Rủi ro Israel sẽ gặp phải trong chiến dịch trên bộ

Israel tiến hành giai đoạn mới trong cuộc chiến với Hamas bằng cách mở rộng các hoạt động trên bộ và dưới lòng đất bên trong Dải Gaza. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo đây có thể là chiến dịch rủi ro nhất với hậu quả đe dọa toàn bộ khu vực Trung Đông.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã tăng cường hoạt động ở Gaza  và tấn công hơn 450 mục tiêu trong vòng 1 ngày qua, bao gồm các trung tâm chỉ huy, trạm quan sát và bãi phóng tên lửa.

Theo dữ liệu do cơ quan y tế của cả hai bên công bố, cuộc xung đột Palestine-Israel đang diễn ra đã khiến hơn 9.500 người thiệt mạng. Hơn 8.000 người đã chết ở Dải Gaza kể từ khi xung đột nổ ra vào ngày 7 tháng 10. Ngoài ra, 110 người đã thiệt mạng ở Bờ Tây. Về phía Israel, hơn 1.400 người đã thiệt mạng.

Quân đội Israel tiếp tục thực hiện các cuộc không kích ở Dải Gaza từ thứ Bảy đến Chủ nhật, đồng thời tiến hành các hoạt động trên bộ quy mô lớn hơn ở nhiều khu vực của Gaza, trải dài từ nam đến bắc.

“Chúng tôi đang phải đối phó với vấn đề cấp thiết trước mắt. Chúng tôi có 224 người bị bắt làm con tin trong tay Hamas. Họ gồm có dân thường, trẻ nhỏ, phụ nữ và người già. Họ phải được thả ngay lập tức. Một khi mục tiêu này đã đạt được, chúng tôi không muốn kiểm soát Dải Gaza, không muốn leo thang cuộc xung đột này.”, Đại sứ Israel tại Việt Nam, Yaron Mayer, nói

Gia đình các con tin Israel bị Hamas bắt giữ ở Dải Gaza lo lắng rằng các hoạt động quân sự tăng cường sẽ bất lợi đối với những thân nhân của họ. Câu hỏi đặt ra hiện nay là “liệu hoạt động trên bộ có gây nguy hiểm cho sự an toàn của 229 con tin” ở Gaza hay không.

Còn Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết: "Chúng tôi sẽ huy động mọi khả năng để đưa con tin về nhà. Đó là một phần không thể thiếu trong các mục tiêu của chiến dịch… Một nỗ lực đang được tiến hành”

Hamas cho đến nay đã thả 4 con tin sau sự hòa giải của Qatar và Ai Cập. Một bác sĩ ở Gaza cho biết khi mất liên lạc, xe cứu thương phải căn cứ vào làn khói bốc lên trong không trung để xác định vị trí nơi xảy ra cuộc tấn công của Israel mà tới cứu các nạn nhân.

Tình hình có thể còn thảm khốc hơn báo chí đưa tin vì liên lạc qua điện thoại và internet bị cắt, nên không thể biết tình hình thực tế.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn chặn các cuộc tấn công của Israel vào Gaza, đồng thời cho biết những người bị mắc kẹt trong vùng đất của người Palestine đang “đối mặt với một cuộc chiến diệt chủng”, còn thế giới thì chỉ đứng nhìn.

Trong khi đó, lực lượng phòng vệ IDF nhắc lại lời kêu gọi công dân ở Gaza di chuyển về phía nam trong một cảnh báo mới. Giờ đây lời kêu gọi này lại khẩn thiết hơn.

Theo cơ quan của Liên Hợp Quốc hỗ trợ việc cứu trợ cho người tị nạn Palestine UNRWA, hơn 613.000 trong số 1,4 triệu người mất nhà cửa ở Gaza đang trú ẩn tại 150 cơ sở của tổ chức này trên khắp lãnh thổ bị phong tỏa.

Nhưng tình trạng quá tải nghiêm trọng, thiếu sự riêng tư và vệ sinh không đầy đủ đã khiến các cơ sở  này có nguy cơ xảy ra khủng hoảng sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng và kéo dài, gây thêm áp lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã quá tải mà các bác sĩ và Bộ Y tế mô tả là đang trong tình trạng sụp đổ hoàn toàn.

Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế đã kêu gọi giảm leo thang ngay lập tức các hành động thù địch ở Gaza và cung cấp viện trợ nhân đạo.Tuyên bố của chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế nêu rõ "Không thể chấp nhận được khi dân thường không có nơi an toàn để đến, khi Gaza đang hứng chịu các cuộc oanh tạc lớn, và bị bao vây toàn diện, hoạt động cứu trợ nhân đạo không thể thực hiện được đầy đủ. Đây là một thất bại thảm khốc mà thế giới không thể chấp nhận được".

Trong giai đoạn mới, quân đội Israel thực hiện cuộc tấn công cả trên bộ và dưới lòng đất. Các nguồn tin an ninh cho rằng lực lượng bộ binh của Israel ở Gaza đang phải đối mặt với mạng lưới đường hầm của Hamas dài hàng trăm km và sâu tới 80 mét, được mô tả là "chằng chịt như mạng nhện".

