Những thay đổi trong dòng chảy thương mại thế giới

Châu Á sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong thương mại toàn cầu, đóng góp khoảng 45% vào tổng xuất khẩu của thế giới và hơn 80% vào nhập khẩu. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị và các chính sách không chắc chắn có thể cản trở sự phục hồi thương mại chung của thế giới trong hai năm tới.

Thương mại thế giới đang trên đà phục hồi

Theo các chuyên gia của WTO, khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu đã giảm 1,2% trong năm ngoái do hoạt động tại khu vực châu Âu thấp hơn kỳ vọng, giá năng lượng và lạm phát duy trì ở mức cao trong thời gian dài làm giảm nhu cầu hàng hóa sản xuất. Trong suốt năm 2023, nhu cầu nhập khẩu thực tế yếu ở hầu hết các khu vực giảm, đặc biệt là ở châu Âu cũng như ở Bắc Mỹ và châu Á.

Sự sụt giảm trong xuất khẩu hàng hóa một phần là do giá hàng hóa giảm, chẳng hạn như dầu và khí đốt. Trong khi đó, thương mại dịch vụ được nâng lên nhờ sự phục hồi của du lịch quốc tế và sự gia tăng các dịch vụ được cung cấp kỹ thuật số.

Thương mại dịch vụ được nâng lên nhờ sự phục hồi của du lịch quốc tế và sự gia tăng các dịch vụ được cung cấp kỹ thuật số.

Mặc dù có sự sụt giảm trong năm 2023, nhưng các chuyên gia nhận định thương mại thế giới đã có khả năng phục hồi đáng kể trong những năm gần đây, bất chấp sự xuất hiện của một số cú sốc kinh tế lớn. Vào cuối năm 2023, khối lượng thương mại hàng hóa đã tăng 6,3% so với năm 2019. Thương mại dịch vụ cũng tăng, với giá trị hàng năm tính bằng đô la Mỹ tăng 21% từ năm 2019 đến năm 2023.

Chúng tôi kỳ vọng khối lượng thương mại hàng hóa thế giới sẽ phục hồi dần dần vào năm 2024 và 2025 sau khi suy giảm vào năm 2023. Cụ thể, chúng tôi kỳ vọng thương mại hàng hóa sẽ tăng 2,6% vào năm 2024 và 3,3% vào năm 2025 sau khi giảm 1,2% vào năm 2023.

Ông Ralph Ossa – Nhà kinh tế trưởng của WTO.

Trong năm 2024, thương mại hàng hóa toàn cầu đang bắt đầu hồi phục, một phần nhờ lạm phát đã chậm lại. Trong đó, châu Á sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong thương mại hàng hóa toàn cầu, đóng góp khoảng 45% vào tổng xuất khẩu của thế giới và hơn 80% vào nhập khẩu.

WTO dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng vừa phải trong hai năm tới, lần lượt đạt tốc độ tăng trưởng 2,6% và 2,7% trong các năm 2024 và 2025. Lạm phát dự kiến sẽ giảm dần, cho phép thu nhập thực tế tăng trưởng trở lại ở các nền kinh tế phát triển, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất. Sự phục hồi nhu cầu đối với hàng hóa giao dịch vào năm 2024 là có liên quan đến sự gia tăng tiêu dùng hộ gia đình và triển vọng thu nhập được cải thiện.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo căng thẳng địa chính trị và các chính sách không chắc chắn có thể cản trở sự phục hồi thương mại trong hai năm tới.

Xung đột ở Trung Đông đã làm chuyển hướng vận tải đường biển giữa châu Âu và châu Á.

Xung đột ở Trung Đông đã làm chuyển hướng vận tải đường biển giữa châu Âu và châu Á, trong khi căng thẳng ở những nơi khác có thể dẫn đến sự phân mảnh thương mại. Thêm vào đó, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng là một rủi ro khác có thể làm suy yếu sự phục hồi thương mại vào năm 2024 và 2025.

