Ông Biden và ông Trump tranh luận: Màn 'so găng' đầu tiên

Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump, hai ứng cử viên tổng thống hàng đầu của Đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ đối đầu trong tuần này trong cuộc tranh luận đầu tiên trước cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 11.

Cuộc tranh luận trực tiếp chưa từng có tiền lệ

Cuộc tranh luận sẽ diễn ra tại trường quay Atlanta của CNN lúc 9 giờ tối thứ Năm theo giờ địa phương, tức là 8 giờ sáng thứ 6 ngày 28 tháng 6 theo giờ Việt Nam. Dự kiến, cuộc tranh luận trực tiếp lần này sẽ không giống bất kỳ sự kiện nào trong 64 năm tranh luận trên truyền hình giữa các ứng viên tổng thống, và sẽ phá vỡ thông lệ theo nhiều cách khác nhau.

Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng viên Tổng thống Mỹ sẽ áp dụng bộ quy tắc mới.
Ảnh: NBC News.

Về mặt nội dung, dự kiến các ứng cử viên sẽ thảo luận về tình hình kinh tế và chính sách nhập cư, vì đây luôn là những vấn đề hàng đầu đối với cử tri trong các cuộc bầu cử toàn quốc. Cũng có khả năng các ứng cử viên sẽ cân nhắc về vấn đề chính trị quốc tế, do các cử tri vẫn còn chia rẽ về việc liệu Mỹ có nên gửi viện trợ quân sự cho Ukraine và Israel hay không.

Cuộc đối đầu ở Atlanta sẽ trở thành màn tranh luận tổng thống sớm nhất trong lịch sử Mỹ hiện đại, được tổ chức khoảng ba tháng trước các đợt bỏ phiếu sớm cho tổng tuyển cử vào tháng 11. Đây là sự kiện quan trọng với cả hai ứng viên.

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên kể từ cuối những năm 1980, sự kiện kiểu này không phải do Ủy ban lưỡng đảng chuyên trách tranh luận của các ứng viên tổng thống (CPD) chủ trì. Lần này,  CNN là đơn vị tổ chức duy nhất, phụ trách hoàn toàn các hoạt động vào tối 27/6.

Cuộc tranh luận kéo dài 90 phút, do người dẫn chương trình Jake Tapper và Dana Bash của CNN điều hành, sẽ diễn ra mà không có khán giả “để đảm bảo các ứng cử viên có thể tối đa hóa thời gian quy định trong cuộc tranh luận”. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1976, cuộc tranh luận tổng thống sẽ không có khán giả trực tiếp.

Khi một ứng cử viên đang phát biểu, micro của người kia sẽ bị tắt tiếng. Các nguồn tin cho biết cũng không có tuyên bố mở đầu và các ứng cử viên sẽ có hai phút để trả lời câu hỏi.

Việc không có khán giả trong trường quay và việc CNN tắt mic của người không phát biểu sẽ làm tăng khả năng những người đang xem ở nhà có thể nghe và hiểu câu trả lời của các ứng viên theo cách riêng của họ.

Bà Kathleen Hall Jamieson - Giáo sư truyền thông tại Đại học Pennsylvania.

Các ứng cử viên không được phép mang theo tài liệu hoặc bài viết sẵn, mà chỉ được mang theo một cây bút, một tờ giấy và một chai nước. Đây có thể là cuộc tranh luận đầu tiên trong cuộc đua tổng thống năm 2024, nhưng là lần thứ ba ông Trump và Biden đối đầu với tư cách là những ứng cử viên tổng thống. Họ đã từng tranh luận trong cuộc bầu cử năm 2020.

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Joe Biden. Ảnh: TTXVN.

Theo The Guardian, phe vận động tranh cử của ông Joe Biden sẽ coi cuộc tranh luận là cơ hội để đương kim tổng thống thể hiện hết mình với vai trò là một nhà lãnh đạo kiên định, và chia sẻ những lập trường của mình với toàn bộ người dân Mỹ về đường lối chính sách, cũng như những hành động ở quá khứ của đối thủ; qua đó nêu bật những thành tích của mình từ tăng trưởng việc làm đến cứu trợ cho các khoản lỗ liên quan đến Covid-19, các khoản vay của sinh viên và đưa ra tầm nhìn trong bốn năm tới.

