Sự phát triển vượt bậc của thị trường bảo tàng toàn cầu

Bảo tàng đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và trưng bày các hiện vật, tác phẩm nghệ thuật và tài liệu lịch sử, đảm bảo khả năng tiếp cận của di sản văn hóa với các thế hệ hiện tại và tương lai. Nghiên cứu gần đây cho thấy thị trường bảo tàng toàn cầu đang trên một quỹ đạo tăng trưởng đáng chú ý, dự kiến sẽ đạt mức giá trị đáng kinh ngạc 17,23 tỷ USD vào năm 2029.

Thị trường bảo tàng toàn cầu trên đà tăng trưởng vượt bậc 

Trong những năm qua, thị trường bảo tàng được thúc đẩy bởi số lượng khách du lịch ngày càng tăng, có mối quan tâm nhiều hơn tới nghệ thuật, văn hóa và lịch sử, cũng như sự gia tăng các cuộc triển lãm, sự kiện, các chương trình giáo dục do bảo tàng tổ chức.

Thị trường bảo tàng được thúc đẩy bởi số lượng khách du lịch ngày càng tăng.

Theo báo cáo phân tích thị trường bảo tàng toàn cầu năm 2023 của Research and Markets, thị trường bảo tàng toàn cầu dự kiến sẽ tạo ra 17,23 tỷ USD vào cuối năm 2029, tăng đáng kể từ mức 7,48 tỷ USD vào năm 2022. Trong giai đoạn 2024-2029, thị trường bảo tàng sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 13,24%.

Các bảo tàng liên tục tổ chức các triển lãm ngắn hạn.

Các bảo tàng liên tục tổ chức các triển lãm ngắn hạn, sự kiện đặc biệt và trải nghiệm tương tác để thu hút du khách. Nhiều khách du lịch coi việc tham quan bảo tàng như một phần trong hành trình khám phá nền văn hóa và lịch sử của mỗi điểm đến. Đại dịch COVID-19 đã có tác động đáng kể đến ngành công nghiệp văn hóa, khi nhiều bảo tàng phải đóng cửa, giảm số lượng khách tham quan và gặp phải những thách thức tài chính do quy định hạn chế đi lại. Tuy nhiên, đại dịch cũng đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Các bảo tàng nhanh chóng thích nghi để cung cấp trải nghiệm ảo, bao gồm triển lãm trực tuyến, chuyến tham quan ảo, và nội dung tương tác số.

Thị trường bảo tàng toàn cầu có tính cạnh tranh cao, với năm bảo tàng được ghé thăm nhiều nhất trên thế giới là Louvre, Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc, Bảo tàng Vatican, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan và Bảo tàng Anh. Louvre là bảo tàng lớn nhất được trưng bày trên diện tích 72.735 mét vuông, đã đón hơn 7 triệu du khách vào năm 2022.

Ngành công nghiệp bảo tàng sẽ tiếp tục phát triển.

Các chuyên gia của Research and Markets nhận định ngành công nghiệp bảo tàng sẽ tiếp tục phát triển khi công nghệ và xu hướng xã hội tiến bộ. Công nghệ kỹ thuật số có thể được sử dụng để cải thiện khả năng tiếp cận của du khách, chuyển giao kiến thức và tương tác đa phương tiện, đồng thời tăng hiệu quả trong việc quản lý hoạt động của bảo tàng, chẳng hạn như cải thiện việc quản lý hiện vật và giám sát khách tham quan.

Bùng nổ lượng khách tham quan bảo tàng ở Trung Quốc

Trước kia, bảo tàng thường phổ biến hơn ở các nước phương Tây. Nhưng ngày càng nhiều quốc gia châu Á biết cách tận dụng các lợi thế về di sản và lịch sử để phát triển ngành công nghiệp trưng bày văn hóa. Trong năm 2023, số lượng du khách đến thăm các bảo tàng trên khắp Trung Quốc đạt 1,24 tỷ lượt, cao hơn so với năm 2019 trước khi bùng phát đại dịch COVID-19. Việc tham quan các điểm đến có di tích văn hóa đang trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều khách du lịch.

Năm 2023 được chứng minh là một năm biểu tượng cho ngành du lịch theo chủ đề văn hóa ở Trung Quốc, khi văn hóa truyền thống được tôn vinh theo những cách sôi động và sáng tạo hơn, thu hút lượng khách tham quan ngày càng tăng.

Bùng nổ lượng khách tham quan bảo tàng ở Trung Quốc.