Thương mại điện tử xuyên biên giới – động lực của Trung Quốc

Giới chuyên gia nhận định châu Á sẽ là điểm sáng trên bản đồ thương mại toàn cầu trong thời gian tới, với xuất khẩu tăng tổng cộng 3,4% trong cả năm 2024 và 2025. Đáng chú ý là Trung Quốc, với giá trị ngoại thương đạt mức cao kỷ lục 10 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 1,41 nghìn tỷ USD, trong ba tháng đầu năm nay. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phục hồi khó khăn, Trung Quốc vẫn duy trì được sự ổn định chung về thị phần quốc tế, thể hiện khả năng phát triển mạnh mẽ. Trong đó, thương mại điện tử xuyên biên giới tăng vọt, trở thành động lực mới thúc đẩy tăng trưởng ngoại thương của nền kinh tế số hai thế giới.

Tỉnh Quảng Đông ở miền Nam Trung Quốc, Giang Tô và Chiết Giang ở phía Đông Trung Quốc là ba khu vực ghi nhận mức tăng trưởng thương mại quốc tế đáng chú ý nhất trong quý 1/2024.

Tỉnh Quảng Đông ở miền Nam Trung Quốc, Giang Tô và Chiết Giang ở phía Đông Trung Quốc là ba khu vực ghi nhận mức tăng trưởng thương mại quốc tế đáng chú ý nhất trong quý 1/2024. Cụ thể, Quảng Đông đã báo cáo mức giá trị thương mại cao kỷ lục hơn 2 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 281,6 tỷ USD) từ tháng 1 đến tháng 3, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, đứng đầu cả nước. Trong khi đó, xuất khẩu các sản phẩm cơ khí và điện tử của tỉnh Giang Tô, bao gồm tàu thủy, ô tô và phụ kiện, duy trì mức tăng trưởng hai con số trong 3 tháng đầu năm.

Dữ liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho thấy số lượng doanh nghiệp nhập khẩu và xuất khẩu trong quý đầu năm nay đã tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, tổng xuất khẩu và nhập khẩu của các công ty tư nhân đạt 5,53 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 778,8 tỷ USD), tăng 10,7%, chiếm 54,3% ngoại thương của cả nước trong 3 tháng.

Trong quý 1 năm 2024, nền kinh tế Trung Quốc có mức tăng trưởng mạnh mẽ và đáng chú ý so với quý cuối năm 2023. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang được cải thiện và có sự tăng trưởng đáng kể. Phục hồi xuất khẩu là một động lực chính của kỳ vọng kinh doanh tốt hơn.

Ông Ronald Wan - Chủ tịch Công ty Partners Capital International Limited.

Đáng chú ý, thương mại điện tử xuyên biên giới đã trở thành hình thức kinh doanh có tốc độ phát triển nhanh nhất, tiềm năng lớn nhất và động lực mạnh mẽ nhất của Trung Quốc. Lĩnh vực này cũng là một kênh xuất khẩu hàng hóa hiệu quả, trong bối cảnh thế giới xuất hiện nhiều rào cản thương mại giữa các nền kinh tế lớn. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh số thương mại điện tử xuyên biên giới 3 tháng đầu năm đạt gần 578 tỷ nhân dân tệ (81,3 tỷ USD), tăng 9,6%. Tốc độ tăng trưởng mạnh nhất được ghi nhận ở các thị trường Hungary, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Campuchia, Brazil.

Thương mại điện tử xuyên biên giới là một trong ba loại hình thương mại chính của Trung Quốc, hai loại hình còn lại là thương mại tổng hợp và thương mại gia công.

Tại trung tâm các vùng kinh tế, các hãng thương mại điện tử nổi tiếng của Trung Quốc như Alibaba hay Tencent đều thiết lập các trung tâm kho vận kết nối với các tỉnh thành, từ đây hàng hóa tỏa đi khắp Trung Quốc và các nước khác. Các công ty cũng thiết lập kho hàng ở nước ngoài để tiện cho việc vận chuyển. Trong quý đầu năm nay, xuất khẩu từ các kho thương mại điện tử của Trung Quốc ở nước ngoài tăng 11,8%.

