Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển kinh tế
Thiếu hụt lao động - vấn đề thách thức ở nhiều nước
Tại nhiều nước châu Âu, tình trạng "Chủ cần thợ, việc cần người" đang ngày càng trở nên phổ biến. Theo số liệu thống kê, Italy hiện có khoảng 1 triệu công việc đang cần người, những lao động chuyên ngành dược, sinh học và bác sĩ ngày càng khan hiếm.
Tại Đức, hơn 50% số công ty của nước này cũng phải “loay hoay” với bài toán tuyển dụng. Nhiều dự án trọng điểm, từ chuyển đổi năng lượng, mở rộng hệ thống giao thông, phát triển xe điện, xây dựng nhà ở cho tới cải thiện hệ thống y tế, chăm sóc trẻ em... có nguy cơ không thể hoàn thành vì thiếu lao động. Khu vực công của Ðức cũng phải vật lộn trước tình cảnh khối lượng công việc quá lớn trong khi không đủ nhân viên, nhất là tại các văn phòng đăng ký công dân, cơ quan thuế, văn phòng nhập cư, trường học, sở cảnh sát...
Từ Pháp, tới Ba Lan hay Rumani… số lượng chỗ làm trống cần tuyển người cứ năm sau lại cao hơn năm trước, trong hầu hết mọi ngành nghề.
Ông Olivier Cothenet, chủ một cửa hàng bánh ở Pháp cho biết: “Hiện nay, thật khó để tuyển dụng được lao động có tay nghề, đáng tin cậy, và nhiệt tình trong công việc. Làm thợ bánh có nghĩa là phải dậy sớm mỗi sáng, làm việc chăm chỉ, khối lượng công việc nhiều. Chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc tìm được những lao động có tay nghề và yêu nghề.”
Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), hơn 75% các công ty ở các nước thành viên Liên minh châu (EU) đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các chuyên gia có kỹ năng cần thiết, đe dọa cản trở tăng trưởng kinh tế. Không những vậy, sự thiếu hụt nhân sự trong các lĩnh vực quan trọng như quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các mục tiêu chung trong chiến lược công nghiệp của EU.
Tại khu vực Bắc Mỹ, chi phí sinh hoạt cao buộc một bộ phận người nhập cư mới đến Canada phải quay trở lại quê hương hoặc đi tìm việc làm ở một quốc gia khác. Xu hướng “di cư ngược” này đang tăng trong thời gian gần đây khiến quốc gia này gặp khó khăn về nguồn lao động.
Ông Myo Maung, một người nhập cư Canada lo lắng về việc nghỉ hưu khi già đi vì chi phí sinh hoạt ở Canada hiện nay rất cao. Vì vậy, ông sẽ phải xem xét các cơ hội nghỉ hưu ở các quốc gia khác.
Dữ liệu chính thức cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, khoảng 42.000 người nhập cư đã rời Canada, tăng gần 8.000 người so với nửa đầu năm 2021. Người nhập cư hiện chiếm 75% mức tăng trưởng dân số của Canada. Nước này dự kiến cần tiếp nhận hàng chục nghìn người nhập cư mỗi năm cho đến năm 2025 để giải quyết thiếu hụt lao động.
Ông Daniel Bernhard, Giám đốc điều hành Viện công dân Canada nhấn mạnh: “Nhiều người Canada vẫn chưa nhận ra rằng chúng tôi cần người nhập cư hơn là người nhập cư cần chúng tôi. Đây là tham vọng và sự sống còn của đất nước.”
Trong khi đó, tại khu vực châu Á, tình trạng thiếu lao động ở Nhật Bản được dự báo sẽ nghiêm trọng hơn trong nhiều thập kỷ tới, khi số người trên 75 tuổi, chiếm 16,1% dân số, đã lần đầu vượt mốc 20 triệu người. Viện nghiên cứu Recruit Works dự báo, Nhật Bản có thể thiếu hơn 10 triệu lao động vào năm 2040, chủ yếu là do tỷ lệ sinh giảm cùng tình trạng già hóa dân số. Các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như chăm sóc điều dưỡng và xây dựng sẽ gặp khó khăn.
