Paris xoay xở với sông Seine sau khai mạc Olympic
Olympic mùa hè 2024 đang diễn ra tại Paris. Pháp muốn đưa dòng sông Seine dưới chân tháp Eiffel- một công trình biểu tượng của Paris - trở thành một điểm nhấn đặc biệt của Thế vận hội lần này thông qua lễ khai mạc đặc biệt trên sông Seine và tổ chức phần bơi của môn thi phối hợp trên sông.
Trước đó, để thực hiện những mục tiêu này, Pháp đã cố gắng khắc phục tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng của sông Seine để biến nó trở thành một dòng sông đáp ứng tiêu chuẩn cho các hoạt động của Olympic.
Màn khai mạc trên sông gây tranh cãi
Sự kiện khai mạc Olympic không diễn ra trong sân vận động như phần lớn các sự kiện thể thao lớn khác, mà diễn ra dọc trên sông Seine cùng địa điểm mang tính biểu tượng của Thủ đô nước Pháp như Tháp Eiffel. Một phần trong lễ khai mạc được cho là dàn dựng lại bức tranh "Bữa tối cuối cùng" của danh họa Leonardo da Vinci.
Theo truyền thông quốc tế, màn trình diễn này được cho là giống với cảnh trong Kinh thánh về bữa tiệc cuối cùng của Chúa Jesus và các vị tông đồ. Điều đáng nói là màn trình diễn các có sự góp mặt của các drag-queen (nam giả nữ), một người mẫu chuyển giới và những hình ảnh không đáng có tại một sự kiện quốc tế quan trọng như vậy. Theo Reuters, màn trình diễn đã khiến Giáo hội Công giáo và những người theo tôn giáo cánh hữu ở Mỹ vô cùng thất vọng.
Trong buổi họp báo tổ chức một ngày sau Lễ Khai mạc, người phát ngôn của Olympic Paris 2024 Anne Descamps đã lên tiếng xin lỗi nếu những hình ảnh đó khiến mọi người bị xúc phạm.
"Rõ ràng là chúng tôi không bao giờ có ý định thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với bất kỳ nhóm tôn giáo nào. Ngược lại, tôi nghĩ rằng Giám đốc nghệ thuật Thomas Jolly thực sự có ý định tôn vinh sự khoan dung của cộng đồng... Tất nhiên, nếu mọi người cảm thấy bị xúc phạm, chúng tôi thực sự rất xin lỗi", bà Anne Descamps, người phát ngôn của Olympic Paris 2024 phát biểu.
Bên cạnh màn trình diễn “Bữa tiệc cuối cùng” gây tranh cãi, Olympic Paris 2024 còn ghi dấu là kỳ thế vận hội đầu tiên tổ chức lễ khai mạc trong không gian mở dọc sông Seine. Khoảng 100 chiếc thuyền lớn, nhỏ chở thành viên của các đoàn thể thao diễu hành trên đoạn sông dài 6 km chảy qua trung tâm thủ đô Paris. Đoàn diễu hành đi qua một số cây cầu và những địa danh mang tính biểu tượng của nước Pháp như Nhà thờ Đức Bà, Bảo tàng Louvre và nhiều điểm tổ chức Thế vận hội như Quảng trường Concorde, Bảo tàng Invalides, Cung điện Grand Palais và Cầu Iena.
Trong khi các đoàn thể thao diễu hành trên sông, các chương trình biểu diễn nghệ thuật ở bên bờ sông Seine đã diễn ra. Đây là điều khác biệt lớn so với các lễ khai mạc Olympic tại sân vận động khi các chương trình diễn ra theo thứ tự.
Nỗ lực làm sạch sông Seine
Mặc dù sông Seine mang tính biểu tượng, với những địa điểm ngắm cảnh bên bờ sông đẹp như tranh vẽ, nhưng đây cũng là một dòng sông bị ô nhiễm, gây rủi ro đối với sức khỏe con người nên thành phố Paris đã cấm bơi ở sông Seine từ lâu.
Trước lễ khai mạc nhiều tháng, Paris đã nỗ lực tiến hành nhiều biện pháp làm sạch sông Seine, với tham vọng biến dòng sông này trở thành một di sản của Olympic Paris, nơi các vận động viên có thể bơi lội trong phần thi 3 môn phối hợp. Đây là công việc không hề đơn giản và sẽ mất nhiều thời gian đối với một dòng sông đã ô nhiễm hơn 100 năm qua.
Quá trình khôi phục dòng sông bắt đầu từ nhiều năm trước khi hầu hết các bờ sông đều bị đóng cửa đối với giao thông và chỉ dành cho người đi bộ, nhưng nỗ lực đã được đẩy nhanh khi Paris giành được quyền đăng cai Olympic.
