Thế giới đối mặt với nắng nóng khắc nghiệt
Trung Quốc ghi nhận nền nhiệt cao kỷ lục
Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc vừa đưa ra cảnh báo nước này sẽ đối mặt với một mùa hè có nhiệt độ trung bình cao hơn, đồng thời khuyến cáo người dân sẵn sàng các biện pháp cần thiết nhằm ứng phó với nguy cơ hạn hán và mất điện.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời ông Zheng Zhihai, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết thuộc Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc, nhận định nền nhiệt ở phần lớn khu vực trên cả nước sẽ cao hơn mức trung bình cùng kỳ năm trước, với số ngày nắng nóng nhiều hơn.
Ông Zheng Zhihai nhận định ít có nguy cơ xảy ra hiện tượng sóng nhiệt cực đoan kéo dài trong năm nay như năm 2022. Tuy nhiên, các địa phương chịu ảnh hưởng cần chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán và đảm bảo đủ nguồn cung điện năng cho sinh hoạt và sản xuất khi nhiệt độ đạt đỉnh vào mùa hè này.
Theo Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung quốc (NMC), Trung Quốc đang phải đối mặt với nắng nóng gay gắt trong nhiều ngày qua. Một số nơi nhiệt độ cao nhất lên tới 43 độ C, thậm chí 44 độ C, tiệm cận hoặc phá kỷ lục cao nhất trong nửa đầu tháng 6, thậm chí là kỷ lục trong lịch sử quan trắc khí tượng. Nhiều nơi có nhiệt độ mặt đất lên tới 70 độ C.
Đặc điểm của đợt nhiệt độ cao lần này là nhiệt độ mặt đất cao và thời gian dài. Một số tỉnh như Sơn Tây, Thiểm Tây, Hà Nam, Hà Bắc và Sơn Đông, nhiệt độ mặt đất sau giờ trưa có thể đạt trên 60 độ C, thậm chí vượt 70 độ C. Nhiệt độ cao không chỉ kéo dài nhiều ngày mà thời gian nắng nóng trong một ngày cũng kéo dài, có thể lên tới 8, thậm chí 10 giờ hoặc hơn.
Dự báo nắng nóng sẽ tiếp tục bao trùm miền Bắc Trung Quốc đến ngày 20/6, với mức nhiệt có thể bằng hoặc vượt mức kỷ lục từng được ghi nhận tại các tỉnh Hà Bắc, Sơn Tây cũng như tỉnh Hà Nam ở miền Trung. Trong đó, tỉnh Hà Nam dự kiến sẽ có nhiệt độ cao kéo dài từ 9 - 10 ngày.
Trung Quốc vừa trải qua một mùa xuân nóng kỷ lục trong năm nay. Theo Trung tâm Khí hậu Quốc gia Trung Quốc, nhiệt độ trung bình trên toàn quốc từ tháng 3 đến tháng 5 là 12,3℃ - mức cao nhất kể từ năm 1961, với 12 trạm khí tượng quốc gia ghi nhận mức nhiệt ngang bằng hoặc vượt kỷ lục.
Trước sự tấn công của làn sóng nắng nóng mạnh nhất kể từ đầu năm vào miền Bắc Trung Quốc, nhiều địa phương ở nước này đã phải nâng cảnh báo nhiệt độ cao lên màu đỏ, tức mức cao nhất.
Trong khi đó, nhiều khu vực ở miền Nam Trung Quốc phải hứng chịu những trận mưa như trút nước trong nhiều tuần qua. Tại tỉnh Quảng Đông, lượng mưa kỷ lục đã gây ra lũ lụt chết người trong tháng 4, trong khi một phần sông Châu Giang ghi nhận mùa lũ hàng năm đến sớm nhất kể từ năm 1998.
Hiện tượng vòm nhiệt thiêu đốt phía Tây và Nam nước Mỹ
Dù mới bước vào đầu hè nhưng nước Mỹ đang phải trải qua những ngày nắng nóng dữ dội. Các chuyên gia cảnh báo nhiệt độ trung bình trong hè sẽ đạt mức cao kỷ lục. Đáng lo ngại, độ ẩm cao đi cùng với hơi nóng sẽ tạo ra hiện tượng vòm nhiệt, nhất là ở miền Tây và miền Nam nước này, có thể tác động nguy hiểm tới sức khỏe con người.
