Nước Pháp đương đầu với thách thức mới

Ngày 30/6 tới đây, nước Pháp sẽ bước vào cuộc tổng tuyển cử được đánh giá là có ý nghĩa sống còn, khi các đảng cực hữu được dự báo sẽ giành chiến thắng và gia tăng ảnh hưởng mạnh mẽ trong Quốc hội.

Nước Pháp trước nguy cơ nội chiến

Hãng tin AFP, dẫn kết quả các cuộc khảo sát vào cuối tuần qua, dự đoán Đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) có thể giành vị trí số 1 với 35 - 36% phiếu bầu. Trong khi đó, đảng của Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron chỉ về thứ ba với tỷ lệ phiếu 19,5 - 22%.

Có ý kiến cho rằng tất cả các cuộc bầu cử đều quan trọng, nhưng một số cuộc bầu cử lại làm rung chuyển thế giới. Với những vai trò mà Pháp đang nắm giữ gồm vị thế lãnh đạo của Pháp tại Liên minh châu Âu (EU), vị trí trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tầm ảnh hưởng quân sự của nước này với tư cách là một cường quốc toàn cầu, chắc chắn cuộc bỏ phiếu sắp tới có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Giới chuyên gia lo ngại kết quả cuộc bầu cử lần này không chỉ tạo ra tình thế nguy hiểm cho sự ổn định chính trị ở Pháp mà có thể tạo nên cơn địa chấn cho cả EU, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và những gì còn sót lại của “trật tự thế giới tự do” thời hậu chiến.

Chính trường Pháp chìm vào hỗn loạn với việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron quyết định tổ chức bầu cử Quốc hội sớm.

Chính trường Pháp chìm vào hỗn loạn với việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron quyết định tổ chức bầu cử Quốc hội sớm sau khi Đảng Phục hưng theo đường lối trung dung của ông thất bại trước Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) của nghị sĩ cực hữu Marine Le Pen trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua.

Theo kế hoạch, Pháp sẽ tổ chức bầu cử vòng 1 vào ngày 30.6. Vòng thứ hai sẽ được tổ chức ngày 7/7 ở những khu vực bầu cử chưa có ứng viên giành được hơn 50% số phiếu trong vòng đầu. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy Đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN), với quan điểm bài nhập cư và hoài nghi Liên minh châu Âu, sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này.

Lo ngại trước viễn cảnh này, Tổng thống Emmanuel Macron cảnh báo Đảng Tập hợp quốc gia và Liên minh cánh tả Mặt trận Nhân dân mới đang đẩy nước Pháp đến bờ vực “nội chiến”. Theo nhà lãnh đạo Pháp, tuyên ngôn của Đảng Tập hợp quốc gia và các giải pháp của họ để giải quyết nỗi sợ hãi về tội phạm và nhập cư đều dựa trên sự kỳ thị hoặc chia rẽ.

Có một cuộc nội chiến đằng sau đó nếu bạn chỉ phân loại mọi người theo quan điểm tôn giáo của họ hoặc cộng đồng mà họ thuộc về. Đó là một cách biện minh cho việc cô lập họ khỏi cộng đồng quốc gia rộng lớn hơn và trong trường hợp này, bạn sẽ gây ra một cuộc nội chiến với những người không chia sẻ những giá trị đó

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Có chung quan điểm, nhà đàm phán hiệp định về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), ông Michel Barnier cho rằng nước Pháp đang đứng trước tình thế đầy rủi ro do xu hướng lan rộng của làn sóng cực hữu.

Ông Michel Barnier kêu gọi người dân Pháp cần nhớ bài học về cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời EU cách đây 8 năm. Đến một thời điểm nào đó, việc này hoàn toàn có thể xảy ra tại Pháp khi người dân bị chi phối bởi tâm lý bất mãn và các chính sách dân tuý.

