Những lợi ích từ trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là là một trong những xu thế công nghệ bùng nổ nhất trong năm 2023 và tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong đầu năm 2024. Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Không thể phủ nhận sự bùng nổ với nhiều đột phá của AI ở thời điểm hiện tại và là AI một trong những công nghệ chủ lực trong tương lai.

Ứng dụng rộng rãi của trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo (AI) không còn xa lạ với con người. Hầu hết mọi hoạt động trong cuộc sống đều có bóng dáng của công nghệ này. Rất nhiều thiết bị ngày nay sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo ở dạng này hay dạng khác. Sẽ có nhiều trợ lý trí tuệ nhân tạo hơn số người trên thế giới này, dự báo sẽ có 8,4 tỷ trợ lý giọng nói kỹ thuật số được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo trên thế giới vào năm 2024, lớn hơn dân số toàn cầu.

Theo ước tính, quy mô thị trường trí tuệ nhân tạo sẽ đạt 407 tỷ USD vào năm 2027. Mức tăng trưởng hàng năm dự báo lên tới 37% trong gian đoạn từ nay đến năm 2030.

Trí tuệ nhân tạo nói chung và sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo tạo sinh nói riêng đã và đang mang lại sự tiện nghi và những giá trị to lớn cho con người.

Triển lãm điện tử tiêu dùng CES 2024 tại Las Vegas, Mỹ, đã hé mở những viễn cảnh không xa về cuộc sống của chúng ta trong thời đại mà công nghệ ngày càng trở nên thân thiện hơn với con người.

Ứng dụng đỗ xe sử dụng trí tuệ nhân tạo của hãng xe BMW.

Với ý tưởng phần mềm của BMW, chẳng mấy mà chúng ta chỉ việc dừng xe để đó, việc đỗ xe sẽ có nhân viên tự động làm từ xa. Người trông xe chỉ cần ngồi một chỗ, còn chủ xe thì chẳng mất thời gian.

Ông Felix Przioda, Chuyên gia sáng tạo chiến lược của BMW cho biết: "Ý tưởng là khách hàng chỉ cần bỏ xe BMW trước một bãi đỗ xe hay siêu thị và yêu cầu đỗ xe qua phần mềm BMW. Sau đó sẽ có một người từ BMW hay bên thứ ba tiếp quản để đỗ xe cho khách hàng".

Để AI có thể tham gia sâu hơn nữa vào cuộc sống, không gì lý tưởng hơn việc đưa công nghệ này vào smartphone - thiết bị gắn với người dùng gần như 24/7. Samsung đã hiện thực hóa điều đó bằng việc tích hợp Galaxy AI vào S24 series, mở ra chương mới cho ngành công nghiệp di động trên toàn cầu. Galaxy AI giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn, đồng thời tiếp thêm sức mạnh để người dùng khai phá tiềm năng của chính mình.

amsung đã hiện thực hóa điều đó bằng việc tích hợp Galaxy AI vào S24 series.

Kể từ cơn sốt ChatGPT, giới công nghệ đã chứng kiến một làn sóng đầu tư khổng lồ dành cho AI tạo sinh nói riêng và toàn bộ lĩnh vực AI nói chung. Theo số liệu của Pitchbook, tổng vốn đầu tư cho AI trong năm 2023 đã tăng gấp 5 lần, chạm ngưỡng gần 24 tỷ USD.

Nguồn vốn dồi dào đã giúp các hãng công nghệ có thêm tài nguyên để đưa các tính năng AI sát hơn với hoạt động cuộc sống hàng ngày của con người, như hỗ trợ tập luyện thể thao, theo dõi tình hình sức khỏe, hay trả lời các câu hỏi thông dụng.

Các hãng công nghệ có thêm tài nguyên để đưa AI sát hơn với hoạt động cuộc sống hàng ngày.

AI hiện hữu trong hầu hết đời sống con người, từ sinh hoạt tới sản xuất, giáo dục, nghiên cứu, sáng tạo nghệ thuật. AI giúp con người tối ưu hóa hoạt động, tăng hiệu suất, giảm nhân lực. Sự bùng nổ của AI đã và đang cho thấy sự lớn mạnh không ngừng của ứng dụng học máy và công nghệ dữ liệu lớn, đẩy trí tuệ nhân tạo lên một bước phát triển mới.

Rủi ro tiềm ẩn từ trí tuệ nhân tạo

Rõ ràng những lợi ích của trí tuệ nhân tạo là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, đi kèm với đó là không ít thách thức. Được ví như con dao hai lưỡi, trí tuệ nhân tạo có thể bị sử dụng để tạo ra các nội dung nguy hiểm, thao túng dư luận, lan truyền thông tin sai lệch ở mức độ chưa từng có. Các nhà khoa học lo ngại, nếu AI phát triển một cách không kiểm soát, lập trình với mục đích không đúng đắn sẽ làm tăng dần các mối đe dọa với an ninh, an toàn, gây ra những hệ quả nghiêm trọng cho con người và xã hội.

