Những bước đột phá mới trong y học

Trong bối cảnh dịch bệnh mới xuất hiện ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ giúp y học có nhiều đột phá mới trong chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh, góp phần nâng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ, cải thiện chất lượng cuộc sống cho con người.

Nga tiến gần tới việc điều chế vaccine chống ung thư

Các nhà khoa học nước Nga đang tiến gần tới việc tạo ra vaccine ngừa ung thư và thuốc điều hòa miễn dịch thế hệ mới, giúp giảm bớt mức độ nghiêm trọng và tăng khả năng điều trị cho bệnh nhân ung thư. Thông tin này được Tổng thống Nga Putin phát biểu tại Diễn đàn công nghệ tương lai ở Thủ đô Moscow. Theo Tổng thống Nga, hơn một nửa số trường hợp ung thư ở nước này được phát hiện ở giai đoạn đầu và đây là giai đoạn điều trị hiệu quả nhất. Tổng thống Putin cũng cam kết tiếp tục tài trợ cho nghiên cứu và phát triển y tế ở mức cần thiết.

Tổng thống Putin cho biết Nga đang tiến gần tới việc tạo ra vaccine ngừa ung thư và thuốc điều hòa miễn dịch thế hệ mới.

Xét nghiệm ung thư vú bằng vân tay

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Sheffield Hallam của Anh mới đây giới thiệu phương pháp xét nghiệm dấu vân tay để chẩn đoán ung thư vú. Phương pháp chẩn đoán bệnh đơn giản này được cho là vừa tiết kiệm chi phí vừa giúp sớm phát hiện dấu hiệu của bệnh. Theo nhóm nghiên cứu, dấu vân tay chứa mồ hôi, và trong mồ hôi chứa rất nhiều phân tử khác nhau, đặc biệt là protein. Do vậy, việc xét nghiệm để kiểm tra cấu trúc phân tử từ dấu vân tay bằng kỹ thuật đo khối phổ có thể giúp phát hiện các dấu hiệu về bệnh ung thư vú. Các nhà nghiên cứu Anh hy vọng, trong tương lai phương pháp xét nghiệm dấu vân tay có thể thay thế phương pháp chụp X quang tuyến vú hay sinh thiết như hiện nay.

Anh vừa giới thiệu phương pháp xét nghiệm dấu vân tay để chẩn đoán ung thư vú.

Thụy Điển nghiên cứu cá ngựa vằn cho mục đích y tế

Tại Stockholm, Thụy Điển, các nhà khoa học đã gây giống hàng chục nghìn con cá ngựa vằn để nghiên cứu với hy vọng có thể tìm thấy chìa khóa cho nghiên cứu ung thư. Hiện cơ sở đang nuôi khoảng 20.000 con cá ngựa vằn, loài cá nhỏ bé với chi phí rẻ và sinh trưởng nhanh, đã được coi là sinh vật mẫu quan trọng cho nghiên cứu y học trên toàn thế giới trong suốt 20 năm qua. Bộ gen của cá ngựa vằn có tính đặc trưng cao, khá giống với những bệnh nhân khi có một vài đột biến trong gen. Theo các nhà khoa học, loài cá này có thể được sử dụng để nghiên cứu ung thư, các căn bệnh chưa rõ nguyên nhân hoặc sàng lọc các chất độc hại cùng nhiều ứng dụng khác. Hy vọng nghiên cứu trên loài cá này có thể mang lại một bước đột phá mới trong y khoa.

Thụy Điển nghiên cứu cá ngựa vằn cho mục đích y tế.

Bước tiến lớn trong cuộc chiến toàn cầu chống sốt rét 

Bệnh sốt rét là một trong những bệnh truyền nhiễm lớn nhất cướp đi sinh mạng của hơn nửa triệu người mỗi năm, trong đó chủ yếu là những người sống ở khu vực cận Sahara của châu Phi. Đây là căn bệnh gây chết người ở châu Phi nhiều hơn cả COVID-19. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ít nhất 386.000 người châu Phi đã thiệt mạng vì sốt rét vào năm 2019, trong đó có khoảng 270 nghìn trẻ em dưới 5 tuổi. Cuộc chiến toàn cầu chống bệnh sốt rét vừa ghi nhận một bước tiến lớn , khi Cameroon triển khai chương trình tiêm vaccine định kỳ đầu tiên trên thế giới dành cho trẻ em để phòng ngừa căn bệnh do muỗi truyền này. Dự kiến, chương trình này sẽ giúp ngăn ngừa hàng chục nghìn ca tử vong ở trẻ em mỗi năm trên khắp châu Phi.

Cameroon sử dụng loại vaccine đầu tiên trong số hai loại vaccine sốt rét đã được phê duyệt gần đây.

Theo đó, Cameroon sử dụng loại vaccine đầu tiên trong số hai loại vaccine sốt rét đã được phê duyệt gần đây, có tên là Mosquirix (RTS,S) do nhà sản xuất dược phẩm GSK của Anh phát triển. Vaccine này giúp kích hoạt hệ thống miễn dịch của người tiêm nói chung và trẻ em nói riêng nhằm ngăn chặn Plasmodium falciparum, một trong những tác nhân gây bệnh sốt rét nguy hiểm và phổ biến nhất ở châu Phi.

