Thay đổi lớn trong lập trường của Ukraine về lãnh thổ
Ukraine đang thay đổi lập trường về lãnh thổ?
Ngày 1/12, phát biểu tại cuộc gặp các quan chức cấp cao của EU, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định nước này cần sự đảm bảo an ninh từ NATO và nhiều vũ khí hơn trước khi bước vào đàm phán với Nga. Ông Zelensky cũng nhấn mạnh việc gia nhập NATO là vấn đề sống còn với Kiev và kêu gọi Mỹ thuyết phục “những người hoài nghi” ở châu Âu.
“Không có ảo tưởng nào cả. Vẫn còn những quốc gia hoài nghi như vậy, và thật không may Mỹ là một phần trong số đó. Ngoài ra, vẫn còn Đức, vẫn còn Hungary, đó là lý do tại sao chỉ có một tín hiệu mạnh mẽ mới có thể được tất cả các nhà lãnh đạo nhìn nhận tích cực”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky
Ông Zelensky cũng nói rằng bất kỳ lời mời nào tham gia NATO cũng phải áp dụng cho toàn bộ lãnh thổ của Ukraine, nhưng thừa nhận rằng chiếc ô bảo vệ của NATO không thể che chở các khu vực do Nga kiểm soát khi xung đột vẫn đang diễn ra.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với Sky News, ông Zelensky tuyên bố việc trao cho Kiev tư cách thành viên NATO trong khi vẫn tạm thời chấp nhận Nga kiểm soát một số vùng lãnh thổ nước này có thể là giải pháp chấm dứt “giai đoạn nóng” của cuộc xung đột đã kéo dài hơn hai năm. Theo nhà lãnh đạo Ukraine, một thỏa thuận ngừng bắn có thể được ký kết nếu NATO bảo vệ những vùng lãnh thổ hiện do Kiev kiểm soát, trong khi các vùng lãnh thổ đang do Nga kiểm soát có thể được giành lại thông qua con đường ngoại giao trong tương lai.
Tuyên bố của ông Zelensky được đưa ra chỉ ít giờ sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrii Sybiha gửi một bức thư có nội dung tương tự tới người đứng đầu cơ quan ngoại giao của NATO. Trong thư, Ukraine thúc giục các đối tác NATO gửi lời mời Kiev tham dự một cuộc họp ở Brussels vào tuần tới để hướng tới việc Kiev sớm gia nhập liên minh quân sự này.
Ukraine thừa nhận họ không thể gia nhập NATO cho đến khi xung đột kết thúc, nhưng việc đưa ra lời mời ngay bây giờ sẽ khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin thấy rằng ông không thể đạt được một trong những mục tiêu chính của mình, đó là ngăn Kiev trở thành thành viên của Liên minh.
Đây được xem là nỗ lực mới của Ukraine nhằm đảm bảo lời mời gia nhập NATO sớm nhất có thể và là một phần trong “kế hoạch chiến thắng” được Tổng thống Zelensky vạch ra vào tháng trước nhằm chấm dứt cuộc xung đột hiện nay.
Những bước tiến của Nga trên chiến trường
Tuyên bố của ông Zelensky dường như cho thấy dấu hiệu xuống thang của nhà lãnh đạo Ukraine, khi trong suốt cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm qua, Kiev luôn tuyên bố sẽ không bao giờ nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình với Nga. Vậy đâu là lý do khiến ông Zelensky đưa ra kế hoạch này vào thời điểm hiện nay?
Theo cựu chuyên gia phân tích của CIA Ray McGovern, Tổng thống Zelensky đưa ra đề xuất mới trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt Nga của Mỹ và NATO trong những năm qua không phát huy hiệu quả. Bất chấp việc bị phong tỏa trên mặt trận kinh tế, Nga vẫn đang trụ vững và đạt được những bước tiến mới trên chiến trường.
Theo thống kê của hãng thông tấn Tass dựa trên báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga, trong mùa thu năm 2024, quân đội nước này đã giành quyền kiểm soát 88 khu định cư tại Cộng hoà Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk, các tỉnh Zaporozhye, Kursk và Kharkov.