Các cuộc tấn công của Israel vào các mục tiêu dưới lòng đất đang được tăng cường. Nhưng đánh bật Hamas đòi hỏi phải đối mặt với mạng lưới đường hầm rộng lớn của tổ chức này. Đó thực sự là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn và phức tạp, vì dưới đường hầm còn có sự hiện diện của con tin.

Các nguồn tin phương Tây và Trung Đông cho biết, nhóm Hồi giáo Palestine có nhiều loại đường hầm khác nhau chạy dưới lòng đất Dải Gaza rộng 360 km2. Các đường hầm này được dùng vào nhiều mục đích khác nhau như tấn công, buôn lậu, và chứa hàng.

Dù dải đất này chỉ dài 40 km nhưng các chuyên gia cho rằng hệ thống đường hầm có thể dài đến hàng trăm km.

Cho dù Israel có toàn quyền kiểm soát các tuyến đường hàng không và đường biển của Gaza cũng như 59km trong tổng số 72km biên giới đất liền của nước này với Ai Cập, thì các đường hầm cũng cho phép Hamas đưa vũ khí, thiết bị và nhân lực vào tiếp viện.

Các nhóm Palestine thường giữ bí mật về mạng lưới ngầm dưới đất của họ, nhưng con tin người Israel mới được thả, Yocheved Lifshitz, 85 tuổi, cho biết: "Nó chằng chịt như một mạng nhện, rất nhiều đường hầm", "Chúng tôi đã đi bộ hàng km dưới lòng đất".

Các nguồn tin an ninh Israel cho biết các cuộc oanh tạc dữ dội từ trên không của Israel hầu như không thiệt hại nhiều cho cơ sở hạ tầng đường hầm và lực lượng biệt kích hải quân Hamas có thể tiến hành một cuộc tấn công bằng đường biển nhắm vào các cộng đồng ven biển gần Gaza trong tuần này.

Theo hai nguồn tin an ninh và một thương nhân ở thành phố El Arish của Ai Cập, một số ít đường hầm buôn lậu hẹp hơn, sâu hơn giữa Ai Cập và Gaza mới đây vẫn đang hoạt động, nhưng kể từ khi xảy ra xung đột giữa Israel và Hamas tần suất hoạt động ít hơn và gần như dừng hẳn.

Các quan chức Ai Cập chưa trả lời bình luận về vấn đề này.

Các nguồn tin của Israel cho biết những gì đang chờ đợi họ rất đáng sợ và họ phải đối mặt với một kẻ thù đã mạnh lên và rút kinh nghiệm từ các chiến dịch trước đây của Israel vào năm 2014 và 2021.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant dự kiến cuộc tấn công dưới lòng đất sẽ khó khăn, và “sẽ mất nhiều thời gian” để phá hủy mạng lưới đường hầm rộng lớn của Hamas. Để đạt được mục tiêu này, Israel đã chặn tất cả các chuyến hàng nhiên liệu vào Gaza kể từ khi xung đột nổ ra. Hamas cần nhiên liệu để chạy các máy phát điện bơm không khí vào mạng lưới đường hầm.

Quân đội Israel đã được huấn luyện đặc biệt để tác chiến trong môi trường đô thị trên những con phố chật hẹp ở Gaza và mạng lưới đường hầm ngầm khổng lồ của Gaza thực sự không hề dễ dàng?.

Giao tranh đô thị ở Dải Gaza nếu xảy ra chắc chắn sẽ đẫm máu, chậm chạp và phức tạp. Nó sẽ đặt ra một số thách thức riêng và một số thách thức chung cho tất cả các trận chiến ở các thành phố đông đúc.

Chiến tranh đô thị thường vô hiệu hóa những lợi thế mà quân đội hiện đại có được và buộc họ phải chiến đấu ngang hàng với đối thủ có quân số và năng lực kém hơn.

Tham mưu trưởng quân đội Israel cho biết: "Lực lượng bộ binh hiện đang tiến hành một chiến dịch quan trọng và phức tạp. Mục tiêu của cuộc chiến này đòi hỏi phải có một chiến dịch trên bộ. Không có thành tựu nào mà không có rủi ro và như chúng ta biết, không có chiến thắng nào mà không phải trả giá. Để tiêu diệt kẻ thù, không có cách nào khác ngoài việc đưa quân xâm nhập vào lãnh thổ của họ."

Theo Giáo sư Jonathan Rynhold, chuyên gia về xung đột Israel - Palestine tại Đại học Bar-Ilan cho rằng:  "Nếu Israel thực hiện mục tiêu mà họ đã tuyên bố là tiêu diệt khả năng quân sự của Hamas ở Dải Gaza và xóa sổ bộ máy lãnh đạo của lực lượng này, quy mô và thời gian của cuộc chiến này sẽ lớn hơn và kéo dài hơn nhiều so với bốn cuộc chiến Gaza trước đây kể từ năm 2005,”

Hiện hàng trăm nghìn người tuần hành khắp thế giới phản đối chiến dịch của Israel ở Gaza và ủng hộ nhân dân Palestine, khi các cuộc ném bom liên tiếp đã khiến gần 8.000 người Palestine thiệt mạng. Các cuộc biểu tình diễn ra tại các thành phố trên khắp Châu Âu, Trung Đông, Mỹ và Châu Á. Chính phủ các nước phương Tây có thể ủng hộ cái mà họ gọi là “quyền tự vệ của Israel”, nhưng người dân thì không.

