Nhà ở xã hội - nhiều rào cản khiến cung không đủ cầu

Dù việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân luôn được các địa phương trên cả nước quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện, song vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Hà Nội cũng không phải ngoại lệ khi là một trong hai đô thị lớn nhất cả nước, tập trung số lượng dân cư đông, nhiều khu công nghiệp nhưng số lượng nhà ở xã hội ít ỏi hay nói cách khác cầu luôn vượt quá nguồn cung.

Lao động tại đất Thủ đô hơn 25 năm và cũng là từng ấy thời gian vợ chồng ông Lưu Quang Hoà - quận Hà Đông, TP. Hà Nội phải đi thuê nhà. Nay tuổi đã cao, khoản tiền để dành ít ỏi, ước mơ sở hữu một căn nhà của chính mình vẫn luôn canh cánh bởi nếu xét về các tiêu chí để được mua nhà ở xã hội ông đều đáp ứng.

Ông Hoà cho biết: "Tôi mong lắm, mong lắm chứ, bao nhiêu năm tôi đi thuê nhà rồi nên cũng muốn có mặt căn nhà, giờ con cái nó cũng lớn rồi".

Chỉ tính riêng trong 10 năm gần đây, khi vấn đề nhà ở xã hội trở nên nổi cộm, được nhiều người quan tâm, đã cho thấy những vướng mắc, mâu thuẫn, gây khó cho cả nhà đầu tư, cũng như người mua nhà. Điều này được người dân, doanh nghiệp gọi là những "khó khăn bền vững", nghĩa là khó từ lâu nhưng chưa được tháo gỡ triệt để.

Đơn cử ngay từ Luật hiện hành. Cụ thể, Luật Nhà ở năm 2014 có nội dung, doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp hiện không thuộc đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Trong khi trên thực tế nhu cầu của các doanh nghiệp đầu tư trong khu công nghiệp mong muốn thuê, mua nhà ở xã hội để bố trí nơi ở cho cán bộ, nhân viên, người lao động là rất lớn.

Trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội khá phức tạp, kéo dài. Đây là rào cản lớn khiến doanh nghiệp ngay từ đầu đã không mặn mà đầu tư cho loại hình nhà ở này và là nguyên nhân trực tiếp khiến "cung không đủ cầu".

Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho biết: "Cung hiện nay chúng ta không đáp ứng được cầu, có thể nói, nhà ở xã hội trong quá trình triển khai vừa qua do tốc độ phát triển của xã hội quá lớn, đô thị hóa rất nhanh, nhà xã hội thì lại lợi nhuận không cao, cho nên rất ít doanh nghiệp quan tâm đến xây nhà xã hội, đặc biệt là các chính quyền địa phương do không tạo nguồn thu lớn của các địa phương".

Ngoài khó khăn pháp lý thì sự thiếu kiên quyết của chính quyền một số địa phương trong giải phóng mặt bằng cũng là vấn đề còn tồn tại lâu nay khi triển khai các dự án NOXH nói riêng, dự án xây dựng nói chung.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho biết: "Chính quyền các địa phương phải rà soát lại các quy hoạch và đồng thời hỗ trợ giúp cho việc giải phóng mặt bằng tốt nhất để có mặt bằng sạch, bàn giao cho chủ đầu tư, thì lúc đó sẽ giảm được cái chi phí vào thời gian mà người ta hoàn tất các thủ tục".

Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: "Hiện nay thì cũng có một số các cái vấn đề vẫn còn là vênh nhau, chưa thống nhất. Thứ hai là việc thực hiện các thủ tục hành chính cụ thể ở dưới các cái địa phương hầu như hiện nay là phân cấp ở trong các địa phương thì vẫn chưa được đẩy mạnh và điều này thuộc trách nhiệm của các địa phương".

Một lãnh đạo doanh nghiệp có nhiều năm tham gia xây dựng NOXH đã tính toán nếu chủ đầu tư phải bỏ số vốn tồn đọng tại dự án là 10% trên một dự án có quy mô 1.000 căn hộ thì ước lượng khoảng 100 tỷ đồng, do vậy nếu chủ đầu tư có nguồn lực vài trăm tỷ đồng thì có thể làm được vài dự án là không còn vốn đầu tư các dự án tiếp theo. Do vậy việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý, nguồn vốn và hỗ trợ về giải phóng mặt bằng hay ‘đất sạch” sẽ là tiền đề quan trọng để mở rộng nguồn cung cho NOXH.

Mới đây, Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, trong đó cho phép các tổ chức tín dụng do nhà nước chỉ định được thực hiện cho vay ưu đãi đối với các đối tượng được hưởng; bãi bỏ “điều kiện cư trú”; các địa phương, chủ đầu tư phải ưu tiên dành quỹ đất để phát triển đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, dự thảo Luật Thủ đô đang tiếp tục được lấy ý kiến trong đó sẽ trao nhiều cơ chế (mang tính đặc thù). Tất cả là tiền đề để chúng ta đặt niềm tin rằng: việc triển khai nhiều dự án xây dựng nói chung, trong đó có NOXH của Hà Nội nói riêng sẽ đạt được tiến độ, đáp ứng với nhu cầu.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong báo cáo thị trường mới đây, hãng dịch vụ bất động sản Cushman & Wakefield cho biết giá thuê văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM có xu hướng tiếp tục tăng trong hai năm tới.

Sau 20 năm, những vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch tại Khu đô thị mới Chi Đông (huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội) đang được tháo gỡ.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 71/2024/QĐ-UBND điều chỉnh bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố. Theo quyết định mới, bảng giá đất hiện hành sẽ được điều chỉnh và tiếp tục có hiệu lực áp dụng từ nay đến ngày 31/12/2025.

Trong phiên họp giải trình, Thường trực HĐND TP Hà Nội đề nghị UBND thành phố nghiên cứu các cơ chế, chính sách, quy định về đấu giá quyền sử dụng đất bãi bồi ven sông để làm bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng.

Triển khai Công điện số 130 của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố đã ban hành công văn số 4255 yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nhà ở xã hội.

Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh số 5 quốc gia tổ chức đấu giá quyền sử dụng 11 thửa đất tại thôn Đông Cao, xã Tráng Việt vào ngày 19/12. Các thửa đất đấu giá có diện tích từ 100 đến 155m²/thửa, giá khởi điểm 1.515.000 đồng/m².