Ban tổ chức Olympic muốn làm sạch sông Seine, dù chỉ là tạm thời, để tổ chức môn bơi đường dài và chặng dưới nước của hạng mục thi ba môn phối hợp. Chính quyền Paris đã dành gần 1,5 tỷ đô la Mỹ vào việc xây dựng một bể chứa lớn dưới sông Seine để chứa nước mưa trong những trận mưa lớn và bão. Bể chứa này có thể chứa lượng nước tương đương với 20 bể bơi Olympic.
Nước mưa trong bể được dẫn vào một cơ sở xử lý nước thải, nơi nước được xử lý và sau đó nước sạch được chảy trở lại sông Seine. Các kỹ sư cũng đã nâng cấp đường ống nước thải từ thuyền và bến tàu dọc theo sông Seine để hạn chế lượng nước thải ô nhiễm thấm vào sông.
Trong nỗ lực chứng minh với thế giới về mức độ sạch sẽ và an toàn của sông Seine, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo và Chủ tịch Ủy ban tổ chức Paris 2024 Tony Estanguet đã bơi ở sông Seine hôm 17/7.
Bà Anne Hidalgo, Thị trưởng Paris cho biết: "Khi chúng ta làm sạch sông Seine, điều này sẽ cho phép tổ chức các sự kiện Olympic. Nhưng trên hết, bằng cách làm sạch sông, chúng ta góp phần bảo vệ đại dương và đảm bảo rằng tất cả nước sau đó chảy ra biển đều sạch hơn và đây cũng là cuộc chiến của chúng ta vì các thế hệ tương lai".
"Chúng tôi đã tiến hành trong ba tuần nay, chất lượng nước của sông Seine đã đạt tiêu chuẩn. Có thể có mưa trong vài giờ hoặc thậm chí là một ngày, trong trường hợp đó, sông Seine sẽ không còn đạt tiêu chuẩn nữa, nhưng đó là lý do tại sao chúng tôi đã lên kế hoạch cho những ngày dự phòng với Ủy ban tổ chức Olympic, ông Marc Guillaume, Thị trưởng khu vực Paris cho hay.
Chất lượng nước sông không ổn định
Tưởng như Paris đã tự tin rằng nước sông Seine đủ tiêu chuẩn cho các hoạt động bơi lội của Olympic. Tuy nhiên, hoạt động của hàng trăm tàu thuyền trên sông và hoạt động của hàng nghìn người dọc theo bờ sông trong lễ khai mạc, cùng với cơn mưa kéo dài trong hai ngày đầu sau khai mạc Olympic đã khiến tình trạng dòng sông tồi tệ trở lại, gây ra những tranh cãi trong nước và quốc tế, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình tổ chức giải đấu của Olympic.
Bất chấp những nỗ lực làm sạch, sông Seine vẫn tiếp tục đối mặt với thách thức cho đến tận các sự kiện đã lên kế hoạch. Sau các cuộc kiểm tra chất lượng nước vào sáng sớm ngày 30/7, các quan chức đã hoãn sự kiện ba môn phối hợp dành cho nam (gồm bơi 1500m, đạp xe 40km và chạy bộ 10km) dự kiến diễn ra vào ngày hôm đó sang ngày 31/ 7 vì các chỉ số chất lượng nước "vượt quá giới hạn cho phép". Quyết định này là một đòn giáng mạnh vào ban tổ chức, vì trước đó, họ từng rất tin tưởng chất lượng nước sẽ được cải thiện kịp thời khi bước vào cuộc thi. Tuy nhiên, mọi thứ không như dự đoán sau những trận mưa lớn ngày 26 và 27/7 khiến mức độ ô nhiễm tăng lên.
Ba ngày liên tiếp sau lễ khai mạc, mức độ vi khuẩn không đủ an toàn để bơi sau trận mưa lớn kéo dài khiến các quan chức phải hủy các buổi tập luyện trên sông. Các cuộc thử nghiệm tiếp tục cho thấy mức độ vi khuẩn không an toàn trong nước, đặc biệt là E.coli và enterococcus. Mức độ E.coli - gây nhiễm trùng - tăng lên 2.000 CFU trong 100ml, cao gấp hai lần mức cho phép, tại cầu Alexandra III, nơi cuộc đua bắt đầu. Trong khi đó, Liên đoàn ba môn phối hợp thế giới quy định mức độ phải thấp hơn 1.000 CFU trong 100ml.
