Sinh viên chật vật vì nhà trọ tăng giá

Từ tháng 8 tới tháng 9, sinh viên quay trở lại trường học sau kỳ nghỉ hè, là thời điểm phí dịch vụ, giá phòng thuê trọ tăng đột biến, khiến nhiều sinh viên tại Hà Nội chật vật hơn trong sinh hoạt.

Giá nhà trọ tăng phi mã 

Trước thềm năm học mới, nhu cầu thuê nhà trọ của sinh viên tăng cao. Đây là thời điểm vàng đắt khách nhất trong năm của các phòng trọ cho thuê. Chỉ cần nhập từ khóa tìm phòng trọ trên các trang tìm kiếm, trong vài giây đã cho ra hàng nghìn kết quả những bài chào mời thuê phòng với đầy đủ thông tin mà người thuê cần như giá phòng, dịch vụ kèm theo, diện tích phòng, địa điểm và cả số điện thoại liên hệ với người cho thuê…

Theo khảo sát của PV Đài Hà Nội, tại khu vực chùa Láng, một chủ trọ cho biết cơ sở chỉ còn dạng homestay ở ghép diện tích 20m, không còn phòng riêng. Giá phòng 4 người thì 1,7 triệu/người, chưa tính tiền điện, nước.

Nếu theo mức giá mà các chủ trọ quảng cáo thì 4 sinh viên thuê một căn phòng 20m2 sẽ có mức giá là 6,4 triệu đồng, sinh hoạt sẽ khá bất tiện.

PV Đài Hà Nội khảo sát giá thuê trọ tại khu vực chùa Láng.

Khảo sát phòng trọ ở khu vực Thanh Xuân gần các trường đại học như Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội… giá cho thuê phòng trọ có nhiều mức: khoảng 2,7 triệu đồng/phòng 15m2, chung chủ; 3 triệu đồng cho phòng riêng khoảng 20-25m2, từ 3,5-4 triệu đồng cho phòng từ 30m2 chưa kể điện nước... Tuy nhiên, điểm trọ xung quanh các trường đại học hầu hết đã hết phòng.

Nếu như năm ngoái, tại khu vực Thanh Xuân, trung bình một sinh viên phải trả 3 triệu tiền phòng, thêm tiền điện, nước, dịch vụ khác, thì bây giờ, chi phí sẽ phải chạm ngưỡng 4,5 triệu. Như vậy, giá nhà trọ ở khu vực này đã tăng từ 30-50%.

Tại một số khu vực như Mỹ Đình, Cầu Giấy, Trần Duy Hưng, Hồ Tùng Mậu... giá thuê phòng trọ cũng đã tăng nhiều so với năm ngoái, trong đó một phòng trọ khép kín có giá từ 3 triệu - 5 triệu đồng/tháng với diện tích khoảng 20m2 - 25m2, còn chung cư mini có giá từ 5,5 - 8 triệu đồng/tháng.

Giá nhà trọ tại nhiều khu vực đã tăng từ 30-50% so với năm ngoái.

Tân sinh viên và nỗi lo nhà trọ trước ngày nhập học

Sau vui mừng trúng tuyển vào Học viện Ngân hàng bằng hình thức xét học bạ, tân sinh viên Lưu Trung Kiên đối diện với một nỗi lo là tìm nhà thuê trọ. Năm học mới đang tới gần nhưng Trung Kiên vẫn loay hoay tìm chỗ thuê phù hợp vì sinh hoạt phí khá hạn hẹp.

Nhiều sinh viên khác cũng khá lo ngại tìm phòng trọ, chuyển chỗ ở mới phù hợp hơn vì các mức phí gia tăng. Sinh viên Vương Thị Nhật Lệ - Trường Đại học Luật Hà Nội, chia sẻ, trước thuê trọ ở Pháo đài Láng với chi phí khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, nhưng năm học này, phí thuê trọ đã tăng lên 2 triệu đồng.

Năm học mới đang tới gần nhưng Trung Kiên vẫn loay hoay tìm chỗ thuê phù hợp.

Năm học mới đã gần kề nhưng nhiều sinh viên vẫn đứng ngồi không yên vì chưa tìm được nhà trọ. Gặp khu nhà trọ ưng ý, gần trường học thì giá cao, tiền điện, nước, dịch vụ quá cao. Còn khu phòng trọ giá rẻ thì ẩm thấp, chật chội, xa trường học. Áp lực thiếu phòng và tăng giá trọ đang đè nặng lên nhiều sinh viên xa nhà.

Thử làm một phép tính đơn giản: một sinh viên thuê phòng trọ với giá 3 triệu đồng một tháng, nếu tính cả chi phí điện, nước, internet và các khoản phí sinh hoạt khác, mỗi tháng có thể phải chi khoảng 4-5 triệu đồng chỉ cho chỗ ở. Như vậy, nếu mỗi tháng chi ít nhất 4 triệu đồng, thì trong suốt một năm học (10 tháng), các bạn sẽ phải dành ra ít nhất 40 triệu đồng chỉ để có một chỗ ở.

