Tham vọng cải cách bộ máy chính phủ của Donald Trump
Tham vọng cải cách bộ máy chính phủ
Để chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ hai của mình tại Nhà Trắng, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã lập tức bắt tay vào lựa chọn nội các mới, với những gương mặt trung thành và có cùng quan điểm với ông trong chương trình “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Trong nội các mới, ông Trump tuyên bố sẽ thành lập một cơ quan mới là Bộ Hiệu quả Chính phủ. Ông Trump đã lựa chọn tỷ phú công nghệ Elon Musk và doanh nhân, cựu ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy, những người đã sát cánh cùng ông trong suốt chiến dịch tranh cử, là người đứng đầu cơ quan này.
Trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, ông Trump đã tuyên bố thành lập Bộ Hiệu quả Chính phủ (có tên viết tắt là DOGE), nhằm giúp ông cải cách lại bộ máy mà ông cho là quan liêu của chính phủ Mỹ.
Tôi sẽ thành lập một Ủy ban Hiệu quả Chính phủ có nhiệm vụ tiến hành kiểm toán tài chính và hiệu suất toàn diện của toàn bộ chính quyền liên bang và đưa ra các khuyến nghị về cải cách mạnh mẽ. Chúng ta cần phải làm điều đó - không thể tiếp tục theo cách chúng ta đang làm bây giờ. Và Elon Musk, vì ông ấy không quá bận rộn, đã đồng ý đứng đầu lực lượng đó.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Ông Trump cho biết trong một bài phát biểu rằng: “Tỷ phủ Elon Musk và ông Vivek Ramaswamy sẽ lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ. Hai người Mỹ tuyệt vời này sẽ cùng nhau mở đường cho chính quyền của tôi phá bỏ bộ máy quan liêu của chính phủ, cắt giảm các quy định dư thừa, cắt giảm chi tiêu lãng phí và tái cấu trúc các cơ quan liên bang - yếu tố thiết yếu đối với phong trào cứu nước Mỹ”.
Lời tuyên bố của ông Trump về việc cắt giảm bộ máy quan liêu liên bang bắt nguồn từ niềm tin của ông rằng lực lượng lao động lớn của chính phủ Mỹ đang quá tải, với khoảng hai triệu người. Và đây chính là nơi nảy sinh tham nhũng, lãng phí và hoạt động kém hiệu quả.
Ông Trump cho biết, bộ này sẽ "cung cấp lời khuyên và hướng dẫn" từ bên ngoài nhánh hành pháp và hợp tác chặt chẽ với Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng để đề xuất cắt giảm.
Việc đề cử hai tỷ phú phụ trách cơ quan này là chìa khóa cho chiến lược của ông Trump, vì cả hai nhà lãnh đạo đều có kinh nghiệm trong việc thu hẹp quy mô hoạt động. Tỷ phú Elon Musk là giám đốc điều hành của mạng xã hội Twitter (hiện tại là X) và sở hữu hãng ô tô Tesla và công ty công nghệ vũ trụ Space X. Ông đã từng có kinh nghiệm cắt giảm 80% lực lượng lao động của Twitter sau khi mua lại nền tảng xã hội này. Đến nay, với cương vị người đứng đầu Bộ Hiệu quả Chính phủ tương lai, ông Musk đề xuất cắt giảm ít nhất hai nghìn tỷ đô la, một phần không nhỏ trong ngân sách 6,7 nghìn tỷ USD của chính phủ Liên bang Mỹ tài khóa 2024.
Bạn đang bị đánh thuế. Tất cả chi tiêu của chính phủ đều là thuế. Vì vậy, cho dù đó là thuế trực tiếp hay chi tiêu của chính phủ, thì nó sẽ trở thành lạm phát hoặc là thuế trực tiếp. Tiền của bạn đang bị lãng phí và hiệu quả của Bộ Chính phủ sẽ khắc phục điều đó.
Tỷ phú Elon Musk.
