‘Tiêu chuẩn kép’ của Mỹ, phương Tây trong các cuộc xung đột

Thời gian qua, xung đột ở Ukraine và Dải Gaza đã trở thành chủ đề gây tranh cãi trong giới chính trị toàn cầu. Những phản ứng có phần trái ngược của phương Tây với hai cuộc xung đột đã làm dấy lên nhiều chỉ trích rằng Mỹ và đồng minh đang áp dụng tiêu chuẩn kép ở hai điểm nóng trên thế giới.

"Tiêu chuẩn kép" của phương Tây

Phương Tây lâu nay vẫn tuyên bố họ là những người bảo vệ “trật tự dựa trên luật lệ”. Tuy nhiên, trong khi tại Ukraine, Mỹ và Liên minh châu Âu đứng về phía Kiev - bên bị tấn công, thì tại Dải Gaza, họ lại đứng về phía Israel - bên tấn công.

Ngay từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, châu Âu đã mở cửa chào đón hàng triệu người Ukraine lưu vong, thể hiện mức độ hiếu khách có thể khiến những người tị nạn từ Iraq, Syria và Afghanistan phải “bàng hoàng”.

Ngay từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, châu Âu đã mở cửa chào đón hàng triệu người Ukraine lưu vong.

Tuy nhiên, hàng trăm nghìn người muốn chạy trốn khỏi Gaza đã không được chào đón như vậy. Sau 44 ngày bị Israel ném bom, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới miễn cưỡng đồng ý tiếp nhận 50 trẻ em Palestine bị thương nếu điều đó hữu ích và cần thiết.

Washington và Brussels đã đáp trả việc Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine bằng cách áp đặt hàng loạt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Moscow, bao gồm lệnh cấm vận dầu mỏ, hạn chế thương mại và ngân hàng, đóng băng tài sản đối với các nhà tài phiệt, lệnh cấm phát sóng đối với đài Russia Today ở châu Âu. Lời kêu gọi tẩy chay được nhắm vào các vận động viên, nhạc sĩ, nhà làm phim và nhà văn Nga. Các cuộc triển lãm, các buổi hòa nhạc bị hủy bỏ. Tuy nhiên, không có phản ứng như vậy đối với Israel.

Trong khi phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine để tự vệ thì họ lại bán vũ khí cho Israel để nước này thực hiện các cuộc tấn công tại Gaza.

Sự thiên lệch vẫn chưa dừng lại tại đó. Trong khi phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine để tự vệ thì họ lại bán vũ khí cho Israel để nước này thực hiện các cuộc tấn công tại Gaza, đồng thời đe dọa trả đũa bất kỳ ai ủng hộ quân sự cho người Palestine.

Đặc biệt, các nước phương Tây đã im lặng khi Israel thực hiện các vụ đánh bom và phong tỏa khiến 1/3 số bệnh viện ở Gaza mất khả năng hoạt động. Tổng thống Mỹ Joe Biden từng lên án cuộc tấn công tại Bucha là tội diệt chủng nhưng đã nhiều lần từ chối kêu gọi ngừng bắn ở Gaza, nơi đến nay đã có hơn 33 nghìn người Palestine thiệt mạng.

Hoàng hậu Rania của Jordan trong cuộc trả lời phỏng vấn hôm 24/10/2023 đã cáo buộc phương Tây “tiêu chuẩn kép” khi không lên án những cuộc không kích của Israel khiến dân thường thiệt mạng ở Dải Gaza.

Người dân khắp Trung Đông, trong đó có Jordan, sốc và thất vọng trước phản ứng đối với thảm họa đang diễn ra. Trong vài tuần qua, chúng tôi đã chứng kiến cách hành xử tiêu chuẩn kép trắng trợn.

Bà Rania Al-Yassin - Hoàng hậu Jordan.