Áp lực thiếu phòng và tăng giá nhà trọ đang đè nặng lên nhiều sinh viên xa nhà.

Cẩn trọng kẻo dính bẫy lừa đảo

Hiện nay trên MXH có rất nhiều hội nhóm tìm phòng trên mạng, hay tìm người ở ghép… Tuy nhiên cũng nhan nhản trên các hội nhóm là nhiều đối tượng mạo danh nhằm lừa đảo người có nhu cầu thuê trọ.

Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là thường dẫn khách có nhu cầu thuê trọ đến xem những căn phòng được trang trí đẹp mắt, đầy đủ tiện nghi, sạch đẹp, có chìa khóa riêng, wifi và chỗ giữ xe, gần trường và chợ… Thế nhưng, khi khách đồng ý thuê lại không được ký hợp đồng thuê nhà mà phải đặt tiền cọc để giữ phòng. Sau đó đối tượng hẹn người thuê đến ký hợp đồng nhận phòng vào một ngày khác.

Nếu người thuê ngỏ ý muốn ký hợp đồng ngay lúc đó, đối tượng sẽ lấy lý do như người thuê trọ cũ chưa chuyển. Tiền đặt cọc thường từ 500.000 đến vài triệu đồng, có hợp đồng nhận tiền cọc đầy đủ. Tuy nhiên, những điều khoản trong giấy nhận tiền cọc có rất nhiều vấn đề, nếu không cẩn thận xem kỹ thì người thuê dễ dính bẫy.

Ngoài ra, một số người còn bị "cò” môi giới phòng trọ dẫn đến xem phòng nhưng đối tượng không phải là chủ trọ, cũng không phải là quản lý toà nhà, không liên quan gì đến phòng trọ cả. Nhiều phụ huynh, tân sinh viên, trong tâm lý sốt ruột muốn tìm thuê được phòng trọ một cách nhanh chóng, đã chủ động tìm phòng trọ qua mạng xã hội, do vậy nhiều đối tượng đã ăn cắp hình ảnh, thông tin các phòng trọ trên mạng xã hội để đăng tải với mục đích lừa đảo tiền cọc nhà.

Hiện nay trên MXH có rất nhiều hội nhóm tìm phòng trên mạng, hay tìm người ở ghép…, tuy nhiên, trong số đó có không ít các bài đăng của các đối tượng lừa đảo.

Để đảm bảo an toàn và tránh những rủi ro không đáng có khi thuê nhà trọ, các bạn sinh viên cần phải thực hiện những bước kiểm tra kỹ lưỡng.

Trước tiên, hãy chắc chắn rằng bạn đã tra cứu thông tin liên quan đến nơi định thuê, bao gồm số điện thoại, địa chỉ cho thuê, để xác minh tính chính xác và tránh những trường hợp lừa đảo. Đừng quên tham khảo ý kiến của người dân xung quanh về chủ trọ và khảo sát mức độ an ninh của khu vực đó.

Một điểm quan trọng nữa là khi ký hợp đồng đặt cọc, nên đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng. Hợp đồng cần phải ghi rõ các thông tin như ngày giờ đặt cọc, ngày giờ chuyển vào ở, số phòng và mô tả cụ thể về căn phòng.

Để chắc chắn, bạn có thể chụp lại ảnh căn phòng và gửi qua các ứng dụng nhắn tin như Zalo, Facebook cho chủ nhà để xác nhận.

Và nếu chẳng may bạn gặp phải trường hợp lừa đảo, đừng ngần ngại báo cáo sự việc lên cơ quan chức năng như công an phường hoặc UBND phường nơi có bất động sản cho thuê. Việc này không chỉ giúp bạn bảo vệ quyền lợi của mình mà còn góp phần làm giảm các hành vi lừa đảo.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Cục Quản lý thị trường Hà Nội vừa chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong thời gian sau bão số 3.

Cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn, ngoài bị xử phạt hành chính sẽ bị thông báo về cơ quan để kỷ luật.

Công an quận Tây Hồ vừa nhanh chóng phối hợp với lực lượng chữa cháy tại chỗ ngăn cháy lan và dập tắt đám cháy tại nhà dân thuộc đường Âu Cơ.

Ở các diễn đàn giao thông, nhiều người để lại bình luận phản ánh tình trạng các tài xế của nhà xe Phương Trang thường xuyên đi ẩu, chạy quá tốc độ, vi phạm luật giao thông.

La Niña có thể kéo dài từ vài tháng đến hai năm, và sự xuất hiện của nó thường được dự báo trước bởi các cơ quan khí tượng thông qua việc theo dõi và phân tích dữ liệu nhiệt độ biển và các yếu tố khí hậu khác.

Bão số 4 kết hợp tác động gió mùa Tây Nam mạnh, nằm trong dải hội tụ nhiệt đới nên có hoàn lưu ảnh hưởng rất rộng, chuyên gia cảnh báo không chủ quan trước cơn bão này.