Thị trường hàng không toàn cầu phục hồi mạnh mẽ

Ngành vận tải hàng không toàn cầu đang phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng ấn tượng, dự báo doanh thu toàn ngành đạt gần 1.000 tỷ USD năm 2024.

Ngành hàng không thế giới tiến đến doanh thu nghìn tỷ USD

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) vừa nâng dự báo lợi nhuận cho năm 2024 và dự kiến các hãng hàng không sẽ kiếm được hơn 30,5 tỷ USD lợi nhuận nhờ doanh thu kỷ lục của toàn ngành đạt gần 1.000 tỷ USD.

IATA cho rằng kết quả dự kiến cho năm 2024 thể hiện một thành công lớn của ngành trước những tổn thất nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra. IATA gồm 320 hãng hàng không, chiếm 83% số chuyến bay trên toàn cầu.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) vừa nâng dự báo lợi nhuận cho năm 2024.

IATA đánh giá Bắc Mỹ vẫn là khu vực có lợi nhuận cao nhất, ở mức 14,9 tỷ USD, không thay đổi so với dự báo trước đó. Dự báo dựa trên cơ sở chi tiêu cho tiêu dùng của người dân Bắc Mỹ tăng cao bất chấp áp lực chi phí sinh hoạt.

Còn tại châu Á, IATA đã dự báo lợi nhuận ngành tăng hơn gấp ba lần vào năm nay, lên 2,2 tỷ USD, cho dù du lịch quốc tế ở Trung Quốc phục hồi chậm chạp.

Ông William Walsh, Tổng Giám đốc IATA, nhận định rằng sự phục hồi của ngành hàng không của đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) nhanh hơn và mạnh hơn dự kiến. Ông tin tưởng rằng ngành hàng không Hong Kong có thể phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch, sớm nhất là vào cuối năm nay và lạc quan về việc Hong Kong sẽ lấy lại được vị thế trung tâm hàng không quốc tế.

Sự phục hồi chậm chạp của các chuyến bay quốc tế từ Trung Quốc đại lục sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của Hong Kong với tư cách là một trung tâm trung chuyển.

Tại châu Á, IATA dự báo lợi nhuận ngành tăng hơn gấp ba lần, lên 2,2 tỷ USD.

Theo ông William Walsh, các chuyến bay thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ hiện chỉ bằng 20% so với mức trước dịch, nhưng nhu cầu thị trường vẫn tồn tại nên hành khách sẽ di chuyển đến hai nơi thông qua các trạm trung chuyển, đó thực sự là một cơ hội để thu lợi nhuận.

Tại Singapore, một điểm trung chuyển khác giữa châu Á và phương Tây, lượng hành khách tại sân bay Changi trong ba tháng đầu năm 2024 đạt 16,5 triệu lượt khách hàng, cao hơn mức năm 2019.

Còn sân bay quốc tế Dubai ghi nhận đông khách nhất từ trước đến nay trong ba tháng đầu năm 2024.

Còn sân bay quốc tế Dubai dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 91 triệu lượt khách trong năm 2024.

Đặc biệt ở châu Á, tôi nghĩ du lịch quốc tế vẫn đang phục hồi và nhu cầu vẫn mạnh mẽ. Vì vậy, tôi rất vui vì chúng tôi có thể cập nhật triển vọng của ngành vào năm 2024 và tăng lợi nhuận dự báo lên 30 tỷ USD.

Ông William Walsh - Tổng Giám đốc IATA.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế được thực hiện hai năm một lần, IATA cho biết ngành hàng không dự kiến đạt lợi nhuận ròng 30 tỷ USD trong năm nay, tăng so với ước tính trước đó là 25,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, tổng chi phí cũng đạt mức cao kỷ lục khi tăng 9,4%, lên 936 tỷ USD, vì vậy, tỷ suất lợi nhuận ròng chỉ đạt 3,1%. Có nghĩa là các hãng bay chỉ lãi hơn 6 USD một hành khách và lợi nhuận cao hơn không đáng kể so với con số 3% của năm 2023.