Nước Mỹ đang trải qua đợt sóng nhiệt đầu tiên của mùa hè. Nguyên nhân được cho là hiện tượng vòm nhiệt. Vòm nhiệt là một trong những hiện tượng khí tượng xảy ra khi một hệ thống áp suất rất cao giữ không khí trong một khu vực, cuối cùng sẽ dẫn đến nhiệt độ cực cao bị lưu giữ trong một thời gian dài.
Nhiệt lượng bị giữ lại dẫn đến nắng nóng nghiêm trọng, có thể gây ra cảm giác khó chịu, các vấn đề về sức khỏe và thậm chí là các tình trạng nguy hiểm, không chỉ đối với con người mà còn đối với động vật và thực vật.
Trời nóng đến mức tôi có cảm giác như ai đó lấy máy sấy tóc thổi thẳng vào mặt mình. Cảm nhận của tôi lúc này là như vậy đó. Còn khi ra ngoài trời, bạn cảm thấy như không thể thở được.
Chị Bianet Torres - người dân Mỹ.
Theo cảnh báo của các chuyên gia khí tượng, hàng triệu người dân Mỹ sẽ phải đối mặt với mối đe doạ từ các đợt nắng nóng nguy hiểm, khi nhiệt độ tăng lên các mức kỷ lục trong những tháng tới.
Người dân sống ở các bang California, Nevada, Utah và Arizona của Mỹ đã được cảnh báo về hiện tượng vòm nhiệt và được yêu cầu chuẩn bị ứng phó với nền nhiệt vượt quá 40 độ C đến 43 độ C.
Trong đó, thành phố Las Vegas thuộc bang Nevada chứng kiến nhiệt độ lên tới 48,3 độ C trong tuần này, cao nhất từ trước đến nay và vượt mức nhiệt ban ngày cao kỷ lục vào năm 2013. Hình thái vòm nhiệt đã góp phần gây ra hàng chục ca tử vong vào năm 2023 ở vùng Tây Nam nước Mỹ.
Theo Lực lượng Biên phòng Mỹ, ở bang Texas, bốn người di cư đang cố gắng vào Mỹ đã thiệt mạng cuối tuần qua vì các bệnh lý liên quan đến nắng nóng.
Các nhà dự báo đã kêu gọi người dân uống nhiều nước hơn, ở trong các ngôi nhà, tòa nhà có máy lạnh và mặc quần áo rộng rãi.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường bang California xác định người làm việc ngoài trời, người già, trẻ em và những người vô gia cư là những nhóm dân dễ bị tổn thương nhất trong điều kiện nắng nóng khắc nghiệt, mô tả đây là hậu quả vô hình nhưng nguy hiểm của biến đổi khí hậu.
Jerome Lee, một người đàn ông vô gia cư 49 tuổi ở Phoenix, đã phải điều trị tại một phòng khám di động trong tình trạng kiệt sức.
Đối với ông Lee và những người vô gia cư như ông, việc tiếp cận những nhu cầu thiết yếu cơ bản như nước và chỗ ở đã trở thành vấn đề sống còn khi nhiệt độ tăng cao. Nhiệt độ ở Phoenix đã vượt mốc 43 độ C trong 31 ngày liên tiếp. Kỷ lục trước đó được ghi nhận lần cuối vào tháng 6 năm 1974, khi nhiệt độ ở mức trên 43 độ trong 18 ngày liên tiếp. Văn phòng Phoenix của Cơ quan Thời tiết Quốc gia dự đoán Phoenix sẽ trải qua một mùa hè tương tự trong năm nay.
Hạn hán nghiêm trọng bao trùm Mexico
Sau một năm Mexico hứng chịu một trong những đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong một thập kỷ, quốc gia Bắc Mỹ này lại tiếp tục đối mặt với đợt hạn hán mới cực đoan và bất thường trong mùa hè 2024. Đợt hạn hán ngày một lan rộng này được cho là đang ảnh hưởng tới 90% diện tích Mexico.
Các bang hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Sonora, Chihuahua, Sinaloa ở miền Bắc Mexico và Tamolipas, Hidalgo ở phía Nam. Hạn hán khiến các vụ mùa khô héo gây ra các vụ cháy rừng nghiêm trọng và hệ thống cung cấp nước đang dần cạn kiệt.
