Ô nhiễm môi trường đang gây hiểm hoạ khôn lường

Môi trường có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự sống của mỗi cá thể, bao gồm cả con người. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân khác nhau, môi trường ngày càng trở nên ô nhiễm, trở thành vấn đề cấp bách của toàn thế giới.

Báo động gia tăng lượng rác thải toàn cầu

Nguyên nhân chính là do phát triển kinh tế và tăng trưởng dân số. Các nhà nghiên cứu nhận thấy có mối liên hệ giữa việc tạo ra rác thải và mức thu nhập. Họ ước tính lượng rác thải bình quân đầu người phát sinh hàng ngày ở các nước thu nhập cao sẽ tăng 19% vào năm 2050. Đối với các nước thu nhập thấp và trung bình, dự đoán con số này sẽ tăng gần 40% hoặc cao hơn. Lượng rác thải tăng nhanh hơn ở các quốc gia có thu nhập thấp đang có mức thu nhập gia tăng.

Theo thống kê, thế giới tạo ra trung bình 0,74 kg rác thải/người/ngày. Ở các nước thu nhập thấp, lượng rác thải phát sinh có thể tăng hơn 3 lần vào năm 2050. Điều này sẽ đặc biệt nghiêm trọng ở châu Phi cận Sahara.

Báo động gia tăng lượng rác thải toàn cầu.

Rác thải thực phẩm và rác thải xanh chiếm hơn 50% tổng lượng rác thải ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Ở các nước thu nhập cao, tỷ lệ chất thải do bao bì đóng gói thấp hơn và tỷ lệ chất thải phi hữu cơ cao hơn.

Việc tạo ra chất thải về bản chất gắn liền với tăng trưởng GDP và nhiều nền kinh tế phát triển nhanh đang phải chật vật vì gánh nặng từ lượng rác thải ngày càng tăng. Những khuyến nghị của UNEP có thể hỗ trợ chính phủ các nước trong nỗ lực tạo ra xã hội bền vững hơn và bảo đảm một hành tinh đáng sống cho các thế hệ tương lai.

Bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành UNEP

Trên toàn cầu, 37% rác thải được xử lý tại một số bãi chôn lấp, chỉ 8% trong số đó là hợp vệ sinh và sử dụng hệ thống thu gom khí đốt; rác thải bị vứt bừa bãi công khai chiếm 33%; lượng rác tái chế và ủ làm phân bón chiếm 19%; 11% được đốt bằng hệ thống đốt rác hiện đại.

Liên hợp quốc đã công bố những ước tính mới cùng với cảnh báo về những tác hại kinh hoàng về y tế, kinh tế và môi trường mà lượng rác này gây ra.

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, tình trạng ô nhiễm sẽ ngày càng gia tăng, dự báo tốc độ tăng rác thải nhanh nhất ở các vùng hiện vẫn xử lý rác thải bằng cách đổ đống và đốt. Nếu không có hành động khẩn cấp, đến năm 2050, khối lượng rác thải toàn cầu có thể lên đến 3,8 tỷ tấn, vượt xa các mức dự báo trước đó.

Đây đều là những hành động làm tăng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tăng nguy cơ những chất hóa học độc hại xâm nhập vào đất, nguồn nước và không khí.

Mối nguy hại từ rác thải nhựa

Báo cáo mới nhất do Hội đồng Nghiên cứu Na Uy tài trợ đã cho thấy một con số đáng báo động về lượng hóa chất độc hại trong các sản phẩm nhựa. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc từng đưa ra ước tính, trong những sản phẩm này có khoảng 13.000 loại hóa chất. Nhưng báo cáo mới nhất do Hội đồng Nghiên cứu Na Uy tài trợ còn mang đến một con số đáng báo động hơn nhiều. Đó là số lượng hóa chất thực tế trong các sản phẩm nhựa lên tới hơn 16.000, trong đó có ít nhất 4.200 chất được coi là rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người và môi trường. Những hóa chất từ nhựa có thể lọt vào cơ thể người qua đường ăn uống, gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản và bệnh tim mạch.

Trong số những hóa chất độc hại này, chỉ có gần 1.000 loại được các cơ quan trên thế giới quản lý, còn lại là không được kiểm soát, và đáng nguy hiểm hơn, đây mới chỉ là những hóa chất được biết đến.

Có ít nhất 4.200 chất rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người và môi trường trong rác thải nhựa.

Mỗi năm thế giới thải ra 400 triệu tấn rác thải nhựa. Điều đáng báo động là Trái đất đang bị đe dọa bởi lượng lớn rác thải nhựa chưa bị phân hủy đang làm ô nhiễm hành tinh. Ngày nay, con người có thể hít hoặc ăn phải các hạt vi nhựa một cách thụ động.

Các nhà khoa học hy vọng việc nhận thức sự nguy hại của các hóa chất độc hại trong nhựa sẽ góp phần nâng cao ý thức của con người trong việc hạn chế và xử lý rác thải nhựa đúng cách.

