Rực rỡ với mùa lễ hội hoá trang
Sự giao thoa của các nền văn hóa
Một số người tin rằng lễ hội hóa trang thực sự có lâu đời hơn thời kỳ Mùa Chay của Cơ đốc giáo và nó bắt đầu từ lễ hội Saturnalia của người La Mã, sau đó lan sang châu Mỹ. Và chính người châu Phi di cư tự do hoặc bị đưa sang châu Mỹ làm nô lệ đã góp phần lan toả và gìn giữ nhiều nét truyền thống của lễ hội. Văn hoá truyền thống châu Phi đã được kết hợp với các lễ kỷ niệm của châu Âu, tạo thành lễ hội Carnival như ngày nay ở châu Mỹ.
Màu sắc tươi sáng cho các trang phục lễ hội mà chúng ta thấy ngày nay, cũng như âm thanh và âm nhạc sống động vốn là đặc điểm chính của lễ hội hóa trang ở châu Mỹ, đều có nguồn gốc từ văn hóa châu Phi. Lông chim và các vật thể tự nhiên khác được sử dụng để tạo ra trang phục và mặt nạ với niềm tin rằng chúng mang lại sức mạnh tinh thần cho người mặc. Và dấu ấn đó vẫn còn rõ nét trên các trang phục lễ hội Carnival ngày nay.
Lễ hội Carnival Đen và trắng, được tổ chức hàng năm tại Pasto, Colombia, từ ngày 2 đến ngày 7 tháng 1, là một sự kiện văn hóa quan trọng thể hiện di sản phong phú và đa dạng của khu vực. Lễ hội này được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại vào năm 2009, thu hút sự tham gia của cả người dân địa phương và khách du lịch. Bắt nguồn từ các lễ hội thu hoạch mùa màng bản địa, Lễ hội Đen và trắng đã phát triển qua nhiều thế kỷ, tích hợp các yếu tố văn hóa Tây Ban Nha và châu Phi. Sự phát triển này phản ánh những giao thoa về văn hoá, lịch sử đã hình thành nên xã hội đa dạng của Colombia ngày nay.
Vũ điệu chào đón Trái Đất bừng tỉnh giấc
Tiết trời chuyển từ Đông sang Xuân là lúc các vũ công Joaldunak mặc trang phục lông cừu ở thị trấn Ituren phía Bắc Tây Ban Nha chào đón sự bừng tỉnh của Trái Đất. Lễ hội ở đây còn được gọi Carnival sớm. Đoàn múa gồm những người đàn ông đến từ tỉnh Navarra phía Bắc Tây Ban Nha. Các vũ công vừa nhảy múa vừa rung những chiếc chuông đồng rất nặng đeo sau lưng để xua đuổi tà ma và chào đón mùa Xuân tới.
Cùng đi với vũ công Joaldunak còn có những người dân thị trấn mặc trang phục kỳ dị và lái những chiếc xe đã được sửa lại theo ý mình.
Ông Juan Antonio Garcia - người tham gia lễ hội chia sẻ: “Ngoài những bộ truyền thống là Joaldunak, mỗi lần đến hội, người dân trong làng đều ăn mặc khác nhau và từ rất lâu rồi, tổ tiên chúng tôi đã làm như vậy. Đó không phải là những bộ trang phục mua về mà mỗi người tự tạo ra bộ trang phục của mình tùy theo năm.”
Năm nay, lễ hội diễn ra trong thời tiết nóng bất thường trên khắp Tây Ban Nha, và nhiệt độ rất cao ở một số thành phố.
Tôn vinh thần hộ mệnh của thợ mỏ
Các thợ mỏ Bolivia ngày 27/1 đã tổ chức lễ diễu hành Carnival khai thác mỏ truyền thống trên đường phố Potosi. Sự kiện bắt đầu với việc những người thợ mỏ đi từ mỏ xuống đại lộ chính của Potosi, bắt đầu cuộc diễu hành vui nhộn, nhảy múa, ca hát và khoe các công cụ làm việc của họ, như cuốc và xẻng. Lễ hội được các công nhân mỏ tổ chức để bày tỏ lòng kính trọng đối với 'Tata Q'aqcha, vị thần bảo vệ những người thợ mỏ.