Nga cũng đang tiến quân ở Donbass với tốc độ nhanh nhất kể từ khi xung đột nổ ra và hiện nắm quyền kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ Ukraine. Trong khi đó, các cuộc tấn công của Nga nhằm vào hạ tầng năng lượng của Ukraine đang khiến Kiev phải đối mặt với tình cảnh khó khăn khi mùa đông đến. Hiện Ukraine đã mất khoảng một nửa công suất phát điện, dẫn đến cắt điện kéo dài. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân.
“Không có điện, các trạm nước công cộng không hoạt động. Tôi đã kiểm tra 5 trạm và chỉ có trạm này hoạt động. Đối với tôi đây không phải vấn đề lớn, nhưng với những người về hưu sống ở tầng bảy hoặc tầng tám, họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn do phải mang nước về khi thang máy không hoạt động”.
Anh Viktor, người dân thành phố Mykolaiv, Ukraine
Tại tỉnh Kursk, Ukraine cũng đang bị đẩy lùi về bên kia biên giới sau khi Moscow mở đợt phản công lớn trong thời gian gần đây. Reuters dẫn lời một nguồn tin quân sự cấp cao cho biết Kiev đã mất hơn 40% thành quả quân sự ở khu vực Kursk mà quân đội nước này nhanh chóng kiểm soát được trong cuộc tấn công bất ngờ vào đầu tháng 8.
Yếu tố Donald Trump
Theo giới quan sát, áp lực quân sự từ phía Nga, cộng thêm khả năng dòng chảy viện trợ từ Mỹ bị cắt đứt sau khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng đã buộc Ukraine phải đảo ngược các quyết định trước đó nhằm tháo gỡ nút thắt hiện tại. Đặc phái viên của ông Trump, tướng Keith Kellogg, đã nói về các cuộc đàm phán đóng băng các tiền tuyến hiện tại, cùng việc Kiev cần phải cởi mở đối thoại để duy trì sự hỗ trợ quân sự liên tục từ Mỹ và NATO.
Theo ông Tony Brenton, cựu Đại sứ Anh tại Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang “chơi một trò chơi rất tinh vi” khi kêu gọi đặt các vùng lãnh thổ do Ukraine kiểm soát nằm dưới sự bảo trợ của NATO nhưng không có gì đảm bảo Ukraine sẽ là bên thắng cuộc.
“Ông ấy biết rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp gây sức ép lên cả Ukraine và Nga. Ông ấy đã sắp xếp để có thứ gì đó đề nghị với ông Trump về kế hoạch chấm dứt xung đột”.
Ông Tony Brenton, cựu Đại sứ Anh tại Nga
Ông Donald Trump đã hứa sẽ chấm dứt xung đột Nga-Ukraine trong 24 giờ, và đến nay hầu như không giải thích thêm về kế hoạch đó. Tuy nhiên, với việc ông Trump bổ nhiệm ông Keith Kellogg, cựu cố vấn an ninh quốc gia, làm đặc phái viên của mình về vấn đề Ukraine và Nga, kế hoạch chấm dứt xung đột Nga-Ukraine của Mỹ dần hé lộ.
Hồi tháng 6, Reuters đưa tin ông Kellogg và một cố vấn hàng đầu khác của Tổng thống đắc cử Trump - cựu Chánh văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Frederick Fleitz, đã đưa ra kế hoạch ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine trừ khi Kiev đồng ý đàm phán với Nga. Hai người này cũng được cho là đã đề xuất đóng băng tiền tuyến ở vị trí hiện tại và loại bỏ mục tiêu Ukraine gia nhập NATO khỏi các thỏa thuận hòa bình.
Quan điểm của ông Kellogg về cuộc xung đột hiện nay phức tạp hơn so với Tổng thống Joe Biden, người ủng hộ việc trang bị vũ khí cho Ukraine và để Kiev quyết định thời điểm đàm phán. Ông Kellogg lập luận Mỹ nên ngừng viện trợ cho Ukraine nếu Kiev từ chối đàm phán với Điện Kremlin nhưng ngược lại, nên tăng viện trợ cho Ukraine lên nếu Nga là bên rút lui khỏi thỏa thuận hòa bình. Áp lực từ Mỹ sẽ buộc hai bên đi đến lựa chọn duy nhất mà Nhà Trắng mong muốn là cùng ngồi vào bàn đàm phán.
