Những sự kiện định hình thế giới trong năm 2024

Năm 2024 là một năm đầy biến động, khi thế giới chứng kiến nhiều sự kiện được đánh giá là chấn động và góp phần thay đổi trật tự thế giới. Cuộc xung đột ở Ukraine leo thang nghiêm trọng, trong khi căng thẳng ở Trung Đông bước sang năm thứ hai, khiến hàng nghìn người chết và hàng triệu người phải chịu cảnh đói khát. Cũng trong năm 2024, nhiều cường quốc tổ chức bầu cử, với sự trỗi dậy của phe cực hữu và chủ nghĩa dân túy, trong khi một số quốc gia đối mặt với sự sụp đổ của chính phủ.

Xung đột Nga - Ukraine tiếp tục leo thang

Một trong những điểm nóng xung đột thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế trong năm 2024 là Ukraine. So với năm 2023, diễn biến của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có chiều hướng quyết liệt hơn. Ngày 6/8, Ukraine lần đầu tiên thực hiện tấn công vào lãnh thổ Nga ở khu vực Kursk. Đến tháng 11, chính quyền Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden, và các đồng minh là Anh và Pháp bất ngờ cấp phép cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công vào sâu lãnh thổ Nga. Để đáp trả động thái của phương Tây, Nga cũng lần đầu tiên triển khai tên lửa siêu vượt âm Oreshnik. Tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp khi người đứng đầu lực lượng bảo vệ hạt nhân của Nga – Trung tướng Igor Kirillov bị ám sát giữa lòng thủ đô Moskva.

Cuộc xung đột Ukraine đã sắp tròn ba năm, gây thiệt hại nặng nề cho cả hai phía. Gần đây cuộc xung đột này đã có những triển vọng có thể kết thúc vào năm 2025. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có lập trường mềm mỏng hơn khi tuyên bố để ngỏ thỏa thuận ngừng bắn. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Slovakia có thể là địa điểm thích hợp cho các cuộc đàm phán trong tương lai về giải quyết xung đột với Kiev.

Nhiều người dân Nga và Ukraine cũng ấp ủ hy vọng về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này trong năm mới 2025.

Theo giới phân tích, dù cả Nga và Ukraine đều để ngỏ cơ hội cho đàm phán, song những tuyên bố về cách thức chấm dứt xung đột cho thấy hai bên sẽ ưu tiên giành phần thắng trên chiến trường để làm bàn đạp cho đàm phán trong tương lai. Điều này dự báo con đường đi đến hòa bình ở Ukraine sẽ còn cả một chặng đường dài. Theo dự báo, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ kết thúc vào cuối năm 2025 hoặc muộn hơn.

Chảo lửa Trung Đông không ngừng tăng nhiệt

Trung Đông năm 2024 chìm trong khủng hoảng, với chiến sự Gaza tăng nhiệt, xung đột Israel - Iran, Israel - Hezbollah bùng phát, trong khi chính phủ Syria bị lật đổ.

Tại Dải Gaza, xung đột giữa Israel và phong trào Hamas đã bước sang năm thứ hai, với các cuộc giao tranh qua lại gây thương vong lớn cho cả hai bên. Tình hình leo thang kéo theo sự can dự của nhiều quốc gia trong khu vực, trong khi người dân Gaza đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng. Xung đột ở Gaza đến nay đã khiến hơn 45.400 người Palestine thiệt mạng. Phần lớn dân số trong 2,3 triệu người ở Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa.

Cô Dima Naseer, người dân Gaza chia sẻ: “Tôi đến từ Gaza. Tôi sống ở Khan Younis. Hiện tại chúng tôi không có gì cả. Chúng tôi cần sự giúp đỡ của các bạn. Trong năm mới, tôi hy vọng mọi thứ sẽ tốt hơn bây giờ. Tôi hy vọng tất cả mọi người trên khắp thế giới có thể nhìn thấy chúng tôi và cho chúng tôi bất cứ thứ gì, cho cuộc sống, tương lai và ước mơ của chúng tôi.”

Song song với chiến sự ở Gaza, Israel đã tấn công lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn ở Liban. Israel đã thực hiện các vụ nổ đồng loạt nhằm vào máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah, hạ sát thủ lĩnh Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah vào tháng 9 và tiếp theo là ám sát thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar. Đáp trả, Iran mở hai chiến dịch “Lời hứa đích thực” 1 và 2, tấn công trực tiếp vào lãnh thổ của Nhà nước Do Thái, đánh dấu cuộc đối đấu trực diện đầu tiên trong nhiều năm giữa Tehran và Tel Aviv.

