Phá vỡ bế tắc về đàm phán ứng phó rác thải nhựa

Tại Busan, Hàn Quốc, vòng đàm phán thứ 5 và cũng là vòng cuối cùng của Ủy ban đàm phán Liên chính phủ về ô nhiễm nhựa đang diễn ra. Đây là nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận toàn cầu về chống ô nhiễm nhựa, sau bốn vòng đàm phán trước đó chưa mang lại kết quả tích cực.

Hướng tới thoả thuận toàn cầu về chống ô nhiễm nhựa

Phiên họp kéo dài một tuần (từ 25/11 đến 1/12) tại Busan dự kiến sẽ tập trung vào việc tìm kiếm đồng thuận giữa các quốc gia nhằm phá vỡ thế bế tắc hiện nay.

Tại cuộc họp của Ủy ban đàm phán Liên chính phủ về ô nhiễm nhựa diễn ra tại Busan, các đại diện là thành viên của Liên minh Tham vọng cao (HAC), trong đó có Anh, Nhật Bản và Liên minh châu Âu, đã kêu gọi một hiệp ước toàn cầu mạnh mẽ nhằm loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa vào năm 2040.

Hiệp ước này được kỳ vọng sẽ đưa ra một khung pháp lý toàn diện, bao quát toàn bộ vòng đời của nhựa, từ khâu sản xuất, tiêu thụ cho đến xử lý. Mục tiêu cuối cùng là giảm đáng kể lượng nhựa thải ra môi trường, bảo vệ hệ sinh thái biển và sức khỏe con người.

Một trong những điểm nhấn quan trọng trong tuyên bố chung của HAC là cần thiết phải giảm sản xuất và tiêu thụ polymer nhựa nguyên sinh. Đây được xem là chìa khóa để giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm nhựa.

Thời khắc quyết định để chấm dứt ô nhiễm nhựa đã đến. Chúng ta đang đứng trước thời khắc lịch sử để chấm dứt cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa trên thế giới và bảo vệ môi trường.

Bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành Chương trình môi trường Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, quá trình đàm phán để đạt được một hiệp ước toàn cầu về nhựa vẫn còn nhiều khó khăn. Các quốc gia thành viên vẫn đang tranh cãi về phạm vi và mức độ ràng buộc của hiệp ước, đặc biệt là vấn đề điều chỉnh sản xuất nhựa.

Tổng cộng 66 quốc gia, dẫn dầu là Na Uy và Rwanda, cho biết họ muốn giải quyết tổng lượng nhựa trên Trái Đất bằng cách kiểm soát thiết kế, sản xuất, tiêu thụ nhựa và những gì xảy ra khi loại vật liệu này hết vòng đời. Tuy nhiên, một số quốc gia đi đầu trong sản xuất đồ nhựa và dầu khí, trong đó có Ả Rập Xê Út, phản đối mạnh mẽ những giới hạn như vậy.

Dù vậy, cũng có nhiều điểm thu hút sự đồng thuận của nhiều quốc gia, chẳng hạn như hiệp ước phải có các điều khoản thúc đẩy việc thiết kế lại các sản phẩm nhựa để chúng có thể được tái chế và tái sử dụng. Nhiều nước còn muốn đầu tư để quản lý rác thải nhựa tốt hơn, đồng thời tăng tỷ lệ tái chế và giúp những người làm nghề thu gom rác chuyển sang các công việc an toàn hơn.

Sau cùng, mọi quốc gia đều muốn hướng đến mục tiêu chung là bảo vệ sức khỏe con người và môi trường.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), sản lượng polymer tổng hợp toàn cầu - chất liệu tạo thành nhựa khối, đã tăng gấp 230 lần kể từ những năm 1950.  Giai đoạn 2000 - 2019, con số này tăng gấp đôi lên 460 triệu tấn, tập trung chủ yếu ở Mỹ, Trung Đông và Trung Quốc.

Theo OECD, nếu không có biện pháp kiểm soát, đến năm 2060, con số đó sẽ tăng gần gấp ba lần, lên 1,2 tỷ tấn. Tỷ lệ thuận với sản lượng nhựa tăng mạnh, khối lượng rác thải nhựa trên toàn cầu cũng tăng gấp hơn 2 lần trong vòng 20 năm qua, từ 156 triệu tấn trong năm 2000 lên 353 triệu tấn vào năm 2019 và dự kiến sẽ tăng lên hơn 1 tỷ tấn vào năm 2060.

