Thách thức lớn của tân Thủ tướng Pháp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuần trước đã bổ nhiệm ông Michel Barnier làm Thủ tướng mới của nước này, thay thế Thủ tướng tiền nhiệm Gabriel Attal. Tuy nhiên, đảng cánh tả và hàng ngàn người dân đã biểu tình phản đối quyết định này của Tổng thống Macron.

Tại sao ông Michel Barnier được chọn?

Ngày 5/9, ông Michel Barnier 73 tuổi, một người thuộc đảng Những người Cộng hòa LR, đã nhận chuyển giao vị trí Thủ tướng từ người tiền nhiệm Gabriel Attal - Thủ tướng trẻ tuổi nhất nước Pháp - đã từ chức hồi tháng 7Như vậy, ông Barnier trở thành Thủ tướng cao tuổi nhất trong lịch sử hiện đại nước Pháp.

Tổng thống Macron hi vọng việc bổ nhiệm ông Michel Barnier làm Thủ tướng sẽ chấm dứt cục diện bất ổn chính trị trong hai tháng qua sau cuộc bầu cử lập pháp diễn ra nhanh chóng hồi tháng 7. Kết quả cuộc bầu cử đó đã dẫn đến một Quốc hội chia rẽ với ba nhóm lớn là cánh tả, trung dung và cực hữu, với những quan điểm, ý tưởng và chương trình nghị sự rất khác biệt.

Việc bổ nhiệm ông Michel Barnier làm Thủ tướng mới của Pháp được kỳ vọng sẽ phá vỡ thế bế tắc hai tháng qua trong tiến trình thành lập chính phủ mới sau cuộc bầu cử quốc hội ở Pháp. Tuy nhiên, những cuộc biểu tình phản đối quyết định này của Tổng thống Macron vào cuối tuần qua cho thấy nước Pháp lại tiếp tục rơi vào một cục diện hỗn loạn mới, báo hiệu tương lai không chắc chắn của Tân thủ tướng Barnier.

Ông Barnier (phải) trở thành Thủ tướng cao tuổi nhất trong lịch sử hiện đại nước Pháp.

Tờ Le Monde của Pháp cho biết, ông Barnier là một "người tìm kiếm sự đồng thuận" và có kinh nghiệm trong giới quyền lực, điều này có thể giúp ông tìm ra con đường trong Quốc hội Pháp đang bị chia rẽ. Tổng thống Macron bổ nhiệm ông Barnier làm Thủ tướng với sứ mệnh thành lập một chính phủ thống nhất để phụng sự đất nước và người dân Pháp.  

Tại lễ nhậm chức, ông Bariner cho biết sẽ nỗ lực hướng tới sự tôn trọng và đoàn kết hơn trong một đất nước chia rẽ sau nhiều tháng biến động chính trị.

"Chúng ta sẽ cần rất nhiều sự lắng nghe, rất nhiều sự tôn trọng. Trước hết, sự tôn trọng giữa Chính phủ và Quốc hội, sự tôn trọng đối với tất cả các lực lượng chính trị, sự tôn trọng cũng đối với các đối tác xã hội và đối tác kinh tế và sau đó đối với các quan chức được bầu tại địa phương, những người là một phần của nền cộng hòa này".

Tân Thủ tướng Pháp Michel Barnier.

Theo Euronews, Tổng thống Macron chọn ông Michel Barnier là bởi ông là một trong số ít những người đàm phán chính trị ở Pháp có khả năng đàm phán những thỏa hiệp quan trọng. Ông không bị coi là mối đe dọa trong phe của Tổng thống và là đối tác tin cậy trong mắt EU.

Trong sự nghiệp chính trị gần 50 năm của mình, ông Barnier đã đảm nhận nhiều cương vị quan trọng trong chính phủ Pháp. Ông đã từng giữ chức bộ trưởng trong bốn nhiệm kỳ chính phủ trước đó, trong đó có chức Ngoại trưởng. Ông cũng có hai nhiệm kỳ làm ủy viên Liên minh châu Âu, nhưng có lẽ ông được biết đến nhiều nhất vì đã soạn thảo các điều khoản phức tạp về việc Anh rời EU trong khi vẫn giữ được mặt trận thống nhất giữa 27 thành viên còn lại. Ông được coi là người theo chủ nghĩa trung dung và cam kết vì sự nghiệp của châu Âu.

Ông Macron đã mất nhiều tuần để quyết định chọn ông Barnier làm Thủ tướng vì ông đang tìm kiếm một người khó có khả năng bị lật đổ ngay lập tức và là người sẽ bảo vệ những thành tựu lập pháp của ông.