Trí tuệ nhân tạo có thể bị sử dụng để tạo ra các nội dung nguy hiểm, thao túng dư luận.

"Báo cáo rủi ro toàn cầu 2024" do Diễn đàn kinh tế thế giới mới công bố cho thấy mối lo ngại về việc trí tuệ nhân tạo (AI) gây sai lệch kết quả bầu cử đứng đầu danh sách những rủi ro lớn nhất trong năm nay. Theo đó, trong 10 rủi ro lớn nhất được dự báo trong cả năm nay và thậm chí vào năm 2025, báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới xếp thông tin gây hiểu lầm và tin giả do AI gây ra là mối đe dọa lớn hơn cả các vấn đề biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang, kinh tế suy giảm và ô nhiễm.

Báo cáo công bố ngày 9/1 cho thấy mối lo ngại trên nổi cộm trong bối cảnh trong năm 2024, sẽ có gần 3 tỷ người, tương đương gần 50% dân số trưởng thành trên toàn cầu tham gia bỏ phiếu, bởi đây là một năm có rất nhiều cuộc bầu cử như tại Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nam Phi, Mexico.

Phụ trách mảng thương mại khu vực châu Âu tại Công ty tư vấn Marsh McLennan, đồng tác giả báo cáo, bà Carolina Klint nhận định AI có thể tạo lập các mô hình nhằm tác động đến số lượng lớn các cử tri theo cách thế giới chưa từng thấy.

Trí tuệ nhân tạo nay đã có thể tạo ra một video hoàn toàn giả mạo, hình ảnh sắc nét, âm thanh sống động, như thật. Việc đánh lừa người xem rằng một chính trị gia vừa tuyên bố điều gì đó không còn là việc quá khó.

Bà Vera Jourova, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu chia sẻ: "Đây thực sự là mối nguy rất lớn. Chúng tôi yêu cầu phải thông báo rõ ngay từ đầu, với mọi nội dung từ trí tuệ nhân tạo để mọi người biết đó không phải do con người tạo ra. Tranh cử phải là tranh luận của người thật, chứ không phải bằng những cách mờ ám hoặc dựa vào robot.”

Tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 2024 diễn ra vào tháng 1 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt đã cảnh báo nguy cơ công nghệ này trở thành công cụ trong cuộc chạy đua siêu cường địa chiến lược mới, trong đó phần lớn sức mạnh của công nghệ mới được tập trung vào vũ khí hơn là những thứ có thể giúp thay đổi cuộc sống hằng ngày của con người. Chia sẻ quan điểm này, Bộ trưởng ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cảnh báo về tác động của AI đến an ninh toàn cầu là khôn lường.

Vấn đề giảm việc làm do sự thay thế của AI cũng rất được quan tâm.

Vấn đề giảm việc làm do sự thay thế của AI cũng rất được quan tâm. Dự đoán được đưa ra bởi 1/4 các giám đốc điều hành trên toàn cầu trong một cuộc khảo sát được công bố tại Diễn đàn kinh tế thế giới cho rằng AI làm giảm ít nhất 5% nhân sự trong năm 2024. Theo đó, truyền thông và giải trí, ngân hàng, bảo hiểm và hậu cần sẽ là những ngành dẫn đầu khả năng cắt giảm việc làm do sự thay thế của các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến nhất. Trong khi đó, các công ty kỹ thuật và xây dựng được dự đoán ít khả năng sa thải nhân sự do tự động hóa.

Trẻ em là đối tượng thụ hưởng nhiều nhất những cơ hội do AI mang lại, nhưng cũng là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước mối nguy hiểm từ công nghệ đột phá này. Vào cuối tháng 3/2023, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và Diễn đàn kinh tế thế giới đã cảnh báo những nguy cơ đối với trẻ em liên quan đến trí tuệ nhân tạo, trong đó có quyền riêng tư, vấn đề an toàn, các tác động đối với tâm lý và hành vi. Theo đó, những nguy cơ này có thể xuất phát từ truyền thông xã hội. Các thuật toán dựa trên AI học và lưu trữ những nội dung mà trẻ em hay bất kỳ ai tìm kiếm và tương tác, ngay cả khi nội dung đó có thể gây hại cho trẻ hoặc những người xung quanh trẻ. Mặc dù các trang mạng xã hội đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn, nhưng vẫn chưa thể loại bỏ hoàn toàn những nguy cơ nói trên. Bên cạnh đó, hầu hết các chính sách, chiến lược và hướng dẫn về AI chỉ đề cập sơ qua về trẻ em. Cùng với đó, AI có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và thiên vị.

Thúc đẩy việc quản lý trí tuệ nhân tạo

Ngoài ra, sự trỗi dậy của AI còn mở ra nhiều rủi ro khác, bao gồm việc trao quyền cho các tác nhân độc hại, giúp thực hiện các cuộc tấn công mạng dễ dàng hơn, cũng như tạo ra phần mềm độc hại và có thể đầu độc dữ liệu để huấn luyện các hệ thống AI khác, tạo thêm các thành kiến và độ lệch vào các mô hình AI. Những rủi ro này đặt ra những thách thức lớn cho cộng đồng quốc tế trong việc quản lý và đối phó với ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo trong thời kỳ phát triển nhanh chóng của công nghệ.

