Quốc hội phân tích các giải pháp ổn định thị trường BĐS

Những tồn tại, bất cập của thị trường bất động sản đã được đại biểu Quốc hội phân tích, làm rõ trong phiên thảo luận sáng nay 28/10, đồng thời đưa ra các giải pháp để thị trường bất động sản (BĐS) trở lại lành mạnh và phát triển bền vững.

Các đại biểu Quốc hội nêu vấn đề nổi bật nhất hiện nay trên thị trường bất động sản là giá nhà đang tăng vô lý, mất cân đối phân khúc căn hộ quá lớn, hiện tượng đầu cơ thổi giá đáng quan ngại, người dân càng ngày càng ít khả năng mua nhà… qua đó, các đại biểu đã đề xuất những giải pháp.

Bà Nguyễn Thị Thủy - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn kiến nghị: “Tôi đề nghị tiếp tục có chính sách ưu đãi, thúc đẩy doanh nghiệp xây nhà ở xã hội; tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp, nếu giải quyết được vướng mắc thì có thể đưa vào thị trường vài nghìn căn hộ; đồng thời tiếp tục xử lý các vụ đấu giá đất”.

Ông Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội kiến nghị: “Tôi đề nghị người tham gia đấu giá đất phải chứng minh được năng lực về tài chính có thể mua được tài sản đó sau khi trúng đấu giá bằng việc xác nhận tiền gửi ngân hàng, hoặc tài sản khác để minh chứng khả năng có thể huy động vốn và phải cam kết nếu như trúng đấu giá bỏ cọc thì sẽ bị xử lý. Nếu quy định như thế thì những người có nhu cầu thật sẽ không ngại ngùng gì minh chứng khả năng của mình và như vậy sẽ loại bỏ được người không có khả năng thanh toán, chỉ tham gia đấu giá để mua đi bán lại và loại được người bỏ giá cao rồi bỏ cọc”.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra sự thiếu hiệu quả trong thực hiện chính sách về tài chính, đất đai... cho nhà ở xã hội; gói tín dụng 120 ngàn tỷ chậm được giải ngân; nhiều địa phương chưa đạt tỷ lệ về nhà ở xã hội theo quy định.

Ông Phạm Văn Hòa  - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng: “Mọi nhà đầu tư đều chấp nhận vay vốn với lãi suất cao để đầu tư triển khai dự án, vay cao nên bán cao. Việc tiếp cận vốn tín dụng nhà ở xã hội khó khăn do thị trường BĐS tăng nóng, ngân hàng cho vay dè dặt, đối tượng mua khó khăn vì không đủ nguồn tiền để chi trả quỹ đất, bên cạnh đó những ưu đãi cùng chính sách mới cũng chưa thu hút nhà đầu tư”.

Ông Mai Văn Hải - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa kiến nghị: “Đề nghị ưu tiên để bố trí quỹ đất cho nhu cầu nhà ở xã hội, trong đó chú trọng đối với bố trí các dự án nhà ở độc lập, nhất là ở các đô thị lớn, các khu công nghiệp; đồng thời, phải thực hiện bố trí ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương thỏa đáng để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội”.

Phản ánh có tình trạng đối tượng tiếp cận nhà ở xã hội chưa đúng, có người sở hữu nhà ở xã hội không phải là người được hưởng chính sách ưu đãi này, đại biểu Quốc hội cũng đề nghị bổ sung nội dung tăng cường kiểm tra quy trình, thủ tục xét duyệt.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương kiến nghị: “Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành địa phương ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm cục bộ trong thi hành luật về quản lý thị trường bất động sản về nhà ở xã hội. Ngoài ra, tôi cũng đề nghị cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về chất lượng nhà ở xã hội”.

Ông Nguyễn Văn An - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng: “Cần quy định thêm các nhiệm vụ, giải pháp để hạn chế tình trạng xét duyệt đối tượng không đúng, mua nhà ở xã hội để bán sang tay, đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng nhà ở xã hội từ ngân sách Nhà nước để cho thuê trong thời gian tới”.

Các ý kiến cũng đề nghị cần cơ cấu lại quy hoạch và tạo quỹ đất ưu tiên cho nhà ở xã hội, trong đó, xây dựng quy hoạch đồng bộ, dài hạn, đặc biệt tại các đô thị lớn và khu vực có nhiều khu công nghiệp; đồng thời, đề xuất thành lập quỹ tín dụng phát triển nhà ở xã hội với cơ chế quản lý phù hợp.

Những tồn tại, hạn chế của chính sách, pháp luật trong quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội đã được nhận diện. Và để khắc phục cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cả về cơ chế chính sách cũng như các chế tài xử lý tình trạng đầu cơ, lợi dụng đấu giá đất để thao túng thị trường.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sáng ngày 22/12, Thành ủy - Hội đồng nhân dân - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức cuộc gặp gỡ trang trọng gần 300 đại biểu trí thức hàng đầu đại diện cho đội ngũ trí thức của toàn thành phố. Đây là dịp để lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh lắng nghe những ý kiến, đề xuất, hiến kế của đại biểu trí thức trên các lĩnh vực.

Phẩm chất, nhân cách "Bộ đội Cụ Hồ", không phải là sản phẩm tự nhiên mà có, mà đó là cả một quá trình rèn luyện, phấn đấu gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân, được lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong quân đội ta trân trọng, gìn giữ và phát huy để hình ảnh bộ đội Cụ Hồ mãi mãi sáng đẹp cùng năm tháng.

Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội vừa có cảnh báo khách hàng chú ý cảnh giác trước những cuộc gọi mạo danh là nhân viên điện lực và yêu cầu khách hàng thanh toán tiền điện bằng cách chuyển khoản vào tài khoản cá nhân.

Trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng phát triển, thương mại điện tử là xu hướng tiêu dùng được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, đi kèm với những tiện ích của giao dịch mạng, tình trạng hàng giả, hàng nhái kinh doanh qua thương mại điện tử đang dần trở nên phổ biến; gây thiệt hại không nhỏ đến nền kinh tế, an toàn sức khỏe và mất niềm tin cho người tiêu dùng.

Công an quận Cầu Giấy vừa cho ra mắt mô hình "Xe máy chữa cháy lưu động của lực lượng an ninh trật tự tại cơ sở". Đây được kỳ vọng là mô hình sẽ tăng thêm sức mạnh cho lực lượng chữa cháy tại chỗ, đặc biệt là khi vụ cháy xảy ra ở những con ngõ sâu, ngõ nhỏ.

Mặc dù đã có không ít trường hợp phát tán thông tin sai sự thật trên mạng xã hội bị cơ quan chức năng xử phạt nhưng tình trạng này vẫn diễn ra thường xuyên làm ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống, an ninh trật tự xã hội. Câu hỏi đặt ra là tại sao tình trạng này vẫn diễn ra, phải chăng do chế tài xử phạt không đủ mạnh hay do thiếu hiểu biết pháp luật của các đối tượng có hành vi vi phạm?