Xu hướng thời trang nhanh gây ô nhiễm môi trường

Để theo kịp những xu hướng mới, các tín đồ thời trang và mua sắm luôn ưu tiên những lựa chọn thuận tiện và tiết kiệm nhất, đó chính là thời trang nhanh. Mô hình sản xuất này tạo ra một lượng lớn sản phẩm, với tần suất cập nhật nhanh chóng nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi của thị trường. Tuy nhiên, điều này dẫn đến việc sản xuất quá nhiều so với nhu cầu tiêu dùng, gây ra sự lãng phí và đặt ra những vấn đề về quản lý rác thải, do nguyên liệu tạo ra chúng phần lớn là polyester khó phân hủy.

Xu hướng thời trang nhanh gây ô nhiễm môi trường.

Zara và H&M là hai trong số những thương hiệu lớn nhất trong ngành thời trang nhanh. Hiện nay xuất hiện nhiều nhãn hàng hoạt động trên các sàn thương mại điện tử như Shein, Temu, Boohoo. Các nhà bán lẻ này đã tận dụng lợi thế của mô hình kinh doanh trực tuyến và trở thành những đối thủ cạnh tranh lớn trong ngành thời trang nhanh. Với vòng sản xuất cực kỳ nhanh chóng, chỉ mất khoảng 3 ngày cho toàn bộ công đoạn, các nhà bán lẻ trực tuyến có thể tung ra hàng trăm, hàng nghìn thiết kế trong thời gian ngắn thần tốc.

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc tháng 3/2023, ngành công nghiệp thời trang chiếm 10% lượng khí thải carbon toàn cầu hàng năm.

Theo ước tính, số lượng quần áo được sản xuất ngày nay đã tăng gấp đôi kể từ năm 2000. Số lượng người tiêu dùng ngày nay mua quần áo tăng 60%, tuy nhiên thời gian mặc chúng giảm chỉ còn một nửa.

Để giữ chi phí sản xuất ở mức thấp, các sản phẩm thời trang nhanh thường được làm từ chất liệu polyester - một loại sợi tổng hợp và rẻ làm từ dầu mỏ, loại nhiên liệu hóa thạch không thể tái tạo. Polyester có thể mất khoảng 200 năm để phân hủy.

Hạ viện Pháp mới đây đã thông qua dự luật xử phạt các sản phẩm thời trang nhanh.

Hạ viện Pháp mới đây đã thông qua dự luật xử phạt các sản phẩm thời trang nhanh, nhằm hạn chế tác động tới môi trường. Với 146 phiếu ủng hộ và không có phiếu chống, dự luật mới của Pháp kêu gọi tăng dần mức phạt lên tới 10 euro cho mỗi mặt hàng thời trang nhanh vào năm 2030, đồng thời cấm quảng cáo các sản phẩm này. Dự luật này sẽ được chuyển tới Thượng viện để xem xét trước khi có thể trở thành luật.

Bằng cách bỏ phiếu cho dự luật này, chúng ta có thể trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa ra luật hạn chế các tác động của thời trang nhanh. Đây là một chủ đề phức tạp, không chỉ liên quan tới nước Pháp mà còn diễn ra ở cấp độ châu Âu và quốc tế.

Ông Christophe Béchu, Bộ trưởng Bộ môi trường Pháp

Trước đó, vào tháng 12/2023, Nghị viện châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua các quy định mới nhằm ngăn xu hướng thời trang nhanh và giảm rác thải, trong đó có lệnh cấm tiêu hủy quần áo tồn kho và giày dép. Ngoài ra, EC cũng sẽ có thể mở rộng phạm vi lệnh cấm đối với những sản phẩm tồn kho khác.

Lệnh cấm được miễn áp dụng đối với các doanh nghiệp vừa trong 6 năm và miễn hoàn toàn đối với các doanh nghiệp nhỏ. Các doanh nghiệp sẽ có hai năm để thích nghi sau khi luật chính thức có hiệu lực.

Giới phân tích nhận định quy định mới sẽ hạn chế ngành thời trang nhanh.

Giới phân tích nhận định quy định mới sẽ hạn chế ngành thời trang nhanh, vốn trở thành xu hướng khi thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh, song lại có tác động nghiêm trọng tới môi trường.

Theo EU, ngành dệt may có tác động lớn thứ tư đối với môi trường và biến đổi khí hậu, chỉ sau sản xuất thực phẩm, nhà ở và giao thông.

Báo động tình trạng phát thải khí methane

Theo báo cáo do Cơ quan năng lượng Quốc tế (IEA) công bố mới đây, việc khai thác và đốt nhiên liệu hóa thạch trong năm 2023 thải ra gần 120 triệu tấn khí methane, gần bằng mức kỷ lục của năm 2019. Đây là năm thứ 3 liên tiếp lượng khí methane phát thải toàn cầu tăng. Báo cáo cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của việc hạn chế việc khí methane rỏ rỉ từ các dự án dầu khí và coi đây là cơ hội to lớn để ngăn chặn thiệt hại và giảm phát thải khí nhà kính.

