Phương thức thả hàng viện trợ cho Gaza có hiệu quả?
Hoạt động thả hàng viện trợ có thực sự hiệu quả?
Những ngày này, quân đội Mỹ và không quân hoàng gia Jordan tiến hành các chuyến bay thả viện trợ nhân đạo xuống Gaza, trong kế hoạch viện trợ nhân đạo khẩn cấp theo chỉ thị của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết, ba máy bay vận tải quân sự C-130 đã được huy động để vận chuyển 66 kiện hàng gồm hơn 38.000 suất ăn cho người dân ở Gaza. Số hàng viện trợ này được thả xuống Tây Nam Gaza, dọc theo bờ biển Địa Trung Hải của dải đất này để người dân có thể dễ dàng tiếp cận.
Kế hoạch Mỹ thả hàng xuống Gaza diễn ra sau vụ hơn 100 người Palestine thiệt mạng do không kích trong lúc xếp hàng chờ nhận viện trợ ở khu vực phía Bắc Gaza. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Mỹ đang nỗ lực làm trung gian về lệnh ngừng bắn cho phép viện trợ bổ sung. Ông Biden cho rằng viện trợ đưa tới Gaza gần như không đủ và rằng Mỹ sẽ tiếp tục tận dụng mọi cơ hội để đưa thêm thêm viện trợ.
Ngoài Mỹ, hàng loạt quốc gia khác UAE và Ai Cập, Israel, Pháp, Bỉ và nhiều nước khác cũng đã nhiều lần thả thực phẩm xuống Dải Gaza.
Một số quan chức Mỹ bày tỏ hoài nghi về hiệu quả của phương pháp này, cho rằng hàng hóa có thể rơi vào tay nhóm vũ trang Hamas thay vì người dân, do lực lượng Mỹ không có binh sĩ tại thực địa để kiểm soát tiếp nhận hàng.
Một số chuyên gia cho rằng, việc buộc phải sử dụng biện pháp thả hàng viện trợ là minh chứng mới nhất cho thấy ảnh hưởng hạn chế của Mỹ đối với Israel khi nước này theo đuổi cuộc chiến với Hamas ở Gaza. Trong nhiều tháng, chính quyền ông Biden không thể thuyết phục Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho phép đưa thêm hàng cứu trợ vào Gaza, và Mỹ không gây áp lực lên Israel trong vấn đề vũ khí.
Hơn nữa, việc thả hàng viện trợ như thế này còn được cho là mang lại rất ít hiệu quả, vì hàng hóa rơi xuống biển mà không đến được tay người dân, gây ra sự hỗn loạn, thậm chí là mất kiểm soát.
Anh Moamen Mahr - Người dân nhận hàng cứu trợ chia sẻ: “Tôi đến đây một tuần nhưng chỉ lấy được ba lon thức ăn. Nơi này cách biệt với thế giới bên ngoài và giao thông kém, hầu hết vật tư đã rơi xuống biển. Thành thật mà nói, chúng tôi không có gì cả và chúng tôi muốn có những phương pháp cứu trợ tốt hơn."
Đỉnh điểm là hôm 8/3, năm người thiệt mạng và một số người bị thương sau khi một chiếc dù mang hàng viện trợ nhân đạo cho Gaza đã không bung mở. Một kiện hàng đã rơi thẳng từ trên máy bay xuống đám đông người Palestine đang chờ nhận đồ viện trợ ở phía Bắc trại tị nạn Shati của thành phố Gaza.
Ông Scott Paul, Nhóm vận động Chính phủ Hoa Kỳ của Oxfam cho hay: “Trong khi người Palestine ở Gaza đã bị đẩy đến bờ vực, việc thả một lượng viện trợ nhỏ bé mang tính biểu tượng vào Gaza mà không có kế hoạch phân phối an toàn sẽ không giúp ích gì và thậm chí làm suy thoái sâu sắc đối với người Palestine”.
Các tổ chức nhân đạo đã chỉ trích những đợt thả hàng viện trợ là tuyên truyền hào nhoáng thay vì là vấn đề nhân đạo và kêu gọi cho phép vận chuyển lương thực, thực phẩm qua đường bộ.
Tổ chức từ thiện Hỗ trợ y tế cho người Palestine có trụ sở tại Anh cũng thúc giục Mỹ, Anh và các nước khác nên có động thái để bảo đảm rằng Israel ngay lập tức mở tất cả các cửa khẩu vào Gaza để nhận viện trợ.
