Thế tiến thoái lưỡng nan của Israel trong cuộc chiến với Hezbollah
Thế tiến thoái lưỡng nan của Israel tại Liban
Hôm 30/9, Israel đã tiến hành chiến dịch trên bộ vào miền Nam Liban. Các quan chức Israel mô tả cuộc tấn công này là giới hạn về quy mô, tuy nhiên các quan chức không tiết lộ phạm vi và thời gian của chiến dịch.
Đến ngày 7/10, quân đội Israel cho biết, một sư đoàn dự bị đã bắt đầu chiến dịch trên bộ thứ hai ở miền Nam Liban. Sư đoàn này cùng với ba sư đoàn thường trực đã hoạt động ở miền Nam Liban để phát hiện và phá hủy cơ sở hạ tầng của Hezbollah trong khu vực.
Theo truyền thông Israel, hiện nay, tổng số quân được triển khai bên trong Liban có thể lên tới hơn 15.000 quân.
Mặc dù một số quan chức quân đội Israel nói họ không có ý định leo thang thành cuộc chiến trên bộ quy mô lớn ở Liban, nhưng cần thiết phải tiến hành chiến dịch trên bộ, với mục tiêu phá hủy cơ sở hạ tầng của đối phương và đẩy lùi lực lượng Hezbollah tới bờ Bắc sông Litani, để người dân phía Bắc Israel được trở về nhà an toàn.
Thủ tướng Israel Netanyahu tự tin rằng với hỏa lực mạnh, cùng với sự ủng hộ quân sự và tài chính từ Mỹ, Israel có thể thành công trong việc đánh bại Hezbollah.
Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự cho rằng Israel đang đối mặt tình thế tiến thoái lưỡng nan, bởi việc đưa quân tiến sâu vào lãnh thổ Liban đi kèm với những rủi ro rất lớn về nhân lực.
Ngoài ra, khi triển khai bộ binh kiểm soát vùng đệm sâu bên trong lãnh thổ Liban, Israel có thể rơi vào bẫy của Hezbollah, bị Hezbollah cáo buộc họ là "bên chiếm đóng" và huy động lực lượng nổi dậy chống lại "quân xâm lược".
Chiến dịch không kích của Israel vào các mục tiêu Hezbollah đã rất thành công. Nhưng nếu tiến hành chiến dịch trên bộ quá lâu, họ có thể sa lầy vào cuộc chiến mà Hezbollah mong muốn.
Nhà nghiên cứu Hussein Ibish, Viện các quốc gia Vùng vịnh Arab, Mỹ.
Những chiến dịch trên bộ tương tự của Israel vào Liban năm 1978, năm 1982 và năm 2006 cho thấy, mặc dù Israel có thể gây thiệt hại đáng kể cho Hezbollah ở miền Nam Liban, nhưng cũng không giúp Tel Aviv đạt được lợi ích an ninh lâu dài.
Trước đây, Hezbollah không phải là một đối thủ dễ dàng bị đánh bại. Đến nay, nhóm này còn được trang bị tốt hơn và đã rút ra nhiều bài học từ các cuộc chiến trước đây, đặc biệt là trong việc phòng thủ và chiến đấu trường kỳ.
Trong tình hình hiện tại, nếu Israel tiếp tục theo đuổi chiến lược quân sự tại Liban mà không tính đến những thất bại trong quá khứ, họ có thể một lần nữa đối mặt với tổn thất nghiêm trọng mà không đạt được mục tiêu cuối cùng.
Các nhà quan sát nhận định, Israel cũng rút kinh nghiệm từ những thất bại trong lịch sử, chiến dịch mới nhất của Israel vào Liban nhiều khả năng giống với cuộc chiến chống Hamas ở Gaza.
Tại Gaza, quân đội Israel đã tiến hành các cuộc không kích và đột kích để phá hủy nhiều lực lượng chiến đấu, vũ khí và hệ thống đường hầm của Hamas nhiều nhất có thể, trong khi vẫn duy trì kiểm soát hai hành lang trên dải đất này.
