Thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hezbollah: Hy vọng về hòa bình
Thỏa thuận ngừng bắn đạt được trong khó khăn
Thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ 4h00 ngày 27/11 theo giờ địa phương (tức là 9h00 cùng ngày theo giờ Việt Nam). Thỏa thuận này là kết quả cho những nỗ lực trung gian của Mỹ và Pháp thời gian qua.
Các quan chức cho biết, thỏa thuận ngừng bắn đạt được trên cơ sở Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh toàn diện cuối cùng giữa Israel và Liban vào năm 2006.
Thỏa thuận ngừng bắn yêu cầu quân đội Israel rút khỏi miền Nam Liban, trong khi Hezbollah sẽ rút lui khoảng 40 km khỏi biên giới, chấm dứt sự hiện diện vũ trang dọc biên giới phía Nam sông Litani. Quân đội Liban cùng với lực lượng hòa bình Liên hợp quốc sẽ triển khai trong khu vực để giám sát các hoạt động của Hezbollah ở biên giới. Một ủy ban quốc tế do Mỹ đứng đầu sẽ giám sát việc tuân thủ của tất cả các bên.
Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 26/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Israel và Liban đã chấp thuận đề xuất của Washington về lệnh ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hezbollah.
Cuộc giao tranh trên biên giới Liban - Israel sẽ kết thúc. Điều này được thiết kế để chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch. Trong 60 ngày tới, quân đội Liban và lực lượng an ninh Nhà nước sẽ triển khai và kiểm soát lại lãnh thổ của họ một lần nữa. Cơ sở hạ tầng của Hezbollah ở miền Nam Liban sẽ không được phép xây dựng lại. Và trong 60 ngày tới, Israel sẽ dần rút quân và dân thường còn lại. Dân thường ở cả hai bên sẽ sớm có thể trở về cộng đồng của họ một cách an toàn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Ngoại trưởng Mỹ, ông Antony Blinken cũng cho biết, lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah ghi nhận nỗ lực ngoại giao căng thẳng của Mỹ và các đối tác như Pháp, cũng như sự phối hợp với Israel và Liban trong nhiều tháng qua. Theo ông Blinken, lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong việc cứu sống và bảo vệ sinh kế ở Liban và Israel, đồng thời sẽ tạo ra những điều kiện để người dân có thể trở về nhà an toàn tại miền Bắc Israel và miền Nam Liban.
Về phía Israel, văn phòng của Thủ tướng Benjamin Netanyahu thông báo, 10 bộ trưởng trong nội các nước này đã bỏ phiếu thuận và chỉ có một người bỏ phiếu chống đối với thỏa thuận do Mỹ và Pháp làm trung gian. Ông Netanyahu cho biết Israel sẽ thực thi thỏa thuận này.
Một thỏa thuận tốt là một thỏa thuận được thực thi và chúng tôi sẽ thực thi. Chúng tôi sẽ thiết lập an ninh, chúng tôi sẽ phục hồi miền Bắc và tiếp tục đoàn kết cho đến khi chiến thắng.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Về phần mình, Thủ tướng Liban Najib Mikati nói rằng, lệnh ngừng bắn là "bước cơ bản" để khôi phục ổn định. Ông cảm ơn sự hỗ trợ của Pháp và Mỹ, đồng thời cam kết chính phủ Liban sẽ "tăng cường sự hiện diện của quân đội ở miền Nam". Ngoại trưởng Liban Abdallah Bou Habib cũng tuyên bố nước này sẵn sàng triển khai ít nhất 5.000 binh sĩ ở miền Nam Liban sau khi lực lượng Israel rút lui.
Trong khi đó, Mahmoud Qamati, Phó Chủ tịch Hội đồng chính trị của Hezbollah cho biết, sự ủng hộ của nhóm này đối với thỏa thuận phụ thuộc vào việc Israel có tiếp tục các cuộc tấn công hay không. Ông Qamati nói với tờ Qatar Al Jazeera rằng: “Sau khi xem xét thỏa thuận do chính phủ đối phương ký kết, chúng tôi sẽ xem liệu có sự phù hợp giữa những gì chúng tôi tuyên bố và những gì các quan chức Liban đã đồng ý hay không. Tất nhiên, chúng tôi muốn chấm dứt hành động xâm lược, nhưng không phải bằng cách đánh đổi chủ quyền của Nhà nước Liban”.
Sau khi Israel và Liban cho biết đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hezbollah, Tổng thống Pháp đã có bài phát biểu nhấn mạnh ý nghĩa của thỏa thuận này.
