Thay đổi quyền lực ở Syria: Thách thức nào đang chờ đợi?

Chỉ một ngày sau khi chính quyền Bashar Al Assad bị lật đổ, Thủ tướng Mohammed al-Jalali đã đồng ý trao quyền lực cho "chính phủ cứu nguy" do lực lượng đối lập lãnh đạo. Một số nhà phân tích cho rằng việc chấm dứt nội chiến sẽ mở ra một chương mới tốt đẹp hơn cho người dân Syria, tuy nhiên, trước mắt chính quyền mới của Syria sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức.

Thành lập chính phủ mới

Ngày 9/12 đánh dấu một kỷ nguyên mới với Syria sau khi lực lượng đối lập Hayat Tahrir Al-Sham (HTS) chiếm Thủ đô Damacus và chính quyền sụp đổ, Tổng thống Bashar al-Assad rời khỏi đất nước, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 13 năm và hơn 50 năm cầm quyền của gia tộc Assad.  

Ngay sau khi chính phủ sụp đổ, phát biểu trên kênh truyền Al Arabiya TV, Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Syria Mohammed Al-Jalali đã cam kết chuyển giao quyền lực cho lực lượng đối lập “chính phủ cứu nguy”. 

Truyền thông Syria ngày 9/12 đưa tin các nhóm đối lập đã chỉ định ông Mohammed Al-Bashir thành lập chính phủ mới của Syria để quản lý giai đoạn chuyển tiếp tại quốc gia này. Ông Muhammad al-Bashir, sinh năm 1983, là kỹ sư điện và là người đứng đầu “chính phủ cứu nguy” ở tỉnh Idlib dưới sự bảo trợ của nhóm Hayat Tahrir al-Sham.

“Chính phủ cứu nguy” - bao gồm các bộ, ngành, cơ quan tư pháp và an ninh - được thành lập vào năm 2017 để hỗ trợ những người bị cắt các dịch vụ của chính phủ trong thành trì của lực lượng nổi dậy ở khu vực Tây Bắc đất nước. 

Quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp giữa thủ lĩnh nhóm Hayat Tahrir Al-Sham Ahmed Al-Sharaa, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Mohammed Al-Jalali và ông Bashir để xác định các bước chuyển giao quyền lực và ngăn chặn tình trạng hỗn loạn ở Syria. 

Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ quan trọng nhất ở Syria là thành lập một chính phủ chuyển tiếp đại diện cho tất cả các cộng đồng trong nước và có thể điều phối các chính sách nhân đạo, tái thiết và an ninh của đất nước. 

Các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 9/12 đã kêu gọi tất cả các bên ở Syria ưu tiên lợi ích của người dân Syria và hướng tới một giải pháp chính trị cho tình hình hỗn loạn ở quốc gia này sau sự sụp đổ của chính quyền Assad.

Chúng tôi đang theo dõi tình hình rất chặt chẽ và chúng tôi muốn thấy tình hình ổn định càng sớm càng tốt. Chúng tôi hy vọng rằng một tiến trình chính trị toàn diện có thể được khởi xướng càng sớm càng tốt. Các phe phái và đảng phái ở Syria nên coi lợi ích của người dân là ưu tiên hàng đầu của họ.

Ông Fu Cong, Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc.

Các nhà phân tích cũng cho rằng còn có nhiều chiến binh vũ trang, từ nhiều lực lượng khác nhau, cần được đưa vào lực lượng an ninh của đất nước. Chỉ có một chính phủ chuyển tiếp được trao quyền mới có thể giải quyết những yêu cầu này và đồng thời cũng cố gắng đàm phán với các lực lượng nước ngoài trên lãnh thổ Syria để rời khỏi đất nước. 

Hiện nay tại Syria có nhiều khu vực với những thế lực khác nhau, mỗi khu vực có hoàn cảnh riêng biệt do chiến tranh gây ra, đòi hỏi chính phủ chuyển tiếp phải có những cách tiếp cận phù hợp.