Những người biểu tình ủng hộ Palestine đã tuần hành từ Brooklyn đến Manhattan, cầm biểu ngữ, vẫy cờ và hô khẩu hiệu. Theo truyền thông địa phương, cầu Brooklyn đã bị đóng cửa do cuộc biểu tình. 

Một trong những cuộc tuần hành lớn nhất thế giới diễn ra tại trung tâm thủ đô Luân Đôn của Anh, yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Rishi Sunak kêu gọi ngừng bắn.

Cuộc tuần hành ở Luân Đôn hầu hết diễn ra trong hòa bình, nhưng cảnh sát cho biết họ đã thực hiện 9 vụ bắt giữ: 2 vụ hành hung sĩ quan và 7 vụ vi phạm trật tự công cộng – một số bị coi là tội phạm thù hận. Cảnh sát ước tính số người đi biểu tình khoảng 50.000 đến 70.000 người. 

Đồng tình với lập trường của Washington, Chính phủ của Thủ tướng Anh Sunak không kêu gọi ngừng bắn mà thay vào đó ủng hộ việc tạm dừng xung đột vì mục đích nhân đạo để cho phép viện trợ đến tay người dân ở Gaza.

Những người biểu tình Palestine ở Hebron ở Bờ Tây bị chiếm đóng đã kêu gọi tẩy chay toàn cầu các sản phẩm của Israel. Họ hô vang khẩu hiệu: “Đừng góp phần vào việc giết hại trẻ em Palestine”.

Người dân đã xuống đường ở Copenhagen, Rome và Stockholm và các thành phố khác tại châu Âu.

Một số thành phố ở Pháp đã cấm các cuộc biểu tình kể từ khi xung đột bắt đầu vì lo ngại căng thẳng xã hội. Nhưng bất chấp lệnh cấm ở Paris, một cuộc biểu tình nhỏ vẫn diễn ra. Hàng trăm người cũng tuần hành ở thành phố phía nam Marseille.

Tại thủ đô Wellington của New Zealand, hàng nghìn người cầm cờ Palestine và biểu ngữ ghi “Palestine tự do” đã tuần hành tới Tòa nhà Quốc hội.

Giống như cuộc chiến Ukraine, Mỹ và phương Tây dường như cũng đang “nhảy múa” cùng ông Netanyahu trong cuộc chiến chống lại người Palestine, và họ đều lớn tiếng cho rằng “Israel có quyền làm thế”. Tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Pháp và nhiều nước khác ủng hộ dự thảo nghị quyết nhằm tạm dừng các hoạt động thù địch và đảo ngược lệnh sơ tán của Israel ở phía bắc Gaza. Nhưng Mỹ thì phủ quyết, cho rằng điều đó sẽ trói tay Israel. Đáng tiếc là Anh đã bỏ phiếu trắng cùng với Nga. 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong bối cảnh các thảm họa thiên nhiên gia tăng nhanh chóng và lượng khí nhà kính đang ở mức cao nhất mọi thời đại, Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lần thứ 29 của Liên hợp quốc (COP29) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các hành động bảo vệ môi trường mạnh mẽ hơn trên toàn cầu.

Ngày 14/11, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghzi đã gặp Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi tại Tehran để thảo luận chi tiết về chương trình hạt nhân của Iran trong bối cảnh diễn biến quốc tế bị chi phối bởi việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp trở lại Nhà Trắng.

Việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống được dự đoán sẽ tác động đến chính trị toàn cầu, đặc biệt là đối với Trung Đông. Câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền sắp tới của ông Donald Trump có thể tháo ngòi nổ Trung Đông và lập lại hòa bình trong khu vực?

Theo nhận định của giới chuyên gia, nguyên nhân khiến giá đồng Bitcoin tăng chóng mặt là do các nhà đầu tư mong đợi về một môi trường tài chính cởi mở hơn với tiền kỹ thuật số dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Chiến thắng áp đảo của Tổng thống đắc cử Donald Trump đánh dấu một chiến thắng lớn cho tỷ phú Elon Musk, người đã chi ít nhất 119 triệu đô la cho một nhóm ủng hộ ứng viên của Đảng Cộng hòa.

Liên minh cầm quyền tại Đức đã sụp đổ, kinh tế trì trệ, cùng với căng thẳng địa chính trị và áp lực bên ngoài có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào giai đoạn bất ổn. Nước Đức đang ở thời điểm bước ngoặt cho những cải cách và đổi mới để mạnh mẽ vươn lên.