Để đáp trả chiến dịch đột kích của Hamas, Israel đã áp lệnh phong tỏa toàn diện Dải Gaza, cắt điện, nước, lương thực, nhiên liệu, không ngừng tiến hành các cuộc không kích, bắn phá và yêu cầu hơn 1,1 triệu người ở phía Bắc Gaza sơ tán tới miền Nam.

Israel đã áp lệnh phong tỏa toàn diện Dải Gaza, cắt điện, nước, lương thực, nhiên liệu, không ngừng tiến hành các cuộc không kích, bắn phá.

Hoàng hậu Rania cho rằng, đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, con người phải chịu nỗi thống khổ đến như vậy, nhưng thế giới thậm chí không kêu gọi ngừng bắn. Bà cũng khẳng định với nhiều người tại khu vực Trung Đông, sự im lặng của phương Tây đã khiến họ trở thành kẻ đồng lõa.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tại cuộc gặp các nhà lãnh đạo EU tại Brussels hôm 31/3 cho rằng con số thương vong đối với dân thường trong cuộc xung đột tại Gaza là chưa từng có kể từ khi ông nhậm chức. Ông cũng kêu gọi hòa bình ở Ukraine và ngừng bắn ở Gaza theo luật pháp quốc tế và nhân đạo, đồng thời cho biết không nên có “tiêu chuẩn kép” liên quan đến hai cuộc xung đột.

Một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, luật nhân đạo là bảo vệ dân thường. Chúng ta phải tuân thủ các nguyên tắc ở Ukraine cũng như ở Gaza, không nên có tiêu chuẩn kép.

Ông Antonio Guterres - Tổng thư ký Liên hợp quốc.

Sinh mạng của người Palestine bị coi rẻ?

"Tiêu chuẩn kép" và sự thiên vị của phương Tây đối với Israel mới đây còn tiếp tục được bộc lộ rõ hơn sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Israel khiến 7 nhân viên cứu trợ của Tổ chức phi chính phủ World Central Kitchen (WCK) thiệt mạng. Sau vụ tấn công này, Mỹ lần đầu tiên ra “tối hậu thư” kêu gọi Israel ngừng bắn ngay lập tức. Trước phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế, Israel đã thừa nhận sai lầm, đồng thời có những điều chỉnh trong chính sách tại Dải Gaza. Tuy nhiên, tất cả những điều ấy chỉ khiến dư luận đặt dấu hỏi liệu rằng có tồn tại sự phân biệt đối xử giữa các tình nguyện viên phương Tây và người dân Palestine? Và liệu có phải sinh mạng của hơn 33 nghìn người dân Gaza bị thiệt mạng, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em, kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 10 năm ngoái đã bị Israel và phương Tây coi rẻ?

Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Israel khiến 7 nhân viên cứu trợ của Tổ chức phi chính phủ World Central Kitchen (WCK) thiệt mạng.

Quân đội Israel thừa nhận lực lượng nước này tấn công đoàn xe của WCK vào lúc 22 giờ 09  phút (giờ địa phương) hôm 1/4, khi đoàn xe này đang di chuyển dọc theo bờ biển Gaza. Cuộc không kích bằng UAV đã khiến ba chiếc xe của WCK gần như bị phá hủy hoàn toàn, 7 nhân viên cứu trợ gồm 3 người Anh, một người Australia, một người Ba Lan, một người Mỹ gốc Canada và một tài xế người Palestine thiệt mạng

Cuộc tấn công đã vấp phải phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế. Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 4/4 đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, cảnh báo hỗ trợ của Washington sẽ phụ thuộc vào việc Tel Aviv nỗ lực bảo vệ nhân viên cứu trợ và dân thường đến đâu. Đây được cho là lần đầu tiên Tổng thống Biden nêu điều kiện đối với Israel kể từ khi xung đột ở Dải Gaza bùng phát đầu tháng 10 năm ngoái.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Về chính sách của chúng tôi ở Gaza, tôi chỉ nói điều này, nếu chúng tôi không thấy những thay đổi mà chúng tôi cần thấy, thì sẽ có những thay đổi trong chính sách của chúng tôi.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Bộ Quốc phòng Israel ngày 5/4 công bố kết quả điều tra, thừa nhận đòn tập kích nhằm vào đoàn xe cứu trợ là sai lầm nghiêm trọng bắt nguồn từ nhận dạng nhầm lẫn, sai sót trong quá trình ra quyết định và hành động trái với quy trình tác chiến tiêu chuẩn.