Ông Musk cũng cho biết số lượng các cơ quan liên bang nên được cắt giảm từ hơn 400 xuống còn 99.
Trong khi đó, cựu ứng viên Đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy, một nhà đầu tư giàu có và là giám đốc điều hành công nghệ sinh học, đã ủng hộ việc cắt giảm mạnh mẽ lực lượng lao động liên bang, đề xuất cắt giảm tới 75%. Điều này phù hợp với mục tiêu rộng hơn của ông Trump là hợp lý hóa các hoạt động của chính phủ và cắt giảm những gì ông coi là các lớp quan liêu không cần thiết.
Một nội dung quan trọng trong kế hoạch của ông Trump là khả năng loại bỏ một số cơ quan liên bang, trong đó có Bộ Giáo dục, chuyển các chương trình đào tạo lực lượng lao động của bộ này sang Bộ Lao động, bãi bỏ chế độ công tác lâu dài và áp dụng chế độ trả lương theo thành tích cho giáo viên, loại bỏ các chương trình mà ông cho là không phù hợp.
Kế hoạch của ông Trump cũng bao gồm việc cắt giảm đáng kể các quy định, mà ông tin rằng sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế. Cách tiếp cận này được cho là sẽ tăng cường ảnh hưởng của nhánh hành pháp và giảm quyền lực của các quan chức liên bang.
Thách thức đối với cơ quan mới
Kế hoạch thành lập Bộ Hiệu quả Chính phủ để cắt giảm chi tiêu và nhân sự chính phủ của Tổng thống đắc cử Trump cho thấy tham vọng của ông trong việc cải cách bộ máy chính phủ mà ông cho là quan liêu. Ông cam kết hoàn tất các cải cách này vào ngày 4 tháng 7 năm 2026 - Ngày Độc lập lần thứ 250 của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, thực hiện cải cách thông qua cơ quan này không phải là điều dễ dàng, vì đây là cơ quan không thuộc chính phủ. Và việc mời hai tỷ phú doanh nhân làm lãnh đạo của Bộ Hiệu quả Chính phủ cũng là điều gây ra nhiều tranh cãi.
Các chuyên gia đã đặt câu hỏi về thẩm quyền và quyền hạn hoạt động của Bộ Hiệu quả Chính phủ. Vì đây không phải là một bộ phận chính thức của chính phủ (vì chỉ có Quốc hội mới có quyền thành lập các bộ), nên bộ này chỉ có vai trò cố vấn. Theo như ông Trump thì "bộ phận" này sẽ hoạt động bên ngoài chính phủ liên bang và làm việc với Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng.
Bộ Hiệu quả Chính phủ của ông Trump sẽ không phải là một bộ thực sự. Thậm chí có khả năng nó sẽ không phải là một văn phòng của Nhà Trắng. Có khả năng đó sẽ là một nỗ lực riêng tư để viết báo cáo và gửi đến Nhà Trắng và Quốc hội. Không gì hơn thế nữa.
Ông Brian Riedl, thành viên cấp cao tại Viện Manhattan, Mỹ.
Các chuyên gia cho biết Bộ Hiệu quả Chính phủ có thể có một số tác động về mặt tổ chức, nhưng nếu không có sự hậu thuẫn của Quốc hội, cơ quan này sẽ không thể thực hiện bất kỳ thay đổi toàn diện nào đã hứa trong chiến dịch.
Về hai nhà lãnh đạo của Bộ này là ông Musk và ông Ramaswamy, các chuyên gia cho rằng các dự án kinh doanh lớn của hai tỷ phú doanh nhân này đặt ra những lo ngại đáng kể về xung đột lợi ích nếu họ lãnh đạo cơ quan mới. Cả hai người này và ông Trump đều thúc đẩy việc cắt giảm các quy định gây bất lợi cho các doanh nghiệp như công ty của ông Musk.
