Ông Donald Trump nằm trong top 500 người giàu nhất

Trong một diễn biến bất ngờ, giá trị tài sản ròng của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng hơn 4 tỷ USD chỉ sau một ngày, đưa ông lọt vào danh sách top 500 người giàu nhất thế giới. Khối tài sản ròng tăng mạnh, cộng thêm việc vừa thoát được nguy cơ bị tịch thu tài sản nhờ phán quyết mới của tòa án phúc thẩm, được xem là yếu tố tiếp thêm sức mạnh cho ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng cuối năm nay.

Ông Trump có bao nhiêu tài sản?

Tài sản của cựu Tổng thống Donald Trump tăng lên sau khi Tập đoàn Truyền thông và Công nghệ Trump (TMTG) của ông hoàn tất quy trình sáp nhập kéo dài 29 tháng với Digital World Acquisition Corp (DAWC). Việc sáp nhập hoàn tất này đưa cổ phiếu của công ty đứng sau mạng xã hội Truth Social chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán, và số cổ phiếu trị giá hàng tỷ USD trên giấy giờ đây chính thức được tính vào giá trị tài sản ròng của ông Trump.

Ngay sau khi ra mắt trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq, cổ phiếu của TMTG đã tăng hơn 36% hôm 26/3. Ở mức 68,28 USD trên mỗi cổ phiếu, vốn hóa thị trường của công ty là 9,25 tỷ USD. Cổ phần của ông Trump tại Tập đoàn Truyền thông và Công nghệ Trump được định giá lần cuối ở mức 5,38 tỷ USD, mặc dù các hạn chế giao dịch trong sáu tháng theo quy định của Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ có thể ngăn cản ông bán hoặc vay đối với cổ phần sở hữu.

Theo giới phân tích, mức giá cổ phiếu này thể hiện sự nhiệt tình của những người ủng hộ ông Trump hơn là triển vọng kinh doanh của tập đoàn của ông.

Ông ấy đang sử dụng thương hiệu để cố gắng thu hút các nhà đầu tư. Những người thích ông Trump, tin tưởng vào ông ấy, họ muốn trở thành một phần trong đó. Và đó là lý do tại sao giá cổ phiếu ở mức gần 70 USD.

Ông Jeff Tomasulo – CEO Công ty quản lý vốn & thu nhập chiến lược Vespula

Theo Bloomberg Billionaires Index, giá trị tài sản ròng của ông Trump đã tăng hơn 4 tỷ USD chỉ sau một ngày. Với khối tài sản 6,5 tỷ USD, ông Trump lần đầu tiên lọt top 500 người giàu nhất thế giới.

Thu thập của ông Trump năm 2022.

Ông Trump, 77 tuổi, là một doanh nhân giàu có và nổi tiếng. Tài sản ròng của ông chủ yếu nằm ở bất động sản. Forbes ước tính ông sở hữu khối tài sản 2,6 tỷ USD vào tháng 9/2023. Nhưng ông và công ty của ông cũng bị cho là đã thổi phồng giá trị của các bất động sản thêm hàng tỷ USD trong suốt hơn 1 thập kỷ để phục vụ cho mục đích vay vốn.

Vào năm 2022, ông Trump báo cáo doanh thu ít nhất 537 triệu USD liên quan đến sân golf và khách sạn, 30,4 triệu USD phí cấp phép và tiền bản quyền, 26,5 triệu USD phí quản lý và 61,1 triệu USD tiền phân phối từ cổ phần của ông trong các tòa nhà ở New York.

Ông Trump cũng kiếm được 6,2 triệu USD từ các buổi diễn thuyết và 116.103 USD tiền trợ cấp từ Hiệp hội Diễn viên Màn ảnh và Liên đoàn Nghệ sĩ Truyền hình và Phát thanh Hoa Kỳ. Ngoài ra, ông còn báo cáo số tiền thu được là 268,7 triệu USD từ khách sạn ở Washington DC, bao gồm tiền lãi từ việc bán bất động sản và gần 1 triệu USD từ việc bán hai chiếc trực thăng.

Cựu Tổng thống Trump sở hữu nhiều khách sạn, tòa nhà văn phòng, tòa nhà dân cư.

Cựu Tổng thống Trump sở hữu nhiều khách sạn, tòa nhà văn phòng, tòa nhà dân cư, sân golf và bất động sản. Báo cáo tài chính tháng 6/2021 liệt kê một số tài sản có giá trị nhất của ông, như tòa nhà số 40 Phố Wall, tòa nhà Trump Park Avenue, Tháp Trump ở Manhattan và khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida. Báo cáo tài chính cho biết tài sản của ông trị giá 4,3 tỷ USD vào thời điểm đó, trong khi ông Trump nợ tổng cộng 439,2 triệu USD tiền vay và các khoản nợ khác. Báo cáo này cho biết giá trị tài sản ròng của ông là 4,5 tỷ USD.