Cũng tại Bolivia, lễ hội Carnival La Paz bắt đầu vào Chủ nhật ngày 21/1. Đại diện cho tinh thần lễ hội là nhân vật chú hề Pepino, hay quả dưa chuột trong tiếng Tây Ban Nha. Hàng chục vũ công đi theo, cầu xin thần lễ hội sống lại, và ít lâu sau, chú hề tỉnh giấc, vui vẻ đáp lại lời cầu xin, từ đó điệu múa truyền thống bắt đầu. Năm nay, chú hề Pepino đã hồi sinh sau khi được Nữ hoàng lễ hội Carnival Santa Cruz hôn, chính thức mở màn lễ hội Carnival Paceno của thành phố. Tiếp theo đó là điệu múa Chu'tas truyền thống. Mặc dù nhỏ hơn nhiều so với lễ hội rực rỡ, nổi tiếng của Rio, các lễ hội ở Bolivia tràn ngập màu sắc, khiêu vũ và âm nhạc, thu hút hàng nghìn khách du lịch muốn chứng kiến sự kết hợp độc đáo giữa truyền thống bản địa với đạo Công giáo.
Sự hoà quyện giữa hiện tại và quá khứ
Ngày nay, Carnival thực sự là một lễ hội toàn cầu được tổ chức trên 50 quốc gia. Lễ hội hóa trang đã phát triển vượt ra ngoài các lễ kỷ niệm trước Mùa Chay và mỗi quốc gia và thành phố đều có các truyền thống và cách tổ chức lễ hội độc đáo của riêng mình. Venice là thành phố du lịch sầm uất quanh năm. Và khi nhắc tới Venice, không thể không nói tới Lễ hội hóa trang Carnival Venice, nơi hiện tại và quá khứ, thực và ảo hoà quyện với nhau. Năm nay, lễ hội chính thức bắt đầu ngày 3/2 và kết thúc vào ngày 14/2.
Carnival Venice thường được tổ chức theo chủ đề. Trong năm 2024, chủ đề của lễ hội là Hành trình kỳ thú của Marco Polo, để tưởng niệm 700 năm ngày mất nhà thám hiểm thành Venice này. Marco Polo (1254 - 1324) là thương gia, nhà thám hiểm và nhà văn người Venice đã du hành khắp châu Á trong giai đoạn từ năm 1271 tới 1295. Vào thế kỷ 17, lễ hội hóa trang Baroque được coi như hình ảnh tượng trưng của Venice trên thế giới. Nó vô cùng nổi tiếng vào thế kỷ 18. Khích lệ niềm vui, lễ hội cũng là cách giúp người Venice tạm quên những nỗi buồn và đau khổ của hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, dưới thời cai trị của Hoàng đế La Mã Thần thánh và sau đó là Hoàng đế Áo Francis II (đệ nhị), lễ hội bị cấm hoàn toàn vào năm 1797 và việc sử dụng mặt nạ bị nghiêm cấm. Nó dần xuất hiện lại vào thế kỷ 19, nhưng chỉ trong thời gian ngắn và chủ yếu ở những bữa tiệc riêng tư, nơi nó trở thành dịp để người ta thoả sức sáng tạo nghệ thuật. Nam nay, với chủ đề về Marco Polo, Carnival Venice 2024 hướng tới hình ảnh du lịch, khám phá và cuộc gặp gỡ với một thế giới tưởng tượng. Như mọi năm, lễ hội sẽ được tổ chức ở mọi ngóc ngách trong thành phố. Trên đường, dưới nước ngập tràn những hoạt động công cộng. Trong đó, đặc biệt phải nhắc tới là cuộc thi mặt nạ và lễ diễu hành của 12 cô gái xinh đẹp nhất Venice. Tất cả được hòa trong âm nhạc và đồ ăn đường phố truyền thống.
