Nơi lưu giữ những làn điệu chèo

Ngôi làng Tri Trung vốn là nơi nổi tiếng với những buổi biểu diễn chèo, đặc biệt hơn, các diễn viên chính đều là những người dân trong làng. Dù bận rộn với công việc hàng ngày, người dân trong làng vẫn đam mê những làn điệu chèo, coi đó như một phần không thể thiếu trong cuộc sống yên bình của họ.

Hai anh em nhà anh Thái, chị Thơm là thành viên tích cực của đội chèo thôn Trung Lập, xã Tri Trung huyện Phú Xuyên. Dù bận thế nào thì anh chị cũng dành thời gian để tập hát cùng nhau mỗi ngày.

Ở Tri Trung có không ít gia đình có tới ba thế hệ đều tham gia đội chèo của thôn như gia đình bà Lê Thị Tuyết. Ngay từ trẻ bà đã yêu thích hát chèo. Và đến bây giờ khi nghỉ hưu đã nhiều năm, bà vẫn tranh thủ tập hát bất kể nơi đâu. Bà Tuyết chia sẻ: “Ngày xưa tôi vào đội văn nghệ hát chèo từ năm 1966, đến năm 1968 tôi đi dạy học. Trong khi đi dạy, tôi vẫn đam mê hát chèo. Ngày chiến tranh chống Mỹ, tất cả các gia đình cũng như bà con trong xã Tri Trung đều hăng say sản xuất để lấy nguồn lương thực gửi ra chiến trường và lo cuộc sống hàng ngày. Ngày sản xuất nhưng tối về vẫn phải học hát. Hiện tại, tôi đã về hưu hơn 30 năm rồi nhưng tôi vẫn tham gia tập luyện với đội hát chèo mỗi khi có hội nghị. Môn nghệ thuật hát chèo đã ăn sâu vào trong tôi từ khi còn nhỏ”.

Ông Lê Hữu Lá - một quân nhân đã đến tuổi nghỉ hưu, cũng là thành viên Câu lạc bộ chèo thôn Tri Trung đến nhà bà Tuyết để tập lại những bài hát chèo, chuẩn bị cho liên hoan các chiếu chèo sắp tới. Ông Lá cho biết: “Ngày xưa tôi đi bộ đội cũng trong đội văn nghệ, sau khi về thì tôi tham gia vào đội văn nghệ làng. Ngày trước tôi đi làm thợ xây, đi làm về, tối đến lại rủ bạn bè, anh em đến tập các bài chèo. Cứ rảnh lúc nào là chúng tôi lại tập lúc đấy, hát để cho đời tươi trẻ lại”.

Cô cháu gái bà Tuyết cũng bắt đầu biết đến các làn điệu chèo từ bà của mình. Những hôm câu lạc bộ tập luyện, cô bé thường theo bà ra sân đình để nghe hát và học thêm những làn điệu chèo của quê hương.

Ở thôn Trung Lập dường như ai cũng thích hát chèo. Thế nên những buổi sinh hoạt luôn thu hút rất đông người tham gia. Bà Lê Thị Nhuệ Phái (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) cho hay: “Hiện nay tôi đang sống ở nội đô và tôi vẫn gắn bó với câu lạc bộ hát chèo. Tôi thường xuyên về sinh hoạt với câu lạc bộ vào thứ Bảy hàng tuần để cùng với anh chị em hát làn điệu chèo cổ. Anh chị em ở đây đều đủ hết các lứa tuổi, già có, trẻ có và có cả các cháu nhỏ tuổi. Tại câu lạc bộ còn có người đã đi bộ đội hoàn thành nhiệm vụ trở về, có những người là giáo viên, người là nông dân trồng rau cấy lúa… nhưng lại rất đam mê hát chèo. Đặc biệt, người dân Trung Lập ai cũng đều rất yêu hát chèo, kể cả người diễn cho đến người xem và tiếng hát chèo ở quê hương chúng tôi được ví như hơi thở, nhịp đập của trái tim”.

Ngày nào cũng vậy, cứ sau khi xong hết mọi việc, những người dân của thôn Trung Lập, xã Tri Trung lại gặp nhau tụ tập tại sân đình để thỏa mãn niềm say mê với hát chèo. Đó là cách để họ cùng nhau tận hưởng cuộc sống một cách giản dị như chính con người ở nơi đây.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hàng Cân là một phố nhỏ nằm trong khu 36 phố phường. Tuy phố này không dài, nhưng lúc nào cũng nhộn nhịp và tràn đầy sức sống từ sáng sớm.

Với người Việt Nam, Hà Nội vừa là Thủ đô, vừa là mảnh đất trữ tình yêu thương từ hàng ngàn năm trước. Bốn mùa ở Hà Nội chậm rãi luân phiên nhau, gieo vào lòng người những nỗi nhớ. Mỗi một mùa làm cho ta cảm nhận về cuộc sống khác nhau và một cách yêu Hà Nội khác nhau

Là một người công tác trong ngành xây dựng, nhưng với tình yêu và sự đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh, gần 30 năm qua, nghệ sĩ nhiếp ảnh Kim Mạnh đã kiên trì theo đuổi và chinh phục bộ môn nghệ thuật này. Với thế mạnh về chụp ảnh đời thường, các bức ảnh của anh không cầu kỳ, hoa mỹ nhưng giàu tính nghệ thuật và mang đậm hơi thở cuộc sống.

Hà Nội bước qua năm 2024 với nhiều công trình mới mang theo khát vọng phát triển, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trong hạ tầng giao thông, môi trường đô thị và công nghiệp văn hóa, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Hà Nội xác định, phát triển an sinh xã hội là ưu tiên hàng đầu của chính quyền nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Năm 2024, thành phố triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng dễ bị tổn thương. Bằng những chính sách như trợ cấp xã hội, hỗ trợ nhà ở, đào tạo nghề nhằm tạo điều kiện cho người dân có cơ hội phát triển kinh tế bền vững.

Hà Nội tiếp tục khẳng định là điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.