Nhiều nước đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ AI

Các quốc gia đang nỗ lực phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào mọi lĩnh vực, trong đó Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Canada, Pháp... là những quốc gia hàng đầu.

Các nước tăng cường đầu tư cho trí tuệ nhân tạo

Nếu như tại Mỹ, việc nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI tập trung ở các ông lớn công nghệ thì Trung Quốc đang thúc đẩy cách tiếp cận do nhà nước điều hành. EU chú trọng đến đạo đức AI và phát triển bền vững, còn Nga tập trung vào AI phục vụ công nghiệp quốc phòng nhưng thiếu phần cứng.

Mỹ được xếp hạng là quốc gia hàng đầu với nhiều công ty nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo nhất thế giới. Với hơn 1.000 công ty và 10 tỷ USD vốn đầu tư, Mỹ có khả năng trở thành siêu cường về trí tuệ nhân tạo. Các công ty như IBM, Microsoft, Google, Facebook và Amazon không chỉ tập trung vào nghiên cứu mà còn đầu tư mạnh vào phát triển trí tuệ nhân tạo.

Việc kết hợp giữa kiến thức khoa học vô biên và sức mạnh về kinh tế là yếu tố để đưa Mỹ lên đỉnh cao của trí tuệ nhân tạo. Trong những năm gần đây, những hãng công nghệ lớn như Apple, Facebook và Tesla đã đầu tư hàng tỷ USD vào trí tuệ nhân tạo. Microsoft vẫn là công ty hàng đầu về nghiên cứu và sản xuất những sản phẩm công nghệ có giá trị cao, Google và IBM cũng luôn khẳng định được tên tuổi của mình trong lĩnh vực này.

Ngược lại với Mỹ, Trung Quốc đã áp dụng cách tiếp cận do nhà nước định hướng đối với quy định kỹ thuật số như một phần trong nỗ lực đầy tham vọng nhằm đưa Trung Quốc trở thành siêu cường công nghệ hàng đầu thế giới.

Chính phủ Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành công nghệ nước này từ rất sớm. Mặc dù vậy, trước những thách thức tiềm ẩn của AI, Bắc Kinh quyết tâm duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với công nghệ này. Chính phủ Trung Quốc đã ban hành dự thảo quy định tổng quát về AI. Đây là một trong những ví dụ cho thấy chính phủ Trung Quốc cam kết định hướng tương lai AI của đất nước, khuyến khích tiến bộ công nghệ, đồng thời đảm bảo rằng AI sẽ không làm suy yếu sự ổn định xã hội.

Liên minh châu Âu lại có cách tiếp cận khác với cả Mỹ và Trung Quốc, tập trung vào quyền của người dùng và công dân. Theo quan điểm của châu Âu, AI báo trước một sự chuyển đổi kỹ thuật số với tiềm năng đột phá đến mức không thể phó mặc cho ý thích bất chợt của các công ty công nghệ, mà thay vào đó, phải gắn chặt vào pháp quyền và quản trị. Điều này có nghĩa là các chính phủ cần can thiệp để bảo vệ các quyền cơ bản của cá nhân, bảo tồn các cấu trúc xã hội và đảm bảo phân phối công bằng các lợi ích từ nền kinh tế kỹ thuật số.

Không nằm ngoài cuộc đua đó, Nga cũng đặt mục tiêu trở thành cường quốc trong sáng tạo và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Tại Diễn đàn quốc tế "Hành trình đến thế giới trí tuệ nhân tạo" diễn ra tại thủ đô Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga sẽ tham gia một cách bình đẳng vào cuộc đua toàn cầu để tạo ra công nghệ trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ.

Theo Tổng thống Nga Putin, công nghệ trí tuệ nhân tạo phải trở thành nguồn lực quan trọng nhất để đạt được các mục tiêu phát triển quốc gia, đảm bảo tăng cường năng lực quốc phòng của đất nước, phát triển chất lượng của nền kinh tế. Để giải quyết những vấn đề này, Nga phải trở thành nước dẫn đầu thế giới không chỉ về sáng tạo mà còn về quy mô ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào mọi lĩnh vực của đời sống.

Phát triển trí tuệ nhân tạo là một trong những điều kiện then chốt bảo vệ chủ quyền về khoa học, công nghệ và quan trọng là chủ quyền về tư tưởng. Các thuật toán và nguyên lý của trí tuệ nhân tạo phụ thuộc vào các giá trị, ngôn ngữ, văn hóa và lợi ích dân tộc. Để quyết định tương lai của nước Nga, chúng ta phải tự mình tạo ra những công nghệ như vậy.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Chính phủ Nga đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình ứng dụng AI vào nhiều lĩnh vực, bao gồm cả hành chính công và quốc phòng. Tháng 2/2024, Tổng thống Nga Putin đã công bố khởi động một dự án quốc gia nhằm tạo ra các nền tảng kỹ thuật số trên tất cả các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế vào năm 2030.