Nước láng giềng Hàn Quốc cũng “lao đao” vì thiếu hụt lao động, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất. Giới chuyên gia Hàn Quốc phân tích rằng, lý do là người dân xứ sở kim chi tránh những công việc lao động tay chân, khó và nguy hiểm. Chính phủ Hàn Quốc đã có các biện pháp thu hút lao động nhập cư thông qua các chương trình như thực tập sinh năm 1993 và thị thực lao động năm 2003. Tuy nhiên, tình trạng thiếu lao động vẫn không có dấu hiệu cải thiện, nhất là ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Lao động nhập cư - giải pháp cho bài toán thiếu hụt nhân lực
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), lao động nhập cư đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, gia tăng thu nhập quốc gia và góp phần bù đắp thiếu hụt lao động. Trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng ở hàng loạt nền kinh tế phát triển, cuộc đua thu hút lao động nhập cư được dự báo sẽ ngày càng khốc liệt. Nhiều giải pháp đã và đang được nhiều quốc gia áp dụng để thu hút thêm lao động lành nghề từ nước ngoài, từ tăng mạnh hạn ngạch nhập cư, nới lỏng các hạn chế về thị thực, cho đến các chính sách ưu đãi về nhà ở.
Là một trong những nước phụ thuộc chủ yếu vào lao động nhập cư, Đức luôn đi đầu trong các chính sách thu hút lực lượng lao động từ khắp nơi trên thế giới. Bắt đầu từ tháng 11 vừa qua, những thay đổi đầu tiên trong “Luật nhập cư sửa đổi," được Quốc hội Đức thông qua vào mùa Hè, nhằm thu hút những lao động có tay nghề từ các quốc gia ngoài Liên minh châu Âu (EU), bắt đầu có hiệu lực.
Theo quy định mới, chính sách nhập cư sẽ dựa trên hệ thống tính điểm với 5 tiêu chí: năng lực chuyên môn, trình độ tiếng Đức, kinh nghiệm nghề nghiệp, các mối liên hệ với nước Đức và độ tuổi. Nếu tổng số điểm của lao động đạt trên 6 thì họ sẽ được cấp “Thẻ xanh EU” (hay còn là giấy phép cư trú tạm thời) mà không cần phải đáp ứng tất cả 5 tiêu chí. Các tiêu chí đối với thị thực làm việc cũng được hạ thấp, trong khi quyền lợi cho người lao động nhập cư được tăng lên.
"Luật mới đưa ra một số thay đổi quan trọng, như mở rộng việc công nhận bằng cấp nước ngoài. Kinh nghiệm làm việc sẽ đóng một vai trò lớn hơn. Bên cạnh đó, những người nhập cư cũng sẽ được phép tới Đức tìm việc nếu đáp ứng được các tiêu chí trong hệ thống chấm điểm” - Chuyên gia Herbert Brucker, Viện nghiên cứu việc làm Đức chia sẻ.
Với Luật nhập cư mới của Đức, Bộ Nội vụ nước này ước tính có thể thu hút ít nhất 60.000 lao động lành nghề từ các nước ngoài EU mỗi năm.
Tại Nhật Bản, chính phủ nước này đang xem xét một hệ thống mới, đơn giản hơn để cấp thị thực tay nghề cao cho lao động nước ngoài. Những ứng viên có số điểm vượt mức nhất định theo hệ thống tính điểm dựa trên học vấn, thời gian làm việc, thu nhập, sẽ được cấp thị thực tay nghề cao với thời hạn 5 năm và có thể nhận thị thực với thời gian lưu trú không giới hạn chỉ sau 3 năm. Trước đó, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra các chính sách mới như cho phép những người có mức lương cao nộp đơn xin định cư sau một năm làm việc tại Nhật Bản, cho phép sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học ưu tú được lưu trú thêm hai năm để tìm việc làm.
Hàn Quốc cũng tham gia vào cuộc đua thu hút nhân tài bằng cách tăng số lượng thị thực cho lao động nước ngoài có kỹ năng từ mức 2.000 vào năm 2022 lên 35.000 chỉ tiêu trong năm nay. Con số này tương đương mức tăng gấp 17 lần.