Trong số các tài sản lớn của ông, các câu lạc bộ chơi golf và các cơ sở câu lạc bộ khác trị giá 1,76 tỷ USD, các tòa nhà ở New York như Trump Tower và Trump Plaza trị giá 524,7 triệu USD và 33,4 triệu USD, và cổ phần của ông trong hai tòa nhà thuộc sở hữu chung của Vornado trị giá 645,6 triệu USD.

Một số tài sản có giá trị nhất của ông, như tòa nhà số 40 Phố Wall, tòa nhà Trump Park Avenue.

Trong vụ kiện ở New York, thẩm phán đã phán quyết ông Trump phóng đại giá trị của một số tài sản trong nhiều năm, bao gồm cả việc thổi phồng giá trị của tòa nhà 40 Phố Wall lên 120 triệu USD vào năm 2015, và phóng đại giá trị của Seven Springs, một bất động sản ở quận Westchester, New York, lên tới 147 triệu USD vào năm 2014. Thẩm phán cũng gọi giá trị ước tính của khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump là “lừa đảo”, cho rằng nó đã bị thổi phồng ít nhất 1 tỷ USD so với giá thị trường.

Ông Trump thoát nguy cơ bị tịch thu tài sản 

Ông Trump phải đối mặt với bốn phiên tòa hình sự trong khi đang tham gia cuộc đua giành chức tổng thống Mỹ. Vì vậy, ông phải vật lộn để huy động tiền cho cả chiến dịch tranh cử và các chi phí pháp lý. Do các tài sản của ông Trump có độ thanh khoản không cao nên ông có nguy cơ rơi vào khủng hoảng tài chính và bị tịch thu tài sản khi toà án yêu cầu ông phải nộp phạt 464 triệu USD trong vụ kiện gian lận ở New York. Tuy nhiên, mới đây, tòa phúc thẩm New York đã quyết định giảm số tiền bảo lãnh xuống còn 175 triệu USD. Đây được coi là chiến thắng mới nhất trong nỗ lực vượt qua loạt vấn đề pháp lý đang bủa vây vị cựu tổng thống.

Tòa phúc thẩm New York ngày 25/3 đã đồng ý cho cựu Tổng thống Trump thêm 10 ngày để nộp 175 triệu USD bảo lãnh cho khoản tiền phạt 464 triệu USD. Ông Trump lập tức tuyên bố sẽ tuân theo quyết định của tòa phúc thẩm.

Ông Trump phải đối mặt với bốn phiên tòa hình sự trong khi đang tham gia cuộc đua giành chức tổng thống Mỹ.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump: “Tôi rất tôn trọng quyết định của tòa phúc thẩm và chúng tôi sẽ tuân theo điều đó. Chúng tôi sẽ chuyển tiền mặt hoặc trái phiếu rất nhanh. Chúng tôi sẽ thắng kiện.”

Hồi tháng 2, Thẩm phán New York Arthur Engoron đã phán quyết cựu Tổng thống Trump phải nộp phạt 355 triệu USD, với cáo buộc thổi phồng giá trị tài sản để được hưởng các khoản vay hay điều khoản bảo hiểm ưu đãi. Cộng với tiền lãi, ông Trump phải nộp phạt tổng cộng 464 triệu USD.

Dù ông Trump không chấp nhận phán quyết của tòa và đã đệ đơn kháng cáo, nhưng luật quy định ông vẫn phải nộp phạt trong quá trình chờ kết quả kháng nghị. Nhóm pháp lý của ông đã tiếp cận hàng chục công ty bảo lãnh cho khoản phạt, nhưng đều không thành công. Trước khi tòa phúc thẩm giảm tiền bảo lãnh, ông Trump đã lo phải bán tháo bất động sản để có tiền nộp phạt hoặc bị chính quyền New York tịch thu tài sản.

Phán quyết giảm tiền bảo lãnh của tòa phúc thẩm New York được coi là chiếc “phao cứu sinh” đối với ông Trump, khi trước đó các luật sư của ông Trump thừa nhận ông không có đủ tiền mặt để kháng cáo. Mức bảo lãnh giảm hơn 60% giúp ông Trump bảo vệ được tài sản, mở đường để ông tranh luận nhằm tiến tới đảo ngược phán quyết của Thẩm phán Engoron.

Có vẻ như đây là một chiến thắng dành cho ông Trump, vì ông ấy được yêu cầu trả ít tiền hơn số tiền mà ông ấy dự kiến phải trả. Mặt khác, tôi có thể nói rằng quyết định này là một dạng thỏa hiệp công bằng mà các tòa án thường thực hiện.

