Ông Trump và bà Harris khác nhau thế nào?

Cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris có nhiều quan điểm và chính sách khác nhau về những vấn đề nổi cộm mà cử tri Mỹ quan tâm.

Vấn đề kinh tế được đặt lên hàng đầu

Thông điệp kinh tế từ cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều nhắm vào cử tri có thu nhập thấp và cố gắng thu hút cử tri phân cực ở các tiểu bang chiến trường quan trọng.

Trọng tâm trong các bài phát biểu của cả hai ứng viên trước những cử tri này là giảm thuế, giảm chi phí, kiểm soát lạm phát.

Trong bài trả lời phỏng vấn của hãng tin CNN hôm 29/8, bà Kamala Harris cho biết ưu tiên sau khi đắc cử của bà sẽ là giải quyết những khó khăn về kinh tế của tầng lớp trung lưu, với các biện pháp giảm chi phí sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe và nhà ở.

Bà Kamala Harris và ông Tim Walz trả lời phỏng vấn của Đài CNN hôm 29/8. Ảnh: MSNBC.

Một phần trọng tâm kinh tế của bà Harris sẽ là giảm giá hàng hóa, vì cho rằng hàng hóa đã đạt được lợi nhuận cao nhất trong hai thập kỷ. Bà Harris sẽ thúc đẩy lệnh cấm liên bang về việc tăng giá thực phẩm và hàng hóa.

Đề xuất cấm tăng giá thực phẩm đã ngay lập tức nhận được phản ứng chỉ trích từ các nhóm doanh nghiệp và các nhà kinh tế theo quan điểm truyền thống, cho rằng đề xuất này không khác gì kiểm soát giá cả, cảnh báo rằng điều này có thể phản tác dụng.

Việc kiểm soát giá có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt vì các doanh nghiệp không muốn sản xuất những mặt hàng mà họ không thể kiếm được lợi nhuận. Việc đặt ra mức giá trần đối với xăng và kiểm soát tiền thuê nhà ở của thành phố đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt cả hai.

Nhà kinh tế học Kent Smetters - Đại học Pennsylvania.

Bà Harris cũng đề xuất xóa bỏ thuế thu nhập liên bang đối với tiền típ của lao động ngành dịch vụ. Tuy nhiên, khác với ông Trump muốn xóa cả hai loại thuế đối với tiền típ, bà Harris vẫn giữ lại thuế tiền lương đối với tiền típ.

Bà Harris hứa hẹn hỗ trợ lên đến 25.000 đô la tiền đặt cọc cho những người mua nhà lần đầu đã trả tiền thuê nhà đúng hạn trong hai năm. Bà cũng tuyên bố sẽ giảm tiền thuê nhà. Để giải quyết vấn đề thiếu nhà ở, bà Harris đang kêu gọi xây dựng ba triệu đơn vị nhà ở mới trong bốn năm tới, cho cả mục đích cho thuê và mua.

Bà Harris đang đề xuất một khoản tín dụng thuế trẻ em mới là 6.000 đô la cho các gia đình có trẻ sơ sinh trong năm đầu đời. Chiến dịch cũng cho biết họ có kế hoạch đấu tranh để "khôi phục" khoản tín dụng thuế trẻ em mở rộng từ Kế hoạch Cứu trợ của Mỹ.

Theo kế hoạch của tôi, hơn 100 triệu người Mỹ sẽ được giảm thuế và chúng tôi sẽ thực hiện điều này bằng cách khôi phục hai khoản giảm thuế để giúp đỡ tầng lớp trung lưu và người lao động Mỹ, khoản tín dụng thuế thu nhập và khoản tín dụng thuế trẻ em.

Bà Kamala Harris - Ứng viên Tổng thống Mỹ.

Về vấn đề y tế, chiến dịch của bà Harris thông báo kế hoạch giảm giá thuốc. Chiến dịch cũng sẽ hợp tác với các tiểu bang để xóa nợ y tế cho hàng triệu người.

Bà Harris cũng công bố kế hoạch của Nhà Trắng nhằm cắt giảm thuế để giúp người Mỹ đủ khả năng chi trả cho bảo hiểm y tế thông qua Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng, còn được gọi là Obamacare, cho biết điều này sẽ giúp người Mỹ tiết kiệm trung bình 700 đô la cho phí bảo hiểm của họ.

