Những dấu ấn kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Hà Nội đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong công cuộc phát triển và đổi mới: xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại; những công trình bề thế phục vụ nhân dân; bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống; trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách...

Công trình về đích chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô

Công trình cấp Thành phố chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô Cung Thiếu nhi Hà Nội đã được khánh thành vào sáng ngày 21/9. Công trình hoàn thành và được đưa vào sử dụng với mục tiêu tạo một trung tâm văn hóa, thể thao, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập, vui chơi, thi đấu thể thao và rèn luyện thể chất cho thiếu nhi Thủ đô; tạo môi trường thuận lợi để phát hiện, bồi dưỡng và phát triển những tài năng tương lai của thành phố.

Cung Thiếu nhi là dự án trọng điểm của thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2020-2025, chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Sáng 9/10, thành phố Hà Nội tổ chức lễ khánh thành và gắn biển công trình Bệnh viện Nhi Hà Nội chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Với tổng mức đầu tư gần 800.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 4 năm từ 2021-2024, Bệnh viện Nhi Hà Nội - Giai đoạn I là bệnh viện chuyên khoa nhi đầu tiên của thành phố được xây dựng theo tiêu chuẩn hạng I để thực hiện các dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao với công nghệ kỹ thuật tiên tiến và chuyên sâu. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục đề xuất đầu tư giai đoạn II để Bệnh viện Nhi Hà Nội đạt mức 500 giường bệnh, mục tiêu là bệnh viện đầu ngành nhi của Thủ đô, của tuyến cuối.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài và các lãnh đạo thành phố trao lẵng hoa chúc mừng Bệnh viện Nhi Hà Nội.

Sáng ngày 28/09, UBND thành phố Hà Nội long trọng tổ chức Lễ khánh thành công trình Trụ sở Quận ủy - HĐND - UBND quận Cầu Giấy. Đây là dự án trọng điểm có ý nghĩa quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của quận và tạo thuận lợi cho công dân tới giải quyết các thủ tục hành chính. Trụ sở làm việc mới là một dấu mốc quan trọng đánh dấu quá trình phát triển lớn mạnh của quận Cầu Giấy trong suốt 27 năm thành lập và phát triển, đồng thời sẽ là điểm nhấn mới cho quá trình xây dựng thành công chính quyền đô thị, thành phố thông minh trên địa bàn. Công trình được đánh giá là một trong 10 công trình tiêu biểu được gắn biển Công trình kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội được khởi động vào 8 giờ sáng ngày 8/8/2024, đánh dấu một mốc quan trọng sau 14 năm chờ đợi. Đây là sự kiện ý nghĩa trong sự phát triển hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô. Nhiều người dân từ trẻ em đến người lớn tuổi đều phấn khởi khi tuyến đường sắt đi vào hoạt động. Tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội có khả năng vận chuyển hơn 500.000 lượt khách mỗi ngày, góp phần giảm ùn tắc giao thông và thúc đẩy thói quen sử dụng phương tiện công cộng của người dân Thủ đô.

Người dân háo hức trải nghiệm đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội.

Sau nhiều khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng và thi công, sáng ngày 4/10, Hà Nội tổ chức lễ gắn biển công trình và thông xe dự án cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh niên và Dự án đầu tư, cải tạo nâng cấp tuyến đường Xuân Diệu, quận Tây Hồ. Những con đường này tăng cường khả năng kết nối giao thông giữa trung tâm với khu vực phía Tây Bắc thành phố, Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, phục vụ các hoạt động chính trị, ngoại giao quan trọng; đồng thời, nâng cao năng lực phòng chống lũ của tuyến đê hữu Hồng.

Các sự kiện văn hóa kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô

Mở đầu chuỗi hoạt động kỷ niệm là Lễ hội Áo dài Du lịch 2024. Khác với những năm trước, năm nay lễ hội lựa chọn tà áo dài để kể về lịch sử của Thủ đô trong suốt 70 năm qua. Sự kiện này bao gồm nhiều hoạt động phong phú do Sở Du lịch Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Thành Đoàn Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức.

Ấn tượng, hoành tráng và rực rỡ sắc màu, Lễ hội áo dài du lịch 2024 đã mang đến cho người dân Thủ đô và du khách những màn trình diễn mãn nhãn. Chỉ trong 3 ngày diễn ra, lễ hội đã thu hút hơn 60.000 lượt khách tới tham quan.

Trong khuôn khổ lễ hội, Chương trình nghệ thuật tổng hợp đồng diễn dân vũ và Carnaval Áo dài "Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển" là hoạt động biểu diễn và diễu hành quy mô lớn do Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội phối hợp với Sở Du lịch triển khai tổ chức, nhằm lan tỏa tình yêu áo dài đến đông đảo người dân, bạn bè và du khách quốc tế.

Đoàn diễu hành áo dài đi qua khu vực Quảng trường Ba Đình, trước cửa toà nhà Quốc hội.

