Tác phẩm xuất sắc nhất của chủ nghĩa hiện sinh
Dostoevsky là một trong những nhà văn lớn nhất của văn học Nga và thế giới thế kỷ XIX. Vào năm ngoái, “Tội ác và sự trừng phạt” - tác phẩm trung tâm, quan trọng nhất của đại văn hào Dostoevsky, lần đầu tiên được dịch sang tiếng Việt từ bản gốc tiếng Nga bởi dịch giả Thiên Lương, đã gây chú ý với bạn đọc. Năm nay, bản dịch thứ 2 trong dự án dịch bộ 5 kiệt tác Dostoevsky của dịch giả này vừa được ra mắt: tác phẩm “Bút ký từ tầng hầm”.
Thực tế thì sau “Bút ký từ tầng hầm”, Dostoevsky bắt đầu trở thành một ngọn núi lớn bên cạnh Lev Tolstoy trên cao nguyên văn chương Nga. Hầu hết tư tưởng của các triết gia hiện sinh vĩ đại như Jean-Paul Sartre, Friedrich Nietzsche,… đều bắt nguồn từ chính cuốn sách này.
Dịch giả Thiên Lương đã trả lời phỏng vấn Đài Hà Nội về bản dịch “Bút ký từ tầng hầm” mới ra mắt của anh.
Cuốn sách được giới thiệu chứa đựng những hạt giống tư tưởng quan trọng nhất của Dostoevsky. Anh có thể tóm tắt đó là gì?
Vì Dostoevsky là một nhà văn vĩ đại, nên không thể trình bày những tư tưởng quan trọng của ông trong một vài phút được. Tuy nhiên, có thể nói rằng Bút ký từ tầng hầm là tác phẩm đặt nền móng tư tưởng hiện sinh chủ nghĩa trong các kiệt tác quan trọng nhất sau này của ông:Tội ác và sự trừng phạt, Chàng ngốc, Quỷ, Anh em nhà Karamazov.
Tư tưởng chủ đạo của Bút ký từ tầng hầm chính là Ý chí tự do — con người sẽ không chấp nhận bất cứ quyền uy nào, dù từ ai chăng nữa, và không chạy theo những lợi ích tất yếu, thậm chí đôi khi còn đi ngược lại lợi ích của chính mình chỉ để đạt được cái mà ông ấy gọi là ý chí tự do.
Người ta vẫn coi Dostoevsky như ông tổ của Chủ nghĩa hiện sinh và Bút ký từ tầng hầm là tác phẩm xuất sắc nhất từng được viết ra của chủ nghĩa này.
Vì sao dịch tác phẩm của Fyodor Dostoevsky nói chung và cuốn này nói riêng lại đặc biệt khó?
Dịch văn chương kinh điển không bao giờ đơn giản. Cái gì đơn giản thì không còn là văn chương nữa. Dịch Dostoevsky còn khó hơn nữa do ông viết dài, viết rất phức tạp và viết có tư tưởng rõ ràng. Thêm nữa, ngôn ngữ ông sử dụng là tiếng Nga — một trong những ngôn ngữ chặt chẽ, đa nghĩa, giàu có, rất mạnh mẽ. Cấu trúc ngữ pháp đặc biệt của tiếng Nga cho phép tác giả viết những câu văn dài đến nửa trang giấy với chủ từ ở tận cuối cùng, điều này tạo hiệu quả đặc biệt cho ấn tượng người tầng hầm mà ông muốn tạo ra. Ngoài ra, tiếng Nga của Dostoevsky thuộc về một thời đại đã quá xa, cách chúng ta khoảng 150 năm, nên nó khó hiểu với ngay cả người Nga hiện đại.
Nhưng văn chương Nga phải được dịch từ bản gốc vì mỗi lần dịch lại là một lần sai lệch rất xa. Dĩ nhiên dịch Dostoevsky từ tiếng Anh sẽ đơn giản hơn nhiều, nhưng chất văn, chất Dostoevsky, chất Nga có lẽ không còn lại được bao nhiêu.
“Người tầng hầm” là một con người như thế nào? Độc giả nên hiểu ý nghĩa của nhân vật này theo cách ra sao?