Trong khi đó, ông Trump hứa sẽ “giảm thuế, tăng lương và thêm việc làm cho người lao động Mỹ” bằng cách ban hành mức thuế cơ sở toàn cầu có lợi cho sản xuất trong nước và đánh thuế các công ty nước ngoài.

Ông Trump cũng đề xuất nên áp dụng mức thuế quan từ 10% đến 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và sẽ áp dụng mức thuế quan 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ông Trump đã nói rằng một trong những ưu tiên hàng đầu của ông sẽ là gia hạn các đợt cắt giảm thuế rộng rãi năm 2017, được cho là chủ yếu giúp ích cho các tập đoàn và người giàu.

Ông Trump. Ảnh: Getty.

Dự luật năm 2017 đã cắt giảm thuế suất thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 21%. Ông Trump muốn cắt giảm thêm nữa, xuống còn 15%.

Về vấn đề lạm phát, trong bài phát biểu hôm 14/8, ông Trump cho biết sẽ "sử dụng mọi công cụ và thẩm quyền theo ý mình để hạn chế lạm phát và hạ giá tiêu dùng nhanh chóng" nếu tái đắc cử tổng thống. Trong đó, ông Trump hy vọng sẽ hạ giá năng lượng bằng cách tăng sản lượng dầu và khí đốt của Mỹ.

Mới đây nhất, hôm 29/8, trong buổi mít tinh tại Potterville, Michigan, ông Trump cho biết sẽ không đánh thuế đối với tiền típ và các chế độ phúc lợi an sinh xã hội nếu được bầu làm tổng thống.

Ngoài ra, ông cũng sẽ miễn phí dịch vụ thụ tinh trong ống nghiệm IVF cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Về vấn đề nhà ở, ông Trump đã đề xuất sử dụng đất liên bang để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở. Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa cũng tuyên bố sẽ thúc đẩy “quyền sở hữu nhà” bằng cách sử dụng các ưu đãi về thuế và hỗ trợ những người mua nhà lần đầu.

Phó Tổng thống Kamala Harris (trái) và ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: CNN.

Các nhà kinh tế cho rằng các kế hoạch kinh tế của cả ông Trump và bà Harris đều có thể gây thâm hụt ngân sách, làm tăng áp lực lạm phát.

Tuy nhiên, kế hoạch của ông Trump sẽ đẩy các con số tăng cao hơn. Một phân tích riêng từ Tax Foundation ước tính các khoản trợ cấp thuế và mở rộng chương trình liên bang mà bà Harris đề xuất có thể sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách của Mỹ thêm 1,7 nghìn tỷ USD trong 10 năm, và có thể tăng lên 2 nghìn tỷ USD nếu các chính sách nhà ở được thực hiện lâu dài.

Trong khi đó, theo số liệu của Trung tâm Chính sách Công Annenberg, trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, nợ liên bang đã tăng từ 14,4 nghìn tỷ đô la lên 21,6 nghìn tỷ đô la, chịu ảnh hưởng từ việc cắt giảm thuế, đặc biệt là việc ông Trump cắt giảm thuế doanh nghiệp.

Phân cực rõ ràng trong xử lý khủng hoảng nhập cư

Nhập cư là vấn đề khiến nước Mỹ đau đầu trong những năm gần đây. Đây cũng là vấn đề thể hiện rõ nhất sự khác biệt trong chính sách của cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris.

Trong khi ông Trump chủ trương trục xuất người nhập cư trái phép ra khỏi nước Mỹ thì bà Harris chủ trương tiếp tục chính sách nhập cư mềm mỏng hơn kế thừa từ Tổng thống Biden.

Nhập cư là vấn đề khiến nước Mỹ đau đầu trong những năm gần đây.

Ông Trump cho biết sẽ khởi động nỗ lực trục xuất lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, với con số lên đến khoảng 1,3 triệu người nếu ông làm tổng thống nhiệm kỳ thứ 2.

Ông sẽ khôi phục chương trình "Ở lại Mexico" mà ông đưa ra từ năm 2019, yêu cầu những người xin tị nạn tại biên giới Mỹ phải chờ ở Mexico trong khi hồ sơ của họ được xử lý.

Ông Trump cho biết ông sẽ chấm dứt chương trình mà ông gọi là "bắt và thả", thay vào đó sẽ giam giữ tất cả những người di cư bị bắt khi nhập cảnh vào Mỹ mà không được phép hoặc vi phạm các luật nhập cư khác.

