Thách thức chồng chất đối với tân Thủ tướng Pháp

Ở tuổi 73, ông Francois Bayrou trở thành thủ tướng thứ 4 của nước Pháp chỉ trong vòng một năm. Ông sẽ đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua và vực dậy nền kinh tế.

Thủ tướng mới, khủng hoảng cũ

Ông Francois Bayrou, lãnh đạo Đảng Phong trào Dân chủ, là một chính trị gia trung dung và là đồng minh lâu năm của Tổng thống Macron. Ông Bayrou nối tiếp những người tiền nhiệm như Elisabeth Borne, Gabriel Attal và Michel Barnier, trở thành thủ tướng thứ 4 chỉ trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Macron, với nhiệm vụ đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị thứ hai trong sáu tháng qua.

Ngay sau khi được bổ nhiệm, ông Bayrou đã phát biểu trước báo giới, cho biết ông hiểu rõ những khó khăn và thách thức đang chờ đợi. Ở một đất nước mà Quốc hội bị chia rẽ sâu sắc thì việc điều hành chính phủ sẽ rất khó khăn. Vì vậy ông Bayrou khẳng định rằng hòa giải là điều cần thiết, mặc dù “con đường sẽ rất dài".

Tôi nghĩ mọi người đều hiểu được sự khó khăn của nhiệm vụ này. Chúng ta cần tìm ra một con đường để đoàn kết thay vì chia rẽ. Đây là thời điểm tốt.

Thủ tướng Pháp Francois Bayrou.

Sau khi người tiền nhiệm của ông Bayrou bị miễn nhiệm, Tổng thống Macron đã dành thời gian nói chuyện với các nhà lãnh đạo các đảng khác có ghế trong Quốc hội, ngoại trừ đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (RN).

Tổng thống Pháp hy vọng tân thủ tướng có thể ngăn chặn các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội cho đến ít nhất là tháng 7/2025, khi Pháp có thể tổ chức một cuộc bầu cử Quốc hội mới. Tình trạng bất ổn chính trị ngày càng trầm trọng của Pháp đã làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu Tổng thống Macron có hoàn thành nhiệm kỳ thứ hai của mình hay không. Uy tín và hình ảnh của ông Macron trên cương vị tổng thống chắc chắn sẽ bị đặt dấu hỏi nếu chính phủ lại sụp đổ một lần nữa.

Một trong những nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của Thủ tướng Bayrou là phải thương lượng với các nhóm chính trị trong Quốc hội để đạt được một "thỏa thuận không kiến nghị bất tín nhiệm" đối với chính phủ mới.

Một câu hỏi lớn hiện nay là liệu ông Bayrou có thể đạt được thỏa thuận với các đảng đối lập, từ cánh hữu đến cánh tả, để duy trì sự ổn định của chính phủ và tránh nguy cơ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm hay không. Hiện tại, cuộc đấu tranh chính trị giữa ba thế lực lớn là cánh tả, trung dung và cánh hữu trong Quốc hội Pháp đang ngày càng trở nên gay gắt. Tổng thống Macron dẫn đầu liên minh trung dung, và việc quản lý ở mọi góc độ đều bị cản trở.

Việc bổ nhiệm một nhân vật thân cận với tổng thống vào chức vụ thủ tướng đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các đảng cực tả và cực hữu. Đảng cực tả Nước Pháp bất khuất (LFI) tuyên bố sẽ nhanh chóng đưa ra kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ mới.

Ông Jordan Bardella, Chủ tịch của đảng cực hữu Mặt trận quốc gia Pháp (RN), giữ thái độ thận trọng khi cho biết sẽ không yêu cầu một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngay lập tức đối với ông Bayrou, nhưng kêu gọi thủ tướng mới không nên là một người theo chủ nghĩa Macron.

Động thái bất tín nhiệm của chúng tôi sẽ được đệ trình chống lại một người đến từ cánh tả và cực tả. Chúng tôi đã nói rõ rằng chúng tôi sẵn sàng không đệ trình động thái bất tín nhiệm, miễn là đó là một người từ phe cánh hữu hoặc trung dung, và miễn là người đó nghe được thông điệp được gửi từ các thùng phiếu, từ cử tri.