Mối lo ngại về nguồn cung cấp nước đã lớn hơn ngay cả ở thành phố Mexico City, thủ đô với 19 triệu dân. Mực nước ở các hồ chứa đã giảm xuống mức thấp lịch sử và tầng chứa nước ngầm gần như cạn kiệt.
Tại Guerrero, thuộc bang Chihuahua, thành phố nổi tiếng sản xuất táo, ngũ cốc và thức ăn gia súc đang phải đối mặt với hạn hán nghiêm trọng. Đập Abraham Gonzalez chỉ hoạt động với 19% công suất.
Trong khi đó, xác của hàng nghìn con cá chết đã phủ kín bề mặt đầm phá ở bang Chihuahua, do tình trạng hạn hán dữ dội ở khu vực này. Nhiệt độ tăng lên trên 40 độ C. Giới chức địa phương cho biết mực nước của đầm đang ở mức thấp nguy hiểm.
Theo bà Irma de la Pena, người đứng đầu Sở Sinh thái thành phố Cuauhtemoc, lượng nước trong đầm xuống quá thấp khiến cá không thể sinh sống và nước lại có chất lượng kém.
Tình trạng cá chết hàng loạt ở khu vực này đã từng xảy ra trong những năm trước đây khi đầm cạn nước và cá bị mắc cạn. Gia súc, bao gồm bò và lừa, cũng đang bị chết do các con đập cạn kiệt và nông dân phải vật lộn để đảm bảo nguồn nước.
Nắng nóng và hạn hán trở nên nghiêm trọng đến mức nhiều người sống dựa vào nông nghiệp đã phải thu dọn đồ đạc và rời đi.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng quá 1,5 độ C
Trong một báo cáo mang tính bước ngoặt được ấn định trùng với Ngày Môi trường thế giới, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết hiện có 80% khả năng nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng hơn mức 1,5 độ C và hơn mức thời kỳ tiền công nghiệp, trong giai đoạn 2024 và 2028.
Dự đoán này đánh dấu sự thay đổi rõ rệt so với năm 2015 khi WMO đánh giá khả năng nhiệt độ trung bình toàn cầu vượt quá 1,5 độ C là rất khó xảy ra. Giới hạn 1,5 độ C là mục tiêu đầy tham vọng của Thỏa thuận Paris mang tính bước ngoặt về biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học cho rằng việc Trái đất nóng lên vượt quá ngưỡng nhiệt độ này trong thời gian dài sẽ dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai thảm khốc xảy ra thường xuyên hơn, như nắng nóng kỷ lục, lượng mưa cực lớn, mực nước biển dâng cao và hiện tượng nóng lên của đại dương, tan chảy băng biển.
Ông Guterres cho rằng cuộc chiến nhằm giới hạn mức tăng dưới 1,5 độ C sẽ có kết quả trong những năm 2020, dưới sự giám sát của các nhà lãnh đạo thế giới.
Phát biểu tại Bảo tàng Lịch sử - Tự nhiên Mỹ ở thành phố New York trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Italia từ ngày 13 - 15/6, ông Guterres kêu gọi hành động tham vọng hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.
Theo báo cáo của WMO, nhiệt độ trung bình toàn cầu mỗi năm từ 2024 đến 2028 dự kiến sẽ cao hơn từ 1,1 độ C đến 1,9 độ C so với mức cơ bản từ năm 1850 đến năm 1900.
Có khoảng 50 % khả năng nhiệt độ trung bình toàn cầu trung bình 5 năm tới sẽ vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Dữ liệu Khoa học Hệ thống Trái đất cho biết nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu là "lượng khí thải nhà kính đang ở mức cao nhất mọi thời đại".
Dù hiện tượng El Nino và các hiện tượng thời tiết khác được cho là nguyên nhân gây ra đợt nắng nóng chưa từng thấy gần đây, các nhà khoa học vẫn cho rằng lượng khí thải nhà kính mà con người tiếp tục thải vào bầu khí quyển là thủ phạm chính. Nếu chúng ta không có các biện pháp hiệu quả để giảm khí thải nhà kính thì tác động của biến đổi khí hậu đối với đời sống con người sẽ vẫn tiếp diễn và sẽ ngày càng khắc nghiệt hơn.
Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.
Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.
Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.
Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.
Tuần lễ cấp cao APEC 2024 quy tụ khoảng 20.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trên khắp châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các Hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng lớn hơn trong khu vực.
0