Hơn 90% hàng hóa do khách của chúng tôi đặt hàng được vận chuyển từ các kho hàng ở nước ngoài tại Mỹ. Chúng tôi đặt mục tiêu giao hàng cho khách từ kho gần nhất trong thời gian sớm nhất.

Ông Damon Cheng - Chủ tịch hãng bán lẻ Sainstore.

Với những lợi thế và tiềm năng trong việc thúc đẩy hợp tác kinh doanh toàn cầu, thương mại điện tử xuyên biên giới hiện đóng vai trò là động lực mới thúc đẩy tăng trưởng ngoại thương của Trung Quốc.

Xuất khẩu của Nhật Bản, Hàn Quốc tăng mạnh

Tín hiệu tích cực về thương mại cũng được ghi nhận tại các nền kinh tế lớn khác của châu Á. Bất chấp tiêu dùng nội địa sụt giảm, xuất khẩu của Nhật Bản đã tăng tháng thứ 4 liên tiếp và lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu vượt mức 100.000 tỷ yên. Trong khi đó, Hàn Quốc ghi nhận xuất siêu 10 tháng liên tiếp.

Số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy kim ngạch xuất khẩu của nước này trong tháng 3/2024 tăng 7,3% lên 9.470 tỷ yên (61,09 tỷ USD), trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm 4,9%, xuống còn 9.100 tỷ yên (58,70 tỷ USD). Tính chung tài khóa 2023 kết thúc vào ngày 31/3 vừa qua, xuất khẩu của Nhật Bản tăng 3,7% lên 102.900 tỷ yên. Đây là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản vượt 100.000 tỷ yên, cũng là năm thứ 3 liên tiếp đạt mức cao kỷ lục.

Bất chấp tiêu dùng nội địa sụt giảm, xuất khẩu của Nhật Bản đã tăng tháng thứ 4 liên tiếp và lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu vượt mức 100.000 tỷ yên.

Tuy nhiên, nhà kinh tế cấp cao Yayoi Sakanaka tại Mizuho Research & Technologies cho biết xuất khẩu trong tháng 3 tăng chủ yếu do yếu tố tiền tệ, khi đồng yên trượt giá giúp làm tăng giá trị của một số đơn hàng xuất khẩu tính bằng đồng yên. Dự báo Nhật Bản có thể tiếp tục duy trì tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng tới, do đồng yên vẫn giao dịch quanh mức thấp chưa từng thấy kể từ năm 1990.

Còn tại Hàn Quốc, xuất khẩu đã vượt quá giá trị nhập khẩu tháng thứ 10 liên tiếp trong tháng 2/2024, phản ánh nhu cầu ngày càng tăng từ nước ngoài đối với các sản phẩm công nghệ cao của xứ sở kim chi. Số dư tài khoản vãng lai của Hàn Quốc, thước đo rộng nhất của thương mại xuyên biên giới, đã thặng dư 6,86 tỷ USD trong tháng 2. Dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc chỉ ra rằng sự tăng trưởng liên tục của xuất khẩu chất bán dẫn là một trong những động lực chính khiến nước này tiếp tục xuất siêu.