Chính sách trục xuất người nhập cư của ông Trump có thể gây ra tình trạng thiếu hụt lao động trên thị trường việc làm và làm tăng giá cả. Các nghiên cứu từ Viện Peterson chỉ ra rằng việc trục xuất một số lượng lớn người lao động sẽ dẫn đến giảm sản lượng công nghiệp và gia tăng lạm phát, làm tổn hại đến nền kinh tế tổng thể.

Ông Adam Posen - Chuyên gia kinh tế người Mỹ.

Về phía bà Harris, bà bị Đảng Cộng hòa chỉ trích là một phần nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng nhập cư.

Tổng thống Biden đã giao cho bà Harris trách nhiệm quản lý mọi hoạt động nhập cư dọc theo biên giới phía Nam vào năm 2021. Dưới thời chính quyền Biden - Harris, số người di cư từ Mexico vượt biên vào Mỹ đạt mức cao kỷ lục vào cuối năm 2023.

Hồi tháng 6, chính quyền Tổng thống Biden còn nới lỏng chính sách nhập cư, có thể giúp khoảng 500.000 người nhập cư không có giấy tờ vào Mỹ tránh được nguy cơ bị trục xuất.

Dưới thời chính quyền Biden - Harris, số người di cư từ Mexico vượt biên vào Mỹ đạt mức cao kỷ lục vào cuối năm 2023.

Bà Harris tuyên bố rằng 5,2 tỷ đô la tiền cam kết từ các công ty tư nhân đã được thực hiện để hỗ trợ các cộng đồng Trung Mỹ nhằm ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ.

Những chính sách của bà Harris thừa hưởng từ Tổng thống Biden cho thấy một cách tiếp cận mềm mỏng hơn đối với vấn đề nhập cư, tập trung vào việc duy trì sự ổn định kinh tế và hạn chế những tác động tiêu cực đến nền kinh tế do giảm lượng lao động.

Những ưu tiên trong chính sách đối ngoại 

Chính sách đối ngoại là một trong những yếu tố được cử tri Mỹ rất quan tâm, đặc biệt là chính sách của Washington đối với các cuộc xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas, cũng như đối với các nước Trung Quốc, khu vực Trung Đông và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, bà Harris và ông Trump cũng coi chính sách đối ngoại là những quân át chủ bài để thu hút sự ủng hộ của cử tri.

Theo truyền thông Mỹ, Phó Tổng thống Harris được cho là sẽ chủ yếu tiếp tục chính sách đối ngoại của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden về các vấn đề quan trọng như xung đột Ukraine, Trung Quốc và Iran, nhưng có thể sẽ có giọng điệu cứng rắn hơn với đồng minh Israel nếu bà đắc cử tổng thống.

Bà Harris tuyên bố rằng Mỹ sẽ quyên góp hơn 1,5 tỷ đô la cho Ukraine, với nguồn tiền đến từ Bộ Ngoại giao và USAID.

Phó Tổng thống Harris được cho là sẽ chủ yếu tiếp tục chính sách đối ngoại của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden. Ảnh: Reuters.

Về vấn đề xung đột Israel - Hamas, bà Harris sẽ coi đây là một trong những ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự của bà. Khi mới bắt đầu đường đua Tổng thống Mỹ, bà Harris tuyên bố “đã đến lúc chấm dứt cuộc chiến ở Gaza”. Giới phân tích cho rằng nếu đắc cử Tổng thống Mỹ, bà Harris sẽ có lập trường cứng rắn hơn với Israel so với ông Biden.

Về chính sách với Trung Quốc, bà Harris từ lâu đã định vị lập trường nhất quán với quan điểm của lưỡng đảng Mỹ, nhấn mạnh sự cần thiết của việc Washington phải đối phó ảnh hưởng của Trung Quốc, đặc biệt là ở châu Á.

Các nhà phân tích cho rằng bà Harris có thể sẽ duy trì lập trường của Tổng thống Biden là đối đầu với Bắc Kinh khi cần thiết, đồng thời vẫn tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác.

Về vấn đề xung đột Israel - Hamas, bà Harris sẽ coi đây là một trong những ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự.

Châu Á cũng nằm trong ưu tiên chính sách đối ngoại của bà Harris. Với vai trò là Phó Tổng thống Mỹ, bà đã thực hiện một số chuyến thăm tới khu vực Đông Bắc Á, châu Á - Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy quan hệ trong khu vực kinh tế năng động.