Một đại diện của phe đối lập Syria cho biết các bước được đề xuất cho giai đoạn chuyển giao quyền lực bao gồm: giải tán tất cả các nhóm bán quân sự và thống nhất các nhóm này dưới một bộ chỉ huy quân sự duy nhất; giải tán tất cả các hiệp hội đối lập, Liên minh Quốc gia và Ủy ban Đàm phán; toàn bộ các thể chế và cơ quan Nhà nước nằm dưới sự điều hành của một chính phủ thống nhất; thông báo thành lập chính quyền chuyển tiếp. 

Israel tận dụng hỗn loạn, tìm kiếm đòn bẩy

Trong khi quá trình chuyển giao quyền lực trong nước còn chưa hoàn tất, Syria lại phải đối mặt với một thách thức từ nước láng giềng Israel. Sau nhiều tháng giao tranh trên nhiều mặt trận, Israel lo ngại rằng tình hình bất ổn ở Syria có thể lan sang lãnh thổ của mình. Tranh thủ diễn biến rối ren ở Syria, Israel đã điều quân chiếm đóng một số vùng lãnh thổ của nước này. Hôm 9/12, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố Cao nguyên Golan sẽ "mãi mãi là một phần không thể tách rời" của Israel. 

Quân đội Israel vào cuối tuần qua đã bắt đầu giành quyền kiểm soát vùng đệm phi quân sự giữa nước này và Syria. Vùng đệm rộng khoảng 400 km giữa Syria và Cao nguyên Golan được được tạo ra như một phần của lệnh ngừng bắn năm 1974 giữa hai nước. Theo thỏa thuận, nơi đây chỉ có lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc mới được triển khai. Israel đã đơn phương sáp nhập Cao nguyên Golan vào năm 1981, cho dù điều này bị cả thế giới, trừ Mỹ, coi là bất hợp pháp. 

Cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Katz và với sự ủng hộ của tất cả các thành viên nội các, tôi đã chỉ thị cho IDF chiếm giữ vùng đệm giữa chúng tôi và Syria và các vị trí kiểm soát và tiếp giáp với nó. Trong đó bao gồm đỉnh Hermon, nơi được gọi là Hermon của Syria.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Israel đã điều cả quân trên bộ và trên không vào vùng đệm, bao gồm cả Cao nguyên Golan và phần núi Hermon ở phía Syria. Phía Israel cho biết biết vì quân đội Syria đã từ bỏ vị trí của họ nên việc Israel di chuyển vào vùng đệm là cần thiết như một "vị trí phòng thủ tạm thời".  

Các quan chức Israel lưu ý rằng hiện tại, Israel không cố gắng thay đổi biên giới hoặc chuẩn bị cho một cuộc xâm lược vào Syria. Nên đây chỉ là một hoạt động chiến thuật, không phải là một chiến lược dài hạn, để ứng phó với tình hình biến động ở Syria. 

Samuel Ramani, nhà phân tích quân sự tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia cho rằng Israel đang tận dụng bầu không khí hỗn loạn và việc mở ra các mặt trận khác ở Syria. Nhưng đây cũng là một biện pháp phòng ngừa bất kỳ điều gì xảy ra ở Syria trong tương lai. 

Tuy vậy, việc đưa quân của Israel vào vùng đệm ở biên giới Syria đã vấp phải sự chỉ trích của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế. Các bên cáo buộc Israel vi phạm lệnh ngừng bắn và có thể lợi dụng tình hình hỗn loạn ở Syria để chiếm đất.  

Bộ Ngoại giao Ai Cập cáo buộc Israel “lợi dụng khoảng trống quyền lực để chiếm đóng nhiều lãnh thổ của Syria hơn và tạo ra sự đã rồi về việc vi phạm luật pháp quốc tế.”

Ả Rập Xê Út cũng lên án Israel vì cái mà họ gọi là “quyết tâm phá hoại các cơ hội để Syria khôi phục an ninh, ổn định và toàn vẹn lãnh thổ của mình.”