Trong Chiến lược quốc gia về phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030, Chính phủ Nga đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là trở thành một trong 5 quốc gia đứng đầu thế giới về chỉ số AI. Để duy trì mức độ cạnh tranh, trong những năm tới, nền kinh tế Nga sẽ cần hơn 15.000 chuyên gia AI mỗi năm.

Những mô hình AI này không chỉ giúp tối ưu hóa hoạt động mà còn đảm bảo tính minh bạch và độ chính xác trong quản lý công. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh quốc gia này đang đối mặt với các áp lực địa chính trị ngày càng gia tăng.

Việc tích hợp AI vào quốc phòng cũng giúp Nga đối phó với các thách thức an ninh hiện đại, từ kiểm soát không phận, bảo vệ biên giới, tới quản lý các thiết bị bay không người lái. Theo báo cáo gần đây, các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái đang ngày càng phổ biến, đặc biệt tại khu vực Biển Đỏ, tạo thêm động lực để Nga nâng cao năng lực quốc phòng thông qua AI.

Để hỗ trợ các ứng dụng AI, Nga cũng đầu tư mạnh vào sản xuất vi mạch trong nước. Thủ tướng Mikhail Mishustin gần đây đã công bố khoản đầu tư 172,5 triệu USD cho ngành công nghiệp vi mạch. Việc phát triển vi mạch không chỉ đảm bảo tính độc lập công nghệ mà còn tạo nền tảng vững chắc cho các ứng dụng AI trong tương lai.

Cảnh báo nước ô nhiễm nhờ trí tuệ nhân tạo

Tại Anh, nhiều con sông và bãi biển đang bị đe dọa bởi nước thải sinh hoạt và nông nghiệp cũng như nước mưa. Vi khuẩn từ các chất ô nhiễm này có thể gây ra các rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe người bơi như bệnh đường tiêu hóa, nhiễm trùng da, tai và mắt, và trong một số trường hợp có thể mắc các bệnh nghiêm trọng hơn. Hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) đang được ứng dụng trong việc cảnh báo chất lượng nước theo thời gian thực để cảnh báo người bơi về các rủi ro sức khỏe tiềm ẩn liên quan đến nước ô nhiễm.

Các cảm biến chạy bằng AI đang được lắp đặt tại các địa điểm bơi lội trong thiên nhiên và các bãi biển trên khắp miền Nam nước Anh với một ứng dụng di động cảnh báo công chúng về mức độ vi khuẩn có khả năng cao.

Các cảm biến đo các yếu tố vật lý như nhiệt độ, độ dẫn điện, độ pH, các yếu tố vật lý và hóa học trong nước. Sau đó, trí tuệ nhân tạo sẽ lấy dữ liệu thời gian thực từ các cảm biến và có thể sử dụng dữ liệu đó để xác định theo thời gian thực nguy cơ vi khuẩn có hại trong dòng nước.

Ông Dan Byles, Công ty UnifAI Technology của Anh.

Byles cho biết phân tích mẫu nước truyền thống thường mất nhiều ngày, khiến việc đánh giá rủi ro tức thời từ nước thải hoặc dòng chảy nông nghiệp trở nên bất khả thi.

Hệ thống của UnifAI sử dụng dữ liệu từ các cảm biến được đặt ở thượng nguồn, theo dõi nhiều thông số khác nhau bao gồm độ pH, nhiệt độ, độ đục, oxy hòa tan và mức amoniac. Trong thời gian đào tạo kéo dài sáu tháng, AI học cách liên hệ các mẫu dữ liệu cảm biến này với mức độ vi khuẩn. Sau đó, hệ thống sẽ cung cấp thông tin cập nhật về chất lượng nước thông qua ứng dụng di động gần như theo thời gian thực, cảnh báo con người về nguy cơ vi khuẩn có hại trong nước. Hệ thống cũng sẽ bảo vệ người bơi khỏi các nguy cơ như bệnh đường tiêu hóa, nhiễm trùng da, tai và mắt.

Ngoài việc tăng cường an toàn cho người bơi, sáng kiến này là một phần của chiến lược rộng hơn nhằm cải thiện chất lượng của các tuyến đường thủy ở Anh.

Ứng dụng AI trong nông nghiệp

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, gia tăng dân số và nhu cầu về an ninh lương thực, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo vào nông nghiệp đang trở thành xu hướng tất yếu. Để nâng cao năng suất và giảm sức lao động trong chăn nuôi, các nhà nghiên cứu Australia vừa tạo ra một robot ứng dụng trí tuệ nhân tạo, có khả năng giúp chăn nuôi gia súc hiệu quả hơn và thân thiện với môi trường hơn.

Với bốn bánh xe và lớp sơn màu đỏ tươi, SwagBot được kỳ vọng sẽ trở thành “chú bò thông minh” đầu tiên trên thế giới. Lần đầu tiên ra mắt vào năm 2016, SwagBot khi đó chỉ là một robot chăn gia súc có khả năng vượt qua các địa hình gồ ghề. Thế nhưng hiện nay, chú bò robot này đã được cập nhật các cảm biến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và hệ thống máy học, để có thể xác định mật độ của đồng cỏ và theo dõi sức khỏe của gia súc. Nó sử dụng dữ liệu thu thập được để tự động chăn thả gia súc đến những đồng cỏ tốt nhất và di chuyển chúng trước khi đất bị khai thác quá mức và thoái hóa.

Robot hiện có cảm biến thị giác, cảm biến laze, có thể quan sát các đặc tính chuyển động của động vật, dáng đi, cách thức di chuyển, từ đó có thể lập hồ sơ sức khoẻ của chúng.

Giáo sư Salah Sukkarieh, Đại học Sydney, Australia.

Swagbot là một phần trong xu hướng phát triển robot phục vụ cho ngành nông nghiệp, khi người nông dân tìm kiếm những cách đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các phương pháp canh tác bền vững và hiệu quả trong bối cảnh thiếu hụt lao động và lo ngại về môi trường. Các nhà khoa học Australia tin rằng, robot và tự động hóa chính là giải pháp cho những thách thức này và tin tưởng rằng tương lai sẽ chứng kiến Swagbot xuất hiện ở các trang trại trên khắp cả nước.

Robot đang được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực khác nhau, chủ yếu là trong sản xuất, để thực hiện các nhiệm vụ phức tạp. Ngày nay, các công ty AI đang phát triển robot để sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp. Những robot AI này được phát triển theo cách chúng có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ trong nông nghiệp.

Các robot này có thể được sử dụng để giám sát, quản lý, chăm sóc cây trồng, thu hoạch, sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu một cách hiệu quả hơn. Ngoài ra, chúng còn có thể giúp nâng cao năng suất, giảm chi phí và làm giảm tác động của hoạt động nông nghiệp đến môi trường.

Các tính năng của robot nông nghiệp bao gồm các cảm biến để giám sát sức khỏe của cây trồng, phân tích đất và dự báo thời tiết, hệ thống điều khiển để kiểm soát phun thuốc, tưới nước và khả năng tự động hóa các hoạt động như thu hoạch. Các robot nông nghiệp thường được điều khiển từ xa hoặc tự động hóa hoàn toàn, tùy thuộc vào nhu cầu của người sử dụng.

Việc sử dụng robot nông nghiệp có thể giúp tăng năng suất và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời giảm tác động của hoạt động này đến môi trường. Tuy nhiên, việc triển khai các hệ thống robot nông nghiệp cần đòi hỏi một khoản đầu tư ban đầu lớn và sự đào tạo kỹ thuật cao cho người sử dụng.

Với những lợi ích mà AI mang lại, nhiều quốc gia đang đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, với mục tiêu trở thành trung tâm kiểm soát công nghệ này. Nguồn đầu tư cho AI không chỉ đến từ chính phủ, mà còn từ các doanh nghiệp lẫn các quỹ phi lợi nhuận. Cùng với việc thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo AI, việc sử dụng AI an toàn, có trách nhiệm cũng là điều đang được thế giới chú trọng để AI có thể đem đến những lợi ích bền vững cho con người.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Các quốc gia đang nỗ lực phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào mọi lĩnh vực, trong đó Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Canada, Pháp... là những quốc gia hàng đầu.

Phong trào Hồi giáo Hamas cho biết một thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza “đang ở gần hơn bao giờ hết” nếu Israel không đưa ra thêm điều kiện mới.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cảnh báo sẽ yêu cầu đồng minh giao lại kênh đào này nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được.

Đảng Dân chủ đối lập ở Hàn Quốc đã kêu gọi quyền Tổng thống Han Duck Soo nhanh chóng ký ban hành dự luật bổ nhiệm cố vấn đặc biệt để điều tra Tổng thống Yoon Suk Yeol và đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee.

Không giống như truyền thống, năm nay, một nhóm ông già Noel tại thủ đô Argentina đã đổi xe trượt tuyết của họ lấy một đoàn xe máy đi phát quà, nhằm mang lại niềm vui và không khí lễ hội cho trẻ em tại các bệnh viện trên khắp thành phố.

Lễ hội Băng Tuyết Cáp Nhĩ Tân lần thứ 26 chính thức khai mạc vào cuối tuần qua tại thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, mở ra một thế giới trải nghiệm kỳ diệu như trong mơ dành cho du khách trong nước và quốc tế.