Nội các Trump 2.0 và những điều đặc biệt

Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.

Những lựa chọn khuấy đảo chính trường Mỹ

Trong tuần qua, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã lựa chọn nhiều nhân vật có ít kinh nghiệm hoặc gây tranh cãi vào nội các tương lai của mình. Nhân vật gây bất ngờ nhất là ông Pete Hegseth (44 tuổi), một người dẫn chương trình của kênh truyền hình Fox News, được đề cử làm Bộ trưởng Quốc phòng. Ông Hegseth không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quân sự cấp cao, điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại về khả năng lãnh đạo của ông trong một vị trí quan trọng như vậy.

"Thách thức của ông Hegseth sẽ là ông ấy chưa từng tham gia chính phủ, do đó không có cảm giác về đòn bẩy quyền lực. Và nếu các báo cáo về một số hội đồng sĩ quan chung hay đánh giá sĩ quan chung là đúng, thì ông ấy sẽ tham gia vào một tổ chức thù địch, một tổ chức rất phòng thủ và thách thức kép này sẽ đặc biệt khó khăn".

Ông Mark Cancian - Cố cấn cấp cao, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, Mỹ

Một người dẫn chương trình khác của Fox News là ông Sean Duffy, cựu Hạ nghị sĩ bang Wisconsin cũng được ông Trump đề cử làm Bộ trưởng Giao thông.

Ông Trump cũng chọn bà Tulsi Gabbard, 42 tuổi, làm Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia. Bà Gabbard từng là thành viên đảng Dân chủ, sau đó trở thành ứng viên độc lập từng được cân nhắc liên danh tranh cử với ông Trump. Bà Gabbard có ít kinh nghiệm trực tiếp về công việc tình báo và nhiều người bất ngờ khi bà được chọn cho vị trí Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia.

Trong khi đó, Thống đốc bang Nam Dakota, bà Kristi Noem, được chọn làm Bộ trưởng An ninh Nội địa, mặc dù bà không có thành tích nổi bật trong lĩnh vực an ninh quốc gia.

Việc ông Trump đề cử cựu Hạ nghị sỹ Matt Gaetz (42 tuổi) làm Bộ trưởng Tư pháp cũng trở thành chủ đề gây sốc khi ông này từng dính bê bối tình dục với một học sinh trung học mới 17 tuổi vào năm 2023. Ông Gaetz đã phủ nhận cáo buộc và từ chức khỏi Hạ viện sau đó để tránh cuộc điều tra. Việc ông Trump chọn ông Gaetz đã làm dấy lên sự chỉ trích trên chính trường Mỹ. Thượng nghị sĩ Susan Collins từ bang Maine cho biết bà "sốc" trước đề cử này, trong khi thượng nghị sĩ Lisa Murkowski từ bang Alaska nhận định ông Gaetz không phải là một "đề cử nghiêm túc" cho vị trí Bộ trưởng tư pháp.

Ông Trump cũng tuyên bố lựa chọn ông Robert F. Kennedy Jr, cháu của cố tổng thống John F. Kennedy, cho chức vụ quan trọng nhất của Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ (HHS). Ông Robert F. Kennedy Jr. là một trong những người theo chủ nghĩa chống vaccine nổi tiếng nhất của Mỹ trong nhiều năm. Chính sách phi truyền thống của ông còn được cho là có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và chi phí thuốc men của nhiều người dân Mỹ.

“Tôi nghĩ ông Kennedy đã chứng minh trong nhiều thập kỷ rằng ông ấy không hiểu những điều cơ bản của tư duy khoa học và phân tích nghiêm ngặt. Ông ấy nói những điều hoàn toàn sai và ông ấy đưa ra các thuyết âm mưu. Tôi nghĩ rằng việc có một người như vậy đứng đầu toàn bộ cơ sở hạ tầng y tế quốc gia của chúng ta sẽ thực sự gây hại cho sức khỏe của người dân Mỹ”.