Tại Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc ở Bắc Kinh, lượng lớn trẻ em và cả người lớn tập trung xung quanh những bộ sưu tập nổi tiếng có niên đại từ hàng nghìn năm trước. Các hiện vật hay chữ khắc lịch sử trở nên sống động nhờ sự trợ giúp của công nghệ âm thanh hình ảnh hiện đại.

Chị Lâm Vũ – Du khách Trung Quốc chia sẻ: “Tôi đã xem ảnh của chiếc mặt nạ đồng kia trong một cuốn sách. Bây giờ tôi được nhìn nó ngoài đời thực, và điều đó khiến tôi cảm thấy hoàn toàn khác”.

Hơn một nửa lượng du khách đến Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc, nơi lưu giữ hơn 1,4 triệu hiện vật, là những người trẻ dưới 35 tuổi. Cách trưng bày các di tích văn hóa sáng tạo, hiện đại đã giúp thu hút khách tham quan ở nhiều lứa tuổi, ngành nghề đa dạng hơn. Trong năm 2023, bảo tàng đã tiến hành cải tiến bố cục quy mô lớn các bộ sưu tập, từ đó giúp nhiều di vật văn hóa quan trọng được ra mắt công chúng thay vì bị cất giấu trong kho.

Các nhà quản lý bảo tàng Trung Quốc cũng thường xuyên thúc đẩy hợp tác trao đổi hiện vật với bảo tàng các nước khác. Triển lãm “Vinh quang của Ba Tư cổ đại” đang diễn ra ở Bắc Kinh từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 4 năm nay, là triển lãm lớn nhất do Iran tổ chức tại Trung Quốc. Sự kiện được phối hợp tổ chức bởi Bảo tàng Cố cung Bắc Kinh và Bảo tàng Quốc gia Iran, trưng bày bộ sưu tập hiện vật khảo cổ đại diện cho hơn 1.000 năm phát triển và thành tựu văn hóa của đế quốc Ba Tư ở Iran.

Triển lãm “Vinh quang của Ba Tư cổ đại”.

Sau khi kết thúc triển lãm ở Trung Quốc, các quan chức bảo tàng Iran hi vọng các hiện vật văn hóa lịch sử Trung Quốc sẽ tới Iran và được trưng bày cho những người yêu thích lịch sử ở nước này.

Ông Fereidoun Biglari - Phó Giám đốc Bảo tàng Quốc gia Iran cho biết: “Sau Bắc Kinh, các hiện vật của chúng tôi sẽ được trưng bày tại 5 địa điểm nữa ở Trung Quốc, bao gồm Thượng Hải, Tứ Xuyên và Quảng Châu. Đổi lại, Bảo tàng Cố cung Bắc Kinh sẽ trưng bày một số hiện vật của họ ở Iran trong tương lai gần.”

Xu hướng hợp tác giữa bảo tàng các nước đang gia tăng, tập trung vào chia sẻ tài nguyên, tri thức và trải nghiệm văn hóa. Qua sự kết hợp sáng tạo, các bảo tàng xây dựng những dự án chung, triển lãm và sự kiện, làm phong phú thêm sự đa chiều trong hiểu biết văn hóa, lịch sử và nghệ thuật giữa các dân tộc, thúc đẩy giao lưu quốc tế và hội nhập toàn cầu.

Bản đồ La Mã cổ đại ra mắt công chúng

Thủ đô Rome của Italy nổi tiếng với số lượng di sản, hiện vật văn hóa và lịch sử đồ sộ. Chỉ riêng tại thành phố này đã có hơn 60 bảo tàng lớn nhỏ, và nhiều bảo tàng mới vẫn tiếp tục được khai trương để mang đến những trải nghiệm phong phú, mới mẻ cho du khách. Mới đây, một bảo tàng mới vừa mở cửa, trưng bày tấm bản đồ bằng đá cẩm thạch của La Mã cổ đại vốn chưa từng được ra mắt công chúng trong hơn 100 năm qua.

Bảo tàng Forma Urbis nằm trong một công viên khảo cổ trên đồi Celio, một trong bảy ngọn đồi nổi tiếng của thành Rome. Forma Urbis cũng là tên một bản đồ bằng đá cẩm thạch khổng lồ có độ chi tiết cao về La Mã cổ đại, được chạm khắc dưới thời của Hoàng đế Septimius Severus trong khoảng thời gian từ năm 203 đến năm 211 sau Công nguyên. Nó bao gồm 150 phiến đá riêng biệt và có kích thước 18 x 13 mét.