Ông Jordan Bardella - Chủ tịch của đảng cực hữu Mặt trận quốc gia Pháp (RN).

Tuy nhiên, Chủ tịch Đảng RN cũng cảnh báo sẽ đưa ra lựa chọn nếu chính phủ vượt qua các "lằn ranh đỏ" mà họ đã vạch ra: “Những lằn ranh đỏ của chúng tôi vẫn còn, nhưng đó không phải là lằn ranh đỏ của chúng tôi, không phải lằn ranh đỏ của đảng, đây là những lằn ranh đỏ và là nguyện vọng của hàng triệu cử tri của chúng ta. Thủ tướng mới phải cân nhắc đến tình hình chính trị mới và ông phải hiểu rằng ông không có tính chính danh dân chủ hoặc không chiếm đa số trong Quốc hội, do đó đòi hỏi phải đối thoại với tất cả các lực lượng chính trị được đại diện trong Quốc hội. Điều này có nghĩa là tôn trọng tất cả người dân Pháp, bao gồm cả những người Pháp không bỏ phiếu cho Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử lập pháp và châu Âu gần đây nhất”.

Ngoài các đảng đối lập, Thủ tướng Bayrou cũng phải đối mặt với sự phản đối từ Đảng Xã hội (PS), một thành viên trong liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP), cùng với LFI. Mặc dù Đảng Xã hội không phản đối ông Bayrou, nhưng họ yêu cầu ông phải áp dụng một phương pháp đổi mới thực sự, tôn trọng cuộc tranh luận trong Quốc hội và từ bỏ việc sử dụng Điều khoản 49.3 của Hiến pháp để thông qua các dự luật. Đảng Xanh và Đảng Cộng sản Pháp (PCF), cũng là thành viên của liên minh NFP, đồng tình với yêu cầu này.

Người dân Paris đã đón nhận tin tức về việc bổ nhiệm Francois Bayrou theo đường lối trung dung làm thủ tướng mới với nhiều tâm trạng khác nhau, như sự thất vọng sâu sắc, hoặc không ngạc nhiên cũng không phấn khích.

Thành thật mà nói, thực sự không có gì mới. Có vẻ như đó là những bản lý lịch cũ được đưa trở lại. Thật đáng thất vọng vì chúng tôi thực sự mong đợi điều gì đó khác biệt từ vai trò của tổng thống, thay vì đưa một loạt những người đàn ông lớn tuổi vào vị trí người đứng đầu chính phủ Pháp, làm thủ tướng.

Bà Edwige Lucbernet - người dân Pháp.

Thách thức lớn đối với Thủ tướng Bayrou là xây dựng một đa số ổn định trong Quốc hội để đảm bảo chính phủ không bị bãi nhiệm và các dự luật được thông qua. Trong số 577 ghế tại Quốc hội, các đảng trong phe Tổng thống chỉ chiếm 163 ghế, khiến ông cần sự đồng thuận từ các đảng cánh tả như PS, Đảng Xanh và PCF. Ông Bayrou đã có cuộc gặp với các lãnh đạo đảng đối lập vào đầu tuần này để tập hợp các đảng chính trị bị chia rẽ của Pháp, tiến tới thành lập một chính phủ mới.

Thủ tướng Bayrou dự kiến sẽ đưa ra danh sách nội các mới trong những ngày tới, nhưng có khả năng ông sẽ phải đối mặt với những khó khăn tương tự như ông Barnier trong việc điều hành chính phủ thông qua một quốc hội treo và các đảng đối lập. Nhiều người dự đoán chính phủ của ông sẽ khó có thể ra mắt trước tháng 1 năm sau.

Áp lực về thâm hụt ngân sách và nợ công

Sau khi được Tổng thống Macron bổ nhiệm, Thủ tướng Bayrou cho biết không ai hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của tình hình hiện tại hơn chính ông, và ông phải đối mặt với chúng. Thử thách đầu tiên là vấn đề ngân sách. Ưu tiên của Thủ tướng Bayrou sẽ là thông qua một luật đặc biệt để đảo ngược ngân sách năm 2024, và còn phải tiếp tục thảo luận và hoàn thiện dự thảo ngân sách năm 2025, một vấn đề nhạy cảm cần được Quốc hội thông qua. Trước đó, chính sự phản kháng của Quốc hội đối với dự luật năm 2025 đã dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ của cựu Thủ tướng Michel Barnier.