Trong một tuyên bố hôm 9/12, Bộ Ngoại giao Qatar gọi động thái này là "một diễn biến nguy hiểm và là một cuộc tấn công trắng trợn vào chủ quyền và sự thống nhất của Syria, cũng như là hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.

Đại sứ Syria tại Liên hợp quốc Qusay al-Dahhak tuyên bố Israel phải rút quân khỏi Syria. Theo nhà ngoại giao này, Israel phải tuân thủ các đề nghị của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và thỏa thuận phân chia lực lượng năm 1974. Theo ông, chỉ có lực lượng Liên hợp quốc mới được đóng ở vùng đệm ở Cao nguyên Golan.

Đây không phải là lần đầu tiên Israel xâm phạm vùng đệm trong năm nay. Theo một nguồn tin của AP, Israel đã tiến hành một dự án xây dựng, có thể là một con đường mới, dọc theo biên giới với Syria từ đầu tháng 7 và trong một số trường hợp đã xâm phạm vùng đệm trong quá trình xây dựng. Sau báo cáo của AP, lực lượng Liên hợp quốc đã cảnh báo rằng quân đội Israel đã vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận ngừng bắn với Syria.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Katz hôm thứ Hai đã trình bày kế hoạch của Israel cho khu vực biên giới. Ông cho biết sau khi hoàn tất việc tiếp quản vùng đệm, Israel sẽ tạo ra một "khu vực an ninh" bên ngoài khu vực này bằng cách phá hủy pháo hạng nặng trên khắp Syria và ngăn Iran buôn lậu vũ khí qua Syria vào Liban. 

Ngoại trưởng Israel Gideon Saar cho biết Israel đã tấn công nhiều địa điểm chứa vũ khí hóa học và tên lửa tầm xa để ngăn chúng rơi vào tay các thế lực thù địch. Ông Saar không nói thời điểm các cuộc không kích xảy ra. Các nhà phân tích cho biết Israel có khả năng sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc không kích vào các mục tiêu trên khắp Syria.

Israel đang có kế hoạch tiếp cận cộng đồng người Druze của Syria, một nhóm tôn giáo thiểu số gắn bó chặt chẽ cũng sinh sống ở Israel, Jordan và Liban và vẫn duy trì một số mối quan hệ xuyên biên giới.

Theo giới quan sát, Israel cũng đang cố gắng mở các đường dây liên lạc với các lực lượng đối lập ở Syria, để giúp đảm bảo các phe phái được Iran hậu thuẫn không đòi lại bất kỳ lãnh thổ nào.

Khoảng 20.000 người định cư Do Thái sinh sống ở Cao nguyên Golan, và khu vực này cũng là nơi sinh sống của khoảng 20.000 người Druze Syria. Khoảng 30 khu định cư Do Thái trong khu vực này được coi là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế. 

Thách thức trong việc tái thiết đất nước 

Chính quyền mới tại Syria sẽ phải đối mặt với một thách thức không nhỏ là tái thiết đất nước, trong bối cảnh nền kinh tế Syria đã suy thoái 85% trong gần 14 năm nội chiến, cơ sở hạ tầng bị tàn phá và siêu lạm phát kéo dài. Dự đoán quá trình phục hồi sẽ cần sự nỗ lực của chính phủ mới ở Syria cũng như sự hỗ trợ của quốc tế. 

Theo phân tích của Capital Economics, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Syria ước tính đã giảm hơn 85% kể từ khi nội chiến nổ ra vào năm 2011. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, lạm phát đã đạt 115% vào năm 2023, đồng thời cũng dự báo nền kinh tế của nước này sẽ suy giảm 1,5% trong năm nay. Theo ước tính của các quan chức nhân đạo Liên hợp quốc, có tới 90% người dân sống dưới mức nghèo khổ và hơn một nửa dân số nước này phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.

Vì vậy, việc tái thiết nền kinh tế là một nhiệm vụ hàng đầu và Syria cần có một nguồn tài chính khổng lồ để thực hiện nhiệm vụ này.  