Trong những tuần cuối năm, “chảo lửa” Trung Đông lại tiếp tục chứng kiến một điểm nóng mới khi lực lượng đối lập ở Syria hồi cuối tháng 11 trỗi dậy, và lật đổ chính quyền cựu Tổng thống Bashar al-Assad. Diễn biến bất ngờ này tạo ra khoảng trống quyền lực ở Syria, đồng thời làm thay đổi cán cân ảnh hưởng ở khu vực. Những căng thẳng chưa có hồi kết tại Trung Đông trong những ngày cuối năm 2024 khiến giới quan sát lo ngại khu vực sẽ khó bình yên trong năm 2025.

Năm 2024 - Năm siêu bầu cử

Năm 2024 được coi là “năm siêu bầu cử” với hơn 2 tỷ cử tri tại các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu đi bỏ phiếu trong khoảng 60 cuộc bầu cử, bầu ra người đứng đầu và các chính đảng lãnh đạo đất nước. Nổi bật trong số đó là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024, với chiến thắng áp đảo của ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump.

Bên cạnh đó, Đảng Cộng hòa đã giành thế đa số ở cả Hạ viện và Thượng viện, điều này tạo cơ hội cho Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump thực hiện các chương trình nghị sự đầy tham vọng như thuế quan, nhập cư và thương mại. Những chính sách này được kỳ vọng sẽ thay đổi sâu sắc nước Mỹ và tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu. Đáng chú ý, cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 cũng xảy ra nỗ lực ám sát bất thành nhắm vào ông Trump. Vụ việc làm dấy lên nhiều lo ngại về bạo lực chính trị tại nền kinh tế số một thế giới. Theo kế hoạch, ông Trump sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/2025. Ông cũng được tạp chí Time bầu chọn là Nhân vật của năm.

Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 5, với số phiếu áp đảo trong cuộc bầu cử hồi tháng 3. Ông đã nhậm chức vào ngày 7/5/2024, với kỳ vọng về một nước Nga hùng mạnh, độc lập, củng cố lực lượng vũ trang và tăng cường khả năng phòng thủ. Năm nay, nước Nga đã mở rộng hợp tác đặc biệt với Trung Quốc, Triều Tiên và nhiều nước Nam bán cầu.

Năm 2024 chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đảng phái cực hữu tại Nghị viện châu Âu, cũng như trong các cuộc bầu cử ở Pháp và Đức. Xu hướng này làm gia tăng sự chia rẽ trong Liên minh châu Âu, đe dọa các giá trị cốt lõi về tự do và dân chủ.

Châu Á cũng không nằm ngoài vòng xoáy bất ổn chính trị. Trong đó, chính trường Hàn Quốc xáo trộn khi cả tổng thống, quyền tổng thống bị luận tội vì trách nhiệm liên quan việc ban bố tình trạng thiết quân luật. Tương lai chính trị của Tổng thống Yoon Suk Yeol và các đồng minh thân cận sẽ được hé lộ trong năm tới.

Dù còn nhiều thách thức, nhưng thế giới vẫn kỳ vọng vào những thay đổi tích cực trong năm 2025, như thông điệp năm mới của Tổng thư ký Liên hợp quốc: “Cùng nhau, chúng ta có thể biến năm 2025 thành một khởi đầu mới. Không phải là một thế giới chia rẽ, mà là một thế giới gắn kết yêu thương”.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Quân đội Israel vừa tiến hành nhiều vụ không kích nhắm vào khu vực Nabatieh ở miền Nam Liban, bất chấp lệnh ngừng bắn kéo dài 60 ngày giữa Tel Aviv và lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn đạt được hồi cuối tháng 11/2024.

Theo tin mới nhất của Yonhap, Cơ quan Điều tra Tham nhũng quan chức cấp cao Hàn Quốc (CIO) vừa thông báo CIO sẽ dừng thực thi lệnh bắt giữ Tổng thống Yoon Suk Yeol do liên quan đến động thái thiết quân luật ngắn ngủi hôm 3/12/2024. CIO cho biết sẽ xem xét các bước tiếp theo.

Một chiếc máy bay nhỏ đã đâm vào một nhà kho thương mại gần sân bay thành phố Fullerton ở bang California, Mỹ, gây ra hỏa hoạn nghiêm trọng. Vụ việc khiến hai người thiệt mạng và 18 người bị thương.

Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc ngày 3/1 sẽ tổ chức phiên điều trần lần thứ hai phục vụ công tác chuẩn bị cho phiên xét xử luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol.

Một đám đông người biểu tình đã đối đầu với cảnh sát bên ngoài dinh thự của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, khi Cơ quan chống tham nhũng (CIO) đang thi hành lệnh bắt giữ nhà lãnh đạo này.

Công tố viên Hàn Quốc hôm nay đã truy tố một chỉ huy quân đội cấp cao và người đứng đầu đơn vị tác chiến đặc biệt của quân đội về vai trò của họ trong việc áp đặt thiết quân luật hôm 3/12.