Thủ tướng Bayrou từ lâu đã cảnh báo về sự hoang phí tài chính của Pháp. Tại buổi lễ bàn giao với Thủ tướng sắp mãn nhiệm Barnier, ông Bayrou nhận thức sâu sắc về các vấn đề tài chính và chính trị nghiêm trọng của Pháp và so sánh việc giải quyết vấn đề thâm hụt tài chính như leo đỉnh Himalaya. Ông Bayrou cũng cho rằng thâm hụt và nợ nần là vấn đề đạo đức, không chỉ là vấn đề tài chính.

Thâm hụt ngân sách của Pháp, hiện ở mức 6,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong khi nợ công của Pháp đạt 3400 tỷ USD, tương đương hơn 100% GDP. Đây là tâm điểm của những bất ổn chính trị hiện nay ở Pháp.

Ngân sách năm 2025 được coi là chủ đề chính trong các cuộc thảo luận giữa thủ tướng mới và các nhà lãnh đạo chính trị. Trước đó, đây là yếu tố chính dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ cựu Thủ tướng Michel Barnier.

Cựu Thủ tướng Barnier đã công bố kế hoạch giảm thâm hụt vào tháng 10, hứa sẽ giảm thâm hụt công từ khoảng 6,1% GDP xuống còn 3% vào năm 2029. Ông Barnier cũng sử dụng một biện pháp hiến pháp đặc biệt để thúc đẩy một ngân sách gây tranh cãi cho an sinh xã hội vào năm 2025 mà không có sự chấp thuận của Quốc hội. Động thái này đã gây ra sự phẫn nộ từ cả các đảng cực hữu và cánh tả, những đảng đã hợp lực trong một liên minh hiếm hoi để thông qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào ngày 4 tháng 12, lật đổ chính phủ.

Do không có ngân sách nào được phê duyệt cho năm 2025, một dự luật đặc biệt đã được đưa ra để đảm bảo các dịch vụ thiết yếu của đất nước không bị gián đoạn. Các biện pháp được đề xuất bao gồm tăng thuế, chi tiêu dựa trên ngân sách năm 2024 và cho phép chính phủ và an sinh xã hội vay thêm.

Các đại biểu Quốc hội sẽ bắt đầu xem xét dự luật mới trong tuần này, trong đó, một số thành viên Quốc hội thúc đẩy thay đổi để liên kết thuế thu nhập với lạm phát nhằm bảo vệ người nộp thuế khỏi chi phí tăng vào năm 2025. Sau cuộc tranh luận tại Quốc hội, Thượng viện dự kiến sẽ xem xét văn bản về dự luật này vào ngày 18/12.

Hệ quả của bất ổn chính trị

Cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng tồi tệ đã làm giảm niềm tin của nhà đầu tư và làm tăng chi phí đi vay của Pháp. Cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế Moody's đã hạ xếp hạng tín dụng quốc gia của Pháp xuống mức Aa3 vì lý do sự chia rẽ chính trị của Pháp sẽ làm suy yếu đáng kể nền tài chính công của nước này.

Moody's chỉ ra rằng trong môi trường có sự phân cực chính trị lớn, khả năng chính phủ tiếp theo của Pháp tiếp tục giảm quy mô thâm hụt tài chính trong thời gian tới là rất thấp. Ngoài ra cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Pháp tiếp tục suy yếu trong năm tới.

Kể từ khi Quốc hội bị giải tán, vị thế của Pháp đã thay đổi trong mắt các nhà đầu tư. Điều này được thể hiện qua khoảng cách về chi phí đi vay giữa Pháp và Đức. Nền kinh tế lớn thứ hai của châu Âu không còn được xem là một trong những quốc gia ổn định và đáng tin cậy nhất khu vực. Trên thị trường, Pháp hiện bị đẩy xuống "hạng hai", sau Đức.