Thật không may, do chiến tranh, nền kinh tế Syria bị tàn phá, cần hàng tỷ đô la đầu tư để khắc phục, và có thể sẽ có hàng triệu người trở về từ nước ngoài và cần được tái hòa nhập vào xã hội Syria.

Ông Nicholas A Heras - Nhà phân tích về Syria tại Viện New Lines.

Bối cảnh đó đặt ra một vấn đề lớn đối với các lực lượng đối lập Hayat Tahrir Al-Sham khi họ lên nắm quyền. Nhóm Hayat Tahrir Al-Sham (HTS), một chi nhánh cũ của al Qaeda, hiện vẫn phải đối mặt với lệnh trừng phạt từ Mỹ, châu Âu và Liên hợp quốc do bị chỉ định là khủng bố. Điều này có thể khiến nền kinh tế Syria tiếp tục rơi vào khó khăn. 

Hai trụ cột chính của nền kinh tế Syria là dầu mỏ và nông nghiệp  đã bị tàn phá bởi chiến tranh. Trong đó, năm 2010, xuất khẩu dầu chiếm khoảng một phần tư doanh thu của chính phủ. Các lệnh trừng phạt quốc tế đã hạn chế nghiêm trọng khả năng xuất khẩu dầu của chính phủ Syria. Đất nước này đã phụ thuộc rất nhiều vào hàng nhập khẩu từ Iran. Ngoài ra, chế độ Assad đã mất quyền kiểm soát hầu hết các mỏ dầu của mình vào tay các nhóm phiến quân, bao gồm cả Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và sau đó là các lực lượng do người Kurd lãnh đạo.

Việc cạnh tranh về trữ lượng dầu được dự báo sẽ là một trong những lĩnh vực chính có thể nảy sinh căng thẳng giữa các nhóm đối lập. 

Việc thay đổi chính quyền ở Syria được coi là một cơ hội lịch sử đối với Syria. Nếu biết nắm bắt thì điều này sẽ mở ra quá trình hòa giải để tiến tới sự ổn định và thịnh vượng cho đất nước. Trước mắt, chính phủ mới của Syria sẽ phải vượt qua các cuộc đàm phán, cải cách và tìm kiếm một mô hình quản trị mới để thống nhất và ổn định xã hội, đồng thời phải đối phó với các nguy cơ từ bên ngoài, từ đó tìm cách để vực dậy nền kinh tế đã trì trệ do nội chiến hơn một thập kỷ qua.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Các đơn vị thuộc Nhóm tác chiến phía Bắc của Nga tiếp tục cuộc tấn công, kiểm soát các khu định cư Daryino và Plyokhovo ở Khu vực Kursk, Bộ Quốc phòng Nga đưa tin. Lực lượng vũ trang Ukraine đã mất hơn 200 quân ở khu vực Kursk trong ngày qua.

Giới chức Sudan cho biết đã có ít nhất 176 người thiệt mạng trong 2 ngày giao tranh giữa quân đội Sudan và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự trên khắp lãnh thổ nước này.

Các quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ với NBC News rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc xóa tên tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS) khỏi danh sách các tổ chức khủng bố.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk vừa nêu nhận định về thời điểm các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine có thể diễn ra, khi Warsaw chuẩn bị đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên EU vào tháng 1/2025.

Bất ổn chính trị ở Hàn Quốc ngày càng sâu sắc. Người dân Hàn Quốc tự hỏi ai sẽ là người điều hành chính phủ và cả quân đội vào thời điểm Hàn Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức về chính sách đối ngoại. Những thách thức đó bao gồm căng thẳng ngày càng tăng với Triều Tiên và hoạt động ngoại giao tế nhị cần thiết với đồng minh Mỹ khi lễ nhậm chức của ông Donald Trump đang đến gần.

Cơ quan quản lý cải tạo Hàn Quốc cho biết cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong Hyun đã cố gắng tự tử tại cơ sở giam giữ ở phía đông Seoul nhưng bất thành.