Theo dự đoán, ông Trump sẽ công kích kết quả làm việc của ông Biden ở cương vị tổng thống, đặc biệt là về lạm phát và nhập cư. Còn ông Biden sẽ lấy đây là cơ hội để phác họa hình ảnh ông Trump là mối đe dọa đối với quyền của phụ nữ và nền dân chủ, đồng thời nhấn mạnh chương trình nghị sự kinh tế của cựu Tổng thống Trump chỉ có lợi cho các tập đoàn lớn và người giàu có.

Ông Trump có vẻ đang mất dần vị thế trong lòng các cử tri lớn tuổi và nhóm vận động tranh cử của ông Biden đang cố gắng tận dụng điều đó. Thêm vào đó, cựu tổng thống có thể vẫn cần phải thuyết phục những người không chắc chắn về việc ủng hộ ông một lần nữa.

Hai ứng cử viên có phù hợp cương vị tổng thống?

Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump có quan điểm khác nhau về nhiều vấn đề quan trọng có thể sẽ gây ra tranh cãi gay gắt. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là nhận định của cử tri về khả năng lãnh đạo đất nước của mỗi người trong bốn năm tới. Trong các cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên tổng thống, điều được quan tâm nhất vẫn là việc các ứng cử viên thể hiện tính cách và năng lực của mình hơn là làm sáng tỏ những bất đồng về chính sách. Điều đó có thể đặc biệt đúng trong năm nay khi cả ông Biden và ông Trump đều đang đối mặt với những câu hỏi cơ bản về việc họ có phù hợp với cương vị tổng thống hay không.

Cả ông Trump và ông Biden đều là hai ứng cử viên tổng thống cao tuổi nhất từ trước đến nay ở Mỹ, đều có những biểu hiện khiến cử tri Mỹ hoài nghi về sức khỏe, trí nhớ, độ minh mẫn và năng lực đối đáp.

Đông đảo dư luận hoài nghi việc ông Biden có đủ sức khỏe thể chất và tinh thần để đảm đương chức vụ tổng thống ngay trong nhiệm kỳ này hay không, chứ chưa nói đến nhiệm kỳ thứ hai có thể kéo dài bốn năm.

Ở tuổi 81, ông Biden là tổng thống đương nhiệm lớn tuổi nhất trong lịch sử Mỹ và nếu được bầu vào nhiệm kỳ thứ hai, ông sẽ rời nhiệm sở ở tuổi 86. Ông Trump, 78 tuổi, thậm chí đã nhiều lần chỉ trích sức khỏe tâm thần của ông Biden. Nhưng cũng trong bài phát biểu đó, ông Trump đã gọi nhầm tên bác sĩ đã tiến hành bài kiểm tra nhận thức của chính ông khi còn là tổng thống.

Những người tôi biết đã làm việc với ông Joe Biden trong Nhà Trắng đều gặp ông ấy, nếu không phải hàng ngày thì thường xuyên, nói rằng ông ấy có thể khá mạnh mẽ với mọi người, có thể hài hước trong mọi tình huống. Và tôi nghĩ đây là cơ hội để thể hiện điều đó.

Ông Philippe Reines – Cố vấn chính trị của dân chủ Mỹ.

Nhìn vào tuổi tác thì ông Biden sẽ bất lợi hơn ông Trump. Nhưng về phương diện cách thức biểu lộ và năng lực kiềm chế thì ông Trump gặp nhiều rủi ro hơn. Cử tri vẫn nhớ tới thời gian ông Trump làm tổng thống và những quyết định gây sốc của ông.

Nhiều cử tri vẫn chưa hoàn toàn bị thuyết phục về cách cư xử và quyết định của ông. Vì vậy, nếu ông Trump tỏ thái độ thách thức hoặc không ổn định - giống trong cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai người vào năm 2020 - sẽ càng khiến cử tri lo ngại rằng việc đưa cựu tổng thống trở lại Phòng Bầu dục có nguy cơ gây ra hỗn loạn và xung đột kéo dài.

