St. Petersburg 2024 - Chiến lược phát triển mới của Nga
Những hợp đồng khổng lồ vào tay ai?
Diễn đàn St. Petersburg năm nay thu hút 12.000 đại biểu, đại diện cho hơn 100 quốc gia tham dự. Đây được coi là sự kiện quốc tế quan trọng nhất để tương tác giữa cộng đồng doanh nghiệp và các quan chức từ Nga cũng như các quốc gia khác.
Theo cố vấn Tổng thống Nga và thư ký điều hành của Ban tổ chức SPIEF Anton Kobykov, gần 1.000 giao dịch và hợp đồng, với giá trị hơn 6,43 nghìn tỷ rúp (tương đương 71,87 tỷ USD) đã được ký kết tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF).
Các bộ trưởng và quan chức hàng đầu của OPEC+, nhóm Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh do Nga lãnh đạo, đã nhóm họp tại Diễn đàn kinh tế ở St. Petersburg, thủ phủ phương Bắc của Nga.
OPEC+ chiếm khoảng 40% tổng sản lượng dầu toàn cầu, hiện có 13 thành viên, trong đó có Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Kuwait, Iraq, Iran, thêm 10 quốc gia ngoài OPEC, tạo thành nhóm OPEC+ trong đó có Nga, Azerbaijan.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman tham dự cuộc thảo luận về tương lai của thị trường dầu khí cùng với Phó Thủ tướng Nga phụ trách lĩnh vực năng lượng Alexander Novak.
Bên lề Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF), Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho hay quyết định gần đây của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) nhằm khôi phục dần sản lượng dầu từ tháng 10/2024 sẽ giúp bù đắp cho sự tăng trưởng về nhu cầu và cân bằng thị trường.
Trước đó, một số quốc gia OPEC+, bao gồm Nga và Saudi Arabia đã gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày cho đến cuối tháng 9/2024. Theo kế hoạch khôi phục sản xuất, Nga và Saudi Arabia sẽ duy trì sản lượng dầu ở mức 8,978 triệu thùng/ngày cho đến cuối tháng 9/2024.
Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto tham dự cuộc thảo luận, khẳng định sự hài lòng của Hungary về cung cấp khí đốt của Nga và không có kế hoạch ngừng mua khí đốt từ Moscow bất chấp áp lực đòi nước này chấm dứt việc mua bán.
Theo Tổng Giám đốc Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia ở St. Petersburg, Nga đang mở rộng giao dịch năng lượng với các đối tác mới. Kể từ khi bắt đầu xung đột Nga - Ukraine, Moscow đã phải đối mặt với những hạn chế ngày càng gia tăng từ phương Tây, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại dầu khí. Vì vậy, Moscow đang tìm kiếm thị trường mới cho xuất khẩu dầu của mình. Theo Tổng Giám đốc Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia ở St. Petersburg, Nga đang mở rộng giao dịch năng lượng với các đối tác mới.
Trong lĩnh vực dầu mỏ, Nga đã chuyển hướng hoàn toàn việc xuất khẩu từ châu Âu sang các nước khác, chủ yếu sang châu Á, đặc biệt là Ấn Độ. Chúng tôi cũng đã tăng nguồn cung sang Trung Quốc.
Xin nhắc lại là các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ xử lý dầu thô của Nga và sau đó xuất những sản phẩm đã lọc đó trở lại châu Âu. Về mặt pháp luật, điều này hoàn toàn không vi phạm các biện pháp trừng phạt, đó cũng là hoạt động kinh doanh tốt. Nếu châu Âu từ chối các sản phẩm dầu của Nga và bây giờ họ phải mua những sản phẩm dầu được sản xuất ở Ấn Độ từ dầu của Nga, thì châu Âu phải trả giá cho việc làm của họ
Ông Konstantin Simonov - Tổng Giám đốc Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga tại St. Petersburg.
Theo ông Simonov, Nga mới chỉ tham gia thị trường Ấn Độ vào năm 2022, nhưng đã chiếm đến gần 40% lượng dầu thô nhập khẩu của nước này. Trong khi đó, Liên minh châu Âu dự kiến sẽ hoàn tất gói trừng phạt thứ 14 chống lại Nga vào tháng 6, nhắm vào hoạt động buôn bán và trung chuyển khí đốt tự nhiên.Thực tế cho thấy Ấn Độ đang được hưởng lợi và châu Âu đang thiệt hại từ chính các lệnh trừng phạt của mình.
Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF), nơi từng đón tiếp các CEO và chủ ngân hàng đầu tư phương Tây đến từ London và New York, đã thay đổi đáng kể trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lớn nhất trong quan hệ Nga với phương Tây kể từ năm 1962. Các nhà đầu tư phương Tây từng mong hưởng lợi từ tài nguyên dồi dào của Nga giờ đây đã bị thay thế bởi các doanh nghiệp Trung Quốc, Ấn Độ, châu Phi và Trung Đông.