Nguyên nhân giá vé máy bay tăng

Du lịch phục hồi, các chuyến bay quốc tế tăng, nhiều người hy vọng giá vé máy bay sẽ giảm vào năm 2024, nhưng thực tế lại không phải như vậy.

Theo báo cáo xu hướng toàn cầu do FCM Consulting cung cấp, cuối năm 2023, giá vé máy bay quốc tế hạng phổ thông đã tăng 17% - 25% so với năm 2019. Dự báo giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng 3% - 7% trong năm 2024 và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.

Nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng trong hai, ba năm qua được cho là do các hãng hàng không phải trả các khoản nợ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giao thông chưa hoàn toàn hoạt động trở lại, thiếu nhân viên hoặc máy bay.

Dự báo giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng 3% - 7% trong năm 2024 và sẽ tiếp tục tăng trong những năm sau.

Khi nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không tăng trở lại, các hãng hàng không trên thế giới quyết định thay đổi chính sách giá vé. Từ việc chấp nhận thua lỗ để thu hút khách hàng, nhiều hãng bay hiện nay hướng tới vấn đề cân đối tài chính và tạo nguồn cho sự tăng trưởng, phát triển trở lại với mức giá dần cao hơn, đủ bù đắp chi phí vận hành.

Các công ty cố gắng hạn chế mức tăng nhiều nhất vào năm 2023 vì du lịch quay trở lại và họ muốn lấp đầy máy bay của mình. Vì vậy, một trong những yếu tố khiến giá tăng vào năm 2024 là các công ty đang thực hiện mức giá tăng cộng dồn của cả năm ngoái.

Guillaume Rostand - người phát ngôn của Công ty so sánh chuyến bay Liligo.

Bên cạnh đó, nhiều hãng bay phải chịu áp lực góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cũng như hướng tới cam kết Net Zero vào năm 2050. Những yêu cầu về chuyển đổi nhiên liệu, cắt giảm khí thải, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường làm tăng chi phí quản lý, vận hành của các hãng hàng không và đẩy giá vé lên cao.

Một nguyên nhân đáng chú ý khác đó là tình trạng thiếu hụt máy bay trên diện rộng xảy ra với các hãng hàng không trên thế giới.

Khởi nguồn cho việc thiếu hụt này là các vấn đề xảy ra với hai nhà sản xuất máy bay lớn nhất trên thế giới Airbus và Boeing. Airbus đang phải đối mặt  vấn đề nguồn cung, gây nghi ngờ về kế hoạch sản xuất trong nửa cuối năm.

Tình trạng thiếu hụt máy bay trên diện rộng xảy ra với các hãng hàng không trên thế giới.

Trong khi đó, Boeing đang sản xuất số lượng máy bay phản lực 737 MAX bán chạy nhất của hãng ít hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu, sau khi xảy ra vụ nổ bảng điều khiển trong quá trình bay hồi tháng 1/2024.

Giá vé máy bay tăng còn do các hãng bay đang đối mặt với chi phí tăng do xung đột địa chính trị tại một số quốc gia và khu vực làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng sản phẩm, vật tư, thiết bị ngành hàng không, làm kéo dài lịch trình bay. Thiếu nhân công, biến đổi khí hậu như bão lũ, cháy rừng cũng là nguyên nhân gây áp lực lên giá vé.

Trung Quốc thử nghiệm chuyến bay dùng nhiên liệu sinh học

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế đã đặt mục tiêu đến năm 2050, ngành hàng không sẽ đạt được phát thải ròng carbon bằng không. Nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để đạt mục tiêu này.

Trong năm 2023, Nghị viện châu Âu (EP) thông qua sáng kiến ReFuelEU tăng cường sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững nhằm xanh hóa ngành hàng không thế giới. Canada thông báo hỗ trợ 265 triệu USD cho ngành hàng không hướng tới việc loại bỏ hoàn toàn khí thải carbon.