Bất chấp những lời kêu gọi, một bộ phận cử tri Pháp bác bỏ quan điểm về nguy cơ “nội chiến”, nhấn mạnh viễn cảnh đó sẽ không thay đổi phiếu bầu của họ.

Một số nhà phân tích cũng nhận định, kịch bản “nội chiến” như cảnh báo của Tổng thống Macron có thể chỉ là một hình thức vận động tranh cử.

Theo tờ báo Mỹ Politico, nếu Đảng Phục hưng cầm quyền thực sự thất bại, Tổng thống Macron sẽ là người bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Dù bác bỏ khả năng từ chức khi có kết quả bầu cử Quốc hội, ông Macron sẽ khó có thể tiếp tục theo đuổi nghị trình đầy tham vọng, bao gồm củng cố sức mạnh EU, tìm kiếm sự cân bằng bền vững giữa châu Âu và Mỹ, thực thi những cải cách nhằm xây dựng nội lực mới cho Pháp.

Ngân sách Pháp trước nguy cơ thâm hụt nghiêm trọng

Những ngày qua, các đảng phái chính trị tại Pháp đang gấp rút chạy đua vận động tranh cử, với hàng loạt cam kết dân túy được đưa ra để thu hút cử tri. Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) và Liên minh cánh tả Mặt trận Nhân dân mới đều đưa ra những lời hứa hẹn như giảm thuế xăng, giảm tuổi nghỉ hưu cho công chức và tăng lương.

Mục tiêu của hai phe này dường như chỉ để đánh bại Đảng Phục hưng của Tổng thống Macron. Bởi theo giới quan sát, những cam kết tranh cử này nếu được thực hiện, có thể làm thủng ngân sách vốn đang eo hẹp của chính phủ Pháp, đẩy lãi suất tại Pháp tăng, và ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ giữa Paris với Liên minh châu Âu (EU).

Các đảng chính trị tại Pháp đang gấp rút chạy đua vận động tranh cử.

Hôm 24/6, lãnh đạo Đảng Tập hợp Quốc gia – ông Jordan Bardella đã công bố chương trình nghị sự của đảng này một khi giành chiến thắng tại cuộc bầu cử sắp tới. Cụ thể, Đảng Tập hợp Quốc gia muốn siết chặt biên giới nhằm ngăn chặn làn sóng di cư, bãi bỏ quyền được cấp quốc tịch Pháp đối với trẻ em có cha mẹ là dân nhập cư bất hợp pháp.

Ngoài ra, ông Bardella cam kết sẽ giảm thuế giá trị gia tăng với nhiên liệu, điện và khí đốt từ 20% về 5,5%.

Liên minh mà tôi lãnh đạo là lựa chọn đáng tin cậy, có trách nhiệm duy nhất, có khả năng khởi động sự phục hồi của đất nước.

Tôi muốn giảm thuế giá trị gia tăng đối với năng lượng vì có cả triệu người Pháp không thể sưởi ấm hoặc buộc phải hạn chế đi lại.

Chúng tôi cũng phản đối các hiệp định thương mại tự do. Nông dân Pháp bất bình, vì ngay ở Pháp vẫn có những nông sản nhập khẩu từ các nước xa xôi mà không tôn trọng những tiêu chuẩn chúng ta đặt ra.

Ông Jordan Bardella - Chủ tịch Đảng Tập hợp Quốc gia.

Trong khi đó, Liên minh cánh tả Mặt trận Nhân dân mới do Đảng Nước Pháp bất khuất làm nòng cốt, đã đưa ra danh sách 23 trang liệt kê các cam kết tranh cử, trong đó giữ nguyên giá các mặt hàng thiết yếu, gồm nhiên liệu, năng lượng và thực phẩm, cũng như nâng lương cơ bản hàng tháng thêm 200 Euro.

Liên minh này cũng tuyên bố sẽ “xóa bỏ các đặc quyền của tỷ phú”, tăng thuế với giới nhà giàu.