Dải Gaza đang đối mặt với khủng hoảng nhân đạo chưa từng có, trong khi công tác cứu trợ nhân đạo gặp trở ngại. Theo Liên hợp quốc, ít nhất 576.000 người ở Gaza, tương đương 25% dân số, đang ở bên bờ vực của nạn đói.
Kế hoạch viện trợ bằng đường biển
Liên minh châu Âu vừa công bố mở một hành lang hàng hải, cho phép vận chuyển hàng hóa viện trợ từ đảo Cyprus (đảo Síp) đến bờ biển Gaza. Sáng kiến này của EU được các đối tác phương Tây và Arab gồm Mỹ, Anh và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ủng hộ. Hành lang này cho phép tăng cường vận chuyển viện trợ nhân đạo vào Gaza, vốn bị hạn chế nghiêm trọng trên các tuyến đường bộ do Israel kiểm soát hoàn toàn kể từ khi xung đột bùng nổ. Về phía Mỹ, nước này xác nhận sẽ thiết lập cảng biển tạm thời tại Gaza để tiếp nhận hàng cứu trợ.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen đã đến Cộng hòa Cyprus để thăm cảng Larnaca, nơi được xác định là điểm xuất phát của các chuyến hàng viện trợ. Cộng hòa Cyprus nằm cách Gaza 370 km (230 dặm) về phía Tây Bắc ở Địa Trung Hải và là quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) gần nhất với khu vực.
Bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu cho biết: “Chúng tôi đang cùng nhau triển khai hành lang hàng hải giữa Síp, Liên minh châu Âu, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Hoa Kỳ. Hành lang hàng hải có thể giúp giảm bớt khó khăn cho người dân Gaza. Song song với đó, chúng tôi sẽ nỗ lực cung cấp viện trợ nhân đạo thông qua các tuyến đường khác”.
Tuyên bố thiết lập hành lang hàng hải được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc thông điệp Liên bang năm 2024, trong đó xác nhận Washington sẽ thiết lập một cảng biển tạm thời trên bờ biển phía bắc Gaza để tăng cường cung cấp viện trợ cho dân thường Palestine. Động thái trên thể hiện một sự thay đổi quan trọng trong sự can dự của chính quyền Tổng thống Joe Biden vào cuộc khủng hoảng ở Gaza.
Tuy nhiên, theo ông Jeremy Konyndyk, Chủ tịch Tổ chức Người tị nạn Quốc tế, từng là quan chức cấp cao trong Chính quyền Tổng thống Biden, hành lang viện trợ hàng hải được đề xuất cũng không giải quyết được những thách thức của Israel, giờ đây vấn đề nằm ở giai đoạn phân phối. Người dân Gaza ở Bắc Gaza gần như đã đi sơ tán hết nên việc tiếp cận hàng sẽ gặp khó khăn. Hơn nữa, việc viện trợ xung quanh dải đất này cần có một số biện pháp đảm bảo an ninh, vì tình hình nhận viện trợ tại Gaza đang trở nên hỗn loạn.
Phản ứng trước việc mở hành lang hàng hải, Israel tuyên bố ủng hộ kế hoạch này và cho hay đã phê duyệt các cơ chế thực hiện do Cyprus đề xuất, đồng thời nhấn mạnh, Israel sẽ tiếp tục nắm quyền kiểm soát.
Hôm 10/3, chuyến tàu đầu tiên chở 200 tấn gạo, bột mì, các loại thực phẩm và suất ăn do Tổ chức phi lợi nhuận World Central Kitchen cung cấp đang chuẩn bị rời cảng Larnaca của Cyprus. 500 tấn hàng hóa cho loạt tiếp theo cũng đã sẵn sàng.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ khi nào hàng viện trợ tới được người dân Gaza, khi mà việc thiết lập “cảng biển tạm” mới ở giai đoạn đầu. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder cho biết việc xây dựng có thể mất tới 60 ngày để hoàn thành, với sự tham gia của khoảng 1.000 binh sĩ. Ngoài ra, việc đảm bảo an ninh cho cảng cũng sẽ là một vấn đề lớn đối với Mỹ.
Nhiều tổ chức viện trợ quốc tế cho rằng, việc vận chuyển viện trợ bằng đường biển và đường hàng không không thể thay thế cho viện trợ đường bộ, bởi viện trợ bằng đường bộ dễ hơn, nhanh hơn và chi phí thấp hơn. Các hoạt động mở tuyến đường trên không và trên biển để đưa viện trợ vào Gaza chỉ làm xao nhãng dư luận trước sự thật rằng Mỹ không thể thuyết phục Israel mở lại các tuyến đường bộ sẵn có.