Trong khi đó, chính sách đối ngoại của cựu Tổng thống Donald Trump vô cùng khó đoán. Cựu Tổng thống Trump đã nói rằng dưới thời ông, nước Mỹ sẽ phải suy nghĩ lại một cách cơ bản về "mục đích và sứ mệnh của NATO".

Ông Trump đã tuyên bố sẽ yêu cầu châu Âu hoàn trả cho Mỹ gần 200 tỷ USD tiền đạn dược mà Mỹ đã viện trợ cho Ukraine, và ông vẫn chưa đưa ra bất kỳ cam kết về việc gửi thêm viện trợ cho Kiev nếu giành chiến thắng trong cuộc đua Nhà Trắng năm nay.

Ông Trump nói rằng ông sẽ giải quyết chiến sự ở Ukraine một cách nhanh chóng nếu đắc cử, mặc dù tuyên bố các điều khoản mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu để đạt hoà bình là không thể chấp nhận được.

Tôi sẽ giải quyết cuộc xung đột Nga – Ukraine. Tôi sẽ ngăn chặn, và tôi là người duy nhất sẽ làm điều đó 100%. Chúng ta sẽ ngăn chặn Thế chiến thứ ba, điều này sắp xảy ra.

Ông Donald Trump - Ứng cử Tổng thống Mỹ.

Về xung đột Israel - Hamas, giới quan sát cho rằng ông Trump đã định vị mình là đồng minh của Israel, nhiều khả năng ông sẽ ủng hộ Israel một cách mạnh mẽ.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Fox News vào tháng 10, ông Trump cho biết "Chúng ta cần bảo vệ Israel. Không có lựa chọn nào khác". Cựu lãnh đạo Mỹ từng tuyên bố rằng lực lượng Hamas phải bị "đè bẹp".

Theo truyền thông Mỹ, ông Trump nói các chính sách của ông sẽ “loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong tất cả các lĩnh vực quan trọng”, bao gồm điện tử, thép và dược phẩm.

Chính sách đối ngoại của cựu Tổng thống Donald Trump vô cùng khó đoán. Ảnh: Getty Images.

Giới chuyên gia nhận định rằng một lần nữa chính sách của ông Trump đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một ẩn số khó đoán. Theo tạp chí Foreign Policy, một trong những tuyên bố đáng chú ý của cựu tổng thống đến nay là sẽ rút khỏi Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) mà ông Biden công bố.

Mặc dù có những sự khác biệt rõ rệt giữa các chính sách của ông Trump và bà Harris, nhưng sự thay đổi lớn trong chính sách vĩ mô và cách tiếp cận với các vấn đề chính trị và kinh tế chủ chốt hay vấn đề đối ngoại vẫn chưa rõ ràng.

Tác động của những chính sách này đối với nền kinh tế Mỹ và toàn cầu cần có thời gian để xác định rõ hơn sau khi một trong hai người đắc cử Tổng thống Mỹ vào cuộc bầu cử tháng 11 tới.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) diễn ra từ ngày 5 đến 9 tại Bắc Kinh. Đây là sự kiện ngoại giao quy mô lớn do Trung Quốc tổ chức với sự tham gia của các nhà lãnh đạo và đại diện từ hơn 50 quốc gia châu Phi.

Trong 24 giờ qua, Kiev thiệt hại 810 binh sĩ trong các trận giao tranh với quân thuộc nhóm quân Yug (phía Nam) của Nga. Nhóm này cũng đã phá hủy một kho đạn dược và hai xe bọc thép của Ukraine.

Biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ nước biển tăng lên gần mức kỷ lục ở Đại Tây Dương và nhiều khu vực khác trên thế giới sẽ khiến mùa bão năm nay hoạt động mạnh hơn bình thường.

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga, ngày 6/9, quân đội Nga đã đẩy lùi hai cuộc tấn công của Ukraine vào Matveyevka và Olgovka, đồng thời ngăn chặn các nỗ lực tấn công của Ukraine vào ba khu định cư.

Theo WHO, lô vaccine đậu mùa khỉ đầu tiên được gửi tới Cộng hòa Dân chủ Congo là một nỗ lực kiểm soát sự bùng phát dịch bệnh.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày 4/9 đã bắt đầu chuyến công du Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng khu vực tiếp tục gia tăng do cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Gaza.