Tương lai không chắc chắn
Theo giới quan sát, trong hoàn cảnh như vậy, Ukraine tin rằng thay vì bị ép buộc vào các cuộc đàm phán hòa bình, tốt hơn hết là nên chủ động tìm cách định hình quá trình đàm phán. Tổng thống Zelensky có thể hy vọng sử dụng những tuyên bố về tạm thời nhượng bộ lãnh thổ để xích lại gần hơn các đề xuất chính sách của ông Trump nhằm bày tỏ thiện chí và cố gắng định hình quan điểm của Tổng thống Mỹ tương lai, từ đó hướng chính quyền của ông Trump đến những biện pháp tích cực hơn đối với Ukraine. Tuy nhiên, các phản ứng quốc tế đối với tuyên bố của ông Zelensky cho thấy sự phức tạp trong việc Ukraine gia nhập NATO và tương lai của Kiev trong liên minh quân sự này vẫn còn là điều chưa có gì chắc chắn.
Ukraine đã đi theo con đường hướng tới tư cách thành viên NATO kể từ Hội nghị thượng đỉnh Bucharest năm 2008. Khi đó, các đồng minh NATO nhất trí rằng Ukraine cuối cùng sẽ gia nhập liên minh. Vào tháng 9/2022, Kiev đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO. Tuy nhiên, đến nay liên minh quân sự này vẫn chưa đưa ra lời mời chính thức hoặc đặt ra một mốc thời gian cho Kiev. Họ tuyên bố rõ rằng Ukraine không thể trở thành thành viên của liên minh cho đến khi chấm dứt xung đột với Nga.
Sự đồng thuận nội bộ NATO cũng là trở ngại lớn. Trong khi các nước vùng Baltic và Ba Lan ủng hộ mạnh mẽ Ukraine gia nhập thì một số thành viên như Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn lo ngại rủi ro leo thang căng thẳng và trả đũa từ Nga, dẫn đến tranh cãi nội bộ trong NATO.
Về phía Mỹ, Nhà Trắng hoan nghênh sự linh hoạt của ông Volodymyr Zelensky nhưng không đưa ra cam kết cụ thể nào về việc thúc đẩy nhanh quá trình gia nhập NATO của Kiev. Sự bất ổn chính trị tại Mỹ, đặc biệt là viễn cảnh Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025, cũng đặt ra nhiều câu hỏi về sự nhất quán trong chính sách của Washington đối với Kiev và NATO.
Trước đây, ông Donald Trump từng hoài nghi về vai trò của NATO, cho rằng Mỹ không nên “gánh vác quá nhiều” cho liên minh này, khiến các đối tác châu Âu lo ngại về khả năng thay đổi trong cam kết của Washington.
“Mỹ sẽ từ bỏ cuộc chiến này. Trước hết, họ sẽ không khuyến khích chiến tranh. Họ sẽ không nói rằng chiến tranh là điều tốt. Mọi người nói nhiều điều về ông Donald Trump, ngay cả những người không thích ông ấy, nhưng không ai nghi ngờ một điều là ông ấy sẽ không bắt đầu một cuộc chiến tranh”.
Thủ tướng Hungary, Viktor Orban
Trong các tuyên bố gần đây, vị Tổng thống đắc cử tiếp tục chỉ trích cách tiếp cận của chính quyền đương nhiệm trong cuộc xung đột Ukraine-Nga, cho rằng chính sách hiện tại đang “khiêu khích không cần thiết” Nga và khiến nước Mỹ lún sâu vào một cuộc chiến mà theo ông, “không phục vụ lợi ích quốc gia". Ông cũng nhiều lần tuyên bố rằng, nếu trở lại Nhà Trắng, ông sẽ ưu tiên các cuộc đàm phán để “chấm dứt xung đột ngay lập tức”, thay vì tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự quy mô lớn cho Kiev.
Những phát ngôn của ông Donald Trump càng làm dấy lên lo ngại về khả năng Mỹ giảm cam kết với NATO và Ukraine khi ông chính thức nắm quyền. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Mỹ mà còn có thể làm suy yếu các nỗ lực chung của NATO trong việc hỗ trợ Ukraine đối phó với Nga, khiến tương lai của Kiev trong liên minh quân sự này càng thêm bất định.
Về phần mình, đến nay Điện Kremlin vẫn im lặng về những đề xuất mới của Tổng thống Ukraine Zelensky. Tuy nhiên, ông Leonid Slutsky, chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế của Duma Quốc gia Nga, đã kêu gọi các chính trị gia Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập NATO.