Các nhà tổ chức đã lựa chọn một địa điểm thay thế cho môn bơi marathon. Ngoài ra còn có một kế hoạch dự phòng là hoãn cuộc thi ba môn phối hợp hoặc hủy hoàn toàn phần thi bơi nếu dòng sông được coi là không an toàn vào những ngày thi đấu. Sự không chắc chắn này đã khiến các vận động viên vốn đã hồi hộp trước giải đấu tầm cỡ thế giới càng thêm căng thẳng.
Anh Hayden Wilde, vận động viên ba môn phối hợp người New Zealand chia sẻ: “Tham gia bơi là một phần môn thể thao của tôi. Nếu không có kỷ luật nhất định trong môn thể thao của mình, nếu bạn giành chiến thắng hoặc làm tốt chỉ với hai môn, thì nó chỉ giống như một chiến thắng vô nghĩa. Vì vậy, tôi nghĩ tất cả chúng tôi đều thực sự muốn nó trở thành một cuộc thi ba môn phối hợp, tôi nghĩ, chúng tôi thực sự cần phải bơi”.
Mặc dù đến ngày 31/7, cuộc thi ba môn phối hợp vẫn được tổ chức khi nước sông Seine đã đạt tiêu chuẩn do trời đã tạnh mưa, tuy nhiên, những lo lắng về nguy cơ tiềm ẩn mà nước sông gây ra cho vận động viên vẫn không lắng xuống.
Sau cuộc thi, không ít vận động viên đã phàn nàn về chất lượng nước của sông Seine. Vận động viên người Bỉ Jolien Vermeylen đã có những chia sẻ với tờ The Sun (Anh) về trải nghiệm bơi trên sông. Cảm nhận của Jolien là không mấy ấn tượng với chất lượng nước của sông Seine.
Trả lời phỏng vấn báo chí sau cuộc đua, Jolien cho biết: "Tôi đã uống nhiều nước và tôi cũng không biết mình sẽ bị ốm hay không. Khi bơi tại đây, tôi cảm thấy và nhìn thấy những điều mà có lẽ chúng ta không thể nghĩ đến hoặc tôi không nên nói ra. Sông Seine đã ô nhiễm trong cả trăm năm qua và ban tổ chức không thể nói rằng sự an toàn của các VĐV là ưu tiên hàng đầu bởi điều đó thật nhảm nhí".
Còn vận động viên Leo Bergere, người Pháp, Huy chương Đồng trong ba môn phối hợp dành cho nam cho rằng: “Chúng tôi đã xoay xở để thích nghi với những gì đã xảy ra với báo cáo thử nghiệm chất lượng nước ngày hôm qua. Đây là môn thể thao mà bạn phải thích nghi với rất nhiều điều không lường trước được”.
Nếu dòng sông tiếp tục có mức độ ô nhiễm dao động, các vận động viên có thể gặp rủi ro về sức khỏe dù các quan chức quyết định rằng dòng sông an toàn để bơi trong sự kiện theo lịch trình. Các chất gây ô nhiễm hữu cơ phổ biến nhất - vi khuẩn E. coli và vi khuẩn enterococcus - là nguyên nhân gây ra các bệnh về đường tiêu hóa. Ngoài ra, có thể có các chất ô nhiễm hóa học từ dòng chảy của chất thải công nghiệp chảy ra sông, có thể gây ra các rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe, cũng như kích ứng da.
Các cuộc kiểm tra thường xuyên trên sông cho thấy mức độ vi khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn ecoli, ở sông Seine là vấn đề dai dẳng trong vài tháng qua, từ trước thềm Olympic. Đây thực sự là mối lo ngại đối với ban tổ chức Olympic và chính quyền Paris.
Anh Teo Lhomme Fauveau, người dân Paris bày tỏ: "Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta làm việc này cách đây hai năm, thì chất lượng nước sông sẽ tốt hơn một chút. Bởi vì, vấn đề không chỉ là các loại rác trong sông. Vấn đề chủ yếu là vi khuẩn”.
Việc xử lý hoàn toàn chất lượng nước sông Seine không hề đơn giản. Trong khi các quốc gia có hệ thống thoát nước thải tân tiến hơn sẽ có xu hướng xây dựng hai hệ thống đường ống riêng: một cho tất cả nước thải sinh hoạt và một cho nước mưa... thì các thành phố lâu đời như London và Paris tồn tại một thứ gọi là hệ thống thoát nước thải kết hợp - tất cả nước thải đều được trộn lẫn.