Điều đáng quan ngại là cách xử lý lượng rác nhựa khổng lồ này. Theo OECD, chỉ 9% rác thải nhựa trên thế giới được tái chế, 19% được đốt có kiểm soát và gần 50% được đưa đến các bãi chôn lấp có kiểm soát. Khoảng 22% lượng rác thải nhựa có điểm đến cuối cùng là các bãi rác, bị đốt ngoài trời hoặc thải trực tiếp ra môi trường, gây nguy cơ lớn cho sức khỏe con người. Khoảng 22 triệu tấn nhựa được thải ra môi trường mỗi năm, trong đó có 6 triệu tấn trôi nổi dưới sông, hồ và biển.

OECD dự đoán đến năm 2060, khối lượng rác thải nhựa trong môi trường sẽ tăng gấp hai lần, lên 44 triệu tấn, chủ yếu là loại nhựa lớn, song chưa có thống kê chính xác về tình trạng hạt rác nhựa trong cơ thể con người và sinh vật.

Rác thải nhựa tràn ngập tại đập thuỷ điện ở Congo

Nhiều thành phố ở Cộng hoà dân chủ Congo đang bị mất điện trên diện rộng, mà thủ phạm chính được cho là do rác nhựa tràn lan trên đập thủy điện chính ở nước này. Các loại chai nhựa, can nhựa và mảnh vụn nhựa trôi dạt từ các khu vực lân cận đã tích tụ tại đập thủy điện, biến nơi đây thành điểm tập kết của hàng nghìn tấn rác thải.

Đập thuỷ điện Ruzizi, phía nam hồ Kivu, là nơi cung cấp điện cho nhiều thành phố ở Congo. Những cơn mưa lớn đã đẩy rác thải từ các địa hình núi non xuống hồ, gây tắc nghẽn con đập, ảnh hưởng đến hoạt động của nhà máy thủy điện, gây mất điện diện rộng và gián đoạn hoạt động kinh doanh.

Rác thải chặn dòng nước khiến cho nước không thể tiến vào các đường ống để cung cấp áp suất và vận tốc cho các cỗ máy hoạt động.

Ông Ljovy Mulemangabo, Giám đốc khu vực Nam Kivu và Maniema của Snel.

Rác thải nhựa trải dài khoảng 90 km dọc theo biên giới giữa Cộng hoà dân chủ Congo và Rwanda, với độ sâu tích tụ lên tới 14 mét, gây ách tắc khiến các đầu máy phát điện không thể hoạt động.

Để duy trì hoạt động của tuabin thủy điện, thợ lặn phải thực hiện công việc làm sạch đáy sông thường xuyên, trong khi việc dọn rác trên bề mặt cũng được tiến hành hàng ngày. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được kiểm soát triệt để, đặt ra thách thức lớn đối với cả chính quyền và cộng đồng địa phương. Giới chức địa phương Congo kêu gọi các hộ dân ngừng xả rác và cùng chung tay thu thập rác thải nhựa từ đầu nguồn để ngăn chặn rác thải đổ xuống hồ.

Nạn rác thải nhựa không chỉ làm gián đoạn sản xuất điện mà còn đe dọa nghiêm trọng đến môi trường và đời sống sinh hoạt của người dân trong khu vực. Đây là lời cảnh báo về sự cần thiết phải có các biện pháp hiệu quả để quản lý rác thải và bảo vệ hệ sinh thái trong khu vực.

Làn sóng phản đối nhựa trong ngành công nghiệp K-pop 

Ngành công nghiệp K-pop, biểu tượng văn hóa đại chúng Hàn Quốc, đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích từ chính người hâm mộ khi việc sử dụng sản phẩm nhựa đang góp phần làm gia tăng ô nhiễm môi trường. Giới trẻ Hàn Quốc đang nỗ lực kêu gọi các công ty ở nước này chấm dứt việc sử dụng nhựa trong ngành công nghiệp giải trí. Đặc biệt là trong ngành công nghiệp âm nhạc K-pop.

Hầu hết các sản phẩm K-pop, từ đĩa CD, bao bì, đến bìa album, đều chứa nhựa – thứ vật liệu gây hại lớn cho môi trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ phát triển và các nền tảng phát trực tuyến chiếm lĩnh thị trường, việc sử dụng đĩa CD đã trở nên lỗi thời. Theo báo cáo năm 2024 của Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc, chỉ có 8% người Hàn Quốc sử dụng album vật lý để nghe nhạc.