“Moscow sẽ không tiếp tục cho phép các nước phương Tây vũ trang cho Kiev dưới vỏ bọc của một thỏa thuận. Kiev đang tìm cách gia nhập NATO, đây là chìa khóa để tiến lên phía trước, chứ không phải nhằm kết thúc chiến tranh. Ý tưởng đóng băng xung đột cũng không thể chấp nhận được”.
Ông Leonid Slutsky, Chủ tịch Ủy can các vấn đề quốc tế của Duma quốc gia Nga.
Điện Kremlin lâu nay vẫn khẳng định rằng bất kỳ nỗ lực nào của Ukraine nhằm gia nhập NATO, dù áp dụng cho một phần hay toàn bộ lãnh thổ, đều bị coi là “đe dọa trực tiếp” đến an ninh quốc gia của Nga. Các quan chức Nga cũng chỉ trích phương Tây vì đã “hậu thuẫn những tham vọng nguy hiểm” của Ukraine.
Phản ứng gay gắt từ Moscow không chỉ phản ánh mối lo ngại chiến lược của Nga mà còn nhằm gửi thông điệp cứng rắn tới phương Tây rằng việc ủng hộ các bước đi của Ukraine, đặc biệt là liên quan đến NATO, sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng. Điều này khiến tình hình tại Đông Âu ngày càng phức tạp, với nguy cơ leo thang xung đột tiếp tục gia tăng. Những động thái này cho thấy Ukraine không chỉ phải đối mặt với các thách thức nội bộ mà còn phải cân nhắc đến những toan tính phức tạp từ các bên liên quan trong và ngoài khu vực.
Theo giới quan sát, nhìn bề ngoài, tuyên bố của Tổng thống Zelensky cho thấy Ukraine đã có cách tiếp cận mới để mở ra triển vọng đàm phán hoà bình, chấm dứt xung đột. Nhưng trên thực tế, kế hoạch này sẽ không bao giờ được cả Nga lẫn NATO chấp nhận. NATO không thể đưa ra cam kết đảm bảo an ninh cho toàn bộ lãnh thổ Ukraine trong khi khoảng 1/5 lãnh thổ ấy hiện đang do Nga kiểm soát, bởi điều đó có nghĩa là một lời tuyên chiến với Nga.
Trong khi đó, Nga cũng không bao giờ chấp nhận để Ukraine núp náu dưới ô bảo hộ an ninh của NATO cũng như việc những vùng lãnh thổ mà họ đã kiểm soát được trong cuộc xung đột trở thành đối tượng đàm phán ngoại giao trong tương lai. Khoảng cách giữa lập trường của các bên vẫn còn rất lớn. Trong bối cảnh ấy, ngay cả khi các cuộc đàm phán có thể bắt đầu vào năm tới thì đó vẫn sẽ là một quá trình lâu dài. Trước và trong quá trình đàm phán, nguy cơ leo thang xung đột Nga - Ukraine vẫn rất cao.
Châu Âu và Mỹ đang phải đối mặt với dịch cúm mùa đông khi nhiều người đi lại, tụ họp trong dịp lễ cuối năm và đón năm mới. Hàng chục nghìn ca mắc đã được ghi nhận, phổ biến nhất là chủng virus cúm B.
Trung Quốc đang đối mặt với số ca nhiễm các bệnh hô hấp liên quan đến virus HMPV gia tăng, dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện. Đợt bùng phát xảy ra 5 năm sau khi thế giới lần đầu phát hiện dịch Covid-19, khiến nhiều người lo lắng viễn cảnh về đại dịch khác.
Trung Quốc mới đây đã ra mắt chiếc ô tô điện vừa chạy vừa bay đầu tiên mang tên "Dongda Kunpeng-1" do nhóm nghiên cứu của Đại học Đông Nam phát triển.
Ngày 4/1, Bộ trưởng Quốc phòng Israel - Israel Katz xác nhận các cuộc đàm phán gián tiếp với Hamas đã nối lại tại Qatar về việc thả các con tin bị bắt trong các vụ tấn công tháng 10/2023.
Cụ bà Tomiko Itooka người Nhật Bản, được Sách Kỷ lục Thế giới Guinness công nhận là người sống lâu nhất thế giới, đã qua đời tại nước này, thọ 116 tuổi.
Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết cơ quan này đang nỗ lực đảm bảo an ninh cho lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump vào ngày 20/1 tới.
0