Người bạn đáng tin cậy của châu Phi
Nhiều nguyên thủ quốc gia châu Phi đã đến dự Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg và gặp Tổng thống Putin để củng cố thêm mối quan hệ song phương. Với nguồn tài nguyên giàu có, châu Phi luôn là mục tiêu của nhiều cường quốc. Nhưng sau một thời gian dài bất ổn, với rất nhiều cuộc đảo chính được cho là chịu sự tác động của các thế lực bên ngoài, các nhà lãnh đạo châu Phi thấy rằng Nga thực sự là một người bạn, đối tác đáng tin cậy, bởi sự hợp tác, giúp đỡ, hay viện trợ của Nga cho châu Phi thường không kèm theo điều kiện.
Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa đánh giá cao quan hệ “tuyệt vời” với Nga và đang tìm cách làm sâu sắc thêm mối quan hệ này. Ông lưu ý rằng bất chấp tình hình địa chính trị đầy thách thức, cả hai nước đang phải ứng phó các lệnh trừng phạt của phương Tây, sự hợp tác chung giữa Moscow và Harare vẫn ổn định và cả hai đều có kế hoạch “làm cho mối quan hệ trở nên toàn diện hơn trước”.
Ngoài những lý do khách quan để tăng cường hợp tác với châu Phi như thị trường tiêu dùng đang tăng trưởng nhanh, khu vực này có tầm quan trọng chiến lược trong bối cảnh Nga chuyển dịch năng lực xuất khẩu khỏi các khu vực bị trừng phạt. Nga tiếp tục xây dựng hợp tác với các đối tác thân thiện, trong đó có hầu hết các nước châu Phi.
Nga và lục địa châu Phi là đối tác kinh tế và thương mại tự nhiên. Nga đưa đến thị trường châu Phi chủ yếu là các sản phẩm thực phẩm và năng lượng, góp phần giải quyết hai vấn đề kinh tế xã hội chính đe dọa sự thịnh vượng của châu Phi – thiếu an ninh lương thực và năng lượng. Nga còn cung cấp cho các đối tác châu Phi các sản phẩm công nghiệp, máy công cụ và phương tiện giao thông.
Thúc đẩy chủ nghĩa đa phương thực sự
Tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương thực sự, thông qua các nền tảng như Hội nghị thượng đỉnh BRICS đã được các quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp tham dự Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF) ở Nga đặc biệt quan tâm.
Tại diễn đàn với chủ đề là “Cơ sở của thế giới đa cực là hình thành các điểm tăng trưởng mới”, Tổng thống Nga Putin đã đề cao vai trò của Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, cho biết khối đang xúc tiến xây dựng hệ thống thanh toán độc lập, không phụ thuộc vào phương Tây.
Phát biểu tại diễn đàn, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga cần cắt giảm nhập khẩu, tăng cường đáng kể việc sử dụng các loại tiền tệ không phải của phương Tây trong thanh toán thương mại và kêu gọi mở rộng mạnh mẽ thị trường tài chính trong nước. Thương mại với châu Á đang tăng vọt và gần 40% ngoại thương của Nga hiện được tính bằng đồng rúp, trong khi tỷ trọng được thực hiện bằng đô la Mỹ, euro và các loại tiền tệ phương Tây khác giảm.
Nga sẽ tìm cách tăng cường tỷ lệ thanh toán được thực hiện bằng tiền tệ của các nước BRICS - nhóm các nền kinh tế mới nổi bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Để giảm nhập khẩu, Nga sẽ thúc đẩy sản xuất cạnh tranh và tăng cường đầu tư vào tài sản cố định thêm 60% vào năm 2030. Giá trị của thị trường chứng khoán Nga dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào cuối thập kỷ này và chiếm tới 2/3 GDP của Nga. Theo Tổng thống Putin, đến năm 2030, khối lượng xuất khẩu phi tài nguyên, phi năng lượng của Nga phải tăng ít nhất 2/3 so với năm 2023.
Những quốc gia thân thiện với Nga là những quốc gia mà chúng tôi chú ý đầu tiên. Nền kinh tế của các quốc gia đang phát triển nhanh sẽ quyết định tương lai của nền kinh tế toàn cầu, ngày nay họ đã đóng vai trò quan trọng, chiếm 3/4 kim ngạch thương mại của chúng tôi.