Và mới đây Trung quốc cũng đã thử nghiệm thành công sử dụng nhiên liệu sinh học sản xuất trong nước, đánh dấu bước phát triển mới trong lĩnh vực công nghệ hàng không xanh của quốc gia này.

Trung Quốc thử nghiệm thành công sử dụng nhiên liệu sinh học sản xuất trong nước.

Cuộc thử nghiệm có sự tham gia của một máy bay phản lực ARJ21 cất cánh từ phía Đông thành phố Thượng Hải và một chiếc máy bay C919 khởi hành từ thành phố Đông Dinh của tỉnh Sơn Đông.

Sau hơn một giờ bay, hai máy bay đã hạ cánh thuận lợi. Chuyến bay thử nghiệm thành công đã đưa Trung Quốc trở thành một trong số ít các quốc gia có thể tự sản xuất được nhiên liệu sinh học cho máy bay.

Nhà máy của chúng tôi có thể sản xuất 100.000 tấn nhiêu liệu mỗi năm. Chuyến bay thử nghiệm của máy bay C919 sản xuất trong nước có ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc đẩy và ứng dụng nhiên liệu hàng không bền vững.

Ông Chen Yanbin - lãnh đạo Nhà máy lọc hóa chất Trấn Hải.

Nhiên liệu sinh học là nhiên liệu dựa trên các nguồn tài nguyên tái tạo, bao gồm dầu thực vật như dầu dừa, dầu cọ, dầu Chaulmoogra và dầu hạt lanh, dầu vi tảo, dầu ăn đã qua sử dụng và mỡ động vật.

Theo dữ liệu, mức tiêu thụ nhiên liệu hàng không của Trung Quốc là khoảng 30 triệu tấn vào năm 2023.

Nếu nước này thay thế hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch bằng nhiên liệu sinh học thì có thể làm giảm lượng khí thải carbon dioxide khoảng 55 triệu tấn mỗi năm, tương đương với việc trồng gần 500 triệu cây xanh hoặc sử dụng hơn 30 triệu ô tô điện di chuyển trên đường trong một năm.

Chuyến bay thử nghiệm thành công đã đưa Trung Quốc trở thành một trong số ít các quốc gia có thể tự sản xuất được nhiên liệu sinh học cho máy bay.

Theo tính toán, ngành hàng không cần tới 450 tỷ lít nhiên liệu hàng không bền vững vào năm 2050, cao gấp 750 lần sản lượng hiện có. Mới chỉ có 0,1% số chuyến bay toàn cầu sử dụng nhiên liệu này, do sản lượng thấp và chi phí sản xuất cao.

Hội đồng Quốc tế về Giao thông sạch ước tính giá vé máy bay sẽ phải tăng tới 22% vào năm 2050 mới đủ để trang trải chi phí cho quá trình khử carbon của ngành hàng không.

Dịch vụ bay hạng sang dành cho thú cưng

Khi thị trường hàng không phục hồi trở lại, các hãng hàng không cũng hướng tới việc đáp ứng những nhu cầu mới.

Bark, công ty chuyên cung cấp mọi dịch vụ dành cho chó cưng tại Mỹ, ra mắt “Bark Air", dịch vụ hàng không hạng sang dành riêng cho thú cưng. Hãng hy vọng trong tương lai, với thị trường gồm 65 triệu hộ gia đình và hàng trăm triệu người ở Mỹ, thì khách hàng là những thú cưng sẽ là một tiềm năng lớn cho hoạt động của Bark Air.

Bark Air đã khởi động chuyến bay đầu tiên dành cho những chú chó từ New York đến Los Angeles vào cuối tháng 5 vừa qua. Trên chuyến bay, chúng được tận hưởng dịch vụ sang trọng bao gồm phòng chờ ngập nắng, chứa đầy đồ ăn và đồ chơi, thủ tục nhanh chóng và dịch vụ spa.

“Bark Air", dịch vụ hàng không hạng sang dành riêng cho thú cưng.

Trước mắt, hãng bay này cung cấp các lộ trình có sẵn, bao gồm các chuyến bay từ New York, Los Angeles của Mỹ đến London của Anh. Nhờ hợp tác thuê máy bay của một hãng hàng không được xếp hạng bạch kim của Argus - tổ chức xếp hạng an toàn bay, Bark Air có thể đảm bảo an toàn cho những chuyến bay.

Các khách hàng thú cưng sẽ được đưa đến một nhà ga riêng biệt, được thiết lập giống như một địa điểm đón rước. Tại đó, chúng có thể ăn, uống nhẹ. Sau khi lên máy bay, chúng sẽ tận hưởng sự chăm sóc tốt nhất.

Và tất nhiên mức giá hiện tại không phải ai cũng có khả năng chi trả. Giá vé chuyến bay một chiều từ New York đến Los Angeles dành cho một chú chó và một chủ nhân đi cùng là 6.000 USD (hơn 150 triệu đồng), và 8.000 USD (200 triệu) cho chuyến bay một chiều từ New York tới London.

Theo quy định của Bark Air, hành khách từ 18 tuổi trở lên mới đủ điều kiện để bay. Mặc dù máy bay của hãng được thiết kế để chứa được 14 thú cưng và chủ nhân của chúng, nhưng Bark Air cho biết sẽ không bán quá 10 vé nhằm đảm bảo hành khách và thú cưng của mình có được nhiều không gian hơn để sinh hoạt thoải mái trên chuyến bay.

Nhiều gia đình sẵn sàng chi các khoản tiền lớn để giúp thành viên bốn chân trong gia đình họ khỏe mạnh và hạnh phúc.

Bark Air đã nhận được hơn 15.000 yêu cầu về điểm đến mới. Công ty hiện đang xem xét bổ sung các chuyến bay đến Paris, Milan, Chicago, Seattle và các điểm đến theo mùa ở Florida và Arizona.

Tại Mỹ, tăng trưởng thị trường thú cưng trị giá 137 tỷ USD đang bùng nổ, khi ngày càng nhiều gia đình sẵn sàng chi các khoản tiền lớn để giúp thành viên bốn chân trong gia đình họ khỏe mạnh và hạnh phúc. Dịch vụ bay hạng sang dành cho thú cưng là một cơ hội tiềm năng đối với ngành hàng không.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Từ trước khi Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình Ukraine diễn ra tại Thuỵ Sĩ, các nhà phân tích đã dự đoán rằng hội nghị này dường như không đạt được các mục tiêu đã nêu, cả về mặt đại diện tham dự và việc phát triển chương trình nghị sự thống nhất mà Kiev muốn thúc đẩy, khi không có sự tham gia của Nga.

Sau gần 25 năm cầm quyền, Tổng thống Vladimir Putin đã cho thấy tài năng của một trong những nhà lãnh đạo thành công nhất lịch sử nước Nga. Ông đã mở ra một kỷ nguyên phát triển mới ở Nga, đưa đất nước từ chỗ đang lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện sau khi Liên Xô tan rã, trở lại thành cường quốc hàng đầu thế giới.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo nhiều khả năng năm 2024 sẽ là một năm nắng nóng kỷ lục tiếp theo, phá vỡ kỷ lục về nắng nóng của năm 2023.

Tình trạng đầu cơ bất động sản đã và đang diễn ra ở nhiều thành phố lớn trên thế giới, không chỉ gây ảnh hưởng đến giá bất động sản trên thị trường mà còn khiến người thu nhập thấp không thể mua nổi nhà.

Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình Ukraine tổ chức tại Thụy Sỹ đang có nguy cơ thất bại khi không có sự tham gia của nguyên thủ một số nước quan trọng như Mỹ, Trung Quốc và đặc biệt là Nga.

Sau khi thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố giải tán Quốc hội để tổ chức tổng tuyển cử sớm, gây choáng váng cho cả chính trường Pháp và châu Âu.