Sau gần 40 năm phát triển và thử nghiệm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phê duyệt vaccine này 2 năm trước, đánh giá cao tác dụng làm giảm đáng kể các ca nhiễm trùng nặng và nhập viện của vaccine Mosquirix.

Vaccine này giúp kích hoạt hệ thống miễn dịch của người tiêm nói chung và trẻ em nói riêng.

Theo đại diện của Chương trình liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), sau các chương trình thử nghiệm thành công, bao gồm cả ở Ghana và Kenya, Cameroon là quốc gia đầu tiên triển khai chương trình tiêm chủng định kỳ. Quốc gia Trung Phi này đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 250 nghìn trẻ em trong năm nay và năm tới.

Chiến dịch được kỳ vọng là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ nhằm hạn chế căn bệnh lây lan do muỗi tại châu Phi, vốn chiếm tới 95% số ca tử vong do sốt rét trên toàn thế giới.

19 quốc gia khác cũng đang lên kế hoạch triển khai chương trình tương tự trong năm nay, với kỳ vọng cứu sống hàng chục nghìn trẻ em mỗi năm trên khắp châu Phi. Theo đó, chương trình tiêm phòng sốt rét giai đoạn 2024-2025 sẽ dành cho khoảng 6,6 triệu trẻ em tại các nước này.

Theo WHO, sự gián đoạn liên quan đến đại dịch Covid-19, tình trạng kháng thuốc gia tăng và các vấn đề khác đã cản trở cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét trong những năm gần đây, khiến số ca mắc bệnh vào năm 2022 tăng khoảng 5 triệu người so với năm trước đó.

Tại châu Phi, mỗi năm có khoảng 250 triệu ca mắc bệnh sốt rét, trong đó có 600 nghìn ca tử vong, chủ yếu ở trẻ nhỏ, với gần 500 nghìn trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm tử vong vì sốt rét.

Hiện có hơn 30 quốc gia tại châu Phi đã bày tỏ sự quan tâm đến việc triển khai chương trình tiêm vaccine phòng sốt rét, trong bối cảnh mối lo ngại về nguồn cung hạn chế đã giảm đi kể từ khi WHO khuyến nghị vaccine thứ 2 phòng sốt rét - có tên R21 - vào tháng 10/2023.

Bà Kate O’Brien - Giám đốc tiêm chủng của WHO cho biết: “Việc tung ra loại vaccine R21 dự kiến sẽ bảo đảm nguồn cung vaccine để đáp ứng nhu cầu cao và tiếp cận được hàng triệu trẻ em".

Bên cạnh việc triển khai tiêm chủng rộng rãi, các chuyên gia y tế cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh sốt rét hiện có cùng với vaccine, như sử dụng màn chống muỗi hay phun thuốc diệt côn trùng.

Đột phá mới trong liệu pháp gen điều trị mất thính lực

Liệu pháp gen là kỹ thuật sử dụng gen để ngăn ngừa và điều trị bệnh bằng cách thay thế gen bị đột biến bằng gen khỏe mạnh, làm bất hoạt gen bị đột biến sai chức năng hoặc đưa 1 gen mới vào cơ thể để chữa bệnh. Sử dụng liệu pháp gen trong điều trị các bệnh lý di truyền và ung thư đang là hướng đi mới rất triển vọng trong tương lai. Mới đây nhất, Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia (Mỹ) cho biết, một bệnh nhân 11 tuổi lần đầu nghe được những âm thanh nhờ liệu pháp gen này. Đây là bước đột phá quan trọng, mang lại hy vọng cho các bệnh nhân trên toàn thế giới bị mất thính lực do đột biến gene.

Aissam Dam - 11 tuổi bị mất thính giác bẩm sinh lần đầu được nghe thấy âm thanh cuộc sống.

Aissam Dam - 11 tuổi - người Ma rốc bị mất thính giác bẩm sinh do một dị tật ở gene cực kỳ hiếm gặp. Cậu bé đã trở thành bệnh nhân đầu tiên được điều trị bằng liệu pháp gen đột phá mà bác sĩ phẫu thuật của cậu cho biết có thể mang đến hy vọng đối với những người bị mất thính lực trong tương lai. Kết quả, lần đầu tiên trong đời cậu bé có thể nghe được âm thanh cuộc sống như giọng nói của người cha, tiếng ô tô chạy qua và tiếng kéo cắt tóc.

Khiếm khuyết gene Otoferlin như Aissam là rất hiếm gặp, chỉ xảy ra ở 1-8% số trường hợp trẻ mất thính giác bẩm sinh.

Aissam Dam trải qua phẫu thuật vào ngày 4-10-2023. Các bác sĩ đã nâng một phần màng nhĩ của em và tiêm vào đó một loại virus vô hại đã được hiệu chỉnh để vận chuyển các bản sao đang hoạt động của gene Otoferlin vào dịch bên trong ốc tai của em. Kết quả là các tế bào lông bắt đầu tạo ra lượng protein bị thiếu và hoạt động bình thường.