Denis Ferrand, người đứng đầu Viện nghiên cứu kinh tế Rexecode có trụ sở tại Paris nhận định các công ty Pháp và châu Âu đã trở nên kém cạnh tranh hơn các công ty Trung Quốc, vì chi phí sản xuất của Pháp đã tăng 25% kể từ năm 2019, trong khi con số này chỉ tăng 3% ở Trung Quốc trong cùng kỳ. Nguyên nhân là do lạm phát cao trong nhiều năm, lãi suất tăng và giá năng lượng tăng vọt kể từ khi nổ ra xung đột tại Ukraine.

Một khảo sát 1.000 công ty vừa và nhỏ của Pháp hồi tháng 10 về hành vi đầu tư cho thấy chỉ có 36% trong số đó có kế hoạch duy trì các khoản đầu tư của mình, trong khi 45% cho biết họ sẽ hoãn lại và 18% muốn hủy bỏ.

Dự kiến sẽ có khoảng 65.000 công ty nộp đơn xin phá sản trong năm nay so với 56.000 công ty vào năm ngoái.

Trước câu hỏi liệu Pháp có thể rơi vào khủng hoảng tài chính không, bà Anne-Sophie Alsif, nhà kinh tế trưởng tại Công ty tư vấn BDO có trụ sở tại Paris, cho biết những yếu tố này tự chúng sẽ không tạo nên tình hình kinh tế nghiêm trọng. Tuy nhiên, yếu tố chính trị thì có.

Các số liệu kinh tế vĩ mô của chúng tôi sắp được cải thiện, nhưng nếu chính phủ sụp đổ và không có ngân sách năm 2025 được thiết kế riêng nào được Quốc hội thông qua, chúng tôi sẽ rơi vào khủng hoảng kinh tế. Đó sẽ là thảm họa.

Anne-Sophie Alsif, nhà kinh tế trưởng tại Công ty tư vấn BDO có trụ sở tại Paris.

Bà Anne cho biết ngân sách năm 2024 có khả năng sẽ được lặp lại vào năm 2025. Nhưng đó là ngân sách khiến thâm hụt của Pháp tăng lên hơn 6%.

Một nền kinh tế chỉ có thể ổn định và phát triển khi chính trị của nước đó ổn định. Điều này thể hiện rõ ràng tại Pháp. Các chuyên gia cho rằng quyết định giải tán Quốc hội của Tổng thống Macron là một sai lầm to lớn. Sự chia rẽ và bất ổn sâu sắc giữa các đảng phái tại nước này đã kéo lùi sự tăng trưởng kinh tế. Nền kinh tế của Pháp chỉ có thể ổn định nếu Thủ tướng Bayrou tìm được tiếng nói chung với các đảng đối lập, để đưa ra một dự thảo ngân sách năm 2025 “vừa lòng tất cả các bên”.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Công tố viên tại Hàn Quốc cho biết nước này đã bắt , Tham mưu trưởng Lục quân Hàn Quốc. Theo hãng thông tấn Yonhap, ông Park An-su bị bắt theo lệnh tòa án, với cáo buộc có vai trò then chốt trong cuộc nổi loạn và lạm dụng quyền lực.

Ủy ban châu Âu (EC) đã chính thức mở cuộc điều tra đối với TikTok, mạng xã hội video ngắn phổ biến toàn cầu, về những cáo buộc vi phạm đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số.

Dạ tiệc Đỏ mừng Giáng sinh và chào đón năm mới 2025 vừa được Câu lạc bộ trái tim nước Nga Xô Viết, Hội hữu nghị Việt - Nga thành phố Hà Nội tổ chức.

Nga lên án mạnh mẽ vụ ám sát trung tướng Igor Kirillov, chỉ huy Lực lượng Phòng vệ Hóa học Nga, và sẽ không dung thứ cho tội ác này.

Ngày 15/12/2024, Anh đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Vương quốc Anh đã trở thành thành viên thứ 12 của Hiệp định CPTPP. Đây là thỏa thuận thương mại lớn nhất của nước này thời hậu Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu).

Lầu Năm Góc phủ nhận việc có bất kỳ vai trò nào trong vụ ám sát trung tướng Igor Kirilllov của Nga và phụ tá của ông tại Moscow hôm 17/12.