Trong khi đó, Australia mới đây cũng công bố kế hoạch cải tổ hệ thống quản lý di cư để tăng tốc độ tiếp cận của những lao động có tay nghề cao và tạo điều kiện thuận lợi để nhóm đối tượng này có thể cư trú lâu dài.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese khẳng định: “Chúng tôi có kế hoạch cải cách hệ thống di cư để đảm bảo Australia có được những công nhân lành nghề mà chúng tôi cần, đồng thời chấm dứt mọi hành vi lạm dụng và sai trái.”
Theo chính sách mới, thị thực chuyên gia dành cho những lao động có tay nghề cao sẽ được xử lý trong vòng một tuần nhằm giúp doanh nghiệp trong nước cạnh tranh tuyển dụng lao động với các nền kinh tế phát triển khác.
Trước đó, Australia đã tăng mức trần lương của người lao động nhập cư lành nghề từ mức 35.600 USD/ năm lên 46.300 USD/năm. Ngoài ra, Canberra cũng tăng tiếp nhận diện di cư lâu dài lên 195.000 người trong tài khóa 2023, để giúp các doanh nghiệp ứng phó với sự thiếu hụt lao động.
Theo các chuyên gia, việc các nước ban hành các chính sách nhập cư thông thoáng hơn góp phần tạo nên các dòng di cư an toàn và có trật tự hơn. Bên cạnh đó, việc quan tâm, bảo vệ toàn diện các quyền cơ bản của người nhập cư cùng các điều kiện đãi ngộ tốt cũng là những yếu tố then chốt giúp thu hút các lao động từ nước ngoài.
Cùng với việc tăng nguồn lao động nhập cư lành nghề, các nhà phân tích còn đề xuất một số giải pháp khác để giảm áp lực cho thị trường lao động như giảm trợ cấp thất nghiệp và thời gian được hưởng trợ cấp, nhằm tạo sức ép buộc những người thất nghiệp phải tìm kiếm công việc phù hợp.
Vương quốc Bỉ đang xem xét giới hạn trợ cấp thất nghiệp chỉ còn tối đa 2 năm, trong khi Estonia có kế hoạch cắt giảm khoản ngân sách 130 triệu Euro dành cho hỗ trợ thất nghiệp, từ năm 2025 đến năm 2027.
Ngoài ra, một số quốc gia còn đề xuất nâng hoặc thậm chí loại bỏ hoàn toàn tuổi nghỉ hưu, cho phép các doanh nghiệp tuyển dụng lại những người về hưu bằng cách tạo cơ sở pháp lý hoặc cung cấp các lợi ích. Đây cũng được xem là xu hướng mới khi tuổi thọ tăng và phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Người tài xế phá vỡ định kiến về lao động nhập cư
Với những người tị nạn từ châu Phi, vượt qua một chặng đường đầy nguy hiểm, nếu thuận lợi, họ sẽ đặt chân được đến châu Âu và may mắn hơn nữa là được chấp nhận đơn xin tị nạn.
Tuy nhiên, trải qua một hành trình gian nan, họ còn phải tìm cách dần hòa nhập với cộng đồng địa phương. Rất nhiều người đã tìm được hướng đi cho mình, không chỉ trở thành một phần của cộng đồng mới, mà họ còn trở thành những người truyền cảm hứng trong xã hội.
Câu chuyện về người tị nạn Madou Koulibaly, đến từ Guinea và hành trình trở thành một tài xế xe buýt ở Florence, Italia là một trong số đó. Hành trình phi thường vượt sa mạc và biển cả để trở thành một tài xế nhập cư, được đào tạo bài bản, không chỉ phá vỡ những định kiến và khuôn mẫu về đóng góp của người lao động nhập cư, mà còn cho thấy những mâu thuẫn trong cách tiếp cận vấn đề di cư của Italy trong bối cảnh nhu cầu cấp thiết về lực lượng lao động trẻ.
Mồ côi cha từ khi còn nhỏ, anh Koulibaly rời Guinea vào năm 2018 với ước mơ được đi học và có thể phụ giúp tài chính cho mẹ và các anh chị em. Anh Koulibaly vượt qua Mali, Algeria, Maroc và Libya, cập bến bờ biển Italy sau khi được cứu khỏi một chiếc thuyền ở Địa Trung Hải cùng với 161 người di cư khác.