Trong những trận mưa lớn, nước thải chảy vào các nhà máy xử lý nước bị trộn lẫn với nước tràn từ mưa và các hệ thống xử lý thông thường của các cơ sở này bị quá tải bởi khối lượng nước khổng lồ cần được xử lý. Một phần nước chưa qua xử lý đó sau đó chảy vào sông Seine, làm ô nhiễm dòng sông, không phù hợp cho các hoạt động bơi lội.
Bà Natalie Exum, Phó giáo sư về sức khỏe môi trường và kỹ thuật tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg đưa ra quan điểm: “Tôi sẽ không khuyên bất kỳ ai trên thế giới bơi ở sông 24 giờ sau một đợt xả lớn. Toàn bộ hệ thống thoát nước thải được thiết kế để xử lý khả năng lưu lượng thấp, chứ không phải nước phun trào. Các hệ thống này không được thiết kế để xử lý cường độ của các trận mưa mà chúng ta đang chứng kiến do biến đổi khí hậu".
Thông thường, một lượng vi khuẩn nhất định có nguồn gốc từ nước thải cũng có thể bị tiêu diệt bởi tia cực tím của mặt trời và nhiệt độ cao hơn. Nhưng một mùa xuân nhiều mưa và nhiều mây ở Paris đã tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển mạnh trong sông. Và dự báo tuần đầu tiên của Thế vận hội là nhiều mây. Ngay cả khi các quan chức xây dựng bể tràn để hứng nước thải trong những trận mưa lớn, dòng sông vẫn tiếp tục chứa mức vi khuẩn không an toàn.
Bà Exum cho rằng bể nước là một bước quan trọng nhưng không đủ để thực sự làm sạch sông Seine. "Về cơ bản, việc tách hệ thống nước mưa khỏi hệ thống cống rãnh trên khắp Paris là điều cần phải thực hiện nhưng phải mất hàng thập kỷ và là một quá trình lặp đi lặp lại. Các thành phố như Paris không có quá nhiều không gian xanh để hấp thụ nước mưa cuối cùng lại đổ phần lớn nước mưa vào hệ thống cống ngầm, điều này chỉ làm tăng thêm ô nhiễm trong sông”, bày Exum cho hay.
Gần 10 năm với 1,6 tỷ EURO (tương đương 1,5 tỷ đô la Mỹ) là những gì Pháp bỏ ra với khát vọng làm nên kỳ tích, đó là biến sông Seine - con sông ô nhiễm đến mức việc bơi ở đây đã bị cấm suốt 100 năm qua - trở thành nơi các vận động viên của Olympic Paris 2024 có thể tham gia thi đấu.
Trước thềm Olympic, các nhà chức trách Paris đã khẳng định nước sông đạt tiêu chuẩn để bơi. Tuy nhiên, chỉ cần một trận mưa lớn lại khiến mức ô nhiễm của sông vượt quá tiêu chuẩn cho phép, không đảm bảo an toàn cho hoạt động bơi lội trên sông.
Mặc dù không phải mọi nỗ lực của Pháp trong việc cải tạo sông Seine đều là vô ích, nhưng việc làm cho sông Seine sạch hoàn toàn trở lại không thể thực hiện trong ngày một ngày hai.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cảnh báo sẽ yêu cầu đồng minh giao lại kênh đào này nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được.
Đảng Dân chủ đối lập ở Hàn Quốc đã kêu gọi quyền Tổng thống Han Duck Soo nhanh chóng ký ban hành dự luật bổ nhiệm cố vấn đặc biệt để điều tra Tổng thống Yoon Suk Yeol và đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee.
Không giống như truyền thống, năm nay, một nhóm ông già Noel tại thủ đô Argentina đã đổi xe trượt tuyết của họ lấy một đoàn xe máy đi phát quà, nhằm mang lại niềm vui và không khí lễ hội cho trẻ em tại các bệnh viện trên khắp thành phố.
Lễ hội Băng Tuyết Cáp Nhĩ Tân lần thứ 26 chính thức khai mạc vào cuối tuần qua tại thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, mở ra một thế giới trải nghiệm kỳ diệu như trong mơ dành cho du khách trong nước và quốc tế.
Một chiếc trực thăng đã đâm vào một bệnh viện ở phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ vào Chủ nhật, khiến bốn người thiệt mạng, gồm hai phi công, một bác sĩ và một nhân viên trên máy bay. Không có ai bên trong tòa nhà hoặc trên mặt đất bị thương.
Cảnh sát Nigeria ghi nhận đã có ít nhất 13 người thiệt mạng trong hai vụ giẫm đạp nhận quà từ thiện tại nước này, đa số các nạn nhân là phụ nữ và trẻ em.
0