Quân đội Israel (IDF) đã cách chức một đại tá tham mưu trưởng lữ đoàn và một thiếu tá thuộc lữ đoàn yểm trợ hỏa lực, đồng thời khiển trách hàng loạt lãnh đạo cấp cao, trong đó có một tướng đứng đầu Bộ Tư lệnh miền Nam. Lực lượng này cũng khẳng định đã rút ra nhiều bài học từ vụ tập kích.

Trong 6 tháng qua, đã có vô số những quyết định tấn công của Israel nhằm vào các nhà báo, nhân viên y tế, những người mang cờ trắng, những người mất quê hương và trắng tay, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ Palestine.

Tuy vậy, thực tế xung đột hơn 6 tháng qua cho thấy liệu đã có bài học nào được rút ra sau vô số những quyết định tấn công của Israel nhằm vào các nhà báo, nhân viên y tế, những người mang cờ trắng, những người mất quê hương và trắng tay, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ Palestine?

Không có sự khác biệt nào giữa cuộc không kích nhằm vào đoàn xe cứu trợ của WCK và cuộc tấn công kéo dài hai tuần của Israel vào Bệnh viện Al-Shifa mới đây, khiến phần lớn cơ sở y tế này bị phá hủy. Các nhân viên của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc khi khảo sát khu phức hợp Bệnh viện Al Shifa đã miêu tả sự tàn phá giống như một "nghĩa địa".

Bệnh viện phải luôn là nơi an toàn, nơi được bảo vệ để chữa bệnh. Tuy nhiên, xung quanh tôi là sự tàn phá hoàn toàn. Al Shifa thực sự đã trở thành một nghĩa địa, vẫn còn những thi thể ở đây.

Ông Jonathan Whittall - Phó trưởng Văn phòng OCHA phụ trách các vùng lãnh thổ Palestine.

Thế giới có lẽ sẽ không bao giờ biết có bao nhiêu người đã thiệt mạng ở Al Shifa và bao nhiêu người trong số họ thực sự là các tay súng Hamas, nhưng rõ ràng nhiều người thiệt mạng là bệnh nhân và những người đang trú ẩn trong bệnh viện.

Liên hợp quốc cho biết đã có ít nhất 196 nhân viên nhân đạo thiệt mạng ở Gaza kể từ khi xung đột bắt đầu nổ ra cách đây 6 tháng. Đại đa số họ là người Palestine. Tuy nhiên, không có tiếng nói nào yêu cầu Israel ngừng bắn kể từ đó cho đến khi có công dân các nước phương Tây thiệt mạng.

Làm xấu hình ảnh của Israel trong mắt cộng đồng quốc tế

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã lấy làm tiếc về cái chết của các nhân viên cứu trợ quốc tế. Tại sao ông Netanyahu lại đột nhiên xin lỗi, và chính xác là về điều gì? Liệu có phải đó là bởi dòng máu ngoại quốc của các nhân viên cứu trợ phương Tây đáng quý hơn dòng máu “hạng hai” của người Palestine và chủng tộc của họ vượt trội hơn? Cho dù câu trả lời có như thế nào thì cuộc chiến kéo dài hơn 6 tháng qua tại Israel không chỉ gây thiệt hại khôn lường cho Dải Gaza và người dân nơi đây, mà còn có thể vĩnh viễn ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Israel và các đồng minh trong dư luận quốc tế.