Lễ rước Shrovetide đầy màu sắc đã diễn ra tại làng Hamry gần thị trấn Hlinsko của Séc vào ngày 27/1. Đây là một truyền thống văn hóa được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Không chỉ là một cuộc diễu hành lễ hội để xua tan giá lạnh mùa Đông và đón chào mùa Xuân, đám rước ở Hlinsko còn kể câu chuyện của riêng mình. Nam giới và các chàng trai trong làng hóa trang thành các nhân vật đeo mặt nạ (mặt nạ màu đỏ dành cho nam giới chưa lập gia đình và màu đen dành cho nam giới đã có gia đình) và đi từ nhà này sang nhà khác. Được sự cho phép của chủ nhà, họ biểu diễn một điệu múa để cầu mong mùa màng bội thu và thịnh vượng cho gia chủ. Đổi lại, những người đeo mặt nạ có thể được trả tiền và nhận quà. Sau khi đã đến thăm ngôi nhà cuối cùng thì các hoạt động lễ hội có thể bắt đầu. Lễ hội truyền thống này từng bị cấm vào thế kỷ 18 và 19, nhưng sau này đã được khôi phục và vai trò quan trọng của lễ hội trong việc gắn kết cộng đồng làng xã đã được ghi nhận.
Carnival quy mô nhất thế giới
Lễ hội Carnival ở Rio de Janeiro, Brazil, được coi là lễ hội Carnival quy mô và hoành tráng nhất thế giới, với khoảng hai triệu người ăn mừng trên đường phố mỗi ngày. Lễ hội Rio Carnival nổi tiếng với âm nhạc samba cũng như những bộ trang phục và xe hoa tuyệt đẹp. Năm 1984, chính phủ quyết định dành sân vận động đặc biệt, được gọi là Sambadrome, cho việc tổ chức Carnival. Tuy nhiên, trên khắp thành phố vẫn còn rất nhiều bữa tiệc đường phố và diễu hành. Lễ hội Rio de Janeiro năm nay sẽ khai mạc ngày 9 tháng 2 và kéo dài đến ngày 12 tháng 2.
Các cuộc diễu hành thực ra là một hình thức cạnh tranh, mà ở đó các trường hoặc nhóm samba được đánh giá dựa trên trang phục, điệu nhảy, xe hoa và âm nhạc. Một số trường dạy samba chi hàng triệu đô la cho việc chuẩn bị, nhưng người ta ước tính rằng lễ hội hóa trang kiếm được hơn 40 triệu đô la từ việc bán vé và quảng cáo.
Sự hấp dẫn và gợi cảm của vũ điệu samba được tôn lên chính là nhờ những bộ trang phục sặc sỡ của những người tham gia biểu diễn. Nhưng những bộ trang phục này được chọn không phải chỉ vì tính thẩm mỹ mà còn để kể một câu chuyện nào đó. Mặc dù khán giả chỉ nhìn thấy màu sắc và kiểu dáng khác nhau của trang phục nhưng ban giám khảo thì đánh giá ý nghĩa của từng trang phục. Đó là lý do tại sao các trường dạy samba đặc biệt chú ý đến loại trang phục mà họ sẽ trình diễn. Quá trình chuẩn bị và ra quyết định mất nhiều tháng. Du khách cũng được khuyến khích mang theo trang phục của riêng mình để cảm nhận tinh thần của lễ hội hóa trang.
Trường dạy samba Porto da Pedra là một trong những đơn vị được kỳ vọng nhất trong lễ hội hóa trang. Nhóm học viên đã làm việc trong nhiều tháng cùng với các nghệ nhân, nhà thiết kế, thợ hàn, thợ mộc và tình nguyện viên để tạo ra một tác phẩm rực rỡ cho lễ hội hóa trang Rio 2024. Tại xưởng của trường dạy Samba nổi tiếng Porto da Pedra, những người thợ hàn đã bắt tay vào làm khung đỡ những món đồ trang trí cho xe diễu hành. Những người khác sơn các tác phẩm như cánh tay và gương mặt của các nhân vật.