Bác sĩ Ashish Jha, Trưởng khoa Y tế công cộng - Đại học Brown, Mỹ

Một trong những quyết định đáng chú ý khác của ông Trump là thành lập "Bộ Hiệu quả Chính phủ" và chỉ định tỷ phú Elon Musk, người sáng lập Tesla và SpaceX, làm người đứng đầu. Doanh nhân tỷ phú công nghệ sinh học Vivek Ramaswamy (39 tuổi) cũng được đề cử đảm nhận nhiệm vụ quan trọng tại Bộ này. Ông Trump kỳ vọng hai tỷ phú này sẽ giúp chính quyền mới của ông giải quyết tình trạng quan liêu của chính phủ bằng cách cắt giảm các quy định không cần thiết, giảm chi tiêu lãng phí lên tới 2.000 tỷ đô la và tái cơ cấu các cơ quan liên bang. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, việc giao cho ông Elon Musk quyền lực lớn trong quản lý ngân sách chính phủ đã dấy lên lo ngại về xung đột lợi ích, khi mà ông cũng sở hữu nhiều hợp đồng liên bang khổng lồ cho doanh nghiệp của mình.

Nhìn vào danh sách các thành viên mà Tổng thống đắc cử Donald Trump lần lượt công bố, một điều dễ thấy là ông Trump đã chọn thành viên nội các cho nhiệm kỳ 2.0 hầu hết là những người trẻ tuổi, người trẻ nhất phải kể đến là Karoline Leavitt, sinh năm 1997, năm nay 27 tuổi, được chọn làm thư ký báo chí Nhà Trắng. Đây còn là những đồng minh trung thành với ông, bất chấp những chỉ trích rằng người được chọn chưa từng có kinh nghiệm đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực phụ trách.

Việc lựa chọn những người cực kỳ trung thành của ông Trump có thể xuất phát từ sự thất vọng của ông trong nhiệm kỳ đầu. Khi đó ông đã chọn những người “nhiều kinh nghiệm” và chưa từng hợp tác với ông, nhưng sau đó đã nhanh chóng thay người khác. Thậm chí, nhiều nhân sự được thay liên tục chỉ qua một thông báo trên Twitter. Và nhiều cấp dưới đã "quay lưng" hoặc chống lại ông khi ông rời Nhà Trắng.

Vì vậy lần này ông Trump đã rút nhiều kinh nghiệm trong việc lựa chọn nhân sự. Cùng với Phó Tổng thống, sự ủng hộ và quan điểm tương đồng về ý tưởng “Nước Mỹ trên hết” của các quan chức đứng đầu các bộ sẽ giúp các chính sách của ông Trump trong nhiệm kỳ thứ 2 dễ dàng được thông qua và thực thi.

Nội các Trump 2.0 khiến quốc tế lo ngại

Danh sách nội các mới của ông Trump không chỉ làm khuấy đảo chính trường trong nước, mà những nhân vật có quan điểm cứng rắn từ lĩnh vực an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại đến thương mại quốc tế trong danh sách này còn khiến dư luận quốc tế lo ngại về việc tiếp diễn căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hay căng thẳng địa chính trị kéo dài ở nhiều nơi trên thế giới.

Trong nội các mới của ông Trump có nhiều người được biết đến với lập trường cứng rắn đối với Bắc Kinh. Trong đó, hạ nghị sĩ Mike Waltz, được chọn làm cố vấn an ninh quốc gia, đã từng tuyên bố Mỹ đang ở trong một "cuộc chiến tranh lạnh" với Trung Quốc và là một trong những thành viên đầu tiên của quốc hội kêu gọi Mỹ tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022.

Ông Marco Rubio, người được chọn làm Ngoại trưởng, cũng có quan điểm cứng rắn về Trung Quốc và từng bị Bắc Kinh áp đặt lệnh trừng phạt vào năm 2020 sau khi ông thúc đẩy các biện pháp trừng phạt Trung Quốc do cách xử lý người biểu tình ở Hồng Kông (Trung Quốc).

“Ông Waltz và ông Rubio hiểu rằng chúng ta đang ở giai đoạn đầu của một cuộc chiến tranh lạnh mới và để giành chiến thắng, chúng ta cần khôi phục khả năng răn đe và ưu tiên quyền lực cứng".

Ông Mike Gallagher, Ủy ban chuyên trách của Hạ viện Mỹ về Trung Quốc

Trong khi đó, ông Brendan Carr, người chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc và ủng hộ lập trường cứng rắn của Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ đối với các công ty viễn thông Trung Quốc, được ông Trump chọn làm chủ tịch Ủy ban này.