Báo động tình trạng phát thải khí methane.

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, khí methane chiếm khoảng 30% lượng khí thải khiến Trái đất nóng lên hiện nay. Khoảng 40% khí methane được giải phóng từ các nguồn tự nhiên, chủ yếu là đất ngập nước, còn các hoạt động của con người chiếm phần còn lại.

Trên thực tế, khí methane chỉ đứng sau carbon dioxide (CO2) về mức độ tác động đến hiện tượng nóng lên toàn cầu. IEA khẳng định việc cắt giảm khí thải methane là cần thiết để đạt được các mục tiêu quốc tế về biến đổi khí hậu.

Serbia: Ô nhiễm nước làm trầm trọng khủng hoảng môi trường 

Thủ đô Belgrade của Serbia nổi lên là một điểm nóng về tình trạng ô nhiễm không khí do có nhiều nhà máy than và ô tô cũ hoạt động. Tình trạng nước thải chưa qua xử lý đổ thẳng ra sông khiến cho cuộc khủng hoảng môi trường tại đây càng thêm trầm trọng, đe dọa các vùng đất ngập nước và động vật hoang dã ở hạ lưu, đồng thời góp phần khiến Belgrade trở thành một trong những nơi gây ô nhiễm tồi tệ nhất ở châu Âu.

Hiện lượng lớn nước thải đang đổ trực tiếp vào sông Sava ở Belgrade khiến con sông này bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ông Vladimir Stakic, làm việc tại Tạp chí Angling của Serbia, cho biết ông đã ngừng ăn cá từ khu vực này và ông bị sốc khi thấy mọi người vẫn câu cá trên sông và mua bán chúng.

Ô nhiễm nước làm trầm trọng khủng hoảng môi trường Serbia.

Các chuyên gia cho biết vấn đề hiện nay một phần xuất phát từ việc thiếu nhà máy xử lý nước. Các nhà sản xuất thực phẩm, dệt may và dược phẩm thường đổ nước thải chưa qua xử lý trực tiếp vào cống rãnh. Theo báo cáo kiểm toán của nhà nước, trong số 9 dự án môi trường đến hạn vào năm 2023 tại Serbia, có 6 dự án bị chậm tiến độ.

Việc khó giải quyết vấn đề môi trường đang khiến nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu của Serbia gặp trở ngại, vì nước này phải đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn nước thải nghiêm ngặt hơn nhiều so với các quy định hiện đang được thực thi ở Belgrade và khắp vùng Balkan.

Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo các tình trạng khẩn cấp về khí hậu cùng với ô nhiễm môi trường đang diễn ra làm gia tăng gánh nặng bệnh tật. Nhân loại đang phải trả giá đắt từ tình trạng ô nhiễm không khí và nguồn nước. Bằng chứng là sự gia tăng các bệnh hiểm nghèo như ung thư phổi, hen suyễn, sỏi thận và các bệnh tim mạch.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua khoản viện trợ trị giá gần 61 tỷ USD cho Ukraine, với cuộc bỏ phiếu mang tính bước ngoặt tại Hạ viện hôm 20/3 và tại Thượng viện ngày 23/4, theo giờ địa phương. Liệu gói viện trợ của Mỹ có thể giúp Kiev xoay chuyển cục diện trên chiến trường hay chỉ làm xung đột kéo dài thêm?

Ông Trump bị cáo buộc làm giả hồ sơ để che đậy khoản thanh toán nhằm mua chuộc sự im lặng của một diễn viên phim người lớn về mối quan hệ với ông. Đây là phiên tòa đầu tiên mang tính lịch sử đối với một cựu tổng thống Mỹ và có thể là bước ngoặt đối với ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Chủ đề Ngày Trái đất năm 2024 là “Trái đất và nhựa” nhằm kêu gọi các quốc gia giảm 60% sản lượng tất cả các loại nhựa vào năm 2040, hướng đến chấm dứt việc sử dụng nhựa vì sức khỏe của con người và Trái đất.

Sau 20 năm lãnh đạo đất nước, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ từ nhiệm vào ngày 15/5/2024. Người kế nhiệm ông sẽ là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong. Đây là tiến trình chuyển giao lãnh đạo đã được lên kế hoạch từ lâu của Singapore, và được Thủ tướng Lý Hiển Long gọi là thời khắc quan trọng.

Theo các nhà phân tích cuộc tấn công vào Iran vào sáng sớm thứ Sáu (19/4) theo giờ địa phương có thể nhằm mục đích vừa là một cách để trả đũa vừa là một thông điệp cảnh báo. Vụ việc không làm leo thang tình hình, nhưng những căng thẳng, mâu thuẫn giữa hai nước thì vẫn còn đó.

2024 là năm quan trọng của Ấn Độ với cuộc tổng tuyển cử có quy mô lớn nhất thế giới. Giới phân tích cho rằng, cuộc bầu cử trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế không chỉ bởi quy mô lớn, mà còn vì quốc gia Nam Á này có tiếng nói ngày càng quan trọng trên các diễn đàn quốc tế và là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới.