Thế giới chấn động sau lệnh bắt Thủ tướng Israel

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã ban hành lệnh bắt giữ đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và thủ lĩnh Hamas Mohammed Deif. Lệnh bắt giữ do ICC ban hành gây chấn động trong bối cảnh pháp lý thế giới, bởi đây là lần đầu tiên một đồng minh phương Tây bị một cơ quan tư pháp toàn cầu buộc tội phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.

Tội ác chống lại loài người

Hội đồng gồm ba thẩm phán nhất trí cho rằng ông Netanyahu và Gallant là "những đồng phạm tội ác chiến tranh, dùng cách bỏ đói làm công cụ chiến tranh và phạm các tội ác chống lại loài người như giết người, đàn áp và các hành vi vô nhân đạo khác".

Bằng cách ban hành các lệnh này, ICC đã đáp lại hy vọng của các nạn nhân và tất cả những người tin vào công lý quốc tế. Quyết định này không phải là điều bất ngờ, vì nó phù hợp với kết luận pháp lý của hầu hết các chuyên gia luật quốc tế, những người mô tả các hoạt động của Israel ở Dải Gaza và Bờ Tây, và cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10/2023, là hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế và tội ác theo quy chế của ICC. Công tố viên ICC, Karim Khan, đã đi đến kết luận tương tự khi ông yêu cầu các thẩm phán của tòa án ban hành các lệnh bắt giữ này sáu tháng trước.

Những cáo buộc này phản ánh mức độ nghiêm trọng của các tội ác mà Israel đã gây ra ở Gaza, mà hàng ngày người dân, các tổ chức nhân đạo trên thực địa và các chuyên gia chứng kiến và ghi chép.

Ngay cả khi lệnh bắt giữ này được ban hành, thì cũng đã quá muộn sau khi hơn 43.000 người đã chết, 10.000 người mất tích và hơn 100.000 người bị thương. Nếu quyết định này được ban hành, chúng tôi hy vọng rằng công lý sẽ được thực thi đối với tất cả những người đã chết trong cuộc chiến tranh phi nghĩa này.

Anh Bilal Mansour - Người dân Palestine.

Các thẩm phán cũng "tìm thấy căn cứ hợp lý để tin rằng họ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ác chiến tranh là cố ý chỉ đạo một cuộc tấn công vào dân thường". Các cáo buộc này cũng được hỗ trợ bởi phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế cho rằng "có khả năng" Israel đã thực hiện các hành vi vi phạm Công ước diệt chủng ở Gaza. Nếu bị bắt, ông Netanyahu sẽ phải trải qua một phiên tòa và sau đó ông có thể được tuyên trắng án hoặc bị kết án. Trong trường hợp bị kết án, ông Netanyahu sẽ được đưa vào danh sách thủ phạm của các tội ác chống lại loài người, chẳng hạn như Augusto Pinochet của Chile, Pol Pot của Campuchia, và Adolf Hitler của Đức.

Bên công tố đã nộp đơn lên tòa án cáo buộc ông Netanyahu và Gallant phạm các tội danh cụ thể từ ít nhất ngày 8/10/2023 cho đến ít nhất ngày 20/5/2024. Tòa án đã đánh giá bằng chứng và tìm thấy căn cứ hợp lý để chấp nhận hầu hết các cáo buộc và buộc tội họ về hai tội ác chiến tranh và ba tội ác chống lại loài người. Tòa án nói thêm rằng "các tội ác chống lại loài người bị cáo buộc là một phần của cuộc tấn công có hệ thống và quy mô rộng lớn nhằm vào dân thường ở Gaza".

Một trong những cáo buộc chính buộc hai người này "chịu trách nhiệm hình sự về tội ác chiến tranh vì đã sử dụng nạn đói như một phương thức chiến tranh".

Tòa án đã căn cứ vào việc nước này đã cản trở viện trợ nhân đạo và không tạo điều kiện cứu trợ bằng mọi cách có thể, gây gián đoạn khả năng cung cấp thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác của các tổ chức nhân đạo, cắt điện và giảm nguồn cung cấp nhiên liệu, ảnh hưởng đến khả năng cung cấp nước và khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế của các bệnh viện. Các quyết định cho phép hoặc tăng viện trợ nhân đạo vào Gaza thường kèm theo điều kiện hoặc để đáp lại áp lực quốc tế thay vì thực hiện các nghĩa vụ theo luật nhân đạo quốc tế.

Phản ứng yếu ớt của EU

Về mặt lý thuyết, lệnh của ICC có nghĩa là Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Gallant có thể bị bắt nếu họ đi đến bất kỳ quốc gia nào trong số hơn 120 quốc gia là bên tham gia tòa án. Tất cả các quốc gia thành viên EU đều là bên ký kết hiệp ước thành lập ICC, được gọi là Quy chế Rome. Tuy nhiên, đã có những phản ứng trái chiều giữa các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đối với lệnh bắt giữ do Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel và thủ lĩnh của nhóm chiến binh Palestine Hamas vì cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người. Các lệnh bắt giữ đã nhận được phản ứng yếu ớt từ các thành viên EU, thể hiện rõ sự chia rẽ về cuộc chiến ở Gaza.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại EU Josep Borrell cho rằng, lệnh bắt giữ này không mang tính chính trị và tất cả các quốc gia thành viên EU nên tôn trọng và thực hiện phán quyết của tòa án.

Tất cả các thành viên của Liên minh châu Âu phải thực hiện. Và nếu họ không thực hiện, thì sẽ có một vụ kiện về việc không thực hiện nghĩa vụ pháp lý. Chúng ta không nên gọi là bài Do Thái. Bài Do Thái đưa chúng ta trở lại thời điểm tồi tệ nhất trong lịch sử của chúng ta, thời điểm đen tối nhất trong lịch sử của chúng ta.

Ông Josep Borrell - Phụ trách chính sách đối ngoại EU.

Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Caspar Veldkamp cho biết, Hà Lan sẽ tuân thủ lệnh của ICC và bắt giữ Netanyahu nếu ông nhập cảnh vào nước này. "Hà Lan thực hiện Quy chế Rome 100%". Ông Veldkamp dự kiến sẽ đến thăm Israel vào tuần tới, nhưng chuyến đi của ông đã bị Bộ trưởng Ngoại giao Israel Gideon Sa'ar hủy bỏ vì những bình luận ủng hộ phán quyết của tòa.

Khi được hỏi liệu Ireland có bắt giữ ông Netanyahu hay không, Thủ tướng Ireland Simon Harris trả lời "Có, chắc chắn rồi". "Chúng tôi ủng hộ các tòa án quốc tế và chúng tôi thực thi lệnh của họ", ông nói.

Bộ ngoại giao Bỉ cho biết: “Những kẻ chịu trách nhiệm về tội ác đã gây ra ở Israel và Gaza phải bị truy tố ở cấp cao nhất, bất kể ai đã thực hiện những tội ác đó”. Phó Thủ tướng Bỉ Petra De Sutter tuyên bố “châu Âu phải tuân thủ phán quyết của ICC và thực thi các lệnh bắt giữ này”.

Các quan chức chính phủ Tây Ban Nha nói với giới truyền thông rằng: “Tây Ban Nha tôn trọng quyết định của Tòa án Hình sự Quốc tế và sẽ tuân thủ các cam kết và nghĩa vụ của mình liên quan đến Quy chế Rome và luật pháp quốc tế”.

Bộ ngoại giao Áo gọi phán quyết của ICC là "hoàn toàn khó hiểu". Tuy nhiên, họ cho biết chính quyền sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc bắt giữ ông Netanyahu.

Các quốc gia châu Âu khác chưa có quan điểm rõ ràng bao gồm Đức, Séc, Italy, Pháp và Anh.

Chúng tôi sẽ xem xét nội dung của quyết định và lý do khiến Tòa án Hình sự Quốc tế đưa ra quyết định này. Chúng tôi ủng hộ tòa án, luôn ghi nhớ rằng tòa án phải đóng vai trò pháp lý chứ không phải vai trò chính trị. Cùng với các đồng minh của mình, chúng tôi sẽ đánh giá những việc cần làm, cách diễn giải quyết định này và cách hành động tập thể về vấn đề này.

Ông Antonio Tajani - Bộ trưởng Ngoại giao Italy.

Bất chấp các lệnh bắt giữ của ICC, Hungary đã gửi lời mời Netanyahu đến thăm. Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho hay: “Không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phản đối quyết định này. Vì vậy, hôm nay tôi sẽ mời Thủ tướng Israel, ông Netanyahu đến thăm Hungary và trong lời mời đó, tôi sẽ đảm bảo với ông rằng nếu ông đến, phán quyết của ICC sẽ không có hiệu lực ở Hungary và chúng tôi sẽ không tuân theo nội dung của phán quyết. Chúng tôi sẽ chỉ xem xét chất lượng và tình trạng quan hệ Hungary - Israel để Thủ tướng Israel có thể tiến hành các cuộc đàm phán hiệu quả và an toàn nếu ông chấp nhận lời mời của chúng tôi”.

Việc các thẩm phán ICC chấp thuận lệnh bắt giữ sẽ mãi mãi thay đổi vị thế của tòa án. Mỹ - không phải là thành viên của ICC - đã bác bỏ lệnh bắt giữ và cho biết sẽ phối hợp với các đối tác của mình, bao gồm cả Israel, trong “các bước tiếp theo”.

Các đồng minh khác của Israel, chẳng hạn như Đức, sẽ giữ khoảng cách, nhưng đây sẽ là thời điểm khó khăn đối với chính phủ Anh của Thủ tướng Keir Starmer, người luôn tuyên bố ủng hộ nhân quyền và luật pháp quốc tế. Mỹ có thể sẽ gây sức ép lên Anh để bác bỏ tính hợp lệ của lệnh bắt giữ, nhưng điều đó sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Anh trên thế giới.

Tổ chức Ân xá Quốc tế nhắc nhở ông Starmer: “Vị thế của Vương quốc Anh là người thực sự ủng hộ pháp quyền đòi hỏi sự nhất quán và công bằng”.

Nhiều quốc gia khác cho đến nay vẫn coi ICC là công cụ của thế giới phương Tây có khả năng sẽ chấp nhận phán quyết và chấp nhận chính tòa án.

Tác động lâu dài

Trên lãnh thổ Israel, lệnh bắt giữ ông Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant sẽ không có tác động ngay lập tức. Trong ngắn hạn, công chúng Israel vẫn ủng hộ hai nhân vật này. Tuy nhiên, về lâu dài, mức độ nghiêm trọng của các cáo buộc chống lại ông Netanyahu và Gallant có thể ngày càng nặng nề hơn theo thời gian. Sự kỳ thị khi bị buộc tội là tội phạm chiến tranh là điều khó có thể rũ bỏ.

ICC được thành lập năm 2002 và trụ sở tại Hà Lan. Đây là tòa án thường trực để truy tố cá nhân phạm tội ác diệt chủng, chống lại loài người và tội ác chiến tranh. Israel không tham gia Quy chế Rome, hiệp ước thành lập ICC, do đó không công nhận thẩm quyền của tòa. Mỹ, đồng minh của Israel và Nga từng tham gia ICC nhưng sau đó đã rút lui.

Dù Israel không gia nhập ICC, nhưng Nhà nước Palestine tham gia Quy chế Rome từ năm 2015, nên tòa án này có thể điều tra những tội ác được thực hiện trên lãnh thổ thành viên. Bởi vậy, ICC có thẩm quyền truy tố và phát lệnh bắt với bất kỳ ai liên quan đến các cáo buộc ở Dải Gaza và Bờ Tây.

Theo quy định, các nước thành viên ICC có nghĩa vụ bắt nếu ông Netanyahu, ông Gallant và Deif tới lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, thông thường quan chức bị ICC phát lệnh bắt thường tránh đến những nước này. ICC cũng không thể tiến hành xét xử vắng mặt.

Khả năng ông Netanyahu bị đưa ra xét xử tại La Hay là rất thấp. Nhưng những tác động chính trị của lệnh bắt giữ đối với ông Netanyahulà rất lớn. Ông Netanyahu biết rằng ICC sẽ có thể buộc ông phải chịu trách nhiệm về các quyết định chính trị của mình và đây chính là lý do tại sao ông không chấp thuận việc Palestine gia nhập ICC vào năm 2015.

Trên thực tế, ông Netanyahu có thể mất đi tính chính danh thậm chí còn nhiều hơn ở chính quốc gia của mình. Các nhóm xã hội dân sự ở Israel đang theo dõi rất chặt chẽ hoạt động của ICC.

B'Tselem, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Jerusalem chuyên ghi lại các hành vi vi phạm nhân quyền tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, cho biết sự can thiệp của ICC và các phán quyết của ICJ "là cơ hội để người Israel nhận ra rằng việc duy trì một chế độ tối cao, bạo lực và áp bức chắc chắn sẽ liên quan đến tội ác và vi phạm nghiêm trọng nhân quyền".

Lệnh bắt giữ rất khó có thể lật đổ hoặc làm suy yếu ông Netanyahu. Nhiều nhà quan sát tin rằng cuộc chiến ở Gaza có khả năng sẽ tiếp diễn chừng nào ông Netanyahu còn nắm giữ quyền lực.

Nó sẽ củng cố cho ông Netanyahu. Người Israel hoàn toàn tin chắc rằng hệ thống quốc tế nói chung về cơ bản tồn tại để nhắm mục tiêu và cô lập Israel một cách bất công. Kiểu suy nghĩ đó phổ biến khắp cộng đồng Do Thái.

Bà Dahlia Scheindlin, chuyên gia người Israel về dư luận quốc tế.

Điều đó có nghĩa là rất ít người Israel coi lệnh bắt giữ là bằng chứng cho thấy ông Netanyahu đang làm suy yếu vị thế của đất nước trên quy mô toàn cầu, đẩy đất nước này đến tình trạng bị cô lập.

Cuộc bầu cử tiếp theo của Israel, dự kiến diễn ra vào tháng 10/2026 và là thời điểm quan trọng đối với Israel và khu vực, lệnh bắt giữ của ICC khó có thể thay đổi lá phiếu của cử tri. Tuy nhiên, lệnh bắt sẽ có tác động về lâu dài. Sẽ có một danh sách dài các quốc gia là thành viên của ICC cấm cửa hai nhân vật Netanyahu và Gallant.

Phán quyết này cũng mang tính lịch sử vì tòa án đã chứng minh rằng mọi cá nhân - dù có quyền lực hay không, dù gần hay xa lợi ích của phương Tây đều phải chịu trách nhiệm về hành động của mình khi phạm tội xúc phạm đến lương tâm con người. Phán quyết này chứng minh rằng mọi cá nhân đều bình đẳng theo luật pháp quốc tế và thuộc quyền tài phán quốc tế, bất kể họ là thủ phạm hay nạn nhân của tội phạm. Trong vụ việc này, ICC đã chứng minh rằng họ biết cách duy trì sự độc lập và vô tư. Chính sự độc lập và vô tư này là điều mà các bên tham gia Quy chế Rome, cũng như các nạn nhân và nói chung là cộng đồng quốc tế yêu cầu.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngày 27/12, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc tổ chức phiên điều trần đầu tiên luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol liên quan đến việc áp đặt lệnh thiết quân luật trong đêm ngày 3/12.

Trong bối cảnh căng thẳng quốc tế gia tăng, Nga và Iran đang tiến gần hơn đến việc ký kết một hiệp ước đối tác chiến lược mới.

Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, Cơ quan tình báo Hàn Quốc ngày 27/12 xác nhận Ukraine đã bắt giữ một binh sĩ Triều Tiên bị thương.

Tổng chưởng lý Israel, bà Gali Baharav Miara đã ra lệnh cho cảnh sát mở cuộc điều tra đối với vợ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu vì nghi ngờ bà quấy rối các đối thủ chính trị và nhân chứng trong phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng đối với ông Netanyahu.

Ngày 26/12, Israel đã tấn công nhiều mục tiêu có liên quan đến phong trào Houthi ở thủ đô Sanaa và thành phố cảng Hodeidah bên bờ Biển Đỏ, gây nhiều thương vong. Ngay sau đó, Houthi tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ.

Ngày 27/12, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc tổ chức phiên điều trần đầu tiên luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol liên quan đến việc áp đặt lệnh thiết quân luật trong đêm 3/12.