Nỗ lực tạm ngừng bắn gặp nhiều khó khăn
Trong khi các hoạt động cứu trợ đang diễn ra thì những nỗ lực đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza vẫn chìm trong vô vọng. Trong tuần trước, ba nước Ai Cập, Mỹ và Qatar đã làm trung gian hòa giải cho một cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas, với hi vọng đạt được lệnh ngừng bắn trước khi bắt đầu tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo vào ngày 11/3. Tuy nhiên, vòng đàm phán đầu tiên tại Thủ đô Cairo của Ai Cập đã thất bại. Các bên hi vọng đàm phán sẽ tiếp tục trong tuần này.
Cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza đã được tổ chức tại Cairo (Ai Cập) từ ngày 3/3. Các bên tham gia đàm phán đề xuất một lệnh ngừng bắn kéo dài ít nhất 6 tuần, tạo điều kiện để Hamas trả tự do cho 40 con tin người Israel, đổi lấy 400 tù nhân Palestine, cũng như tăng lượng xe cứu trợ vào Gaza. Các bên kỳ vọng lệnh ngừng bắn sẽ được thực hiện tối thiểu trong tuần đầu tiên của tháng lễ Ramadan, bắt đầu từ ngày 11/3.
Tuy nhiên, vòng đàm phán này không đạt được bước đột phá nào. Cả Israel và Hamas đều đổ lỗi cho nhau về việc không thể đạt được thỏa thuận. Đại diện Chính phủ Israel đã quyết định không tham gia vòng đàm phán này vào phút chót, với lý do Hamas không chịu cung cấp danh sách các con tin còn sống. Còn phái đoàn của Hamas đã rời bàn đàm phán tại Cairo (Ai Cập) sau khi bày tỏ sự không hài lòng với phản ứng của Israel trước các yêu cầu của họ.
Phản ứng về tiến trình đàm phán, phong trào Hamas khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi các cuộc thương lượng thông qua các nhà trung gian quốc tế. Thông báo chính thức của Hamas nêu rõ lực lượng này đã thể hiện sự linh hoạt trong các cuộc đàm phán nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn toàn diện tại Gaza có lợi cho người dân Palestine. Trước đó, Hamas lý giải việc không thể cung cấp danh sách các con tin còn sống cho Israel là vì việc tập hợp danh sách con tin trong bối cảnh chiến sự tiếp diễn và các con tin không được quản lý tập trung, là bất khả kháng.
Các nguồn tin thân cận cho biết vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra trong tuần này, song không nêu rõ thời gian cụ thể.
Trong một phát biểu ngày 8/3, người phát ngôn của lữ đoàn Ezzedine al-Qassam - ông Abu Obeida nêu rõ ưu tiên hàng đầu của lực lượng này để đạt được thỏa thuận trao đổi tù nhân là Israel phải rút quân hoàn toàn khỏi Dải Gaza và không có sự thỏa hiệp nào về vấn đề này.
Lữ đoàn Ezzedine al-Qassam - cánh vũ trang của phong trào Hồi giáo Hamas - khẳng định lực lượng này sẽ không thỏa hiệp trong các yêu cầu đối với việc Israel rút khỏi Dải Gaza để đổi lấy sự tự do cho các con tin mà phong trào này bắt giữ trong vụ tấn công ngày 7/10/2023.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Hamas là bên quyết định việc có hay không có lệnh ngừng bắn, để cho phép viện trợ nhân đạo vào Gaza và bắt đầu đàm phán về một giải pháp bền vững cho xung đột.
Với việc cả hai phía Israel và Hamas không bên nào chịu nhượng bộ, nỗ lực ngoại giao của các nước nhằm tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn cho Dải Gaza đang gặp nhiều khó khăn, cho thấy cục diện ở Gaza chưa biết khi nào mới có thể yên tiếng súng. Chỉ khi đạt được một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn thì các hoạt động cứu trợ nhân đạo cho Gaza mới có thể được triển khai thực chất và hiệu quả, giúp cho người dân Palestine tránh khỏi nguy cơ bị đe dọa bởi nạn đói.
Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Azerbaijan được coi là Hội nghị tài chính khí hậu vì các quốc gia đặt ra mục tiêu sau 10 năm nữa, nguồn tài chính khí hậu phải đạt ít nhất là 1.000 tỷ USD mỗi năm.
Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.
Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.
Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.
Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.
0