Sự trỗi dậy của AI còn mở ra nhiều rủi ro khác, bao gồm việc trao quyền cho các tác nhân độc hại.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng Liên minh châu Âu (EU) phải nỗ lực hơn nữa và nâng cao vai trò đối với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) trong bối cảnh EU đã sẵn sàng ban hành luật mang tính bước ngoặt nhằm hạn chế khả năng lạm dụng AI.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ), bà von der Leyen nhận định khả năng cạnh tranh trong tương lai của EU phụ thuộc vào việc ứng dụng AI trong các hoạt động kinh doanh hằng ngày.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen.

Theo bà, AI cũng mang tới những cơ hội có ý nghĩa nếu sử dụng đúng cách và có trách nhiệm, như giúp tăng năng suất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do vậy, điều cần làm hiện nay là EU phải tăng cường vai trò của chính mình và chỉ ra cách thức sử dụng AI có trách nhiệm.

Vào tháng 12 năm ngoái, các quốc gia thành viên và các nhà lập pháp EU đã đạt được thỏa thuận nhằm tìm cách hạn chế nguy cơ tiềm tàng trong việc lạm dụng AI - chẳng hạn như sử dụng công nghệ này để giám sát sinh trắc học và thao túng hành vi, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới trong lĩnh vực này.

Các quốc gia thành viên EU đạt được thỏa thuận tìm cách hạn chế nguy cơ tiềm tàng việc lạm dụng AI..

Ngày 30/10, Tổng thống Mỹ Biden đã ký sắc lệnh hành pháp toàn diện đầu tiên về trí tuệ nhân tạo (AI), nhằm tăng cường sự an toàn trước những rủi ro liên quan đến AI. Sắc lệnh mà Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa công bố sẽ yêu cầu các nhà phát triển hệ thống AI phải công bố kết quả kiểm tra độ an toàn các chương trình của họ với chính phủ liên bang, trước khi phát hành rộng rãi đến người dùng. Sắc lệnh này sẽ buộc các công ty phát triển AI phải thông báo cho Chính phủ Mỹ theo đạo luật sản xuất quốc phòng (DPA), nếu chương trình AI đang phát triển gây ra các rủi ro về an ninh quốc gia, nền kinh tế địa phương hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Đồng thời, sắc lệnh mới này cũng giúp giải quyết các rủi ro liên quan đến hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân và an ninh mạng.

Trung Quốc cũng đã đưa ra một số quy định về quản lý AI. Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc đã ban hành các biện pháp hành chính tạm thời đối với dịch vụ AI tạo sinh, đóng vai trò hướng dẫn về cách quản lý công nghệ này trong lúc chờ đợi một bộ luật chính thức về AI mà nước này đang xây dựng.

Vào tháng 11/2023, các quan chức nhóm G7 cũng đã nhất trí về một bộ nguyên tắc an toàn AI và quy tắc ứng xử tự nguyện dành cho các nhà phát triển AI.

Cần tìm được sự cân bằng giữa việc thu được lợi ích của AI và bảo vệ con người khỏi những rủi ro.

Ông Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), nhấn mạnh sức mạnh biến đổi của trí tuệ nhân tạo (AI) và nhấn mạnh sự cần thiết của một khuôn khổ toàn cầu để đảm bảo việc thực hiện nó một cách có trách nhiệm và có lợi. Schwab coi AI là một cơ hội tuyệt vời có thể đưa xã hội loài người trở thành một xã hội thông minh nếu được kiểm soát và quản lý đúng cách. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được sự cân bằng giữa việc thu được lợi ích của AI và bảo vệ con người khỏi những rủi ro tiềm ẩn của nó.

Sử dụng trí tuệ nhân tạo AI đang là xu hướng không thể đảo ngược của thế giới. Việc xây dựng những chiến lược phát triển sao cho AI thật sự phục vụ cuộc sống của con người là bước đi cần thiết nhằm chuẩn bị cho các thế hệ sau có thể sống chung an toàn với trí tuệ nhân tạo. Những thách thức từ trí tuệ nhân tạo đang thôi thúc các nước phải tìm các giải pháp quản trị phù hợp.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.

Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.

Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.

Tuần lễ cấp cao APEC 2024 quy tụ khoảng 20.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trên khắp châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các Hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng lớn hơn trong khu vực.

Việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ được dư luận quốc tế nhìn nhận như một thách thức mới cho quan hệ Mỹ - Trung, vốn đã trải qua nhiều sóng gió trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.

Trong bối cảnh các thảm họa thiên nhiên gia tăng nhanh chóng và lượng khí nhà kính đang ở mức cao nhất mọi thời đại, Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lần thứ 29 của Liên hợp quốc (COP29) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các hành động bảo vệ môi trường mạnh mẽ hơn trên toàn cầu.