Trong sự nghiệp chính trị gần 50 năm của mình, ông Barnier đã đảm nhận nhiều cương vị quan trọng trong chính phủ Pháp.

Theo truyền thông nước ngoài nói chung, quan điểm chính trị của ông Barnier gần với quan điểm ủng hộ doanh nghiệp và ủng hộ châu Âu của Tổng thống Macron. Việc bổ nhiệm ông Barnier cho thấy ông Macron hy vọng Thủ tướng sẽ không rút lại những cải cách quan trọng mà ông đã thực hiện trong những năm gần đây.

Nhưng trang The Economist cho rằng, đối với Tổng thống Macron, ông Barnier sẽ không phải là một cấp dưới hoàn toàn phục tùng ông. Trước đây ông Barnier từng cho rằng động thái tổ chức bầu cử Quốc hội sớm trong năm nay của Tổng thống Macron là một bước đi mạo hiểm.

Ở tuổi 73, ông Barnier cũng khó có thể đặt cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo vào năm 2027 lên hàng đầu trong danh sách ưu tiên của mình.

Cục diện hỗn loạn mới

Quyết định bổ nhiệm ông Barnier làm Thủ tướng mới của Pháp đã vấp phải sự phản đối của các đối thủ đảng cánh tả, đồng thời cũng không nhận được sự ủng hộ từ nhiều người dân Pháp. Hàng trăm nghìn người đã xuống đường biểu tình trên khắp nước Pháp nhằm phản đối quyết định của Tổng thống Macron và yêu cầu ông từ chức. Người biểu tình cho rằng ông Macron không tôn trọng kết quả bầu cử khi quyết định bổ nhiệm ông Barnier làm Thủ tướng, bởi ông Barnier thuộc đảng Những người Cộng hòa LR, vốn chỉ đứng ở vị trí thứ năm trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua.

Phe cánh tả đã cáo buộc Tổng thống Macron coi thường nền dân chủ và phủ nhận kết quả bầu cử bằng cách không chọn ứng cử viên của liên minh Mặt trận Bình dân Mới (NFP), mặc dù liên minh chiếm đa số ghế trong Quốc hội. Thay vào đó, ông Macron lại chọn chính trị gia Michel Barnier của đảng Những người Cộng hòa trung hữu, vốn chỉ về thứ 5 trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, làm Thủ tướng.

Liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP) đã lên án quyết định lựa chọn ông Barnier. Họ muốn Lucie Castets, nhà kinh tế học 37 tuổi, đảm nhận chức vụ này nhưng bị Tổng thống Macron bác bỏ vì cho rằng bà Castets sẽ không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội.

"Phản ứng của chúng tôi không tập trung vào phẩm chất của Thủ tướng mới được bổ nhiệm Michel Barnier, đó không phải là chủ đề. Chủ đề là Tổng thống đã phủ nhận kết quả của cuộc bầu cử lập pháp mà chính ông đã kêu gọi."

Ông Jean Luc Melenchon - Lãnh đạo liên minh cánh tả.

Ngày 7/9, đã có khoảng 300.000 người tham gia biểu tình ôn hòa trên khắp nước Pháp, trong đó có 26.000 người biểu tình tại thủ đô Paris, để phản đối quyết định của Tổng thống Macron. Người dân đã tràn xuống đường và mang theo biểu ngữ chỉ trích Tổng thống Macron vì không tôn trọng ý kiến người dân khi quyết định bổ nhiệm ông Barnier.

Ngày 7/9, đã có khoảng 300.000 người tham gia biểu tình ôn hòa trên khắp nước Pháp.

"Những gì chúng ta thấy ở đây là một sự trì hoãn dân chủ đáng kinh ngạc. Chính cánh tả giành chiến thắng trong cuộc bầu cử nhưng cánh hữu lại lên nắm quyền. Người Pháp đang đòi hỏi sự thay đổi, thể hiện điều đó một cách mạnh mẽ tại hòm phiếu, nhưng cuối cùng lại là một sự tiếp nối thuần túy và đơn giản của các chính sách mà ông Macron theo đuổi trong bảy năm qua".

Ông Ian Brossat - Thượng nghị sĩ Pháp

Công ty thăm dò dư luận Elabe đã công bố một cuộc khảo sát cho thấy, 74% người Pháp cho rằng Tổng thống Macron đã coi thường kết quả bầu cử.

Một số người biểu tình cũng phản đối ông Barnier làm Thủ tướng, vì cho rằng ông đã cao tuổi và đường lối của ông sẽ không khác gì với những người tiền nhiệm, sẽ không thể thay đổi tình hình nước Pháp hiện nay.

Một cuộc khảo sát cho thấy, 74% người Pháp cho rằng Tổng thống Macron đã coi thường kết quả bầu cử.

Khởi đầu khó khăn

Hiện liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP) và Đảng Mặt trận Quốc gia (RN) cực hữu cùng nắm giữ đa số ghế tại Quốc hội có thể phế truất tân Thủ tướng Barnier thông qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nếu họ quyết định hợp tác. Tuy nhiên, truyền thông Pháp đưa tin, đảng RN đã ngầm chấp thuận ông Barnier, nhưng kèm theo một số điều kiện. Do đó, trên cương vị mới, tân thủ tướng Pháp Barnier sẽ phải đối mặt với nhiều nhiệm vụ khó khăn, bao gồm thách thức thành lập nội các mới, thúc đẩy cải cách và thông qua ngân sách năm 2025 và nguy cơ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm bất kỳ lúc nào.

Đối với Tân Thủ tướng Barnier, con đường phía trước còn nhiều chông gai. Nhiệm vụ đầu tiên ông Barnier phải đối mặt là thành lập một nội các mới và phải được Tổng thống Macron ký duyệt. Chính phủ này không được sụp đổ ngay sau khi thành lập. Do Tổng thống Macron không có đa số ghế trong quốc hội, ông Barnier sẽ cần phải cân nhắc kỹ càng về việc lựa chọn các thành viên trong chính phủ của mình, vì các đảng đối lập sẽ không khoan nhượng đối với bất kỳ lỗi tuyển chọn nào.

Đối với Tân Thủ tướng Barnier, con đường phía trước còn nhiều chông gai.

Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên sau khi được bổ nhiệm chức Thủ tướng, ông Barnier cho biết, chính phủ tiếp theo của Pháp sẽ sẵn sàng bổ nhiệm các bộ trưởng thuộc mọi đảng phái chính trị khác nhau, trong đó có những người thuộc cánh tả.

"Sẽ có những người trong gia đình chính trị cánh hữu của tôi. Sẽ có những người đàn ông và phụ nữ có thiện chí thuộc nhóm đa số sắp mãn nhiệm... cũng có những người bên cánh tả".

Tân Thủ tướng Pháp Michel Barnier.

Theo truyền thống, ngay sau khi thành lập chính phủ, Thủ tướng mới sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội nêu rõ các ưu tiên về chính sách, chẳng hạn như các cải cách.

Nếu ông Barnier không tìm kiếm được sự tín nhiệm tại Hạ viện, các đảng đối lập có thể tìm kiếm sự tín nhiệm thay thế. Một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chống lại chính phủ của ông Barnier sẽ cần 289 phiếu thuận tại Hạ viện gồm 577 ghế.

Với sự phản đối mạnh mẽ từ phe cánh tả, sự sống còn về mặt chính trị của ông Barnier trong nhiệm kỳ này sẽ phụ thuộc vào khả năng ông thuyết phục đảng cực hữu Mặt trân Quốc gia Pháp RN của bà Marine Le Pen không sử dụng quyền phủ quyết đối với chính phủ của ông. Nghĩa là đảng RN đã ngầm ủng hộ ông Barnier, tuy nhiên có điều kiện. Bà Le pen cho biết đảng của bà sẽ không tham gia nội các của ông Barnier. Đảng này nói rõ rằng họ có thể rút lại sự ủng hộ bất cứ lúc nào nếu những lo ngại của họ về vấn đề nhập cư, an ninh và thay đổi hệ thống bỏ phiếu của Pháp không được đáp ứng.

Dù cho ông Barnier có thể tập hợp được một chính phủ có thể vượt qua những thách thức chính trị của Pháp, nhưng rõ ràng là nguy cơ bất ổn của đất nước này vẫn có khả năng sẽ kéo dài ít nhất cho đến cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo vào năm 2027, khi Tổng thống đương nhiệm Macron hết nhiệm kỳ. Điều đó sẽ không đảm bảo cho vai trò mạnh mẽ của Pháp trong Liên minh châu Âu, nơi cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Không có thời hạn pháp lý nào để thủ tướng mới thành lập chính phủ. Tuy nhiên, bối cảnh chính trị hiện tại trong Quốc hội Pháp không ổn định, không có khối nào nắm giữ đa số tuyệt đối, nghĩa là có thể mất vài ngày hoặc thậm chí vài tuần để Thủ tướng Barnier thành lập chính phủ liên minh.