Điểm thu hút người hâm mộ không nằm ở chính album mà ở các thẻ ảnh của thần tượng được đi kèm. Vì không thể biết trước thẻ ảnh nào có trong album, người hâm mộ thường mua nhiều album để thu thập đủ bộ hoặc sở hữu ảnh của thành viên mình yêu thích. Ngoài ra, các công ty K-pop còn tổ chức sự kiện giao lưu với thần tượng thông qua hình thức xổ số, nơi cơ hội tham gia phụ thuộc vào số lượng album mà người hâm mộ mua.

Doanh số album vật lý tại Hàn Quốc đã tăng gần ba lần trong ba năm, đạt hơn 119 triệu bản vào năm 2023. Điều này khiến lượng nhựa tiêu thụ bởi ngành công nghiệp K-pop tăng vọt, lên khoảng 800 tấn vào năm 2022, gấp 14 lần so với năm 2017.

Kim Na Yeon, người hâm mộ K-pop, từng mua số lượng lớn album mỗi khi thần tượng phát hành đĩa mới để tìm photocard hiếm ẩn dưới bìa đĩa. Bộ sưu tập album đĩa CD của Kim Na Yeon dày lên theo năm tháng, buộc cô phải đặt câu hỏi về tác động của chúng đối với môi trường.

Hầu hết mọi người đều nghe nhạc qua các nền tảng trực tuyến. Tuy nhiên, các công ty giải trí vẫn tiếp tục sản xuất hàng loạt album CD vì mục đích tiếp thị, gây ra tình trạng lãng phí nghiêm trọng. Những album này làm từ vật liệu rất khó tái chế. Việc này khiến tôi cân nhắc đến lượng carbon phát thải để sản xuất hoặc tiêu hủy chúng.

Cô Kim Na Yeon, thành viên nhóm Kpop4Planet.

Cô Kim Na Yeon đã tham gia một nhóm bảo vệ khí hậu có tên Kpop4Planet. Nhóm thành lập năm 2020 bởi một fan K-pop người Indonesia với tôn chỉ hoạt động là K-pop phải chịu trách nhiệm về tác động của ngành với môi trường.

Kpop4Planet nhiều lần tổ chức biểu tình bên ngoài trụ sở một số hãng thu âm kêu gọi chấm dứt "tội lỗi của album sản xuất từ nhựa". Nhóm đang thu thập chữ ký vào bản kiến nghị giảm sản xuất nhựa và các chương trình tiếp thị thúc đẩy tiêu thụ đĩa CD trong bối cảnh doanh số bán đĩa tiếp tục tăng mạnh.

Để hạn chế sản xuất và mua bán đĩa CD, Bộ Môi trường Hàn Quốc bắt đầu áp dụng hình phạt từ năm 2023, nhưng số tiền phạt ít ỏi không thể tác động tới doanh thu khổng lồ từ bán album. Yoon Hye Rin, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách lưu thông tài nguyên Bộ Môi trường Hàn Quốc, cho biết số tiền phạt thu về từ các hãng đĩa năm 2023 khoảng hai tỷ won (143.000 USD).

Một số công ty giải trí K-pop cho biết họ đang sử dụng vật liệu tái chế hoặc thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, nhóm Kpop4planet cho rằng chỉ khi thay đổi chiến lược tiếp thị thì mới có thể dẫn đến quảng cáo xanh.

Biến nhựa thành tác phẩm móng tay nghệ thuật

Tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản, cô Naomi Arimoto, một chủ tiệm làm móng đã biến niềm đam mê với nghệ thuật làm móng thành một chiến dịch bảo vệ môi trường độc đáo. Trong khi vẫn miệt mài hàng ngày với nỗ lực của mình, cô hiểu rằng vấn đề hạn chế rác thải nhựa thải ra môi trường không phải là vấn đề mà chỉ riêng một cá nhân có thể giải quyết được, mà cần sự chung tay của mọi người trên thế giới.

Bằng cách sử dụng rác thải nhựa thu gom từ các bãi biển, cô Arimoto đã tạo ra các mẫu móng nghệ thuật đầy màu sắc. Cô bắt đầu nhận thức sâu sắc về tác động của ô nhiễm nhựa khi tham gia các hoạt động dọn dẹp bãi biển.

