Tàu điện leng keng – kí ức Hà Nội một thế kỷ
“Đúng là không bao giờ quên được tiếng leng keng của tàu điện ngày xưa thật, cứ mỗi một lần sáng ngày ra cái tàu điện nó chạy vòng bờ hồ xuống chợ Mơ là cái tiếng leng keng nhà cô ngay đầu Bà Triệu mà.”; “Tiếng leng keng, tiếng của tàu điện ngày xưa đúng là cái âm thanh không thể nào quên được”; “Tàu điện khi mà xuất hiện ở Hà Nội nó làm thay đổi bộ mặt đô thị, là phương tiện giao thông công cộng đầu tiên ở đô thị này”... Đây là chia sẻ của những người dân Thủ đô khi được hỏi về một ký ức không phải mờ, gắn liền với một phần lịch sử của Hà Nội, đó là tàu điện.
Tháng 5/1899, Toàn quyền Đông Dương ký ban hành một nghị định thiết lập dự án tàu điện tiện ích công cộng. Đến năm 1900, tàu điện chính thức đi vào hoạt động. Thuở ban đầu, hệ thống tàu điện chạy trên 3 tuyến, đều tỏa ra từ bờ hồ Hoàn Kiếm tới các cửa ô.
Tới năm 1929, từ Ga tàu điện Bờ Hồ có 6 tuyến đi các ngả: lên Yên Phụ, chợ Bưởi, sang Cầu Giấy, vào Hà Đông, xuống chợ Mơ và Vọng. Tổng chiều dài mạng lưới đường xe điện khi ấy đã dài khoảng 30 km. Nghĩa là các ngả xe điện này toả ra từ trung tâm thành phố tới ven đô. Tàu điện thực sự kết nối ngoại ô với nội thành, là phương tiện đi lại quen thuộc của người dân thời ấy.
Trong giai đoạn đầu tiên khi tàu điện xuất hiện tại Hà Nội, tất cả những công nghệ gọi là mới nhất, hiện đại nhất đầu thế kỷ 20 họ đưa sang Việt Nam, từ đầu máy đến toa xe đến cả hệ thống máy phát điện để phục vụ cho chuyển động của cái tàu điện, đó là những máy móc và thiết bị mới nhất, tốt nhất khi đó. Cho đến khoảng những năm 1929-1930 mới có một cuộc thay đổi lần 2; những cái phục vụ tàu điện bị cũ rồi, nên người ta thay bằng cái mới”, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến nói.
“Nhà tôi là ở phố Hàng Hành. Khi ra đến đầu phố Hàng Hành thì đi qua cái bể nước tròn là đến đúng bến tàu điện. Khi qua ngã 3 ngã 4 thì có tiếng leng keng dậm ở dưới đất, ở dưới cái sàn tàu cạnh liền với cái đầu máy. Khi qua ngã 3 ngã 4, người ta báo hiệu những người đi xung quanh đấy, phải nhớ dừng lại”, Bà Nguyễn Thị Đức Hạnh – Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội, nhớ lại.
Tàu điện lúc ấy có một quy ước về các thông số kỹ thuật. Khổ đường ray có chiều rộng 1m. Bề rộng của tàu điện cũng như khoang chứa hàng hóa không quá 2m. Tàu điện dài tối đa 25m, cao từ 2m70 – 3m20. Vận tốc tối đa 20km/h.
“Một số người rất nhầm lẫn là trước đây có một nhà máy đèn Bờ Hồ, nhưng nó phát một công suất rất là bé. Nó chỉ đủ phục vụ cho một số cơ quan công quyền và chiếu sáng công cộng ở quanh khu vực đó thôi. Và tàu điện đầu thế kỉ 20 là sử dụng một hệ thống máy phát riêng. Sau năm 1925,1926 khi mà nhà máy điện Yên Phụ hoàn thành, thì tàu điện mới bắt đầu chạy bằng điện lưới, điện do nhà máy điện Yên Phụ phát ra.”, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến nói.