Về phần mình, Tổng thống Macron đã chỉ ra tính bất khả thi của những lời hứa hào phóng của các đối thủ. Ông Macron thừa nhận các cam kết về kinh tế của Đảng Tập hợp Quốc gia sẽ làm mọi người vui vẻ, nhưng cái giá phải trả lên đến hàng trăm tỷ Euro một năm. Trong khi đó, kế hoạch của Đảng cánh tả thậm chí mang đến tổn thất gấp bốn lần so với Đảng Tập hợp Quốc gia.

Tổng thống Macron đã chỉ ra tính bất khả thi của những lời hứa hào phóng của các đối thủ.

Viện chính sách Institut Montaigne, có trụ sở tại Paris, ước tính cam kết của Đảng Tập hợp Quốc gia sẽ khiến ngân sách Pháp mất nguồn thu 9 - 13,6 tỷ Euro mỗi năm, còn cam kết mà phe cực tả đưa ra khiến ngân sách công của Pháp sẽ thiệt hại 12,5 - 41,5 tỷ Euro. Tổ chức này cảnh báo tăng lương còn ảnh hưởng đến nền kinh tế Pháp, vì khiến chi phí lao động tăng.

Trước khi chính trường biến động, Pháp đã đối mặt áp lực phải hành động vì ngân sách chính phủ mất cân đối. Nợ công của Pháp ước tính gấp 112% quy mô nền kinh tế, so với mức chưa tới 90% ở khu vực sử dụng Euro và 63% của Đức. Thâm hụt ngân sách của Pháp năm 2023 là 5,5% GDP, trong khi Ủy ban châu Âu khuyến cáo các nước thành viên phải duy trì dưới 3% GDP.

Kịch bản ác mộng với Pháp là tái diễn câu chuyện từng xảy ra ở nước Anh tháng 9/2022. Thủ tướng Anh khi đó là bà Liz Truss đề xuất giảm thuế hàng loạt nhưng không đưa ra hướng cắt giảm chi tiêu công tương ứng, khiến thị trường tài chính phản ứng tiêu cực. Ngân hàng Trung ương Anh đã buộc phải can thiệp để ổn định tình hình, còn bà Liz Truss từ chức sau 7 tuần.

Còn với Pháp, Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ chỉ giải cứu cho đến khi Paris đưa ra kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” đáng tin cậy để giảm thâm hụt ngân sách.

Thị trường tài chính “nín thở” chờ kết quả bầu cử

Những biến động trên chính trường, nguy cơ nợ công phình to được xem là “mồi lửa” đe dọa nền kinh tế và hệ thống tài chính của Pháp.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire mới đây cảnh báo nền kinh tế lớn thứ hai của khu vực đồng Euro đang tiến gần đến nguy cơ khủng hoảng, khi ngày càng nhiều nhà đầu tư lo ngại cổ phiếu mất giá và hệ thống tài chính công xấu đi.

Theo cuộc thăm dò mới nhất của các nhà quản lý quỹ từ Bank of America, chứng khoán Pháp hiện kém hấp dẫn nhất ở châu Âu. Đây là một sự thay đổi lớn so với hồi tháng 5, bởi trước đó, cổ phiếu của nước này là lựa chọn hàng đầu của giới tài chính.

Những năm gần đây, các công ty tài chính toàn cầu như Ngân hàng JP Morgan Chase và Ngân hàng Bank of America đã chuyển hàng tỷ USD tài sản và hàng trăm nhân viên đến Paris, với kỳ vọng rằng thủ đô của Pháp vào một ngày nào đó sẽ sánh ngang với London (Anh) trong vai trò là trung tâm tài chính châu Âu.

Xu hướng này chắc chắn không thể đảo ngược trong ngắn hạn. Nhưng với những biến động chính trị đang diễn ra ở Pháp, một số chủ ngân hàng cảm thấy lo lắng về các rủi ro có thể xảy ra, như giấy phép làm việc và thuế.

Các nhà giao dịch đang lên kế hoạch ứng phó với trường hợp giao dịch bị đình chỉ, trong khi các công ty đầu tư cảnh báo về những hậu quả kinh tế có thể rất lớn, nếu các biện pháp cực đoan được áp dụng.