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Nhiều chiến lược gia của cả hai đảng cho rằng ưu tiên hàng đầu của ông Trump tại cuộc tranh luận phải là trấn an những cử tri không tin tưởng vào tính khí, đạo đức và sự ổn định của ông. Nếu ông Trump cư xử theo đúng phong thái của tổng thống thì ông có thể giành được những ưu thế lớn từ cuộc tranh luận này.

Cả ông Trump và ông Biden đều không còn lạ lẫm đối với cử tri ở Mỹ về quan điểm và cương lĩnh tranh cử, tính cách cá nhân và cách thức cầm quyền, cũng như thực hiện cam kết tranh cử và thành quả cầm quyền. Do đó, điều mà người Mỹ quan tâm nhiều nhất ở cuộc tranh luận sắp tới giữa ông Biden và ông Trump không phải là nội dung những gì hai người trình bày, mà là cách thức thể hiện của họ, và ai trong số hai người ấy mạnh khỏe và minh mẫn hơn. Hai ứng viên thỏa thuận tiến hành sớm hơn thông lệ các cuộc tranh luận vì chủ ý có đủ thời gian để khắc phục những tác động và hệ lụy tiêu cực, bất lợi nếu bị thua đối thủ.

Tỷ lệ ủng hộ dành cho hai ứng cử viên

Hầu hết các học giả nghiên cứu các cuộc thăm dò dư luận trong nhiều thập kỷ trước tin rằng các cuộc tranh luận, dù nhận được rất nhiều sự chú ý, nhưng lại chỉ có ảnh hưởng không nhiều đến kết quả của các cuộc bầu cử tổng thống. Các chuyên gia về vận động tranh cử tổng thống lại có xu hướng xem các cuộc tranh luận là những thời điểm then chốt. Theo các nhà nghiên cứu, cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên nào đó, thường là vì ba lý do. Một là vì họ nghĩ người đó có năng lực. Hai là vì họ tin tưởng ứng cử viên đó làm việc vì họ, và thứ ba là vì họ thích ứng cử viên đó.

Cuộc thăm dò mới đây của Reuters/Ipsos kéo dài ba ngày kết thúc hôm 24/6 cho thấy, các cử tri Mỹ đánh giá ông Donald Trump là ứng cử viên tổng thống sáng giá hơn về khía cạnh kinh tế nhưng họ lại thích cách tiếp cận của ứng viên Đảng Dân chủ - đương kim Tổng thống Joe Biden, trong việc bảo vệ nền dân chủ.

Khi được hỏi ai trong hai ứng cử viên có các xử lý vấn đề kinh tế tốt hơn - mối quan tâm số một của các cử tri - tỷ lệ ủng hộ ông Trump là 43%, còn tỷ lệ ủng hộ ông Biden là 37%.

Cách đây bốn năm, đại dịch Covid-19 bùng phát và số người chết ngày càng gia tăng. Thị trường tài chính hoảng loạn. Giá dầu nhanh chóng xuống mức âm. Cục Dự trữ Liên bang đã cắt giảm lãi suất chuẩn để chống lại cuộc suy thoái bất ngờ. Và chính phủ Mỹ đã tiến hành một đợt vay mượn mang tính lịch sử - thêm hàng nghìn tỷ vào nợ quốc gia - để duy trì hoạt động của các gia đình và doanh nghiệp. Nhưng tại một cuộc vận động tranh cử gần đây, cựu tổng thống Donald Trump tỏ ra tự hào về giải pháp đó.

Ông Joe Biden thừa hưởng sự phục hồi kinh tế nhanh nhất và mạnh mẽ nhất trong lịch sử. Chúng ta đã có nền kinh tế tuyệt vời nhất từng có trong lịch sử thế giới. Covid đã đến và chúng ta đã thành công đến mức không thể tin được. Và vào thời điểm kết thúc nhiệm kỳ, chúng tôi đã để lại cho ông ấy sự phục hồi tuyệt vời nhất trong lịch sử.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo một cuộc thăm dò hồi tháng 4 của Associated Press - Trung tâm Quan hệ Công chúng NORC, khi ở cương vị tổng thống, ông Trump đã giúp tạo việc làm và giảm chi phí sinh hoạt. Gần 6 trong số 10 người Mỹ nói rằng trong nhiệm kỳ này, Tổng thống Biden đã làm chi phí sinh hoạt tăng, gây tổn hại cho đất nước.