Gần 4 tháng kể từ khi được điều trị một bên tai, thính giác của Aissam đã được cải thiện đáng kể. Hiện em được xác định chỉ còn mất thính lực ở mức độ nhẹ đến trung bình và thực sự đã nghe được âm thanh lần đầu tiên trong đời.

Trong tương lai, khi có nhiều bệnh nhân ở các độ tuổi khác nhau được điều trị bằng liệu pháp gen này, các nhà nghiên cứu sẽ tìm hiểu thêm về mức độ cải thiện thính giác, cũng như liệu điều đó có thể được duy trì trong nhiều năm hay không?.

Tay giả giúp người khuyết chi cảm nhận được hơi ấm 

Với những người khuyết tật, tay - chân giả giúp họ có thể thực hiện các hoạt động hàng ngày như đi bộ, đứng, leo cầu thang, tham gia vào các hoạt động thể thao, lao động. Tay chân giả cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi chức năng vận động, giúp người khuyết chi tự tin hơn trong cuộc sống hàng ngày. Và công nghệ mới đang tiến gần hơn đến việc giúp người khuyết chi có thể cảm nhận bộ phận giả như một phần của cơ thể. Mới đây, các nhà khoa học Thụy Sỹ đã đạt được những bước tiến mới trong việc phát triển thành công thiết bị gắn với với tay – chân giả để người dùng có thể cảm nhận được sự ấm áp khi chạm vào người khác. Điều này mang lại hy vọng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật nói chung và người khuyết chi nói riêng, đồng thời mở ra nhiều triển vọng hứa hẹn trong tương lai.

Thuỵ Sĩ phát triển thành công thiết bị gắn với với tay – chân giả để người dùng có thể cảm nhận được sự ấm áp khi chạm vào người khác.

37 năm sau khi ông Amputee Fabrizio bị mất một phần cánh tay trong một vụ tai nạn, một cánh tay giả mới, nhạy cảm với nhiệt độ đã cho phép anh cảm nhận được hơi ấm khi chạm vào người khác.

Các nhà nghiên cứu nhận thức rõ về cảm giác mà người khuyết chi có thể cảm nhận được ở những chi đã bị mất hoặc chi giả, nhưng công nghệ mới này là công nghệ đầu tiên cho phép họ phân biệt nhiệt độ bằng cách sử dụng chân, tay giả hiện có của chính mình.

Được mô tả là thiết bị điện tử đơn giản, các nhà nghiên cứu đã phát triển “MiniTouch”, truyền thông tin nhiệt từ đầu ngón tay của bàn tay giả đến phần cánh tay còn lại của người khuyết chi.

Tiến sĩ Solaiman Shokur, Viện công nghệ Liên bang Thụy Sỹ Lausanne cho hay: “Chúng tôi đã phát triển một nguyên mẫu chân, tay giả tích hợp các cảm biến có thể truyền tải thông tin về nhiệt độ một cách tự nhiên cho người khuyết chi. Thậm chí khi nhắm mắt, họ có thể phát hiện họ đang chạm vào tay giả hay tay thật, và họ thực sự có thể có cảm giác giống như thật khi tiếp xúc với ai đó.”

Thiết bị này mang lại tiềm năng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của những người khuyết chi.

Thiết bị này được lắp vào cánh tay giả hiện có của ông Fabrizio và được gắn vào một điểm trên cùng phần tay còn lại, tạo ra cảm giác nhiệt ở ngón trỏ bàn tay giả của ông ấy. Một số người khuyết chi tham gia vào các thử nghiệm ban đầu đã chia sẻ rằng khả năng tìm lại sự tiếp xúc cơ thể với người khác là lợi ích quan trọng nhất của thiết bị này.

Thiết bị này mang lại những tiềm năng đáng kể trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của những người khuyết chi. Điều này đồng nghĩa với việc tay chân giả đang trở nên ngày càng thông minh, tiện ích, và đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của người dùng.

Có thế thấy, thời gian qua, các nhà khoa học thế giới đã đạt được nhiều thành tựu đáng chú ý trong lĩnh vực sức khỏe và y học. Chính những nghiên cứu, phát minh, những bước tiến mới trong y học hiện đại đã, đang và sẽ giúp chất lượng sức khỏe của con người từng bước được cải thiện. Nhờ sự phát triển của y học hiện đại mà nhiều bệnh nan y trong thời điểm hiện tại hy vọng cũng sẽ tìm ra được phương pháp điều trị trong tương lai.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.

Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.

Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.

Tuần lễ cấp cao APEC 2024 quy tụ khoảng 20.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trên khắp châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các Hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng lớn hơn trong khu vực.

Việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ được dư luận quốc tế nhìn nhận như một thách thức mới cho quan hệ Mỹ - Trung, vốn đã trải qua nhiều sóng gió trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.