Tất nhiên, thực tế cho thấy độ tin cậy và niềm tin vào các hệ thống thanh toán phương Tây đã bị suy yếu hoàn toàn, và bởi chính các nước phương Tây. Về vấn đề này, tôi lưu ý rằng năm ngoái tỷ lệ thanh toán cho hàng xuất khẩu của Nga bằng đồng tiền của các quốc gia không thân thiện đã giảm một nửa. Tỷ trọng của đồng rúp trong xuất khẩu và nhập khẩu đang tăng lên, hiện đã đạt gần 40%.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Các quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp tham dự Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại trong cơ chế BRICS. Khối này chiếm hơn 40% dân số thế giới và hơn 20% lượng xuất khẩu của thế giới, sản xuất hơn 50% lương thực cho toàn thế giới. An ninh lương thực về cơ bản phụ thuộc 50% vào các quốc gia này.
Ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, nhóm BRICS mới kết nạp thêm Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất tại hội nghị thượng đỉnh của khối vào tháng 8 năm 2023. Tư cách thành viên của các nước này có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm nay. Các chuyên gia cho rằng cơ chế BRICS đã đưa ra một mô hình quản trị toàn cầu mới, có sức thu hút mạnh mẽ đối với các nước thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, khiến cơ chế hợp tác BRICS không ngừng phát triển và củng cố.
Tổng thống Bolivia Luis Arce thông báo Bolivia và Công ty Uranium One Group của Nga đang lên kế hoạch ký các thỏa thuận sản xuất pin lithium ở vùng Andes. Bolivia ước tính có khoảng 21 triệu tấn tài nguyên lithium chưa được khai thác, trữ lượng lớn nhất trên thế giới, ở khu vực "tam giác lithium" bao gồm Bolivia, miền Bắc Chile và Argentina.
59 quốc gia tuyên bố mong muốn tham gia BRICS, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), vì các nhóm này đang mang đến cho các thành viên mới cơ hội tăng cường hợp tác trong các hình thức mới của khái niệm phát triển đa cực. Tầm quan trọng của SCO đang gia tăng. Mặc dù được thành lập như một diễn đàn dành cho Trung Quốc, Nga và các quốc gia Trung Á, nhưng nó đã phát triển tích cực và hiện có sự tham gia của Ấn Độ, Pakistan và Iran.
Với những hợp đồng trị giá hàng triệu đô la và các dự án mới, những tuyên bố ủng hộ, sự quan tâm được thể hiện tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St.Petersburg 2024, nước Nga không chỉ cho thấy tiềm năng và sự mở rộng quan hệ thương mại với các nước, bất chấp lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây, mà còn vạch rõ chiến lược phát triển kinh tế trong tương lai. Chiến lược đó là đặt trọng tâm chính vào tăng cường quan hệ kinh tế với các nước thân thiện, hiện chiếm 3/4 kim ngạch thương mại của Nga. Và điều này chắc chắn sẽ góp phần định hình nền kinh tế toàn cầu trong tương lai.
Một trong những điểm yếu lớn nhất của Tổng thống thứ 46 của Mỹ là "không có khả năng quảng bá những thành tựu của mình". Nhưng các nhà sử học "có thể vẫn công tâm và đánh giá cao ông về sự phục hồi kinh tế hậu Covid".
Báo chí Mỹ mới đây đưa tin Iran đang chuẩn bị tấn công Israel, có thể là trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11, nhằm trả đũa vụ Israel tiến hành chiến dịch không kích quy mô lớn nhằm vào hàng loạt mục tiêu quân sự của Iran hôm 26/10.
Vài ngày trước khi diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ, cuộc so găng giữa ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris vẫn hết sức gay cấn. Hầu hết, các chuyên gia nhận định đây là cuộc bầu cử khó dự đoán nhất lịch sử nước Mỹ, mọi kịch bản sẽ không loại trừ trong cuộc bỏ phiếu ngày 5/11 tới.
Gần 200 người đã thiệt mạng trong trận lũ quét ở vùng Valencia, miền Đông Tây Ban Nha. Trận lũ lụt chết người nhất ở Tây Ban Nha trong nhiều thập kỷ là một lời nhắc nhở đau thương rằng châu Âu chưa chuẩn bị đối phó với hậu quả của bầu khí quyển quá nóng.
Cuộc bầu cử Quốc hội Gruzia đã kết thúc với chiến thắng thuyết phục thuộc về đảng Giấc mơ Gruzia cầm quyền. Phe đối lập dựa vào sự ủng hộ của bên ngoài, không công nhận kết quả bầu cử và cố gắng tìm cách lật ngược kết quả thông qua các cuộc biểu tình và khiêu khích sử dụng vũ lực. Những diễn biến này giống với những cuộc cách mạng màu của những năm trước.
Ngày 31/10, Triều Tiên xác nhận đã phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Đây là vụ phóng thử ICBM đầu tiên sau gần một năm, cho thấy khả năng tấn công hạt nhân tầm xa tiềm tàng của nước này.
0