Nhưng những số liệu kinh tế cho thấy một thực tế phức tạp hơn nhiều trong thời gian ông Trump ở Nhà Trắng. Việc cắt giảm thuế của ông không hề mang lại mức tăng trưởng như đã hứa. Thâm hụt ngân sách tăng cao và vẫn tiếp tục duy trì ở mức tương đối cao dưới thời ông Biden. Thuế quan và các thỏa thuận thương mại của ông không hề lấy lại tất cả số việc làm bị mất trong nhà máy.

Donald Trump và Joe Biden tranh luận trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi 2020. Ảnh: Reuters.

Theo số liệu từ Cục Phân tích Kinh tế, nếu loại trừ năm 2020 bị ảnh hưởng bởi đại dịch, tốc độ tăng trưởng sau lạm phát trung bình dưới thời ông Trump là 2,67%. Nếu tính cả cuộc suy thoái do đại dịch gây ra thì tăng trưởng chỉ đạt 1,45%. Nhưng dưới thời Tổng thống Biden, mức tăng trưởng hàng năm trung bình là 3,4%.

Theo Cục Thống kê Lao động, Mỹ đã mất 2,7 triệu việc làm trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump. Nếu loại trừ những tháng đại dịch, ông đã tạo thêm 6,7 triệu việc làm. Ngược lại, 15,4 triệu việc làm đã được tạo ra trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden.

Theo kết quả thăm dò của Reuters/Ipsos, ứng viên của Đảng Cộng hòa có lợi thế đáng kể về vấn đề nhập cư.

Về các cuộc xung đột ở nước ngoài và vấn đề khủng bố, tỷ lệ ủng hộ ông Trump là 40%, trong khi tỷ lệ của ông Biden là 35%.

Dù vậy, ông Biden có lợi thế hơn ông Trump trong việc ứng phó với chủ nghĩa cực đoan chính trị và các mối đe dọa đối với nền dân chủ, mối quan tâm số hai của cử tri.

Ông Biden cũng có lợi thế hơn đối thủ về chính sách chăm sóc sức khỏe, với tỷ lệ ủng hộ là 40% so với 29%.

Mặc dù cuộc tranh luận này không quyết định được việc cử tri sẽ bầu cho ai nhưng nó sẽ giúp trả lời được một số câu hỏi về hai ứng cử viên. Dự kiến số người theo dõi chương trình sẽ rất cao. Khi ông Trump và ông Biden tranh luận lần đầu vào năm 2020, sự kiện đã thu hút 73 triệu người xem, cao thứ ba trong lịch sử, chưa kể đến số người theo dõi trên khắp thế giới. Cuộc tranh luận thứ hai giữa hai ông dẽ diễn ra vào ngày 10 tháng 10.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Giáo hoàng Francis cho rằng AI đã mang lại sự thay đổi mang tính thời đại trong tiến trình phát triển của nhân loại, nhưng các quốc gia cần giám sát sự phát triển của AI để bảo vệ tính mạng và phẩm giá con người.

Chủ đề của Hội nghị thường niên lần thứ 15 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) còn được gọi là Diễn đàn Davos mùa hè lần này là “Những chân trời tăng trưởng mới”.

Chiến thuật của Nga được điều chỉnh một cách linh hoạt, cùng với việc tăng quân số và cải tiến vũ khí đang khiến Ukraine gặp khó trong việc giành bất kỳ chiến thắng quyết định nào và có nguy cơ biến xung đột thành một trận chiến tiêu hao kéo dài.

Liên hợp quốc cảnh báo toàn Trái đất đang trên đường cao tốc dẫn tới "địa ngục khí hậu". Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh rằng thế giới đang đi lệch hướng ngày càng nhanh và không thể trở lại giai đoạn khí hậu ổn định.

Căng thẳng thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đang có dấu hiệu leo thang, khi hai bên những ngày qua liên tiếp mở các cuộc điều tra chống bán phá giá nhằm vào các sản phẩm của nhau.

Là Chủ tịch BRICS năm nay, Nga sẽ tập trung vào các vấn đề thương mại, đầu tư, công nghệ đổi mới và các vấn đề xã hội.