Điểm nhấn nằm trong chuỗi hoạt động kỉ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô là Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình được diễn ra vào ngày 5/10. Toàn bộ không gian hồ Hoàn Kiếm những ngày này trở thành một Hà Nội thu nhỏ, gợi những năm tháng xưa cũ với những cửa ô Cầu Giấy, Đông Mác… Dọc con phố Đinh Tiên Hoàng là những mô hình tái hiện những di sản kiến trúc đặc sắc nhất của Thủ đô. Đó là Hoàng thành Thăng Long, Cột cờ Hà Nội, chợ Đồng Xuân, là những nếp nhà rêu phong phố cổ…

"Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình" đã khép lại thành công, để lại nhiều dấu ấn trong lòng người dân Thủ đô và du khách. Với 3 phân đoạn: "Những ngày toàn quốc kháng chiến", "Cảm xúc tháng Mười" và "Khí phách Hà Nội", các nghệ sĩ đã tái hiện sinh động truyền thuyết về vua Lê Lợi trả gươm báu cho thần Kim Quy ở hồ Hoàn Kiếm; tái hiện khoảng thời gian 9 năm kháng chiến gian khổ đã kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, để ngày 10/10/1954, người dân Hà Nội tràn ngập trong niềm hân hoan, hạnh phúc đón đoàn quân chiến thắng trở về và thể hiện một Hà Nội năng động, sáng tạo trong xây dựng, phát triển Thủ đô.

Màn thực cảnh tái hiện lịch sử "Ngày về chiến thắng" đã tạo cảm xúc thiêng liêng và tự hào khi đoàn quân tiến qua lễ đài, đặc biệt là hình ảnh Bác sĩ Trần Duy Hưng, vị Chủ tịch Ủy ban hành chính đầu tiên của Hà Nội vẫy tay chào người dân Thủ đô trong ngày trở về, theo sau là lớp lớp đoàn quân "đem vinh quang sức dân tộc trở về".

Hình ảnh Bác sĩ Trần Duy Hưng dẫn đầu đoàn quân trở về được tái hiện.

Hơn 8.000 người tham gia trình diễn, diễu hành đã tái hiện một Hà Nội hào hoa, Hà Nội anh dũng, Hà Nội giàu có về di sản, Hà Nội năng động trong hội nhập và phát triển…

Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình đã diễn ra trang trọng, thể hiện tinh thần đoàn kết đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội - Thành phố vì Hòa bình - Thành phố sáng tạo.

Tối qua, ngày 10/10, chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt "Hà Nội - Bản hùng ca phố" tại Khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long. Đây là nơi đã diễn ra Lễ Chào cờ đầu tiên của Thủ đô Giải phóng vào 15 giờ ngày 10/10/1954.

Đây là sự kiện đặc biệt nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, mang đến sự kết hợp giữa âm nhạc, ánh sáng và trình diễn công nghệ hiện đại 3D mapping; xen kẽ các phóng sự, phỏng vấn nhân chứng lịch sử nhằm tái hiện chặng đường hào hùng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô; nhấn mạnh chủ đề tuyên truyền kỷ niệm: "Hà Nội - Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người - Nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng những giá trị cao quý, tiêu biểu của dân tộc".

Chương trình cũng tái hiện thời khắc lịch sử Lễ chào cờ vào 15 giờ chiều ngày 10/10/1954. Tại lễ Chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ - cũng chính là chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội năm 1946, Đại đoàn trưởng dẫn đầu Đại đoàn 308 về tiếp quản Thủ đô - đã đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.

Chương trình "Hà Nội - Bản hùng ca phố" tái hiện một cách sống động và đầy kịch tính những diễn biến căng thẳng trước thềm cuộc kháng chiến chống Pháp.

70 năm Giải phóng Thủ đô là mốc son ý nghĩa để cùng nhau nhìn lại lịch sử và tri ân lớp lớp thế hệ cha ông đã hy sinh và cống hiến cho Thủ đô, từ đó tạo thành động lực cùng nhau góp sức dựng xây Hà Nội phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe, cùng với đề xuất sửa đổi quy định về sân tập lái xe.

Trên tuyến đường Lý Thánh Tông hiện đang có rất nhiều hố ga bị mất nắp, như những cái bẫy chờ người đi đường. Tình trạng này đã diễn ra từ lâu nhưng cho đến nay vẫn chưa được xử lý, đã có những vụ tai nạn giao thông xảy ra tại đây.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký Công văn số 4291/UBND-ĐT về việc nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Trong đó, đặc biệt xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông.

Sáng 22/12, đoạn qua ngã tư đèn đỏ trên đường Tố Hữu (Hà Đông, Hà Nội), một chiếc xe Mercedes màu trắng phóng nhanh đã lao thẳng lên dải phân cách giữa đường, tông đổ biển báo.

Ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu cột mốc lịch sử trong hành trình phát triển giao thông đô thị của TP.HCM, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Sở GTVT Hà Nội ra thông báo cấm tất cả các phương tiện và người tham gia giao thông lưu thông trên tuyến đường Văn Khê (trước tòa nhà V3 Victoria Văn Phú) trong khung giờ từ 23h00 ngày 22/12/2024 đến 3h00 ngày 23/12/2024, để phục vụ thi công cầu vượt cho người đi bộ (quận Hà Đông, TP Hà Nội).