Cuộc chiến kéo dài hơn 6 tháng qua tại Israel không chỉ gây thiệt hại khôn lường cho Dải Gaza và người dân nơi đây, mà còn có thể vĩnh viễn ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Israel và các đồng minh trong dư luận quốc tế.

Ông Dylan Williams, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề chính phủ tại Trung tâm Chính sách Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, cho rằng, trong 5 tháng rưỡi chiến tranh, Israel đã gây ra nhiều thiệt hại cho vị thế toàn cầu của mình hơn 5 thập kỷ rưỡi chiếm đóng trước đó.

Thay vì tận dụng sự cảm thông của thế giới sau cuộc đột kích của Hamas hôm 7 tháng 10, khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị bắt làm con tin, để tiến hành một chiến dịch quân sự và ngoại giao có mục tiêu với các cường quốc và các đối tác Ả Rập thì Israel lại chọn tàn phá Gaza bằng các cuộc bắn phá và bao vây bừa bãi.

Sự mất thiện chí đó đã vượt ra ngoài Israel, khi các nhà lập pháp ở các quốc gia được coi là đồng minh thân cận nhất của Israel đã bày tỏ lo ngại về tác động của cuộc chiến không chỉ đối với uy tín của Israel mà còn đối với chính họ.

Các nhà lập pháp ở các quốc gia được coi là đồng minh thân cận nhất của Israel đã bày tỏ lo ngại về tác động của cuộc chiến không chỉ đối với uy tín của Israel mà còn đối với chính họ.

Thượng Nghị sĩ Chris Van Hollen, một nhà lập pháp hàng đầu của Đảng Dân chủ trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nói với tờ TIME rằng sự ủng hộ kiên định của Washington dành cho Israel trong bối cảnh có những cáo buộc về tội ác chiến tranh có thể xảy ra đã dẫn tới những chỉ trích rộng rãi rằng Mỹ chỉ lựa chọn có chọn lọc để bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ quốc tế, như ở Ukraine chẳng hạn, nhưng không phải ở Gaza.

Chúng tôi biết rằng các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở Nam bán cầu, tin rằng Mỹ đang áp dụng tiêu chuẩn kép ở đây và điều đó rõ ràng có tác động đến vị thế của chúng tôi trên thế giới.

Ông Chris Van Hollen - Thượng Nghị sĩ Đảng Dân chủ Mỹ.

Còn tại Đức, Nghị sỹ Isabel Cademartori, người vào tháng 1 đã viết một lá thư cùng với hàng chục nhà lập pháp Đức, Canada và Mỹ kêu gọi ngừng bắn vĩnh viễn ở Gaza và hòa bình lâu dài giữa người Israel và người Palestine, cho rằng việc phương Tây không lên án những hành vi vi phạm rõ ràng luật nhân đạo quốc tế, hoặc tệ hơn nữa, bị coi là tích cực cung cấp và tài trợ cho Israel, có nguy cơ làm suy yếu lập trường đạo đức của phương Tây, đặc biệt khi nói đến việc thúc đẩy sự hỗ trợ lớn hơn cho Ukraine.

Vị thế quốc tế đang suy giảm của Israel đã có tác động rõ rệt. Thổ Nhĩ Kỳ ngày 9/4 đã quyết định hạn chế xuất khẩu nhiều loại sản phẩm sang Israel, để phản đối cuộc chiến ở Gaza. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu trước Quốc hội nước này vào ngày 15/11 cũng đã dành những ngôn từ gay gắt chỉ trích Israel.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu trước Quốc hội nước này vào ngày 15/11 cũng đã dành những ngôn từ gay gắt chỉ trích Israel.

Tháng trước, Chính phủ Canada đã tuyên bố ý định ngừng tất cả các chuyến hàng vũ khí trong tương lai tới Israel với lý do lo ngại về nhân quyền. Còn tại Mỹ, những lời kêu gọi cung cấp viện trợ quân sự có điều kiện cho Israel ngày càng lớn hơn, đặc biệt sau cuộc không kích chết người của Israel vào đoàn xe của WCK khiến 7 nhân viên cứu trợ thiệt mạng.