Các biện pháp kiểm tra biên giới làm khó doanh nghiệp Anh

Theo WTO, các chính sách không chắc chắn và sự phân mảnh có thể cản trở quá trình phục hồi thương mại ở một số khu vực trên thế giới. Một ví dụ điển hình là Vương quốc Anh hậu Brexit. Sau gần 50 năm tuân theo chính sách chung của Liên minh châu Âu (EU), nước Anh đã được tự do ấn định mức thuế riêng và đàm phán các thỏa thuận thương mại của riêng mình với hi vọng bước vào một kỷ nguyên thịnh vượng mới của “Nước Anh toàn cầu”. Nhưng thay vì thúc đẩy thương mại, Brexit đã khiến nước Anh ít cởi mở hơn với thế giới. Tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa của Anh là yếu nhất trong G7 kể từ năm 2019. Giới doanh nghiệp xuất nhập khẩu lao đao vì các biện pháp kiểm soát biên giới ngày càng nhiều. Trong một động thái mới nhất, chính phủ Anh cho biết sẽ áp dụng các biện pháp kiểm tra biên giới mới từ ngày 30/4, khiến các nhà nhập khẩu thực phẩm ở nước này thêm nhiều lo lắng.

Trong một động thái mới nhất, chính phủ Anh cho biết sẽ áp dụng các biện pháp kiểm tra biên giới mới từ ngày 30/4, khiến các nhà nhập khẩu thực phẩm ở nước này thêm nhiều lo lắng.

Cửa hàng đặc sản Panzer’s ở phía Tây Bắc London, nơi kinh doanh sản phẩm từ hơn 80 quốc gia và cung cấp sản phẩm cho gần 200 nhà hàng ở Anh, đã mất 37 nhà cung cấp EU kể từ khi Anh rời khỏi thị trường chung của khối vào năm 2021. Chủ cửa hàng, ông David Josephs lo ngại sẽ có thêm nhiều nhà cung cấp rời bỏ sau khi Anh áp dụng các biện pháp kiểm tra biên giới mới vào cuối tháng 4.

Brexit về cơ bản là một thảm họa, nó tạo ra tình trạng thiếu lao động và những chi phí bổ sung vô ích. Chúng tôi bây giờ phải đăng ký giấy tờ trước khi vận chuyển từ 24 giờ đến 48 giờ, trong khi trước đây chúng tôi có thể có hàng trong vòng vài giờ.

Ông David Josephs - chủ cửa hàng thực phẩm Panzer's.

Anh đã bỏ phiếu rời EU vào năm 2016, nhưng do các thách thức trong việc gỡ rối chuỗi cung ứng và xây dựng biên giới hải quan nên các quy tắc mới chỉ được đưa ra trong năm nay. Kể từ ngày 31/1/2024, các nhà xuất khẩu thịt, cá, pho mát, sản phẩm từ sữa và một số loại hoa cắt cành của EU phải xuất trình giấy chứng nhận y tế, có chữ ký của bác sĩ thú y hoặc thanh tra thực vật, khi đưa hàng hóa vào Anh. Việc này khiến quá trình cung cấp hàng hóa chậm trễ nhiều tuần.

Kể từ ngày 31/1/2024, các nhà xuất khẩu thịt, cá, pho mát, sản phẩm từ sữa và một số loại hoa cắt cành của EU phải xuất trình giấy chứng nhận y tế, có chữ ký của bác sĩ thú y hoặc thanh tra thực vật, khi đưa hàng hóa vào Anh.

Các nhà bán buôn và bán lẻ ở Anh lo ngại rằng việc bắt đầu kiểm tra thực tế tại các trạm kiểm soát biên giới của chính phủ, cùng với mức phí cao hơn, từ ngày 30/4, sẽ hạn chế sự đa dạng và độ tươi của các loại thực phẩm nhập khẩu. Giá cả từ đó cũng tăng lên theo.

Nick Carlucci, Giám đốc Công ty thực phẩm Italy Tenuta Marmorelle có trụ sở tại Berkshire, miền Nam nước Anh, cho biết những thay đổi kể từ đầu năm nay đã làm tăng chi phí và kéo dài thời gian giao hàng thêm một tuần. Các quy định bổ sung kể từ ngày 30/4 sẽ khiến tỷ suất lợi nhuận của công ty giảm 10%.

