thời với Hamas trong tháng lễ Ramadan, nhưng Israel sẽ vẫn tiếp tục các cuộc giao tranh hỏa lực với Hezbollah tại biên giới với Liban.
Ông Yoav Gallant - Bộ trưởng Quốc phòng Israel cho hay: “Ngay cả khi có lệnh ngừng bắn tạm thời ở miền Nam với Hamas ở Gaza, chúng tôi vẫn sẽ tăng cường hỏa lực ở phía Bắc một cách độc lập và chúng tôi sẽ tiếp tục cho đến khi Hezbollah rút lui hoàn toàn và người dân trở về nhà”.
Liệu Israel có tấn công tổng lực vào Liban?
Việc Iran bật đèn xanh cho Hezbollah cùng với thông tin trên truyền thông Mỹ nói rằng các quan chức Mỹ nhận định Israel đang lên kế hoạch tấn công trên bộ vào Liban làm dấy lên lo ngại xảy ra chiến tranh ở biên giới phía Bắc của Israel với Liban. Theo các nhà quan sát, kế hoạch này có thể diễn ra vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè nếu các nỗ lực ngoại giao không thể ngăn chặn giao tranh căng thẳng giữa hai bên.
Một nguồn tin của kênh CNN nhận định, với cục diện tại biên giới Liban và Israel hiện nay, có những lo ngại rằng cuộc tấn công này sẽ phát triển thành một chiến dịch không kích mở rộng, vươn xa hơn về phía Bắc vào các khu vực đông dân cư của Liban và cuối cùng trở thành một chiến dịch trên bộ. Nguồn tin này cũng nói rằng có giả định Israel sẽ có hoạt động quân sự trong những tháng tới, không hẳn là diễn ra trong vài tuần tới nhưng có lẽ là vào cuối mùa xuân này.
Một quan chức xác nhận rằng dù Israel vẫn chưa có quyết định cuối cùng, nhưng lo lắng trong nội bộ chính quyền Mỹ đã đủ lớn đến mức khả năng Israel tấn công trên bộ vào Liban đã được đưa vào các cuộc họp tình báo dành cho quan chức cấp cao. Theo giới chức Mỹ, tấn công trên bộ sẽ giúp cho Israel phá hủy cơ sở hạ tầng vật chất của Hezbollah ở phía Nam, ít nhất sẽ khiến Hezbollah không thể nhanh chóng quay trở lại khu vực biên giới với Israel trong tương lai.
Còn nếu Israel không tấn công trên bộ, sẽ cần phải có lực lượng vũ trang Liban và lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc UNIFIL ở vùng đệm.
Tuy nhiên, theo tờ Bưu điện Jerusalem, trên thực tế, mặc dù IDF vẫn có thể bắt đầu một cuộc chiến với Hezbollah trong những tháng hoặc năm tới, nhưng khả năng điều này sắp xảy ra có lẽ thấp hơn so với hầu hết các thời điểm trước. Nhận định từ các quan chức Mỹ về khả năng xảy ra chiến tranh có thể là để gây áp lực buộc Hezbollah cuối cùng phải đồng ý với một thỏa thuận rút các máy bay chiến đấu Radwan ra ngoài phạm vi tên lửa chống tăng của Israel ở biên giới.
Theo các nhà quan sát, cả Mỹ và Iran đều không muốn xảy ra một cuộc tấn công tổng lực của Israel vào Liban. Bất kỳ sự lan rộng nghiêm trọng nào của cuộc chiến ở Liban sẽ có nghĩa là Israel sẽ phải chiến đấu trên hai mặt trận, do đó có thể sẽ cần đến sự can thiệp của Mỹ để hỗ trợ Israel. Điều này sẽ kéo chính Iran đến gần chiến tranh hơn - điều mà Tehran luôn muốn tránh. Hiện phía Mỹ đang dẫn dắt các cuộc thảo luận song song với các quan chức Israel và Liban. Nếu các cuộc thảo luận này thành công, sẽ tạo ra một vùng đệm rộng hàng km bên trong miền Nam Liban. Các quan chức Mỹ tin rằng thỏa thuận đó có thể sẽ khiến Israel hoãn cuộc tấn công trên bộ.