Có thể thấy, những người được ông Trump bổ nhiệm đều hiểu rõ không chỉ về nhu cầu "Nước Mỹ trên hết" mà còn hiểu tầm quan trọng của việc cạnh tranh với Trung Quốc trong các lĩnh vực khác bao gồm kinh tế và công nghệ.

Danh sách nội các mới của Tổng thống đắc cử Trump cũng đang làm dấy lên sự lo lắng tại châu Âu. Ông Marco Rubio, người được lựa chọn làm ngoại trưởng, lúc đầu vốn ủng hộ viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng sau đó ông thay đổi quan điểm để phù hợp với quan điểm của ông Trump. Ông đã bỏ phiếu chống lại dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD vào tháng 4, trong đó có khoảng 60 tỷ USD cho Kiev và tuyên bố rằng cuộc xung đột đã đi đến bế tắc, cần phải đi đến hồi kết.

Trong khi đó, bà Gabbard được chọn làm giám đốc cơ quan tình báo Quốc gia cũng gây ra lo ngại với châu Âu. Bà từng nổi tiếng với việc lan truyền các thuyết âm mưu, gặp gỡ Tổng thống Syria Bashar Assad và ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Những lựa chọn này của ông Trump báo hiệu vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Âu sẽ suy giảm, đặc biệt là sự hỗ trợ của Mỹ đối với liên minh NATO và Ukraine.

Trước tình hình này, châu Âu đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất. Khối này sẽ phải tự mình đối mặt với các thách thức địa chính trị, gánh vác nhiều trách nhiệm hơn, đặc biệt là trong vấn đề Ukraine.

“Thời kỳ kiềm chế của châu Âu và hy vọng rằng Mỹ sẽ bảo vệ chúng ta đã qua rồi”.

Bà Marie-Agnes Strack-Zimmermann, Tiểu ban An ninh và Quốc phòng của Nghị viện châu Âu

Liên quan điểm nóng Trung Đông, Tổng thống đắc cử Trump đã chọn nhân sự cho hai vị trí quan trọng có khả năng định hình vai trò chính quyền của ông tại Trung Đông trong bốn năm tới. Ông Trump đã đề cử cựu thống đốc Arkansas Mike Huckabee vào vị trí Đại sứ Mỹ tại Israel. Là một tín đồ Cơ đốc, ông Huckabee, 69 tuổi, đã ủng hộ mạnh mẽ Israel trong suốt sự nghiệp chính trị. Ông đã thăm Israel hàng chục lần và trong lần thăm dưới thời chính quyền Donald Trump 1.0, ông đã khẳng định sự ủng hộ các khu định cư của Tel Aviv ở Bờ Tây.

Ông Trump cũng đề cử ông trùm bất động sản Steven Witkoff, làm đặc phái viên tại Trung Đông dù được đánh giá là non kinh nghiệm. Điều này cho thấy chính quyền của ông sẽ ủng hộ Israel mạnh mẽ hơn thời Tổng thống Joe Biden vốn từng chỉ trích các khu tái định cư ở Bờ Tây là "bất hợp pháp".

Ngoài ra, ông Rubio, người có thể sẽ trở thành Ngoại trưởng Mỹ, cũng là người có lập trường cứng rắn với cuộc chiến ở Gaza. Ông từng nói vào năm 2023 rằng, ông không ủng hộ lệnh ngừng bắn và Hamas "phải chịu trách nhiệm 100%" về cái chết của người Palestine.

“Tất cả đều là những người theo đường lối cứng rắn trong lập trường của họ về vấn đề này và hầu hết đều nhận được những đóng góp tài chính đáng kể từ các nhóm vận động hành lang ủng hộ Israel. Đây là một nội các ủng hộ Israel cực đoan nhất trong lịch sử nước Mỹ cho đến nay”.

Ông Robert Inlakesh -  Nhà phân tích Chính trị tại Anh

Quá trình phê chuẩn nhiều chông gai 

Lựa chọn những nhân vật cấp cao này của ông Trump có thể được xem như một phần trong chiến lược của ông nhằm củng cố ảnh hưởng của mình và thực hiện lời hứa trước các cử tri. Theo các nhà phân tích, đội ngũ hoàn toàn mới này cũng phản ánh mong muốn của ông Trump trong việc thể hiện sự khác biệt so với các chính quyền trước đây. Tuy nhiên, đội ngũ nhân sự mới này của ông Trump có được thông qua hay không vẫn còn là một điều chưa chắc chắn.