Ông Will Thomas, Giáo sư luật Đại học Michigan

Những người ủng hộ đã ca ngợi thắng lợi của ông Trump trong vụ kiện này, cho rằng cuộc chiến pháp lý đang tạo đòn bẩy cho ông tranh cử. Steve Bannon, một cựu quan chức Nhà Trắng và từng điều hành chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Trump đã chỉ trích những vụ kiện, điều tra và truy tố liên tiếp nhắm vào ứng viên Đảng Cộng hòa là “cuộc chiến pháp lý” nhằm ngăn ông Trump trở lại Nhà Trắng. Dù vậy, ông tin rằng điều này đang vô tình giúp tăng tần suất cựu Tổng thống Mỹ xuất hiện miễn phí trên truyền thông.

Lý do tỷ lệ ủng hộ ông Trump ngày càng tăng

Một số chuyên gia coi việc được giảm tiền bảo lãnh là một chiến thắng đối với cựu Tổng thống Trump trên cả hai mặt trận pháp lý và tranh cử, nhưng chặng đường cán đích vẫn còn ở rất xa. Thành công mới này vẫn không thể thay đổi một sự thật hiển nhiên rằng vào ngày 15/4 tới, ông sẽ tiếp tục phải ra hầu tòa liên quan tới cáo buộc hình sự. Tuy nhiên, dù đối diện hàng loạt cáo trạng, ông Trump vẫn được nhiều cử tri Mỹ coi trọng với tỷ lệ ủng hộ đang ngày càng tăng.

Ông Donald Trump từng được coi là Tổng thống Mỹ ít được yêu thích nhất và bị gần 2/3 người dân chỉ trích vào thời điểm ông hết nhiệm kỳ đầu tiên. Tuy nhiên, sau hơn ba năm, mức độ yêu thích của công chúng dành cho ông đang ngày càng gia tăng.

Tỷ lệ ủng hộ ông Trump ngày càng tăng.

Cuộc thăm dò đầu tháng 3 của New York Times/Siena cho thấy mức độ tín nhiệm đối với ông Trump đạt 44%, cao hơn đối thủ chính là đương kim Tổng thống Joe Biden, người nhận được tỷ lệ ủng hộ 38%.

Quan điểm về ông Trump được cải thiện một cách khiêm tốn trong dư luận Mỹ nói chung, nhưng lại tăng đáng kể trong nhóm người Mỹ da màu, gốc Latinh, cử tri trẻ tuổi và người thuộc tầng lớp lao động. Trong các cuộc khảo sát của Gallup vào cuối năm 2023, tỷ lệ ủng hộ ông Trump đạt mức cao nhất kể từ trước cuộc bầu cử năm 2020. Theo đó, khoảng 42% thanh niên Mỹ có thiện cảm với ông Trump vào tháng 10/2020, nhưng giảm xuống còn 28% vào tháng 1/2021, sau vụ bạo loạn Đồi Capitol. Đến tháng 12/2023, mức độ yêu thích của họ dành cho vị cựu tổng thống đã tăng trở lại mốc 42%. Mô hình tương tự cũng diễn ra ở nhóm người Mỹ không phải da trắng.

Theo giới chuyên gia, đà khôi phục tín nhiệm của cựu Tổng thống Trump có thể bắt nguồn từ ba lý do.

Đầu tiên, ông đang hưởng lợi vì tâm lý bi quan của công chúng trước nền kinh tế Mỹ. Lạm phát, lãi suất tăng và quan điểm trái chiều về quá trình phục hồi sau Covid-19 là những gánh nặng lớn nhất của Tổng thống Biden và Đảng Dân chủ. Ngày càng nhiều người Mỹ cho rằng nền kinh tế dưới thời ông Biden tồi tệ hơn thời ông Trump. Niềm tin kinh tế sụt giảm, mối lo ngại tăng lên và người Mỹ đang nợ thẻ tín dụng ngày càng nhiều khiến bức tranh toàn cảnh trở nên ảm đạm đối với đa số người dân. Dù tác động kinh tế từ đại dịch trong cả hai nhiệm kỳ tổng thống đều nằm ngoài tầm kiểm soát của người đứng đầu Nhà Trắng, nhưng không ít người tin rằng Tổng thống Biden phải chịu nhiều trách nhiệm nhiều hơn người tiền nhiệm về tình trạng trì trệ của nền kinh tế hiện nay.

Tôi sẽ bỏ phiếu cho Donald Trump vì tôi đồng ý với các chính sách của ông ấy. Tôi thích những gì ông ấy đã làm trong nhiệm kỳ lần trước, tôi không thích những gì đang xảy ra ở Mỹ bây giờ.