Trước những cảnh báo về “nạn diệt chủng” trong cuộc chiến đã kéo dài 6 tháng ở Gaza, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc mới đây đã thông qua dự thảo nghị quyết kêu gọi ngừng bán vũ khí cho Israel, đồng thời kêu gọi Tel Aviv phải chịu trách nhiệm về các tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người có thể xảy ra ở Dải Gaza.

Bất chấp sức ép từ cộng đồng quốc tế, Israel dường như vẫn quyết không từ bỏ mục tiêu tại Gaza, khi mới đây, Thủ tướng nước này Netanyahu tuyên bố đã ấn định ngày tấn công Rafah, thành phố nằm sát biên giới Ai Cập, được xem là nơi ẩn náu cuối cùng của dân thường Palestine phải tản cư vì cuộc chiến hơn nửa năm qua. Trong bối cảnh hiện nay, có lẽ vẫn còn một chặng đường dài để Israel và Palestine có thể chấm dứt hoàn toàn xung đột và đạt được lệnh ngừng bắn. Vào thời điểm quan trọng như vậy, việc tiếp tục thiên vị một bên và sử dụng vũ lực, chuyển giao vũ khí sẽ chỉ làm tình hình thêm rối ren, phức tạp. Chỉ có những giải pháp giúp giải quyết một cách toàn diện, công bằng và bền vững vấn đề Palestine mới có thể đem lại hoà bình lâu dài cho Trung Đông và an ninh toàn cầu.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Năm vừa qua, thế giới đã chi khoảng 2.440 tỷ USD cho mục đích quân sự, số tiền cao nhất từng có. Con số này tăng 6,8% so với năm 2022, tỷ lệ tăng cao nhất kể từ năm 2009. Theo đó, chi tiêu quân sự năm 2023 chiếm 2,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, tăng so với mức 2,2% của năm 2022. Có thể thấy, chừng nào những bất ổn về địa chính trị hiện nay chưa được giải quyết thì xu hướng tăng chi tiêu quốc phòng trên thế giới vẫn tiếp tục duy trì.

Châu Á sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong thương mại toàn cầu, đóng góp khoảng 45% vào tổng xuất khẩu của thế giới và hơn 80% vào nhập khẩu. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị và các chính sách không chắc chắn có thể cản trở sự phục hồi thương mại chung của thế giới trong hai năm tới.

Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua khoản viện trợ trị giá gần 61 tỷ USD cho Ukraine, với cuộc bỏ phiếu mang tính bước ngoặt tại Hạ viện hôm 20/3 và tại Thượng viện ngày 23/4, theo giờ địa phương. Liệu gói viện trợ của Mỹ có thể giúp Kiev xoay chuyển cục diện trên chiến trường hay chỉ làm xung đột kéo dài thêm?

Ông Trump bị cáo buộc làm giả hồ sơ để che đậy khoản thanh toán nhằm mua chuộc sự im lặng của một diễn viên phim người lớn về mối quan hệ với ông. Đây là phiên tòa đầu tiên mang tính lịch sử đối với một cựu tổng thống Mỹ và có thể là bước ngoặt đối với ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Chủ đề Ngày Trái đất năm 2024 là “Trái đất và nhựa” nhằm kêu gọi các quốc gia giảm 60% sản lượng tất cả các loại nhựa vào năm 2040, hướng đến chấm dứt việc sử dụng nhựa vì sức khỏe của con người và Trái đất.

Sau 20 năm lãnh đạo đất nước, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ từ nhiệm vào ngày 15/5/2024. Người kế nhiệm ông sẽ là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong. Đây là tiến trình chuyển giao lãnh đạo đã được lên kế hoạch từ lâu của Singapore, và được Thủ tướng Lý Hiển Long gọi là thời khắc quan trọng.