5 năm sau, anh Koulibaly bất ngờ trở nên nổi tiếng khi là tài xế đầu tiên được tuyển dụng sau khi công ty xe buýt địa phương mở lớp học đào tạo cho người di cư và người xin tị nạn.
Ông Aessandro Stocchi, Giám đốc nhân sự Công ty xe buýt Autolinee Toscane ở Italy cho biết: “Chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi đang gặp khó khăn lớn trong việc tìm kiếm nhân viên có giấy phép và chứng chỉ cần thiết vì nghề tài xế xe buýt không còn là nguyện vọng của người lao động nữa, đặc biệt là vì chi phí để có được bằng cấp. Do đó, chúng tôi quyết định tự mình đào tạo nhân viên."
Câu chuyện của anh Koulibaly đã phơi bày một mâu thuẫn ở Italy, khi chính phủ cánh hữu do Thủ tướng Giorgia Meloni lãnh đạo giành được quyền lực vào năm 2022, nhờ những lời hứa sẽ cứng rắn hơn đối với tình trạng di cư không được kiểm soát. Tuy nhiên, một đất nước với dân số già đang rất cần lao động trẻ.
Theo hãng tin Reuters, Thủ tướng Meloni đã đi theo con đường kép, một mặt kêu gọi siết chặt các hoạt động của các tàu cứu hộ người di cư ở Địa Trung Hải, mặt khác lại tăng hạn ngạch nhập cảnh đối với các lao động nước ngoài, để đối phó với tình trạng suy giảm dân số và thiếu nhân công nghiêm trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng, du lịch và nông nghiệp.
Được biết, Italy đã nâng hạn ngạch cấp thị thực lao động cho công dân ngoài EU lên 452.000 người trong giai đoạn 2023-2025, tăng gần 150% so với 3 năm trước đó. Hạn ngạch năm nay là 136.000 người, mức cao nhất kể từ năm 2008.
Một số nhà tuyển dụng thừa nhận, nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt lao động một phần là do điều kiện làm việc không hấp dẫn, bao gồm cả mức lương thấp. Italy hiện là quốc gia duy nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có mức lương điều chỉnh theo lạm phát - giảm trong 30 năm qua.
Thiếu hụt lao động, đặc biệt là các lao động lành nghề đang trở thành vấn đề nhức nhối đối với các nền kinh tế lớn trong bối cảnh dân số già và tỷ lệ sinh giảm. Do đó, để không lỡ nhịp phục hồi và phát triển, giới phân tích khuyến cáo chính phủ các nước cần vạch chiến lược toàn diện, linh hoạt trong tiếp nhận, tuyển dụng và đào tạo người lao động, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm giảm bớt áp lực về nhân sự.
Khi cuộc chiến Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ 4, nhóm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa ra ba kịch bản để giải quyết cuộc xung đột khi ông chuẩn bị trở lại Nhà Trắng.
TikTok có thể xem là một trong những ứng dụng "xấu số" nhất thế giới. Dù có lượng người dùng đông đảo, ứng dụng này cũng đang bị cấm tại rất nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều lý do khác nhau.
Sáng 17/12, một thiết bị nổ được cài trong một chiếc xe scooter điện đã phát nổ gần lối vào của một tòa dân cư trên Đại lộ Ryazansky ở Moscow, vào đúng thời điểm người đứng đầu Lực lượng Phòng chống Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của quân đội Nga Igor Kirillov cùng trợ lý của ông đi ngang qua, khiến hai người thiệt mạng.
Theo các nguồn tin Ukraine, tính đến tháng 11 năm nay, ít nhất 18 tướng, một đô đốc Nga đã thiệt mạng. Tuy nhiên, phía Nga mới xác nhận 8 trường hợp, và thêm trường hợp mới nhất là Trung tướng Igor Kirillov.
Ở tuổi 73, ông Francois Bayrou trở thành thủ tướng thứ 4 của nước Pháp chỉ trong vòng một năm. Ông sẽ đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua và vực dậy nền kinh tế.
Israel đã tận dụng khoảng trống quyền lực ở Syria để ném bom các mục tiêu trên khắp đất nước nước này. Israel tuyên bố chiến dịch quân sự của họ ở Syria chỉ là “biện pháp tạm thời” để đảm bảo an ninh quốc gia, ngăn vũ khí của Syria rơi vào tay những kẻ cực đoan.
0