Khi tôi thấy tận mắt số lượng rác thải nhựa trên biển, tôi cảm thấy thật sự sốc và kinh hoàng. Chính trải nghiệm này đã thúc đẩy tôi quyết tâm hành động.

Cô Naomi Arimoto, thợ làm móng tại Nhật Bản.

Sau khi mắc một căn bệnh về cột sống buộc phải từ bỏ công việc xã hội vào năm 2018, Arimoto đã mở một tiệm làm móng tại nhà. Từ năm 2021, cô bắt đầu thu thập rác nhựa từ biển, hay còn gọi là “umigomi”, để sáng tạo ra những bộ móng đầy tính nghệ thuật. Mỗi tháng, cô sử dụng chiếc xe lăn đặc biệt để lùng tìm những mảnh nhựa nhỏ trên bãi biển.

Quá trình tạo ra bộ móng từ rác biển bắt đầu bằng việc rửa sạch nhựa và phân loại chúng theo màu sắc. Sau đó, cô cắt nhựa thành từng mảnh nhỏ và nung chảy chúng thành những dải nhựa màu sắc, rồi gắn chúng vào móng giả. Mỗi bộ móng nghệ thuật có giá từ 12.760 yen (khoảng 82,52 USD).

Một trong những khách hàng của cô, bà Kyoko Kurokawa, 57 tuổi, bày tỏ sự ngạc nhiên trước sự sáng tạo của cô Arimoto: “Tôi biết có những vật dụng tái chế như giấy vệ sinh hay các đồ dùng hàng ngày, nhưng không thể tưởng tượng rằng có thể làm móng từ nhựa tái chế. Điều này thật sự bất ngờ!”

Dù tự nhìn nhận công việc của mình chỉ như một giọt nước trong đại dương ô nhiễm nhựa, Arimoto vẫn tin rằng mỗi hành động nhỏ đều có thể tạo ra sự thay đổi. Cô chủ tiệm hết lòng vì môi trường hy vọng thông qua những bộ móng nghệ thuật này, khách hàng sẽ vừa có những trải nghiệm thú vị về thời trang, làm đẹp, vừa nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Tham dự vòng đàm phán tại Busan, hầu hết các phái đoàn đều đồng thuận rằng ô nhiễm rác thải nhựa là một vấn đề cấp bách hiện nay. Ô nhiễm nhựa không có biên giới và là vấn đề môi trường cấp bách thứ hai sau biến đổi khí hậu. Ô nhiễm nhựa hiện diện khắp mọi nơi, không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống, đe dọa hệ sinh thái mà còn tác động trực tiếp đến sức khỏe con người. Để giải quyết vấn đề này không chỉ cần những giải pháp mang tính vĩ mô của mỗi quốc gia mà còn cần đến sự chung tay của tất cả mọi người, bắt đầu từ hành động bảo vệ môi trường nhỏ nhất của mỗi cá nhân.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Châu Âu và Mỹ đang phải đối mặt với dịch cúm mùa đông khi nhiều người đi lại, tụ họp trong dịp lễ cuối năm và đón năm mới. Hàng chục nghìn ca mắc đã được ghi nhận, phổ biến nhất là chủng virus cúm B.

Trung Quốc đang đối mặt với số ca nhiễm các bệnh hô hấp liên quan đến virus HMPV gia tăng, dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện. Đợt bùng phát xảy ra 5 năm sau khi thế giới lần đầu phát hiện dịch Covid-19, khiến nhiều người lo lắng viễn cảnh về đại dịch khác.

Trung Quốc mới đây đã ra mắt chiếc ô tô điện vừa chạy vừa bay đầu tiên mang tên "Dongda Kunpeng-1" do nhóm nghiên cứu của Đại học Đông Nam phát triển.

Ngày 4/1, Bộ trưởng Quốc phòng Israel - Israel Katz xác nhận các cuộc đàm phán gián tiếp với Hamas đã nối lại tại Qatar về việc thả các con tin bị bắt trong các vụ tấn công tháng 10/2023.

Cụ bà Tomiko Itooka người Nhật Bản, được Sách Kỷ lục Thế giới Guinness công nhận là người sống lâu nhất thế giới, đã qua đời tại nước này, thọ 116 tuổi.

Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết cơ quan này đang nỗ lực đảm bảo an ninh cho lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump vào ngày 20/1 tới.