Trước tiên, chúng ta nên hiểu khái niệm tầng hầm ở tác phẩm này. Từ tiếng Nga này không phải có nghĩa là hầm, không có cái hầm nào ở đây cả. Nó có nghĩa đen là dưới sàn nhà, và thực tế là tầng hầm dưới sàn tầng một, nơi để đường ống kỹ thuật, làm kho đồ cũ, để cách nhiệt… cũng là nơi chuột bọ sinh sống và theo truyền thuyết dân gian Nga thì là nơi ma quỷ trú ngụ. Ẩn dụ tầng hầm này sau đó lại xuất hiện trong phân tâm học và nhiều lý thuyết khác.
Theo Dostoevsky thì Người tầng hầm là một phản đề của con người, một khái niệm khó hiểu dựa trên thuyết biện chứng. Theo lời ông thì nhân vật ấy không được sinh ra một cách tự nhiên mà nhờ cái mà ông gọi là bình cổ cong. Do sợ hãi xã hội nên nhân vật ấy trốn xuống tầng hầm và tranh luận với phản đề của mình về quan điểm sống. Đó cũng là một ẩn dụ thú vị về quá trình tư biện của con người. Có lẽ trong mỗi chúng ta đều có một người tầng hầm nào đó.
Đoạn trích có ý nghĩa quan trọng nhất trong tác phẩm này theo dịch giả? Và vì sao?
Tôi cho rằng đoạn trích quan trọng của tác phẩm là “Cả trong cơn đau răng cũng có khoái cảm”. Tác giả viết hẳn một chương ngắn để giải thích điều này, nhưng quan trọng hơn cả, nó tóm tắt được điều ông vẫn muốn nói đến trong toàn bộ tác phẩm. Còn nói đoạn trích nào quan trọng nhất thì khó, vì nhiều trường đoạn rất hay với những lập luận tuyệt vời nhưng nếu trích riêng ra, ở ngoài toàn bộ ngữ cảnh liên quan thì thật sự khó hiểu, và cách tốt nhất để hiểu tác phẩm này là hãy tự đọc nó rất kỹ. Nếu như Tội ác và Sự trừng phạt — một bản dịch khác của tôi, nên được đọc liên tục không ngừng, thì Bút ký từ tầng hầm cần được đọc chậm, đọc kỹ và cố gắng làm sao hiểu được từng câu văn trước khi đi tiếp.
Có thể đó cũng là khoái cảm đặc biệt trong cơn đau tư tưởng.
Xin cám ơn dịch giả Thiên Lương.
Dịch giả Thiên Lương không hy vọng sẽ có quá nhiều độc giả yêu thích Dostoevsky, vì cũng như mọi triết gia khác, tư tưởng của ông không dễ tiếp cận, và không dễ chấp nhận với người bình thường. Điều này cũng dễ hiểu thôi – triết học luôn là đỉnh cao tri thức của nhân loại, là những rặng núi hùng vĩ mà người ta thích nhìn ngắm hơn là chinh phục.
Dù có nhiều trường đoạn rất hay với những lập luận tuyệt vời, nhưng với một tiểu thuyết không hề dễ hiểu như “Bút ký từ tầng hầm”, thì cách tốt nhất để hiểu tác phẩm này – theo dịch giả Thiên Lương, chỉ có thể là bạn hãy tự đọc nó rất kỹ, và cố gắng làm sao hiểu được từng câu văn trước khi đi tiếp./.
Sáng ngày 5/11, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng thông tin về Festival hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024 và quảng bá, thu hút đầu tư trên lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc, hàng nghìn du khách đã đổ về để chiêm ngưỡng những nét đẹp văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số.
Tại Nhà triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam, số 16 Ngô Quyền, Hà Nội đang diễn ra Triển lãm “Hành trình sống và yêu - 2024” của của nhà giáo, họa sĩ Nguyễn Thị Thúy Hường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai).
Trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức hội thảo “Du lịch văn hóa vùng Đông Bắc – khơi nguồn và phát triển”.
Chào mừng Ngày Di sản văn hoá Việt Nam 23/11, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khai mạc Triển lãm thư pháp Thăng Long - Hà Nội với chủ đề “Hương sắc Thăng Long”.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn khai mạc các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ 11 năm 2024 vào ngày 2/11.
0