Các chuyên gia pháp lý nói rằng, dựa trên những gì đã biết cho đến nay, hiệu quả của chính phủ có thể sẽ được bảo vệ bởi luật liên bang yêu cầu minh bạch và cân bằng quan điểm về các ủy ban cố vấn như vậy.
Các nhà phân tích cũng cho rằng hai ông Musk và Ramaswamy "sẽ phải lập ngân sách và thuê một nhóm các nhà nghiên cứu" nếu muốn thực hiện các nhiệm vụ của Bộ này.
Ngoài ra, về vấn đề cắt giảm ngân sách, nhiều chuyên gia ngân sách đã đặt câu hỏi về tính khả thi trong việc cắt giảm gần hai nghìn tỷ đô la chi tiêu mỗi năm. Ông Bobby Kogan, Giám đốc cấp cao về chính sách Ngân sách liên bang tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ cho biết “cắt giảm nhiều như vậy từ tổng cộng khoảng 6,8 nghìn tỷ đô la ngân sách liên bang trong năm tài chính 2024 sẽ đòi hỏi phải cắt giảm khoảng một phần ba mọi chương trình.”
Và nếu an sinh xã hội, Medicare và các chương trình dành cho cựu chiến binh được bảo vệ, phần còn lại của ngân sách có thể phải cắt giảm 62%, ảnh hưởng đến quốc phòng, tem phiếu thực phẩm, hỗ trợ sưởi ấm gia đình, viện trợ nhà ở, kiểm tra an toàn thực phẩm và cơ sở hạ tầng, cùng nhiều chương trình khác.
Hai nghìn tỷ đô la mỗi năm là một con số quá lớn đến mức vô lý, không thể thực hiện được. Hơn 70% chi tiêu của chính phủ liên bang (không kể các khoản thanh toán lãi suất) dành các khoản như an sinh xã hội, Medicare, Medicaid và các chương trình viện trợ khác. Bạn chỉ có thể đề xuất hai nghìn tỷ đô la một năm nếu bạn không quan tâm đến những vấn đề an sinh đó.
Ông Bobby Kogan, Giám đốc chính sách Ngân sách Liên bang Mỹ.
Hiện có những lo ngại về tác động tiềm tàng đối với các dịch vụ thiết yếu của chính phủ, môi trường và quyền bảo vệ người lao động, vì những người chỉ trích cho rằng các biện pháp cắt giảm được đề xuất có thể làm suy yếu các biện pháp bảo vệ theo quy định quan trọng.
Nhân viên liên bang đối mặt nguy cơ bị sa thải
Hai nhà lãnh đạo tiềm năng của Bộ Hiệu quả Chính phủ cho biết, cơ quan này sẽ hợp tác với Văn phòng Quản lý và Ngân sách cùng các cơ quan khác, để tư vấn cho ông Trump về việc bãi bỏ các quy định và cắt giảm chi phí hành chính. Ngoài ra, ông Trump cũng cho biết sẽ khôi phục một sắc lệnh gọi là Biểu F, cho phép sa thải nhân viên hàng loạt. Đề xuất của ông Trump và hai nhà lãnh đạo này đã đẩy hơn hai triệu nhân viên liên bang ở khắp các cơ quan của Mỹ đối mặt với một thời kỳ bất ổn mới với nguy cơ cao bị sa thải.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump từng hứa sẽ khôi phục sắc lệnh hành pháp năm 2020 được gọi là Biểu F, nhằm trao cho ông quyền tiến hành sa thải hàng loạt nhân viên liên bang, mục tiêu là tạo không gian để đưa những người trung thành vào những vị trí công chức sự nghiệp.
Ông Musk và ông Ramaswamy cũng cho biết rằng, Bộ Hiệu quả Chính phủ dự kiến sẽ làm việc với các cơ quan liên quan để xác định số lượng nhân sự tối thiểu cần thiết tại một cơ quan, để bộ phận đó có thể thực hiện các chức năng được hiến pháp cho phép và theo luật định. Hai người đứng đầu bộ này nói thêm rằng, số lượng nhân sự bị cắt giảm phải tương đương với số lượng các quy định liên bang mà ông Trump dự định bãi bỏ.