Bản đồ La Mã cổ đại ra mắt công chúng.

Tấm bản đồ từng được khắc trên một bức tường ở thành phố cổ, nhưng qua nhiều thế kỷ, bức tường dần dần bị hư hại, và người dân địa phương đã sử dụng một số tấm đá để xây dựng các tòa nhà mới.

Trong cuộc khai quật năm 1562, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy các mảnh vỡ của tấm bản đồ. Những mảnh vỡ này chiếm khoảng 10% diện tích tổng thể, bao gồm các phần thể hiện Đấu trường La Mã và rạp xiếc Maximus, cũng như sơ đồ mặt bằng của phòng tắm, đền thờ và nhà riêng. Đây được coi là một nguồn thông tin quý giá để tìm hiểu về cách bố trí của La Mã cổ đại. Vào thời đó, bản đồ được sử dụng như một công cụ cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm quy hoạch đô thị, điều hướng và hành chính công.

Ngoài ra, khu vực ngoài trời trên đồi Celio cũng trưng bày các tác phẩm điêu khắc và các cột đá cẩm thạch được tìm thấy trong nhiều cuộc khai quật quanh thành phố Rome trong những thập kỷ gần đây. Nhà chức trách Rome hi vọng việc trưng bày các hiện vật sẽ phần nào tái hiện lại cuộc sống hàng ngày trong thế giới cổ đại, giúp người dân Rome kết nối sâu sắc hơn với các thế hệ tổ tiên.

Ngôi nhà búp bê sống động của Hoàng gia Anh

Sự tăng trưởng của thị trường bảo tàng cũng đi kèm với sự phát triển của ngành công nghiệp triển lãm. Ngày nay, triển lãm không chỉ giới hạn trong các bảo tàng truyền thống mà còn xuất hiện ở nhiều địa điểm khác nhau như không gian công cộng, trung tâm mua sắm, các công trình kiến trúc nổi tiếng. Một cuộc triển lãm đặc biệt đang diễn ra tại Lâu đài Windsor, Vương quốc Anh, trưng bày ngôi nhà búp bê của hoàng gia, nhân kỷ niệm 100 năm ra đời tác phẩm ngôi nhà búp bê lớn nhất thế giới này.

Ngôi nhà búp bê sống động của Hoàng gia Anh.

Tòa nhà có tỷ lệ 1:12 được trang bị đầy đủ những tài sản của một vị vua, chẳng hạn như ngai vàng và vương miện trang sức, cũng như những đồ dùng thường ngày như máy may và máy hút bụi. Ngôi nhà búp bê được chế tạo trong 3 năm, từ năm 1921 đến năm 1924, là sản phẩm của 250 thợ thủ công và nhà sản xuất, 60 nghệ sĩ trang trí, 700 nghệ sĩ, 600 nhà văn và 500 nhà tài trợ. Sau khi hoàn thiện, tác phẩm đã ra mắt công chúng tại Triển lãm Đế quốc Anh năm 1924, và được trưng bày tại Lâu đài Windsor từ năm 1925.

Ngôi nhà được thiết kế mô phỏng lại nơi ở của một gia đình hoàng gia đương đại vào những năm 1920, pha trộn giữa sự xa hoa tráng lệ và cuộc sống gia đình thường ngày. Dù là mô hình, nhưng ngôi nhà có cả hệ thống nước chảy, đèn điện hoạt động và thang máy. Các vật dụng trong tòa nhà là phiên bản thu nhỏ tinh xảo của nhiều sản phẩm nổi tiếng của các công ty Anh, như máy may Singer, máy hút bụi Hoover, và cây đàn piano Broadwood.

Ban đầu, ngôi nhà búp bê được chế tạo để làm quà tặng cho Nữ hoàng Mary, vợ của Vua George V. Nhưng qua nhiều thập kỷ, nó đã trở thành một biểu tượng, một tác phẩm trưng bày có một không hai thể hiện kỹ năng thủ công của các nghệ nhân Anh quốc. Triển lãm sẽ kéo dài cho đến hết năm 2024.

Trưng bày trang phục của loạt phim ăn khách ‘The Crown’

Một cuộc triển lãm đặc biệt khác liên quan đến Hoàng gia Anh cũng vừa diễn ra tại Thủ đô London. Hơn 450 bộ trang phục và đạo cụ được sử dụng trong loạt phim truyền hình “The Crown” đình đám của Netflix, tựa đề tiếng Việt là “Hoàng quyền”, đã được trưng bày trước công chúng trước khi đem bán đấu giá.