Các quan chức Israel cũng thừa nhận rằng cuộc chiến với Hezbollah sẽ gây tốn kém và tàn khốc hơn, và cũng sẽ khác nhiều so với cuộc chiến với Hamas, do vũ khí của Hezbollah nhiều hơn, hiện đại hơn. Hezbollah được coi là một trong những lực lượng vũ trang phi chính phủ có tiềm lực mạnh hàng đầu trong các quốc gia Arab. Israel ước tính lực lượng này có kho vũ khí gồm 150.000 tên lửa dẫn đường chính xác. Nhiều trong số đó tên lửa tầm xa, có thể vươn tới miền Trung và miền Nam Israel. Ngoài ra, nhóm hồi giáo này còn tự hào có một đội quân chiến binh được huấn luyện bài bản và một đơn vị biệt kích – lực lượng Radwan luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Trong bối cảnh Israel đang dốc sức chiến đấu ở mặt trận Gaza, thì việc mở ra một mặt trận mới sẽ là điều không có lợi. Vì vậy, Israel đang cố gắng tránh một kịch bản chiến tranh với Hezbollah, nhưng cho biết vẫn luôn chuẩn bị sẵn sàng.
Ông Yoav Gallant - Bộ trưởng Quốc phòng Israel cho biết: "Chúng tôi không muốn chiến tranh nhưng chúng tôi phải chuẩn bị. Các máy bay đang bay trên bầu trời Liban và họ biết cách tấn công cũng như biết cách thay đổi cuộc tấn công từ nơi này sang nơi khác. Chúng tôi có thể sao chép cuộc chiến từ Gaza đến Beirut. Nhưng chúng tôi không muốn điều đó. Cái giá phải trả cho nhà nước Israel là rất nặng nề và là thảm họa đối với Liban và Hezbollah."
Về phía Hezbollah, lực lượng này có thể tăng cường trả đũa chống lại Israel nhưng việc lực lượng này không có khả năng bảo vệ dân thường ở Liban khỏi các cuộc tấn công của Israel sẽ đóng vai trò như một lực cản đối với các hành động của lực lượng này. Viện quốc tế hoàng gia Anh Chatham House cho rằng Hezbollah hiện đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tài trợ.
Ông Mohammed Hassan Sweidan, một chuyên gia về các vấn đề quốc tế có trụ sở tại Beirut cũng nhận định rằng Hezbollah tích lũy vũ khí luôn nhằm mục đích phòng thủ chứ không phải để tấn công.
Ông Swedan tuyên bố rằng viễn cảnh chiến tranh không được bất kỳ bên nào ở Liban chấp nhận. Trong những năm gần đây, quốc gia này rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc do Covid-19 và các quyết định chính trị sai lầm gây ra. Kết quả là, ước tính có khoảng 80% người Liban sống trong cảnh nghèo đói, 35% sống dưới ngưỡng nghèo khổ. Một cuộc đối đầu toàn diện với Israel sẽ giáng một đòn lớn hơn nữa vào nền kinh tế vốn đã mong manh. Nó có thể đẩy sự bất mãn của người dân lên cao và gây ra các cuộc biểu tình rầm rộ, điều mà Hezbollah không mong muốn. Hezbollah chỉ tìm cách kích động một cuộc xung đột ngắn hạn nhằm mục đích đánh lạc hướng Israel khỏi Gaza.
Nỗ lực ngoại giao nhằm giảm leo thang
Dư luận quốc tế lo ngại rằng xung đột Israel - Hezbollah có thể đe dọa an ninh quốc tế nếu có sự tham gia của các nhân tố bên ngoài vào khu vực. Vì vậy ngay từ khi giao tranh tại biên giới Israel và Liban xảy ra, đã có nhiều nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn căng thẳng leo thang giữa hai bên. Trong đó, Mỹ đóng vai trò chính trong việc hòa giải xung đột. Gần đây, phía Mỹ đã có các hoạt động ngoại giao con thoi để thúc đẩy Hezbollah và Israel rút quân khỏi biên giới.
Người phát ngôn Tổng Thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric đã kêu gọi các lực lượng Israel và phong trào Hezbollah ở Liban ngừng các hành động leo thang bạo lực trong bối cảnh ngày càng có nhiều quan ngại về nguy cơ xung đột lan rộng.
Ông Stephane Dujarric - Tổng Thư ký Liên hợp quốc phát biểu: “Lực lượng gìn giữ hòa bình của phái đoàn Liên hợp quốc tại Liban đã nhận thấy sự thay đổi đáng lo ngại trong các cuộc giao tranh bằng hỏa lực giữa lực lượng vũ trang Israel và các nhóm vũ trang ở Liban”.
Các quan chức Mỹ cho rằng, hiện nay phía Chính phủ Israel đang hướng tới một giải pháp ngoại giao với Hezbollah.
Nhà Trắng Mỹ đã bổ nhiệm đặc phái viên Amos Hochstein để chỉ đạo các nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho Israel và Hezbollah. Ông Hochstein thường xuyên di chuyển tới cả hai nước, tham gia những cuộc thảo luận phức tạp do thực tế là ở Liban, Mỹ không đối thoại trực tiếp với Hezbollah - lực lượng quân sự bị Mỹ coi là tổ chức khủng bố.
Các cuộc tấn công của Israel ở Liban cũng nhằm vào quân đội Liban do Mỹ hỗ trợ và xảy ra thường xuyên đến mức chính quyền Mỹ đã yêu cầu Israel thu hẹp quy mô các cuộc tấn công.
Theo các quan chức Mỹ, nếu ông Hochstein đàm phán thành công một thỏa thuận đang bế tắc, thì khả năng xảy ra hoạt động quân sự vào cuối năm nay sẽ giảm đáng kể. Nếu Hezbollah bị đẩy lùi khoảng 10 km, điều đó sẽ khiến nhóm này không thể sử dụng một số loại đạn dược tầm ngắn mà họ đang sử dụng để chống Israel.
Việc ngừng giao tranh ở Dải Gaza vào đầu tuần tới sẽ kích hoạt các cuộc đàm phán gián tiếp nhằm chấm dứt tình trạng thù địch dọc biên giới phía Nam của Liban với Israel.
Mặc dù Israel cho biết sẽ tạm thời ngừng bắn trong tháng lễ Ramadan, nhưng việc nước này kiên quyết không từ bỏ mục tiêu xóa sổ Hamas với việc tấn công vào Rafah vẫn gây ra lo ngại. Bên cạnh đó, các cuộc giao tranh ở Biển Đỏ, giao tranh ở bờ Tây và leo thang ở biên giới Israel với Liban khiến cho vòng xoáy bạo lực Trung Đông vẫn chưa thể sớm dừng lại. Cục diện này chỉ khiến các bên liên quan thiệt hại nhiều hơn về người và của, đẩy cuộc sống của dân thường ở các nước này đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nhân đạo.
Khi cuộc chiến Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ 4, nhóm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa ra ba kịch bản để giải quyết cuộc xung đột khi ông chuẩn bị trở lại Nhà Trắng.
TikTok có thể xem là một trong những ứng dụng "xấu số" nhất thế giới. Dù có lượng người dùng đông đảo, ứng dụng này cũng đang bị cấm tại rất nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều lý do khác nhau.
Sáng 17/12, một thiết bị nổ được cài trong một chiếc xe scooter điện đã phát nổ gần lối vào của một tòa dân cư trên Đại lộ Ryazansky ở Moscow, vào đúng thời điểm người đứng đầu Lực lượng Phòng chống Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của quân đội Nga Igor Kirillov cùng trợ lý của ông đi ngang qua, khiến hai người thiệt mạng.
Theo các nguồn tin Ukraine, tính đến tháng 11 năm nay, ít nhất 18 tướng, một đô đốc Nga đã thiệt mạng. Tuy nhiên, phía Nga mới xác nhận 8 trường hợp, và thêm trường hợp mới nhất là Trung tướng Igor Kirillov.
Ở tuổi 73, ông Francois Bayrou trở thành thủ tướng thứ 4 của nước Pháp chỉ trong vòng một năm. Ông sẽ đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua và vực dậy nền kinh tế.
Israel đã tận dụng khoảng trống quyền lực ở Syria để ném bom các mục tiêu trên khắp đất nước nước này. Israel tuyên bố chiến dịch quân sự của họ ở Syria chỉ là “biện pháp tạm thời” để đảm bảo an ninh quốc gia, ngăn vũ khí của Syria rơi vào tay những kẻ cực đoan.
0