Thỏa thuận này mở ra một chương mới cho Liban. Việc ngừng giao tranh tạo cơ hội cho người dân Liban bắt đầu quá trình phục hồi lâu dài của đất nước, với sự hỗ trợ của các đối tác. Họ cần phải nắm bắt cơ hội này một cách khẩn trương và kiên quyết. Khi đó là trách nhiệm của chính quyền Liban và tất cả những người có vai trò chính trị quan trọng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Lãnh đạo các nước khác như Anh, Australia khẳng định lệnh ngừng bắn là "giải pháp đáng ra phải có từ lâu" nhằm mang lại sự bình yên cho dân thường ở cả hai quốc gia, trong khi Ngoại trưởng Đức ca ngợi đây là thành công của ngoại giao.
Đại diện các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc hay Ủy ban châu Âu cũng hoan nghênh thỏa thuận và nhận định rằng nó sẽ giúp Liban tăng cường "an ninh và ổn định nội bộ".
Thỏa thuận này đạt được trong bối cảnh xung đột leo thang dữ dội trong những ngày gần đây khi Israel tăng cường các cuộc không kích vào các mục tiêu Hezbollah ở khu vực ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut, khiến nhiều dân thường thiệt mạng. Ngay trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, hôm 26/11, Israel vẫn tiến hành hàng chục cuộc không kích vào 20 địa điểm ở gần Beirut.
Căng thăng giữa Israel và Hezbollah nóng lên sau khi Hamas tấn công Israel hôm 7/10 năm ngoái. Hezbollah liên tục nã rocket vào Israel để bày tỏ sự ủng hộ với Hamas. Các cuộc giao tranh giữa hai bên tiếp diễn gần như hàng ngày. Cho đến hồi tháng 9, Israel gây ra hàng loạt vụ máy liên lạc của Hezbollah phát nổ và phát động một cuộc tấn công toàn diện vào nhiều khu vực ở Liban, nơi Hezbollah có ảnh hưởng đáng kể.
Thủ lĩnh Hezbollah là Nasrallah đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công lớn của Israel ở vùng ngoại ô phía Nam của Beirut, làm đảo lộn các cuộc đàm phán ngừng bắn. Một loạt các cuộc tấn công tiếp theo đã tàn phá các nhân vật hàng đầu của nhóm, khiến tổ chức này được cho là đã trở nên suy yếu.
Kể từ khi chiến sự bùng nổ vào cuối tháng 9 vừa qua, các cuộc không kích của Israel đã làm ít nhất 3.768 người Liban thiệt mạng, chủ yếu là dân thường ở các khu vực phía Nam. Israel cũng chịu tổn thất không nhỏ, với ít nhất 82 binh sĩ và 47 dân thường thiệt mạng. Căng thẳng không chỉ dừng lại ở biên giới Liban - Israel mà còn lan rộng sang các khu vực khác trong khu vực, đặc biệt là Syria, với những cuộc tấn công liên tiếp.
Thỏa thuận ngừng bắn có thể duy trì bao lâu?
Thỏa thuận ngừng bắn báo hiệu sự tạm dừng rất cần thiết cho hàng triệu dân thường Liban, cũng như cho dân thường Israel ở hai bên Đường Xanh (biên giới phía Nam Israel và Liban) được trở về nhà sau những ngày phải đi lánh nạn để tránh các cuộc không kích giữa hai bên. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi về việc liệu lệnh ngừng bắn này có thể duy trì được bao lâu khi mà Israel cho biết sẽ đáp trả bất cứ lúc nào nếu Hezbollah có hành động vi phạm thỏa thuận.
Thủ tướng Israel Netanyahu cho biết sẽ thực thi thỏa thuận, tuy nhiên, ông khẳng định phía Israel sẽ có hành động quân sự để đáp trả trong trường hợp thỏa thuận bị vi phạm.
Thời gian ngừng bắn phụ thuộc vào những gì xảy ra ở Liban. Với sự hợp tác toàn diện với Mỹ, chúng tôi vẫn giữ được quyền tự do hành động quân sự hoàn toàn. Nếu Hezbollah vi phạm thỏa thuận hoặc cố gắng tái vũ trang, chúng tôi sẽ tấn công.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Thêm vào đó, ông Netanyahu cho biết lý do ngừng bắn với Hezbollah, trong đó không đề cập đến dân thường ở Liban mà để tập trung ứng phó với các mối đe dọa khác.
"Có ba lý do chính: Lý do đầu tiên là tập trung vào mối đe dọa từ Iran. Lý do thứ hai là để lực lượng của chúng ta có thời gian nghỉ ngơi và bổ sung kho dự trữ. Và tôi nói thẳng thắn rằng không có gì bí mật khi đã có sự chậm trễ lớn trong việc giao vũ khí và đạn dược. Những sự chậm trễ này sẽ sớm được giải quyết. Lý do thứ ba là để tách các mặt trận và cô lập Hamas. Từ ngày thứ hai của cuộc chiến, Hamas đã trông cậy vào Hezbollah để chiến đấu bên cạnh mình. Khi Hezbollah không còn trong cuộc chiến, Hamas bị bỏ lại một mình, đơn độc trong cuộc chiến. Chúng ta sẽ tăng cường áp lực lên họ và điều đó sẽ giúp chúng ta thực hiện sứ mệnh thiêng liêng là giải thoát các con tin của mình" - Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết thêm.
Các nhà phân tích cho rằng, những lời tuyên bố của Thủ tướng Netanyahu có thể làm bùng nổ lại xung đột, gây nguy hiểm cho các nỗ lực ngoại giao do Mỹ hậu thuẫn.
Điều này cho thấy sự không chắc chắn của lệnh ngừng bắn giữa hai bên. Thực tế trong quá khứ, một lệnh ngừng bắn tương tự giữa Israel và Hezbollah vào năm 2006 đã bị vi phạm. Khi đó, Hezbollah cũng đồng ý rút quân về phía Bắc sông Litani, cách biên giới Israel - Liban khoảng 40 km tại điểm xa nhất. Tuy nhiên, Hezbollah đã vi phạm thỏa thuận khi xây dựng một cơ sở hạ tầng ngầm rộng lớn. Trong khi Israel cũng vi phạm thỏa thuận năm 2006 bằng cách thực hiện các chuyến bay gần như hàng ngày qua Liban. Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn này đã được duy trì trong gần hai thập kỷ.
Lần này, ông Netanyahu nhấn mạnh rằng “Israel sẽ duy trì quyền tự do hành động trong quá trình thực thi lệnh ngừng bắn”. Đây là một trong những bất đồng đã cản trở lệnh ngừng bắn giữa Israel và Liban, vì các quan chức Liban cho rằng điều đó sẽ vi phạm chủ quyền nước này. Tuy nhiên, để giải quyết bất đồng này, Mỹ đã soạn thảo một phụ lục của thỏa thuận, đảm bảo rằng Israel có quyền hành động bất cứ khi nào phát hiện.
Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Liban Jeanine Hennis - Plasschaert cảnh báo về những thách thức trong quá trình thực thi thỏa thuận này và cho rằng "Chỉ có cam kết toàn diện và không lay chuyển từ cả hai phía mới có thể đảm bảo lệnh ngừng bắn được thực hiện thành công”.
Thỏa thuận ngừng bắn này có tác động đến Gaza?
Thỏa thuận ngừng bắn đạt được giữa Israel và Liban làm dấy lên hy vọng về một lệnh ngừng bắn tương tự giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza. Các quốc gia trung gian kỳ vọng rằng thỏa thuận sẽ khiến Hamas phải xem xét lại chiến lược của mình. Cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng này là thả các con tin và chấm dứt giao tranh.
Các nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp hy vọng lệnh ngừng bắn này sẽ có tác động nhất định tới Hamas, để nhóm này đưa ra lựa chọn trong bối cảnh cuộc chiến giữa Israel và Hamas đã kéo dài hơn một năm qua.
Hamas đã từ chối đàm phán một cách thiện chí trong nhiều tháng về lệnh ngừng bắn và thỏa thuận con tin. Vì vậy, bây giờ, Hamas phải đưa ra lựa chọn. Cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng này là thả các con tin, bao gồm cả công dân Mỹ, mà họ đang giữ. Trong quá trình này, chấm dứt chiến tranh, điều này sẽ tạo điều kiện cho một đợt cứu trợ nhân đạo.
Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Tuy nhiên, theo một nhà phân tích khu vực, thỏa thuận giữa Hezbollah và Israel "không có ý nghĩa gì đối với Gaza".
Ông H.A Hellyer, nhà nghiên cứu an ninh tại Viện Royal United Services (RUSI) ở London cho hay: "Hoàn toàn không có sự tin cậy nào đối với ý kiến cho rằng lệnh ngừng bắn ở Liban có nghĩa là lệnh ngừng bắn ở Gaza cũng có khả năng xảy ra. Nói một cách thẳng thắn thì chỉ là châm ngòi ".