Trưng bày trang phục của loạt phim ăn khách ‘The Crown’.

“The Crown” kể về triều đại của Nữ hoàng Elizabeth II từ khi bà kết hôn vào năm 1947 đến tận ngày nay. Nó được đánh giá là một bộ phim truyền hình xuất sắc về Hoàng gia Anh với tạo hình, kiểu tóc, phục trang tỉ mỉ, bối cảnh kỳ công và diễn xuất thuyết phục. Sau khi loạt phim ăn khách gồm 6 mùa kết thúc vào cuối năm 2023, hàng trăm vật phẩm từ bộ phim đã được đưa ra trưng bày tại nhà đấu giá quốc tế Bonhams ở London.

Trong đó, đáng chú ý là bản sao bộ lễ phục đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II, được diễn viên Claire Foy mặc trong mùa 1, có thể đạt giá bán khoảng 20.000-30.000 bảng Anh.

Một chiếc váy màu đen do nữ diễn viên Elizabeth Debicki, người đóng vai Công nương Diana quá cố, mặc trong bộ phim có giá ước tính từ 8.000-12.000 bảng Anh.

Bản sao bộ lễ phục đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II.

Nổi bật nhất là bản sao cỗ xe ngựa Hoàng gia lộng lẫy, được giới thiệu là bản sao duy nhất trên thế giới, có giá 30.000-50.000 bảng Anh.

Số tiền thu được từ việc bán đấu giá sẽ dùng để tài trợ cho chương trình học bổng tại Trường Điện ảnh và Truyền hình Quốc gia Anh.

Có thể thấy, nội dung và hình thức triển lãm tại các bảo tàng đang trở nên ngày càng đa dạng, thu hút nhiều hơn sự chú ý của công chúng. Nhìn về phía trước, tương lai của thị trường bảo tàng toàn cầu sẽ tiếp tục phát triển cùng với những tiến bộ công nghệ và xu hướng xã hội. Công nghệ kỹ thuật số được kỳ vọng sẽ tăng cường khả năng tiếp cận, chuyển giao kiến thức và nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố hơn nữa vai trò của bảo tàng như một cơ sở văn hóa quan trọng trong thời đại kỹ thuật số.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua khoản viện trợ trị giá gần 61 tỷ USD cho Ukraine, với cuộc bỏ phiếu mang tính bước ngoặt tại Hạ viện hôm 20/3 và tại Thượng viện ngày 23/4, theo giờ địa phương. Liệu gói viện trợ của Mỹ có thể giúp Kiev xoay chuyển cục diện trên chiến trường hay chỉ làm xung đột kéo dài thêm?

Ông Trump bị cáo buộc làm giả hồ sơ để che đậy khoản thanh toán nhằm mua chuộc sự im lặng của một diễn viên phim người lớn về mối quan hệ với ông. Đây là phiên tòa đầu tiên mang tính lịch sử đối với một cựu tổng thống Mỹ và có thể là bước ngoặt đối với ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Chủ đề Ngày Trái đất năm 2024 là “Trái đất và nhựa” nhằm kêu gọi các quốc gia giảm 60% sản lượng tất cả các loại nhựa vào năm 2040, hướng đến chấm dứt việc sử dụng nhựa vì sức khỏe của con người và Trái đất.

Sau 20 năm lãnh đạo đất nước, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ từ nhiệm vào ngày 15/5/2024. Người kế nhiệm ông sẽ là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong. Đây là tiến trình chuyển giao lãnh đạo đã được lên kế hoạch từ lâu của Singapore, và được Thủ tướng Lý Hiển Long gọi là thời khắc quan trọng.

Theo các nhà phân tích cuộc tấn công vào Iran vào sáng sớm thứ Sáu (19/4) theo giờ địa phương có thể nhằm mục đích vừa là một cách để trả đũa vừa là một thông điệp cảnh báo. Vụ việc không làm leo thang tình hình, nhưng những căng thẳng, mâu thuẫn giữa hai nước thì vẫn còn đó.

2024 là năm quan trọng của Ấn Độ với cuộc tổng tuyển cử có quy mô lớn nhất thế giới. Giới phân tích cho rằng, cuộc bầu cử trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế không chỉ bởi quy mô lớn, mà còn vì quốc gia Nam Á này có tiếng nói ngày càng quan trọng trên các diễn đàn quốc tế và là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới.