Thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nằm trên Đại lộ Thăng Long, thuộc quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Được xây dựng từ năm 2019 trên diện tích 386.600 m², địa điểm mới của Bảo tàng có tổng diện tích sàn hơn 64.000 m² với khối nhà chính có 4 tầng nổi, một tầng trệt. Nơi đây lưu giữ hơn 150.000 hiện vật và 4 bảo vật quốc gia cùng nhiều khí tài quân sự.
Không gian ngoài trời của bảo tàng trưng bày vũ khí, trang thiết bị được Quân đội Nhân dân Việt Nam dùng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; đồng thời sử dụng trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ hòa bình của đất nước như: pháo 75mm, máy bay MIG 17 số hiệu 2047,….
Du khách tham quan bảo tàng những ngày này không chỉ từ mọi miền Tổ quốc, từ các em học sinh, sinh viên, mà còn là những cựu chiến binh, những người đã tham gia chiến trường từ năm 1954 trở lại đây.
Những chiếc huy hiệu Cựu chiến binh Việt Nam nho nhỏ được cài trên ngực, 6 người lính già ở tuổi 80-90 hòa cùng dòng người đến với bảo tàng, nơi họ mong muốn sẽ tìm thấy một phần thanh xuân của chính mình. Họ là các cựu chiến binh của phường Kiến Hưng (quận Hà Đông). Dù tuổi đã cao nhưng khí thế anh Bộ đội cụ Hồ vẫn tràn đầy, lộ rõ trên nét mặt, ánh mắt, giọng nói của các cụ. Bước ra từ bom đạn, những người lính năm nào vẫn hăng hái tranh luận về các câu chuyện hay về những hiện vật thời chiến. Thời gian như được quay trở lại những ngày kháng chiến thông qua những hiện vật được trưng bày tại đây.
Ông Lê Trọng Nhậm (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) kể lại, khi nghe tin Bảo tàng khánh thành, các ông vô cùng phấn khởi bởi có điều kiện được chứng kiến lại những hình ảnh đã trải qua thời chiến tranh mà chính các ông đã trực tiếp tham gia.
Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: "Không gian chính của bảo tàng được chúng tôi sắp xếp theo lịch sử. Tầng một chúng tôi đã hoàn thành và đang phục vụ khách tham quan. Dự kiến tầng hai chúng tôi sẽ trưng bày 8 chuyên đề và 7 sưu tập, tầng ba là 12 trưng bày quân sự, tầng bốn là khu dịch vụ".
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam không những là công trình trưng bày lịch sử chiến tranh mà còn là không gian chung để khách tham quan được tương tác, trải nghiệm với bầu không khí hào hùng suốt chặng đường giành độc lập dân tộc của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Mỗi hiện vật ở đây không chỉ là một vật phẩm, mà là một chứng nhân sống động của quá khứ đau thương nhưng hào hùng.
Những ngày đầu mở cửa, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đón tiếp hàng chục vạn lượt khách tham quan. Câu chuyện lịch sử liên tục được nhắc nhớ, được kể lại qua các hiện vật, qua câu chuyện của những cựu binh già, và qua những thuyết minh viên như Thượng úy Nguyễn Đại Việt. Công việc nhiều hơn, vất vả hơn bởi lượng khách liên tục, nhưng trong mỗi giọng kể ấy đều là sự tự hào của một người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Thượng úy Nguyễn Đại Việt, Bảo tàng Lich sử Quân sự Việt Nam cho biết: "Gia đình mình cũng có truyền thống quân đội và mình rất yêu thích công việc này. Mỗi lần thuyết minh đều tạo cho mình những cung bậc cảm xúc khác nhau. Mình nghĩ khi thuyết minh cho các đoàn trẻ em, mình có thể truyền lửa tình yêu lịch sử cho các em".
Những trang sử sẽ được nhắc nhớ bởi biết bao thế hệ người Việt. Những câu chuyện anh hùng vẫn đời đời được lưu lại qua các trang sách hay những nét bút của các cô cậu học trò. Một ngày tham quan bảo tàng sẽ gói lại những kỷ niệm trong hành trang vào đời của các bạn trẻ.
Cùng với áo dài và nón lá, guốc mộc từ thời xa xưa đã tạo nên một vẻ đẹp rất Việt. Theo thời gian, guốc mốc dần bị lãng quên. Thế nhưng nhà thiết kế Hoàng Huệ đã đưa guốc mộc từ ký ức trở về cuộc sống ngày nay, với những họa tiết hiện đại, có tính ứng dụng cao.
Không cần phải đợi đến Tết, món bánh chưng rán mâm mang hương vị tuổi thơ của nhiều người giờ đây có thể được thưởng thức mọi lúc, nhưng ngon nhất là trong thời tiết se lạnh của Hà Nội dịp này.
Khác biệt với những môn thể thao phải vận động mạnh, yoga nhìn nhẹ nhàng nhưng lại giúp cho người tập rèn luyện cả về "tâm-thân-trí". Điều này cũng đòi hỏi những huấn luyện viên yoga phải có kinh nghiệm nhất định.
Bãi sông Hồng dưới chân cầu Long Biên gần đây đã đổi thay. Rác thải ô nhiễm tồn đọng lâu ngày được thu dọn để cải tạo, trở thành điểm đến hấp dẫn của người dân và du khách.
Với mạng lưới phủ rộng khắp thành phố, xe buýt giờ đây là một phương tiện giao thông công cộng tiện lợi và an toàn, đặc biệt với những người lớn tuổi ở Hà Nội.
Hơn 40ha trồng đào ở Nhật Tân, làng đào nổi tiếng của Hà Nội, gần như bị cơn bão số 3 (Yagi) phá hủy hoàn toàn.
0