Các quan chức Israel nói rằng mục tiêu cuối cùng của họ là đạt được thỏa thuận ngừng bắn, trong đó có điều kiện Hezbollah rút khỏi miền Nam Liban và giải trừ quân bị. Đồng thời, quân đội chính phủ Liban và lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc sẽ kiểm soát vùng đệm dọc biên giới nước này với Israel.
Các nhà phân tích cho rằng điều này sẽ giúp Israel thoát khỏi kịch bản phải đưa quân chiếm đóng lâu dài hoặc các cuộc tấn công không hồi kết ở Liban. Tuy nhiên, có những trở ngại đáng kể cho một thỏa thuận như vậy.
Vũng lầy tiềm tàng của một cuộc chiến với Hezbollah sẽ làm cạn kiệt nền kinh tế và quân đội của Israel. Ảo tưởng về vùng đệm sẽ chỉ kéo Israel vào một cuộc xung đột mà họ không thể giành chiến thắng trong thời gian dài. Hậu quả trực tiếp là nỗi đau khổ của người dân Liban và sự tàn phá phần lớn Liban.
Một vấn đề khác cản trở việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Liban là Israel sẽ đàm phán với ai. Việc Israel hạ sát thủ lĩnh Nasrallah cùng các chỉ huy cấp cao của Hezbollah đã khiến nhóm này rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Thỏa thuận ngừng bắn sẽ cần sự hiện diện của lãnh đạo Hezbollah, người mà các bên có thể tin tưởng. Nhưng Hashem Safieddine, người kế nhiệm tiềm năng của cố thủ lĩnh Nasrallah, nhiều khả năng cũng đã bị Israel hạ sát trong đòn không kích ở ngoại ô Beirut hôm 4/10.
Nhà nghiên cứu Ofer Fridman, Đại học King’s College London, Anh.
Theo các nhà phân tích, "chiến tranh luôn diễn biến rất khó lường. Bất kể kế hoạch của Israel ở Liban là gì, nó có thể vượt tầm kiểm soát của chính họ bất cứ lúc nào".
Hezbollah có còn khả năng chống đỡ?
Trong bối cảnh Israel đang tiến hành các cuộc tấn công trên bộ vào miền Nam Liban để tiêu diệt lực lượng Hezbollah, câu hỏi đang được đặt ra là nhóm vũ trang này có khả năng chống đỡ tới đâu khi đã bị suy yếu sau cái chết của một loạt lãnh đạo cấp cao, trong đó có thủ lĩnh tối cao Hassan Nasrallah.
Hàng loạt chỉ huy của Hezbollah đã thiệt mạng trong các cuộc không kích và trong loạt vụ nổ máy liên lạc ở Liban vào tháng trước. Hôm 27/9, Hassan Nasrallah, lãnh đạo cao nhất của Hezbollah trong 32 năm qua cũng bị sát hại trong một cuộc không kích của Israel vào Thủ đô Beirut của Liban. Mới đây, Hashem Safieddine, thủ lĩnh tiếp theo của Hezbollah được cho là đã thiệt mạng. Israel cũng tuyên bố đã tiêu diệt Suhail Hussein Husseini, chỉ huy trụ sở của Hezbollah, trong một cuộc tấn công vào Beirut ngày 8/10.
Theo đánh giá của giới phân tích, Hezbollah đã bị ảnh hưởng nặng nề trong ngắn hạn vì khoảng trống lãnh đạo. Các đòn tấn công tiêu diệt của Israel nhằm vào các mục tiêu ở Beirut đã bộc lộ rõ những điểm yếu của Hezbollah.
Israel không chỉ tấn công thành công vào các mục tiêu quân sự của Hezbollah mà còn xâm nhập sâu vào hệ thống tình báo của nhóm này, khiến Hezbollah ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mặc dù Hezbollah hành động như một đội quân nhưng họ không thể sánh được với Israel về hỏa lực, sức mạnh trên không, tình báo và công nghệ.
Cựu Thủ tướng Liban Fouad Siniora.