Nguy cơ bị sa thải khiến nhiều nhân viên liên bang hoang mang, lo lắng, cho rằng đây là điều đáng báo động.
Ngoài việc sa thải nhân viên, hai nhà lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ cũng đưa ra ý tưởng về việc yêu cầu nhân sự của các cơ quan liên bang phải đến văn phòng 5 ngày/tuần. Bởi từ sau thời đại dịch Covid 19, nhiều nhân viên liên bang chuyển sang chế độ làm việc tại nhà. Việc yêu cầu đến văn phòng có thể gây ra làn sóng kết thúc hợp đồng tự nguyện từ một số người.
Ngoài ra, cơ quan này cho biết sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi công việc của những người bị sa thải sang khu vực tư nhân.
Trước nguy cơ bị sa thải, các công đoàn nhân viên liên bang đang tập hợp luật sư và chuẩn bị các chiến dịch công khai để cố gắng ngăn chặn bất kỳ vụ sa thải hàng loạt nào, và họ hy vọng các thành viên Quốc hội thuộc Đảng Cộng hòa sẽ cùng với Đảng Dân chủ công nhận tầm quan trọng của họ đối với nền kinh tế địa phương.
Số liệu cho thấy chính phủ liên bang là đơn vị sử dụng lao động lớn nhất của Mỹ, với hơn hai triệu người. Do đó, các đề xuất cắt giảm của Bộ Hiệu quả Chính phủ có thể tác động sâu rộng tới nhiều phương diện.
Đây không phải là nỗ lực đầu tiên của ông Trump trong việc tái cấu trúc chính phủ liên bang. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông cũng đã khởi xướng một sáng kiến tái cấu trúc chính phủ và cắt giảm ngân sách, tuy nhiên hầu hết trong số đó đã bị Quốc hội bác bỏ hoặc không thực hiện. Lần này, Bộ Hiệu quả Chính phủ được thành lập với những nhân vật gây tranh cãi cũng có khả năng sẽ phải đối mặt với những trở ngại tương tự. Làm thế nào để cơ quan này đi vào vận hành hiệu quả và đạt được mục đích đề ra sẽ là một thách thức mà ông Trump phải vượt qua sau khi ông nhậm chức vào tháng 1 tới.
Châu Âu và Mỹ đang phải đối mặt với dịch cúm mùa đông khi nhiều người đi lại, tụ họp trong dịp lễ cuối năm và đón năm mới. Hàng chục nghìn ca mắc đã được ghi nhận, phổ biến nhất là chủng virus cúm B.
Trung Quốc đang đối mặt với số ca nhiễm các bệnh hô hấp liên quan đến virus HMPV gia tăng, dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện. Đợt bùng phát xảy ra 5 năm sau khi thế giới lần đầu phát hiện dịch Covid-19, khiến nhiều người lo lắng viễn cảnh về đại dịch khác.
Trung Quốc mới đây đã ra mắt chiếc ô tô điện vừa chạy vừa bay đầu tiên mang tên "Dongda Kunpeng-1" do nhóm nghiên cứu của Đại học Đông Nam phát triển.
Ngày 4/1, Bộ trưởng Quốc phòng Israel - Israel Katz xác nhận các cuộc đàm phán gián tiếp với Hamas đã nối lại tại Qatar về việc thả các con tin bị bắt trong các vụ tấn công tháng 10/2023.
Cụ bà Tomiko Itooka người Nhật Bản, được Sách Kỷ lục Thế giới Guinness công nhận là người sống lâu nhất thế giới, đã qua đời tại nước này, thọ 116 tuổi.
Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết cơ quan này đang nỗ lực đảm bảo an ninh cho lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump vào ngày 20/1 tới.
0