Đến những ngày toàn quốc kháng chiến, những ngày Hà Nội khói lửa ngập trời, các toa tàu điện trở thành chướng ngại vật rất có hiệu quả, ngăn chặn bước đi của các đoàn xe cơ giới của thực dân xâm lược trên các nẻo đường góc phố có đường tàu điện đi qua. Sau ngày giải phóng Thủ đô, tất cả các đường ray, thiết bị và tàu điện được chuyển giao cho nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản. Mọi hoạt động khai thác trong giai đoạn này vẫn được duy trì theo cung cách cũ của Pháp, nhưng có thay đổi cho phù hợp với tình hình lúc bấy giờ.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ: “Tàu điện ở Hà Nội có một đời sống mà tôi thấy rất thú vị. Đấy là nơi kiếm sống của những người hát xẩm, những người bán hàng rong. Về chuyện nhảy tàu, chắc chắn trước năm 1954 là không có nhảy tàu, bởi vì tất cả những người bán vé, gọi là sơ-vơ người Pháp họ cấm tuyệt đối. Và trước cửa lên xuống tàu có một cái dây xích, tàu bắt đầu chuyển động là người sơ-vơ đấy họ sẽ móc cái dây xích để ai muốn nhảy xuống, nhảy lên đều không được. Còn có những quy định rất ngặt nghèo ví dụ như say rượu là không được lên tàu, mùi hôi hám cũng không được lên. Cái gì bẩn thỉu nhem nhuốc là người ta cũng không cho lên tàu. Thế nhưng sau 1954 việc đi tàu có sự thay đổi, nếu đi xuống bến nó xa, thì tàu điện đi qua họ nhảy lên, vì tốc độ của tàu điện cũng không phải là quá nhanh, chủ yếu nhảy tàu điện là học sinh, thanh niên.”
Sau ngày giải phóng, hệ thống tàu điện Hà Nội vẫn tiếp tục hoạt động thêm 3 thập kỉ. Tới đầu những năm 1990, tàu điện dừng hoạt động bởi sự xuất hiện của các dự án lớn liên quan đến giao thông công cộng ở Hà Nội. Đường ray, cột, dây điện bị tháo bỏ. Gần một thế kỷ, tàu điện phục vụ đi lại cho những người dân Hà Nội. Như một lẽ tự nhiên, những hình ảnh về tàu điện và âm thanh leng keng đã trở thành một phần kí ức không thể quên của người Hà Nội xưa.
Cùng với áo dài và nón lá, guốc mộc từ thời xa xưa đã tạo nên một vẻ đẹp rất Việt. Theo thời gian, guốc mốc dần bị lãng quên. Thế nhưng nhà thiết kế Hoàng Huệ đã đưa guốc mộc từ ký ức trở về cuộc sống ngày nay, với những họa tiết hiện đại, có tính ứng dụng cao.
Sự quyến rũ của Hồ Gươm trong từng khoảnh khắc đã trở thành cảm hứng cho biết bao nghệ sĩ. Trong số đó có nhà báo Hà Hồng, nguyên Trưởng ban Khoa Giáo của Báo Nhân dân, đồng thời là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Báo Nhân dân, một người con Hà Tĩnh nhưng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội.
"Xuống phố 4" - triển lãm tiếp theo trong seri "Xuống phố" đã chính thức khai mạc, đánh dấu sự trở lại của họa sĩ Phạm Bình Chương.
Nhiều vị khách phương xa mới đến Hà Nội đôi ba lần có lẽ sẽ khó để nhận ra giữa không gian ồn ào, tấp nập của Hà Nội hiện đại ngày nay vẫn còn tồn tại những thú vui tao nhã của người Hà Thành. Một trong số đó là nghệ thuật tỉa hoa đu đủ chẻ cánh truyền thống của người Hà Nội.
Thủ đô ngàn năm văn hiến luôn giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim của người dân Việt Nam, nhất là người dân Hà Nội. Mỗi người chọn cho mình một cách thể hiện khác nhau. Có những người họa sĩ đã dành cả đời mình để lan tỏa tình yêu Hà Nội.
Dưới bàn tay của những nghệ nhân "Vua dép lốp", đôi dép cao su Bác Hồ ngày nay đã có sức sống riêng, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Thương hiệu "Vua dép lốp" được biết đến bởi nghệ nhân Phạm Quang Xuân, người đã gắn bó với công việc tái tạo đôi dép Bác Hồ hơn 60 năm qua.
0