Theo tờ The Wall Street Journal, thủ lĩnh Nasrallah và Hezbollah đã mắc hai sai lầm chiến lược nghiêm trọng đó là đánh giá thấp khả năng của Israel và quá tự tin vào năng lực của các đồng minh trong khu vực. Những sai lầm chiến lược này không chỉ làm suy yếu Hezbollah mà còn khiến họ mất đi phần lớn sự kiểm soát và sự ủng hộ từ cộng đồng người Shiite tại Liban.
Còn hiện nay, Hezbollah đang rơi vào một tình thế cực kỳ khó khăn khi Israel bắt đầu một “cuộc đối đầu mới” quyết liệt hơn nhằm vào Hezbollah. Cuộc tấn công trên bộ vào Nam Liban là cho thấy Tel Aviv đang tung những đòn quyết định nhằm tiêu diệt bằng được nhóm vũ trang thù địch này. Tuy nhiên, có vẻ như Hezbollah đã có một số thay đổi về chiến thuật trong vài ngày qua.
Hôm 8/10, Hezbollah cho biết họ đã nhắm một số tên lửa vào căn cứ Glilot, vùng ngoại ô của Tel Aviv. Đây cũng là trụ sở của Mossad, Cơ quan tình báo của Israel.
Trước đó, ngày 7/10, Hezbollah đã bắn 135 tên lửa vào lãnh thổ Israel, trong đó có một số tên lửa Fadi 1, có sức mạnh yếu hơn một chút nhưng cũng là tên lửa tầm trung bắn vào thành phố cảng Haifa. Những tên lửa này đã vượt qua được hệ thống phòng thủ Vòm Sắt của Israel. Hezbollah được cho là đang sở hữu một kho vũ khí khổng lồ, bao gồm tên lửa và rocket, nhằm răn đe và ngăn chặn sự leo thang từ phía Israel.
Tờ Al Jazeera cho rằng, việc Hezbollah liên tục nhắm vào cơ sở hạ tầng quân sự của Israel gửi đi một thông điệp quan trọng. Hezbollah đã phải chịu một số tổn thất lớn trong vài tuần qua. Nhưng nhóm này muốn cho thấy rằng họ vẫn có khả năng và họ vẫn sẵn sàng hoạt động.
Phó lãnh đạo Hezbollah Naim Qassem cho biết trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 8/10 rằng, năng lực của nhóm này vẫn còn nguyên vẹn và các chiến binh của nhóm đang đẩy lùi các cuộc tấn công trên bộ của Israel.
Phó thủ lĩnh Hezbollah tuyên bố rằng chiến dịch trên bộ của Israel tại Liban đã thất bại. Sau nhiều ngày hoạt động bên trong Liban, lực lượng của Israel đã không thể tiến lên.
Israel ngày càng bị cô lập
Ngoài mặt trận Liban ra, những ngày gần đây, Israel lại liên tục thực hiện các cuộc không kích ở Dải Gaza, trong khi cũng phải chuẩn bị chống đỡ với các cuộc trả đũa bằng tên lửa từ Iran và nhóm Houthi ở Yemen. Việc Israel kéo dài cuộc chiến ở Dải Gaza và mở rộng các mặt trận khác ở Trung Đông đã khiến Israel dần kiệt sức và ngày càng bị cô lập ở khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Việc sa đà vào các cuộc chiến đã tác động trực tiếp đến nền kinh tế Israel. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's gần đây đã hạ triển vọng tín dụng của Israel từ "ổn định" xuống "tiêu cực", đồng thời duy trì triển vọng tiêu cực về kinh tế nước này trong bối cảnh xung đột Israel với nhóm Hezbollah leo thang. Moody’s cho biết nguyên nhân hạ bậc tín nhiệm này là rủi ro địa chính trị đã tăng đáng kể, lên mức rất cao, với những hậu quả tiêu cực đối với khả năng tín nhiệm của Israel trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Israel đã có mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng, tăng 14,1% trong quý đầu tiên của năm 2023, nhưng khi cuộc chiến tại Gaza nổ ra, dự báo tăng trưởng kinh tế nước này đã bị cắt giảm xuống còn khoảng 2%, giảm so với mức dự kiến là 3,5%.