Lễ hội Carnival sẽ không thể thành công như ngày nay nếu không có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các trường dạy samba. Các trường samba này đều khởi đầu từ các ban nhạc đường phố, sau đó phát triển thành các nhóm và câu lạc bộ, sau đó là các hiệp hội, cuối cùng mới trở thành trường dạy samba ngày nay. Mỗi trường học có mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng sở tại và tham gia hỗ trợ những người nghèo ở các khu vực xung quanh. Cộng đồng góp sức để đóng kiệu, may trang phục, hỗ trợ hậu cần và thậm chí là người đảm bảo an ninh cho các vũ công. Mặc dù sự cạnh tranh giữa các trường vẫn gay gắt nhưng họ vẫn không bao giờ quên ý nghĩa tốt đẹp của lễ hội.
Lễ hội cũng là một cơ hội kinh doanh tốt. Đó là một ngành công nghiệp trị giá hàng triệu đô la, bởi có ít nhất một triệu du khách nước ngoài đến xem lễ hội Carnival. Lợi ích kinh tế mà sự kiện này đem lại không chỉ là tiền bán vé mà là những tác động đến nền kinh tế, chẳng hạn như số lượng việc làm gián tiếp được tạo ra. Vé vào sân vận động Sambodromo luôn bán hết từ hàng tuần và thậm chí hàng tháng trước khi diễn ra lễ hội hóa trang.
Carnival ở mỗi một quốc gia có những nét đặc sắc riêng, nhưng tất cả đều mang một ý nghĩa tích cực chung. Lễ hội hóa trang có thể được coi là một nghi thức đánh dấu sự chuyển dịch từ bóng tối sang ánh sáng, từ mùa Đông sang mùa Xuân, tôn vinh sức sống và sự sinh sôi. Carnival cũng là lễ hội mùa Xuân đầu tiên của năm mới. Sau một năm lao động vất vả, thời gian này trong năm là lúc người ta hòa mình vào tiếng nhạc, những vũ điệu sôi động để tạm thời quên đi những áp lực và thứ bậc trong xã hội, để sau đó bước vào một giai đoạn mới tràn đầy niềm tin và sinh lực.
Tập đoàn McDonald's sở hữu chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh đa quốc gia lớn nhất thế giới đang phải đối mặt với vụ bê bối tồi tệ sau vụ viêc một món ăn phổ biến nhất trong thực đơn của McDonald's nhiễm vi khuẩn E.coli khiến 1 người thiệt mạng, 90 người nhiễm khuẩn.
Một trong những điểm yếu lớn nhất của Tổng thống thứ 46 của Mỹ là "không có khả năng quảng bá những thành tựu của mình". Nhưng các nhà sử học "có thể vẫn công tâm và đánh giá cao ông về sự phục hồi kinh tế hậu Covid".
Báo chí Mỹ mới đây đưa tin Iran đang chuẩn bị tấn công Israel, có thể là trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11, nhằm trả đũa vụ Israel tiến hành chiến dịch không kích quy mô lớn nhằm vào hàng loạt mục tiêu quân sự của Iran hôm 26/10.
Vài ngày trước khi diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ, cuộc so găng giữa ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris vẫn hết sức gay cấn. Hầu hết, các chuyên gia nhận định đây là cuộc bầu cử khó dự đoán nhất lịch sử nước Mỹ, mọi kịch bản sẽ không loại trừ trong cuộc bỏ phiếu ngày 5/11 tới.
Gần 200 người đã thiệt mạng trong trận lũ quét ở vùng Valencia, miền Đông Tây Ban Nha. Trận lũ lụt chết người nhất ở Tây Ban Nha trong nhiều thập kỷ là một lời nhắc nhở đau thương rằng châu Âu chưa chuẩn bị đối phó với hậu quả của bầu khí quyển quá nóng.
Cuộc bầu cử Quốc hội Gruzia đã kết thúc với chiến thắng thuyết phục thuộc về đảng Giấc mơ Gruzia cầm quyền. Phe đối lập dựa vào sự ủng hộ của bên ngoài, không công nhận kết quả bầu cử và cố gắng tìm cách lật ngược kết quả thông qua các cuộc biểu tình và khiêu khích sử dụng vũ lực. Những diễn biến này giống với những cuộc cách mạng màu của những năm trước.
0