Ông Hellyer nói thêm rằng đã không có các cuộc đàm phán ngừng bắn đáng kể nào ở Gaza trong một thời gian dài.
Theo Bộ Y tế của vùng lãnh thổ này, hơn 44.000 người Palestine đã thiệt mạng ở Gaza kể từ khi cuộc chiến bắt đầu cách đây hơn một năm. Các quốc gia và tổ chức quốc tế đã nhiều lần kêu gọi Israel và Hamas tiến tới thỏa thuận ngừng bắn, với nỗ lực trung gian của các nước láng giềng, tuy nhiên, đến nay vẫn không có lệnh ngừng bắn nào được ký kết.
Trước đây, Hezbollah vẫn luôn khẳng định rằng họ tấn công vào Israel để ủng hộ Hamas. Hezbollah sẽ chỉ dừng các cuộc tấn công vào Israel khi Israel đồng ý ngừng giao tranh ở Gaza. Vì vậy, đến nay, việc Hezbollah đồng ý ngừng bắn làm dấy lên nghi ngại rằng nhóm này đã suy yếu và đầu hàng trước Israel.
Ngoài ra, Thủ tướng Netanyahu cho biết một trong ba mục đích của việc ngừng bắn này là để cô lập Hamas. Điều này cho thấy, Israel vẫn kiên trì với mục tiêu tiêu diệt đến cùng tổ chức này và giải cứu các con tin. Lệnh ngừng bắn ở Gaza sẽ chưa thể đạt được cho đến khi Israel hoàn thành mục tiêu đó và đưa các con tin trở về nhà.
Thỏa thuận ngừng bắn Israel và Hezbollah được coi là một bước tiến lớn trong việc giải quyết xung đột Israel và Hezbollah ở Liban và được coi là thành công ngoại giao của Mỹ. Dù vẫn còn những bất đồng giữa các bên về những hành động phản ứng nếu thỏa thuận bị vi phạm và dù thỏa thuận này chưa thể đem lại tác động thực chất đối với cuộc chiến tại Gaza, nhưng chắc chắn lợi ích đầu tiên mà thỏa thuận này mang lại sẽ là tạo điều kiện cho hàng triệu người dân ở hai bên biên giới Israel và Liban trở về nhà, điều mà cộng đồng quốc tế cùng hướng tới.
Các cuộc không kích của Israel trong ngày 2/1 trên khắp Dải Gaza đã khiến ít nhất 63 người Palestine thiệt mạng. Trong khi đó, Israel tiếp tục cử phái đoàn tới Qatar để đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin.
Ngày 3/1, đội ngũ luật sư của Tổng thống Yoon Suk Yeol đã phản đối việc thi hành lệnh bắt giữ Tổng thống Yoon và tuyên bố sẽ thực hiện hành động pháp lý đối với lệnh bắt giữ này. Luật sư của Tổng thống cho rằng việc các nhà điều tra thực hiện lệnh bắt giữ Tổng thống bị luận tội là "bất hợp pháp" và "không hợp lệ".
Sáng 3/1, nhiều hãng truyền thông đưa tin một nhóm điều tra viên Hàn Quốc thuộc cơ quan điều tra chống tham nhũng đã đến dinh thự tổng thống ở trung tâm Seoul để bắt giữ Tổng thống bị luận tội Yoon Suk Yeol.
Một chiếc máy bay nhỏ đã đâm vào một nhà kho thương mại gần sân bay thành phố Fullerton ở bang California, Mỹ, gây ra hỏa hoạn nghiêm trọng. Vụ việc khiến một người thiệt mạng và 15 người bị thương.
Sáng 3/1, nhiều hãng truyền thông đưa tin một nhóm điều tra viên Hàn Quốc thuộc cơ quan điều tra chống tham nhũng đã đến dinh thự tổng thống ở trung tâm Seoul để bắt giữ Tổng thống bị luận tội Yoon Suk-yeol.
Theo hãng tin RIA Novosti, lực lượng Houthi tại Yemen tuyên bố đã bắn rơi hai máy bay MQ-9 của Mỹ trong 72 giờ, nâng số UAV Reaper của Washington bị hạ tại Yemen trong hơn một năm qua lên 14 chiếc kể từ khi Houthi bắt đầu chiến dịch hỗ trợ Dải Gaza hồi cuối năm 2023.
0