Tình trạng bất ổn kéo dài hiện đang gây ra nguy cơ suy thoái đáng kể, gây căng thẳng cho các ngành chủ chốt của Israel. Cảng Eilat đã nộp đơn xin phá sản. Nền nông nghiệp trì trệ và ngành du lịch đã gần như đóng cửa. Trong khi đó, chi phí chiến tranh ngày càng tăng.
Trong bối cảnh đó, một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza vẫn mờ nhạt sau một năm xung đột, bất chấp nỗ lực ngoại giao của của Mỹ và các nước láng giềng cũng như các cuộc biểu tình ở nhiều nơi trên thế giới. Sự bình thường hóa quan hệ của Israel với các quốc gia Ả Rập trong khu vực đã bị gác lại, có lẽ là vô thời hạn. Các quốc gia Ả Rập ngày càng lên tiếng mạnh mẽ về giá trị đạo đức của cuộc chiến ở Gaza và những nguy cơ đối với sự ổn định của khu vực.
Các nhà lãnh đạo trong khu vực đã đưa ra cảnh báo rõ ràng rằng một cuộc chiến mới được mở ra, đặc biệt là khi cuộc chiến đầu tiên vẫn chưa được giải quyết, là quá liều lĩnh, dẫn đến sự gián đoạn kinh tế ngày càng gia tăng và làm suy yếu trật tự quốc tế.
Tuy nhiên, đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, đối đầu với Iran và nhóm vũ trang thuộc Trục Kháng chiến là cách để duy trì địa vị chính trị, cho dù phải đối diện nguy cơ chiến tranh khu vực.
Ông Netanyahu đã phải đối mặt với phong trào biểu tình lớn nhất trong lịch sử Israel khi đề xuất hạn chế quyền lực của Tòa án tối cao. Uy tín của ông cũng giảm sút vì những cáo buộc tham nhũng. Từ khi xung đột nổ ra, phong trào biểu tình phản đối thay đổi tư pháp biến thành phong trào đòi chính phủ hành động nhiều hơn để đưa các con tin mà Hamas vẫn giam giữ trở về nhà. Một số ý kiến cho rằng ông Netanyahu cố ý kéo dài xung đột vì tính toán chính trị của cá nhân. Chỉ khi tiêu diệt được lực lượng Hamas và đưa các con tin trở về nhà thì ông mới có thể lấy lại được uy tín trong nước.
Thực tế cho thấy chiến lược của Israel tại Gaza, và hiện đang lặp lại tại Liban khó có thể đem lại thành công lâu dài. Mặc dù bị bao vây, Hamas vẫn tiếp tục hoạt động. Còn tại Liban, Hezbollah dù thiếu vắng các thủ lĩnh vẫn tiếp tục là mối đe dọa với Israel. Các nhà quan sát nhận đinh, Israel sẽ phải thận trọng điều hướng cuộc xung đột này, bởi Iran hay những tổ chức như Hezbollah, Hamas được thúc đẩy bởi hệ tư tưởng và lịch sử đã cho thấy rằng không thể đánh bại một hệ tư tưởng chỉ bằng sức mạnh quân sự đơn thuần.
Trái với phản ứng gay gắt của chính giới Israel cùng nhiều quốc gia đồng minh, nhiều quốc gia khu vực đã yêu cầu các bên nghiêm túc tuân thủ lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu do Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành.
Ngay sau khi Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) ban bố lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người ở dải Gaza, giới chức Israel đã lập tức lên tiếng phản đối và chỉ trích gay gắt động thái của ICC.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xuất hiện trong một video, tuyên bố Moscow đã tấn công một cơ sở quân sự của Ukraine bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa siêu vượt âm tầm trung.
Thủ tướng Liban Najib Mikati cho biết quân đội nước này đang chuẩn bị tăng cường sự hiện diện quân sự ở miền Nam Liban, trong bối cảnh xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hezbollah và Israel chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Ứng viên cho vị trí Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, cựu Hạ nghị sỹ Matt Gaetz tuyên bố rút lui khỏi đề cử của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Trong thời gian rất ngắn, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã liên tiếp có những quyết sách làm thay đổi căn bản mức độ và phạm vi Mỹ can dự gián tiếp vào cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.
0