Trong khi đó, chính phủ Anh cho biết các biện pháp kiểm tra mới sẽ giúp ngăn ngừa dịch bệnh và sâu bệnh xâm nhập vào Anh, cũng như tạo sân chơi bình đẳng cho các nhà xuất khẩu Anh. Các quan chức ước tính các quy định biên giới sẽ làm tăng chi phí chung cho các nhà nhập khẩu thêm 330 triệu bảng mỗi năm và làm tăng lạm phát lương thực chỉ 0,2% trong ba năm.

Lạm phát thực phẩm ở Anh đã tăng lên mức cao nhất trong 45 năm là 19,2% vào tháng 3/2023 do chi phí năng lượng tăng cao và tình trạng thiếu lao động. Đến tháng 3/2024, tỷ lệ này giảm xuống còn 4%.

Các chuyên gia của WTO lưu ý rằng chuỗi cung ứng linh hoạt và khuôn khổ thương mại đa phương vững chắc là những yếu tố quan trọng để cải thiện sinh kế và phúc lợi, từ đó thúc đẩy quá trình phục hồi của thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó, điều kiện tiên quyết là phải giảm những rủi ro như xung đột địa chính trị và phân mảnh thương mại để duy trì tăng trưởng và ổn định kinh tế.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nhiều quốc gia đã đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng sạch. Trong đó, Mỹ, Trung Quốc và Australia là những quốc gia đang nỗ lực đầu tư để thúc đẩy các sáng kiến chống biến đổi khí hậu và sản xuất năng lượng sạch.

Nhu cầu xe điện toàn cầu chứng kiến sự giảm tốc rõ rệt thời gian gần đây. Theo các số liệu thống kê mới nhất, trong quý đầu tiên của năm 2024, thị phần xe thuần điện giảm mạnh, ngay cả tại những thị trường lớn nhất. Cùng với đó, gã khổng lồ xe điện Mỹ là Tesla cùng nhiều nhà sản xuất xe điện lớn khác đều ghi nhận mức giảm doanh số kỷ lục trong quý 1 vừa qua. Điều này khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi, liệu thời kỳ hoàng kim của xe điện có phải đã qua?

Nhiều nước châu Á đang chứng kiến tình trạng nắng nóng gay gắt kéo dài, với nền nhiệt nhiều nơi lên tới hơn 50 độ C. Báo The Guardian (Anh) dẫn đánh giá của các chuyên gia khí hậu cho rằng, đợt nắng nóng khắc nghiệt hiện nay là “sóng nhiệt tháng 4 tồi tệ nhất trong lịch sử châu Á”. Tình hình nắng nóng được dự báo sẽ tiếp diễn phức tạp và nghiêm trọng, khi các nhà khoa học thậm chí còn chưa thể đưa ra dự đoán về ngày kết thúc chuỗi đợt nắng nóng kỷ lục này.

Kể từ đầu năm 2023 đến nay, hơn 54% diện tích rạn san hô trên thế giới đã bị tẩy trắng, ảnh hưởng đến ít nhất 54 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm các khu vực rộng lớn ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Nhiều chuyên gia quan ngại đây có thể là thời kỳ tẩy trắng tồi tệ nhất được ghi nhận trong lịch sử.

Bất chấp sự chỉ trích mạnh mẽ của Mỹ - đồng minh thân cận, quân đội Israel đang chuẩn bị cho kế hoạch tấn công trên bộ vào thành phố Rafah ở miền Nam Gaza, nơi Israel cho là thành trì cuối cùng của lực lượng Hamas ở Dải Gaza.

Năm vừa qua, thế giới đã chi khoảng 2.440 tỷ USD cho mục đích quân sự, số tiền cao nhất từng có. Con số này tăng 6,8% so với năm 2022, tỷ lệ tăng cao nhất kể từ năm 2009. Theo đó, chi tiêu quân sự năm 2023 chiếm 2,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, tăng so với mức 2,2% của năm 2022. Có thể thấy, chừng nào những bất ổn về địa chính trị hiện nay chưa được giải quyết thì xu hướng tăng chi tiêu quốc phòng trên thế giới vẫn tiếp tục duy trì.