Quỹ thời gian ngày càng hạn hẹp, trong khi đó, chính phủ phải trình ngân sách năm 2025 lên Quốc hội trước ngày 1/10, khi phiên họp quốc hội thông thường tiếp tục, làm tăng tính cấp bách cho nhiệm vụ của ông Barnier. Điều đó khiến nhóm của ông Barnier có rất ít thời gian để hoàn thành công việc đã được chính phủ sắp mãn nhiệm chuẩn bị vào giữa tháng 9, khi cơ quan giám sát tài chính công quốc gia theo luật định có cơ hội cân nhắc xem các con số có phù hợp hay không.

Đó sẽ không phải là nhiệm vụ dễ dàng, với thâm hụt ngân sách năm 2024 đã vượt mục tiêu hàng tỷ euro, khiến ông Barnier phải đưa ra những lựa chọn khó khăn về việc các khoản cắt giảm chi tiêu và tăng thuế. Nhưng việc cắt giảm chi tiêu của chính phủ trong thời điểm bất mãn ngày càng tăng có thể phản tác dụng, đặc biệt là trong bối cảnh hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng đang ngày càng suy thoái, vốn là nguyên do gây thất vọng lớn trong nhiều tháng đối với người dân Pháp. Nhiều người lo ngại rằng ông Barnier, với tư cách là một người bảo thủ, sẽ thúc đẩy các biện pháp thắt lưng buộc bụng và chính sách nhập cư chặt chẽ hơn.

Sau khi Dự luật được trình lên Quốc hội, Bộ trưởng tài chính mới của ông Barnier sẽ phải bảo vệ được dự luật này trong bối cảnh phe cánh tả kêu gọi tăng thuế trên diện rộng. Tiến trình khó khăn của Dự luật ngân sách tại Quốc hội có thể sẽ kéo dài đến hết năm, với cuộc bỏ phiếu cuối cùng thường diễn ra vào tháng 12.

Nếu các đảng đối lập không hài lòng, họ có thể kêu gọi bỏ phiếu tín nhiệm, khiến chính phủ của ông Barnier có nguy cơ bị lật đổ bất cứ lúc nào.

Nếu các đảng đối lập không hài lòng, họ có thể kêu gọi bỏ phiếu tín nhiệm, khiến chính phủ của ông Barnier có nguy cơ bị lật đổ bất cứ lúc nào.

Việc bổ nhiệm ông Barnier làm Thủ tướng gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ là một minh chứng cho thấy sự chia rẽ chính trị sâu sắc ở Pháp. Khi các đảng phái chính trị của đất nước không thể tìm tiếng nói chung, tương lai của chính phủ mới vẫn còn bất định. Tân thủ tướng Pháp sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là cố gắng thúc đẩy cải cách và thông qua ngân sách năm 2025 trong bối cảnh sẽ phải đối diện với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào đầu tháng 10 tới đây, khi ông phải trình bày các mục tiêu chính sách của mình trước quốc hội.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Việc kiểm soát biên giới và xử lý người nhập cư bất hợp pháp đã trở thành trọng tâm trong suốt chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ngay sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống, ông đã bắt tay vào thực hiện kế hoạch. Bước đầu tiên là ông đề cử những nhân vật có quan điểm cứng rắn về nhập cư vào các vị trí chủ chốt trong nội các mới của mình.

Ngay khi Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) thông báo lệnh bắt giữ Thủ tướng và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel cùng một thủ lĩnh của lực lượng Hamas, cộng đồng quốc tế đã đưa ra những phản ứng trái chiều.

Theo hãng thông tấn TASS, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga luôn ưu tiên và hiện đã sẵn sàng giải quyết mọi tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tuy nhiên cũng nhấn mạnh nước này đã sẵn sàng cho mọi kịch bản.

Người phát ngôn Nhà Trắng, bà Karine Jean-Pierre cho biết Mỹ không có ý định sửa đổi học thuyết hạt nhân sau khi Nga đưa ra học thuyết hạt nhân sửa đổi.

Dữ liệu mới nhất từ Văn phòng Thống kê Quốc gia của Anh cho thấy tỷ lệ lạm phát tại nước này trong tháng 10 tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng qua, củng cố kỳ vọng của thị trường rằng sẽ không có đợt cắt giảm lãi suất nào khác trong năm nay.

Giá dầu thế giới tăng khoảng 1% vào ngày 21/11, sau khi Nga và Ukraine gia tăng các cuộc tấn công bằng tên lửa, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ căng thẳng nguồn cung dầu thô nếu xung đột lan rộng.