Những nhân sự mới sẽ phải trải qua một quá trình phê chuẩn đầy chông gai, bao gồm nhiều tuần quan sát của công chúng, các phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ và các cuộc bỏ phiếu quyết định ở Thượng viện.

Hiến pháp Mỹ quy định Thượng viện có quyền phê chuẩn các vị trí trong Chính phủ. Quá trình thẩm định và phê chuẩn thường kéo dài nhằm loại bỏ các ứng viên không đủ tiêu chuẩn hoặc dính líu tham nhũng. Đây là một phần trong các biện pháp "kiểm soát và cân bằng quyền lực" nhằm đảm bảo tổng thống không thể nắm toàn bộ quyền hạn. Tuy nhiên, có một điều khoản trong Hiến pháp cho phép Tổng thống bổ nhiệm nhân sự cho nội các trong thời gian Quốc hội đang nghỉ làm việc.

Ông Trump đã gợi ý sử dụng điều khoản này để bổ nhiệm các thành viên trong nội các mà không cần thông qua bỏ phiếu tại Thượng viện. Điều này nhằm hạn chế quyền lực còn lại của đảng Dân chủ trong việc cản trở chính quyền mới, nhưng có khả năng tước đi vai trò của Thượng viện. Và những người được bổ nhiệm theo cách này chỉ có thể tại vị tối đa 2 năm.

"Nếu Thượng viện chấp thuận, họ sẽ cho thấy vẻ "cực kỳ yếu đuối". Nếu họ cúi đầu trước ông ấy về vấn đề này thì đó sẽ là một quốc hội rất dễ bảo". 

Giáo sư Saikrishna Prakash -  Trường Luật, Đại học Virginia, Mỹ

Chưa rõ các nhà lập pháp có chấp thuận ý tưởng này hay không. Cũng chưa rõ ông Trump có thử chiến thuật pháp lý mới lạ nào hoặc khai thác một điều khoản khác trong Hiến pháp để buộc Quốc hội ngừng họp hay không, nhưng có một điều chắc chắn rằng, việc phê duyệt danh sách nội các mới này sẽ không hề dễ dàng. Theo Trung tâm Chuyển giao quyền lực tổng thống, trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, quá trình phê chuẩn nội các mới đã kéo dài khoảng 115 ngày.

Nếu được thông qua, đội ngũ nhân sự nội các mà ông Trump vừa đề cử sẽ nhanh chóng hình thành một chính quyền mới, trẻ trung và bắt tay vào công việc, giúp ông viết lại một số quy tắc ở Washington, giành thêm quyền lực cho Tổng thống để vượt qua Quốc hội trong việc thông qua các chính sách, từ đó thực hiện những kế hoạch còn dang dở của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Các nhà lập pháp Ukraine ngày 19/11 đã bỏ phiếu phê duyệt ngân sách năm 2025 của chính phủ, trong đó hơn 53 tỷ USD, tương đương 60% tổng chi tiêu được phân bổ cho quốc phòng và an ninh.

Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quân đội Ukraine đã phóng nhiều tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất vào tỉnh Bryansk (Nga).

Hãng tin Bloomberg ngày 18/11 cho biết Bộ Tư pháp Mỹ sẽ yêu cầu tòa án buộc Alphabet, công ty mẹ của Google, phải bán trình duyệt Chrome nhằm giảm bớt sự độc quyền trên thị trường tìm kiếm.

Một quan chức cấp cao của Liban cho biết quốc gia này và phong trào vũ trang Hezbollah đã đồng ý với đề xuất của Mỹ về lệnh ngừng bắn với Israel trong một nỗ lực nghiêm túc nhất cho đến nay để chấm dứt giao tranh.

“Xuân Quê hương” (Vietnamese Spring Festival) là sự kiện đầu tiên do Tổng Lãnh Sự Quán Việt Nam tại Bắc Úc và Tây Úc, kết hợp với trường Đại Học Tây Úc (UWA) tổ chức tại Tây Úc, với mục tiêu giới thiệu nét đẹp văn hóa và quảng bá giá trị truyền thống Việt Nam tại xứ sở chuột túi.