Thị trường chứng khoán Pháp trong những ngày qua liên tiếp ngập trong sắc đỏ, rất nhiều cổ phiếu ngành ngân hàng bị sụt giảm, cùng chiều với trái phiếu chính phủ Pháp.

Những biến động trên chính trường, nguy cơ nợ công phình to được xem là “mồi lửa” đe dọa nền kinh tế và hệ thống tài chính của Pháp.

Chuyên gia Francesco Galietti, nhà đồng sáng lập công ty tư vấn rủi ro chính trị Policy Sonar có trụ sở ở Rome, Italia, nhận định sự không chắc chắn liên quan tới cuộc bầu cử của Pháp đã khiến cộng đồng tài chính rơi vào trạng thái “chờ xem”. Ngoài ra, sự bất ổn chính trị, nếu kéo dài, có thể ảnh hưởng đến hoạt động săn lùng nhân tài và nỗ lực tuyển dụng của một số ngân hàng quốc tế, vốn đang trong quá trình tăng cường hoạt động tại Paris.

Bên cạnh những lo ngại về thuế đánh vào tài sản và giao dịch mới, các công ty tài chính cũng đang tập trung theo dõi cách mà chính phủ tiếp theo của Pháp sẽ lên kế hoạch để lấp đầy lỗ hổng ngân sách.

Tuy nhiên, chuyên gia Stephane Boujnah, nhà điều hành sàn giao dịch chứng khoán Euronext, cho rằng những lo ngại như vậy đã bị thổi phồng quá mức. Ông giải thích những quy định pháp luật của Pháp sẽ đảm bảo rằng bất kỳ thay đổi nào sắp xảy ra sẽ không tạo ra những tác động tiêu cực lớn như một số người lo ngại.

Đảng Phục hưng theo đường lối trung dung của Tổng thống Macron đã điều hành một chính phủ thiểu số sau khi đánh mất thế đa số tuyệt đối trong quốc hội hai năm trước.

Tuy nhiên, nhiệm vụ lần này có thể khó khăn hơn với Tổng thống Macron khi các cuộc khảo sát chỉ ra Quốc hội Pháp chia rẽ thành ba nhóm chính gồm cực hữu, trung dung và liên minh cánh tả.

Trong bối cảnh căng thẳng xã hội gia tăng, các nhà phân tích cảnh báo bất kể kịch bản nào xảy ra, Pháp vẫn đứng trước nguy cơ tê liệt chính trị.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump, hai ứng cử viên tổng thống hàng đầu của Đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ đối đầu trong tuần này trong cuộc tranh luận đầu tiên trước cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 11.

Giáo hoàng Francis cho rằng AI đã mang lại sự thay đổi mang tính thời đại trong tiến trình phát triển của nhân loại, nhưng các quốc gia cần giám sát sự phát triển của AI để bảo vệ tính mạng và phẩm giá con người.

Chủ đề của Hội nghị thường niên lần thứ 15 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) còn được gọi là Diễn đàn Davos mùa hè lần này là “Những chân trời tăng trưởng mới”.

Chiến thuật của Nga được điều chỉnh một cách linh hoạt, cùng với việc tăng quân số và cải tiến vũ khí đang khiến Ukraine gặp khó trong việc giành bất kỳ chiến thắng quyết định nào và có nguy cơ biến xung đột thành một trận chiến tiêu hao kéo dài.

Liên hợp quốc cảnh báo toàn Trái đất đang trên đường cao tốc dẫn tới "địa ngục khí hậu". Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh rằng thế giới đang đi lệch hướng ngày càng nhanh và không thể trở lại giai đoạn khí hậu ổn định.

Căng thẳng thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đang có dấu hiệu leo thang, khi hai bên những ngày qua liên tiếp mở các cuộc điều tra chống bán phá giá nhằm vào các sản phẩm của nhau.