Bà Carolyn Pela – Cử tri ở Phoenix, bang Arizon

Nguyên nhân thứ hai giúp tỷ lệ ủng hộ ông Trump được cải thiện là do tỷ lệ này ban đầu khá thấp. Vụ bạo loạn Đồi Capitol năm 2020 đã đẩy vị thế của ông Trump xuống mức thấp tưởng như không thể hồi phục trong lòng công chúng Mỹ. Nhiều thành viên Đảng Cộng hòa cũng phản đối ông Trump vào thời điểm đó. Nhưng đến nay ký ức về vụ bạo loạn đã mờ nhạt, việc các đảng viên Cộng hòa bảo vệ ông Trump sau hàng loạt cáo trạng cũng là một động lực tác động tới quan điểm của công chúng.

Cuộc chiến tranh cử giữa Trump và Biden.

Lý do thứ ba là bởi công chúng ít chú ý tới cuộc bầu cử hơn so với trước đây. Trong các cuộc khảo sát của Gallup, tỷ lệ người Mỹ nói rằng họ theo dõi "rất chặt chẽ" tình hình chính trị quốc gia chỉ là 32% vào năm 2023, giảm gần 10 điểm phần trăm so với năm 2020. Bên cạnh đó, dù mức độ phủ sóng truyền thông của ông Trump hiện nay vẫn rất lớn nhưng không thể so sánh với chiến dịch tranh cử năm 2016 hay chiến dịch tái tranh cử năm 2020. Giới chuyên gia cho rằng việc giảm tần suất xuất hiện trên truyền thông có thể là một điều tốt với cựu Tổng thống Mỹ, khi ông ít bị công chúng đánh giá tiêu cực hơn vì những quan điểm gây tranh cãi.

Theo kết quả khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Mỹ tại Đại học Harvard và The Harris Poll công bố hôm 25/3, tỷ lệ ủng hộ cựu Tổng thống Trump chỉ hơn Tổng thống Biden 2 điểm phần trăm, là 51% so với 49%, với khoảng 9% cử tri chưa quyết định. Mặc dù ông Trump vẫn có lợi thế hơn, nhưng mức chênh lệch đã giảm so với cuộc khảo sát hồi tháng 2. Có thể thấy màn “tái đấu” vào tháng 11 giữa ông Biden và ông Trump sẽ diễn ra vô cùng căng thẳng và sít sao, với nhiều diễn biến bất ngờ và khó dự đoán.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Năm vừa qua, thế giới đã chi khoảng 2.440 tỷ USD cho mục đích quân sự, số tiền cao nhất từng có. Con số này tăng 6,8% so với năm 2022, tỷ lệ tăng cao nhất kể từ năm 2009. Theo đó, chi tiêu quân sự năm 2023 chiếm 2,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, tăng so với mức 2,2% của năm 2022. Có thể thấy, chừng nào những bất ổn về địa chính trị hiện nay chưa được giải quyết thì xu hướng tăng chi tiêu quốc phòng trên thế giới vẫn tiếp tục duy trì.

Châu Á sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong thương mại toàn cầu, đóng góp khoảng 45% vào tổng xuất khẩu của thế giới và hơn 80% vào nhập khẩu. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị và các chính sách không chắc chắn có thể cản trở sự phục hồi thương mại chung của thế giới trong hai năm tới.

Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua khoản viện trợ trị giá gần 61 tỷ USD cho Ukraine, với cuộc bỏ phiếu mang tính bước ngoặt tại Hạ viện hôm 20/3 và tại Thượng viện ngày 23/4, theo giờ địa phương. Liệu gói viện trợ của Mỹ có thể giúp Kiev xoay chuyển cục diện trên chiến trường hay chỉ làm xung đột kéo dài thêm?

Ông Trump bị cáo buộc làm giả hồ sơ để che đậy khoản thanh toán nhằm mua chuộc sự im lặng của một diễn viên phim người lớn về mối quan hệ với ông. Đây là phiên tòa đầu tiên mang tính lịch sử đối với một cựu tổng thống Mỹ và có thể là bước ngoặt đối với ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Chủ đề Ngày Trái đất năm 2024 là “Trái đất và nhựa” nhằm kêu gọi các quốc gia giảm 60% sản lượng tất cả các loại nhựa vào năm 2040, hướng đến chấm dứt việc sử dụng nhựa vì sức khỏe của con người và Trái đất.

Sau 20 năm lãnh đạo đất nước, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ từ nhiệm vào ngày 15/5/2024. Người kế nhiệm ông sẽ là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong. Đây là tiến trình chuyển giao lãnh đạo đã được lên kế hoạch từ lâu của Singapore, và được Thủ tướng Lý Hiển Long gọi là thời khắc quan trọng.